Cảm quan văn hóa trong sáng tác của sơn nam

Sơn Nam là nhà văn, nhà biên khảo của miền đất Nam Bộ. Hầu hết các tác phẩm từ văn chương đến biên khảo, ông đều đề cập đến sinh hoạt và văn hóa của người dân nơi đây. Bước chân nhà văn đi khắp hang cùng, ngõ hẻm của phố thị, đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những điều mắt thấy, tai nghe, chiêm nghiệm đều trở thành chất liệu được ông đưa vào tác phẩm từ góc nhìn văn hóa, thể hiện qua ba bình diện: văn hóa ứng xử, văn hóa tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật. Thông qua việc nghiên cứu về cảm quan văn hóa có thể thấy rõ những đóng góp tích cực của ông vào nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Nhà văn Sơn Nam sinh ra và lớn lên ở xứ miệt vườn cùng với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt của vùng Nam Bộ. Ông đã sống và chứng kiến những bước thăng trầm của quê hương trong suốt 30 năm đầu đời. Đến khi lên Sài Gòn sống và làm việc, ông vẫn quan tâm, theo dõi từng biến cố nơi đây. Mỗi tác phẩm truyện ngắn, truyện dài hay ký của Sơn Nam đều bộc lộ một cảm quan nhận thức mạnh mẽ, sâu sắc về bản sắc văn hóa vùng đất Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ quê hương ông nói riêng. Nhà văn có một quan niệm rất độc đáo về văn hóa: “Văn hóa đứng im một chỗ là văn hóa chết. Sống động, thích ứng với hoàn cảnh, đó mới là văn hóa, đúng theo nghĩa của nó” (1).

1. Văn hóa ứng xử

Tác phẩm của Sơn Nam cung cấp cho người đọc những kiến thức về văn hóa ứng xử của người bình dân Nam Bộ. Đó là cách cư xử giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. Văn hóa ứng xử thể hiện trong ngôn ngữ, giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, hành động…

Văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên

Sống trong môi trường khắc nghiệt“Muỗi vắt nhiều hơn cỏ/ Chướng khí mù như sương” (lời đề tựa Hương rừng Cà Mau), họ đã hình thành một lối ứng xử đặc trưng của con người Nam Bộ. Thiên nhiên Nam Bộ, thuở ban sơ tiềm tàng những hiểm nguy khó đoán, những người khẩn hoang phải tìm phương cách để thích ứng với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Trong Vạch một chân trời, nhân vật Hai Tam suýt bị “chết ngộp, chú có cảm giác như đứng chơi vơi giữa lòng sông. Tất cả sự huyền bí của khu rừng U Minh bao gồm trong tiếng trấp”. Lục cụ chứng tỏ sự thành thật nên đã giải thích và dặn dò: “Từ rày về sau chú đừng bén mảng tới chỗ nào có trấp. Trấp là những con kinh ăn luồn dưới mặt đất. Hôm nào rảnh, chú dạo rừng U Minh với tôi. Đường đi nước bước ở đây khó khăn lắm” (2). Để được xem hát bội, người Nam Bộ sáng tạo ra sân khấu trên sông mà không bị cọp và cá sấu quấy rầy: “Tràm đốn về chất đống. Ông kỳ lão đích thân đốc suất việc xây rạp”. Cơ mưu của ông là: “cất một cái nhà sàn ở giữa sông theo kiểu ba căn hai chái dùng để đào kép ăn ở nấu cơm…” (3). Để tránh muỗi khi đi xuồng trên sông, họ đã sáng tạo ra cách “ngủ mùng gió, ngủ mùng nước”.

Thiên nhiên ở đây còn có những con thú dữ mà họ phải chống chọi trên đường phá rừng, tạo ruộng hoặc rày đây mai đó kiếm sống. Thày võ Quảng Nam, thày Râu đuổi cọp để yên dân (Hết thời oanh liệt), ông Năm Hên quyết tâm giết con sấu làm hại dân lành và giải oan cho những vong hồn bị “hùm tha sấu bắt ở đầu ghềnh cuối bãi” (Bắt sấu rừng U Minh Hạ). Ông Năm Cháy, ông Năm Tự gan dạ chiến đấu với con heo khịt phá hoại mùa màng, nhà cửa của dân (Con heo khịt). Cha con chú Tư Đức giết con sấu dữ trước sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của ông Rốp (Sông Gành Hào)…

Tuy nhiên, người dân Nam Bộ không chỉ giết những loài thú dữ làm hại người, thái độ của họ đối với các loài thú hoang dã cũng thật cảm động. Chú Tư Đức (Sông Gành Hào) không đồng ý giết cả hai con sấu lửa, “giết một con là đủ, giết hết là mình có tội với trời đất”. Chính ông đề nghị lập miếu thờ con sấu nọ, “bất luận là sấu hay cọp, hễ nó hại mình thì mình giết nhưng giết được rồi thì mình nên thờ… phải để nó tu tâm dưỡng tính trong kiếp sau. Tôi không ưa sát sanh” (4).

Người dân Nam Bộ còn tìm cách chinh phục thiên nhiên, buộc thiên nhiên phục vụ con người. Tư Cồ học được cách trồng lúa trên vùng trũng ngập nước (Ruộng lò bom); Hai Tỵ biết cách đánh bắt cá vào mùa nước mặn tràn vào vùng nước ngọt (Con cá chết dại); lão Ngượt đã sáng tạo ra các kiểu chạy buồm trên sông với nhiều con nước khó bảo (Vẹt lục bình)…

 Văn hóa ứng xử giữa con người với con người

Trong văn hóa ứng xử giữa người với người, cung cách của người Nam Bộ có sự thống nhất trong đa đạng. Nét chung của họ là bộc trực, thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, kiệm lời, không hoa hòe, giả tạo, không quá quỵ lụy… Trong văn xuôi của Sơn Nam, chúng ta bắt gặp nhiều kiểu ăn nói: xấc xược, ngạo mạn của Bảy Tiểu (Cậu Bảy Tiểu), cai Tổng Biện (Xóm Bàu Láng), Xã Tư (Hồn người trong ly rượu), Hai Điền, thằng Cẩu (Bà Chúa Hòn), lão Henri Nhan (Hình bóng cũ); giọng điệu ngang tàng, nghĩa hiệp của Tư Hiền (Đảng Cánh buồm đen), lão Khăn Đen (Xóm Bàu Láng); cao đạo của ông Rốp (Sông Gành Hào); thâm trầm, sâu sắc, thích triết lý như Lục cụ Tăng Liên (Chiếc ghe Ngo) Ngoài ra, còn gặp cung cách giao tiếp của người Miên, người Hoa, người Pháp, người Mỹ… với đủ mọi thành phần khác nhau trong xã hội Nam Bộ nửa đầu TK XX.

Thuở mới mở đất, cuộc sống con người vô cùng khó khăn vì chướng khí, muỗi mòng, rắn rết, thú dữ… họ luôn thèm người, nhiệt tình đón nhận những người lang thang, cơ nhỡ, chưa rõ gốc gác. Dù là những người khai hoang, tha phương cầu thực hay trốn thuế thân, trốn tù đày, giang hồ hảo hán hoặc những tên cướp, họ vẫn tiếp đãi niềm nở. Trong xóm lại xuất hiện một tay anh hùng mới gọi nôm na là Tư Cồ, vì hắn to xác, vai u thịt bắp. Trước lạ sau quen, sau màn độn thổ ngoạn mục, Tư Cồ được dân làng chấp nhận vào cộng đồng.

Tính hiếu khách, phóng khoáng, rộng lượng là đặc trưng tính cách của người miền Nam. Khi có khách, họ sẵn sàng đón tiếp chu đáo. Trong Một vũng máu tầm thường, để biết được người mới đến như thế nào, dân làng cử người ra thách uống rượu. Tư Cồ, Tư Tôm lang bạt nơi này nơi khác, đi tới đâu cũng không sợ đói, chẳng lo cơm áo gạo tiền, chính là nhờ tính hiếu khách của người Nam Bộ. Lão Chòi Mun (Ông Chòi Mun) thân thiện, mến khách. Tuy nghèo nhưng khi thày Chà đến nhà thì lão mua chịu nửa lít rượu đãi khách, rồi bắt hai con cá lóc đốt lửa nướng trui.

Người dân Nam Bộ sống nhờ vào thiên nhiên nên có mối quan hệ mật thiết với chim muông, cây cỏ, sông nước… Trải qua một quá trình đấu tranh sinh tồn gian nan, bền bỉ, họ đã hình thành nên một mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Họ sống gần gũi với thiên nhiên và thuận theo lẽ tự nhiên để có cuộc sống bình yên, chan hòa tình cảm.

2. Văn hóa tín ngưỡng

 Trong quá trình đi mở cõi, những người đến miền Nam đều mang theo tôn giáo, tín ngưỡng, lâu dần những tôn giáo, tín ngưỡng ấy được dung hòa trên vùng đất mới. Họ là những người ít học, đa số không thấm nhuần các triết lý tôn giáo, tin tất cả thần thánh. Họ dung nạp rất nhiều văn hóa tín ngưỡng của người Việt, người Hoa, người Khơme… Niềm tin của họ chất phác và hồn nhiên. Trong Sông Gành Hào, Tư Đức nói với ông Rốp: “Tôi chưa hiểu hai tiếng tín ngưỡng là gì. Tôi tin Trời, tin Phật, thờ cha kính mẹ, qúy mến ông già bà cả”. Tuy nhiên sau đó chú lại nói tiếp: “Dạ, theo cha mẹ tôi nói lại thì người An Nam mộ đạo Phật. Cũng như cha mẹ tôi” (5).

Luật nhân quả của Phật giáo cũng được Sơn Nam thể hiện sinh động trong tiểu thuyết Bà chúa Hòn. Bá Vạn giết chết hai cha con Chúa Hòn, cuối cùng hắn cũng bị hại bởi Mười Hấu và thằng Cẩu. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Bá Vạn đã nhìn thấy hồn nạn nhân trở về đòi công lý và cuối cùng nhận ra: “Cuộc đời tội lỗi của tôi… Thôi ông Đạo Đất nói đúng. Mọi người đều trở về với đất” (6). Để tránh được các nghiệp chướng ở đời, cô Huôi đã chọn con đường đi tu. Chim quyên xuống đất, Hình bóng cũ, Mây trời và rong biểnđã phản ánh sinh động quy luật ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ. Nhiều tác phẩm của Sơn Nam mang triết lý dân gian và có kết cục giống như truyện cổ tích.

Tín ngưỡng thờ linh vật được mang từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Người Nam Bộ tin vào sự thiêng liêng và sẵn sàng thờ những vật dụng từng gắn bó thân thiết với con người. “Chiếc ghe ngo là hiện thân của rắn thần Naga, linh hiển lắm. Hồi đức Thích Ca ngồi thiền bên bờ hồ giữa rừng, rắn Naga là thần ác. Hôm ấy mưa to gió lớn, đức Thích Ca cảm hóa được rắn. Rắn bèn quấn tròn chung quanh và ngẩng đầu lên cao để che mưa gió cho đức Thích Ca. Từ đó về sau, người Miên khoét thân cây sao, theo hình rắn hằng năm bơi đua trên sông để mừng mùa nước nổi” (7). Người nông dân Nam Bộ thờ cả những con vật dữ như sấu, cọp… hay những vật dụng hàng ngày, những viên đá nhặt được khi cày ruộng. Họ quan niệm rất hồn nhiên, ở vùng đất mới, cái gì cũng thiêng vì đó là hồn thiêng sông núi.

Người dân Nam Bộ có tập tục lên xác, là hình thức thần thánh mượn xác phàm để nhập vào. Khi con người cần giải thích vấn đề siêu nhiên, khó lý giải hoặc xin thần thánh phù hộ cho công việc làm ăn, việc nhà cửa… thì tổ chức lên xác. Trong Hình bóng cũ, lão Henry Nhan đã lợi dụng hình thức lên xác để mưu cầu lợi lộc, chiếm đất của người nông dân: “Xác lại ra lệnh cho tôi hàng năm phải cúng kiếng, mướn lại đất của Chúa Ngung, Ma Nương trong vòng một năm. Thế là về mặt tinh thần, tôi phải nhận mình là tá điền của kẻ khuất mặt, mặc dầu tôi nghiễm nhiên là chủ điền” (8). Tư Bá và những kẻ đồng hành trong Vạch một chân trời đã lên xác giả để dọa và đuổi bọn Tàu ô tham lam, tàn nhẫn ra khỏi quê hương mình.

Bà Chúa Xứ cũng được người miền Nam tin tưởng và thờ cúng cho đến ngày nay. Bà là hiện thân bà chúa của vùng đất mới. Lưu dân Nam Bộ có niềm tin thờ bà thì sẽ được ban cho nghị lực, sự thuận lợi trên bước đường khai sơn phá thạch, được mạnh khỏe, không bị sốt rét, tránh rủi ro nghề nghiệp. Trong Vạch một chân trời, lũ Tàu ô khấn vái xin bà phù hộ. Ông Chúa Hòn người Hoa, giàu có, uy phong cũng đến miếu bà để thờ cúng, lễ bái (Bà Chúa Hòn).

Sơn Nam còn đề cập đến tục cúng đất, cúng thần, cúng tổ, ma chay. Bất cứ ngành nghề gì cũng có ngày cúng tổ. Ngư dân muốn bắt được nhiều tôm cá thì phải chọn ngày tốt gọi là ngày bổ tróc (ngày săn bắt) để cúng. “Xây nò thì phải hạ thủy đúng ngày bổ tróc, như người cất nhà xem ngày để gác đòn dông” (Con Bà Tám) (9). Người dân tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia. Họ cho rằng những hồn ma không siêu thoát sẽ luôn bên cạnh những người thân hoặc những kẻ gây ra cái chết cho mình. Trong Hình bóng cũ, thi sĩ Hoài Hương tin rằng có thể gặp người chết bất cứ giờ phút nào, bất chấp cả những bức tường ngăn cách. Họ không quên những cô hồn dã quỷ không nơi nương tựa, những con người chết trên đường khai hoang. Lão Năm Hên, người bắt sấu tài ba trong Bắt sấu rừng U Minh Hạ, sau khi giết những con sấu dữ xong, bao giờ cũng cầm bó nhang cháy đỏ rực quơ đi, quơ lại và khấn vái bằng lời hát bi ai để giải oan cho những kẻ chết oan do hùm, sấu bắt.

3. Văn hóa nghệ thuật

Sống trên một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân Nam Bộ không lo lắng nhiều về vấn đề cơm áo. Cái nghèo của họ là cái nghèo phong lưu, thời gian nhàn rỗi nhiều, ăn chơi thỏa sức. Một số vùng đất đai phì nhiêu, không cần bón phân, mãn mùa lúa, đến mùa dưa hấu trồng ngay trên ruộng. Một vốn bốn lời nên họ tha hồ ăn xài suốt tháng giêng cờ bạc, đờn ca vọng cổ lai rai đến lúc tháng ba sa mưa. Mấy tay khá giả thường “đánh ghe ra chợ Rạch Giá đánh me, đánh vổ. Hết tiền thì ngồi nhà đờn ca vọng cổ hoặc nói chuyện tiếu lâm” (Ông già xay lúa) (10). Hát hò trở thành một hình thức vui chơi giải trí những lúc nhàn, cốt để khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Ở đây, có nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ, nhưng phổ biến nhất là ca vọng cổ, hát huê tình, hát bội, hát cải lương…

Hát bội là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Nam Bộ có nguồn gốc từ miền Trung (Quảng Nam, Bình Định), có từ lâu đời và được các lưu dân Việt trên đường Nam tiến mang theo để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cội nguồn. Hát bội được giới bình dân tán thưởng vì nội dung gợi lên những tình cảm nhân bản. Theo Sơn Nam: “Dân mình thì nghèo lắm, đình chưa cất, hương chức làng chưa có. Bởi vậy chỉ có hát bội là cách giải trí độc nhất của người đi khai phá đất mới” (11). Trong Hát bội giữa rừng, để thấy được lòng ham mê hát bội của người dân, tác giả đã tạo ra một bối cảnh rùng rợn: dưới sông cá sấu ghếch mỏ nhìn, trên bờ cọp trông xuống, người xem hát ngồi trên xuồng trong một hàng rào bằng cây tràm giữa sông. Người Việt mời người Miên cùng chung tay góp gạo nuôi gánh hát. Ban ngày, mọi người đi làm, ban đêm đi ghe xem hát bội, đối với họ, đó là ngày hội lớn. “Xóm Khoen Tà Tưng rộn rịp còn hơn tết. Suốt ba bốn ngày liên tiếp họ dựng rạp, xốc nọc dưới sông. Mấy ánh chị đào kép mới tới vô cùng mừng rỡ, họ cởi áo ra tiếp tay. Nhà cất xong bây giờ đến lợp lá, lót sàn. Đêm hát ra mắt vui quá là vui…” (12). Hát bội không chỉ là thú vui giải trí mà còn là biểu hiện danh dự của những gia đình giàu có, khá giả ở phố chợ hay thôn quê, họ có thể rước gánh hát bội về trình diễn trước nhà để mời bạn bè thân thuộc đến xem kèm theo ăn uống.

Hò vè là hình thức văn nghệ đặc biệt của miền Nam. Đây là lối giải trí phổ biến của nam, nữ vùng sông nước, do môi trường sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đồng ruộng bao la, con người đang chèo ghe trên sông hoặc cấy lúa trên ruộng có thể hò lên vài ba câu để tự giải trí. Sơn Nam cho rằng hò bánh bò khó hơn hò cấy lúa vì hò cấy lúa được hò lên khi mọi người cùng đứng gần nhau trên một cánh đồng, còn hò bánh bò là loại hò khi chỉ một mình trên sông, phải hò to, rõ, trong trẻo, hơi dài thì người mua mới nghe được. Tác giả viết cả một câu chuyện tên là Con Bảy đưa đò để mô tả điệu hò này với nhiều triết lý của người Nam Bộ. Chàng trai giang hồ xứ Bình Thủy đã bộc lộ chí lớn của mình trong lời đối đáp với cô Bảy: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã / lâm nguy bất cứu mạc anh hùng / Nàng còn nghĩ phận chữ tùng/ thì trao dây xích buộc vòng sao đây” (13). Chỉ qua một đêm hát đối đáp với người con trai lạ, cô Bảy thề sẽ giữ trọn tấm lòng và cứ ở vậy tới già để chờ người con trai kia.

Hát huê tình là những câu hát cửa miệng, không có sách, không có bổn tuồng, người hát tùy vào hoàn cảnh và kiến thức có được mà linh hoạt trong đối đáp. Không gian thích hợp nhất là đồng ruộng, chỗ lao động có đông người tham dự. Mục đích là để giao lưu và giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc và bày tỏ tình cảm, tâm sự với nhau. Có ba lối hát huê tình: hát truyện (dùng tích trong truyện xưa, truyện tàu), hát văn (dùng cách ngôn thánh hiền), hát mép (dùng dẫn liệu từ đời sống). Trong Ngày xưa tháng chạp, ông Ba giảng giải chuyện hát huê tình sành điệu thời trai trẻ: “Hồi đó, hò có lớp lang đầu đuôi… Mới vô là cây dạo đầu. Chúc mừng lẫn nhau, chúc mừng chủ ruộng, tạ ơn Thần Nông. Điều đó ai cũng đạt được. Thiếu một hai vần, hò thiếu hơi chưa phải là dở” (14).

Thai đố là hình thức đố vui giải trí của người bình dân xưa ở Nam Bộ. Nhân dịp lễ lạt, các vị kỳ lão trong làng ra thai đố cho trẻ con, nam nữ trẻ tuổi nêu suy nghĩ, đối đáp, ứng xử nhanh nhạy. Người giải đáp phải có câu trả lời tương ứng với câu chữ trên từng dòng thơ, ca dao, những lời ngắn gọn… Không gian phù hợp để tổ chức là những nơi dân chúng tập trung như đình miếu, hội hè, cúng lễ có đông người đến dự. Sơn Nam giải thích: “Câu thai đố là một hình thức giải trí khá hay của người Nam Bộ trong các dịp cúng đình, nó là hình thức đố vui dễ học đã có từ đời xưa, tập cho ai nấy suy nghĩ nhanh chóng biết nhìn tổng quát sự vật” (15). Có những câu thai đố dễ dành cho trẻ con như: “Ví dầu cầu ván đóng đinh”, trẻ con có thể biết ngay đó là cái bánh bò, vì cầu tre khó đi, nhiêu người phải bò để giữ thăng bằng. Những câu khó hơn để cho người lớn như: “Năm thằng vác hai cây sào/ Đuổi đàn trâu trắng chạy vào trong hang”. Năm thằng là năm ngón tay, hai cây sào là đôi đũa, đàn trâu trắng vào trong hang là hình ảnh và cơm vào miệng. Càng về cuối buổi, các kỳ lão càng ra câu thai đố khó mà chỉ những người có kinh nghiệm mới có thể giải được. Phần thưởng vật chất cho người thắng cuộc đơn giản, có thể là chai xá xị, cái bánh, quả cam… quan trọng là giá trị tinh thần, trả lời đúng trước đình làng, trước bao nhiêu người là một vinh dự lớn.

Cải lương là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, có hát, nói, diễn xuất, hành động gồm: phần hát có ca cổ, làn điệu lý; phần nói có nói theo lối kịch, nói theo lối hát; phần diễn xuất gồm diễn xuất tâm lý, diễn xuất cách điệu, diễn xuất hài; phần hành động có các hành động thực tế. Theo Vương Hồng Sển, cải lương ra đời vào khoảng 1916-1918. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên là những mảnh đất ươm mầm cho sân khấu cải lương. Tên gọi cải lương xuất hiện lần đầu trên hiệu gánh hát Tân Thịnh vào năm 1920, rồi nhanh chóng được yêu thích trên vùng đất miền Nam. Theo Sơn Nam: “Tuồng cải lương là thành tựu đáng kể của người Sài Gòn và phía đồng bằng. Cải lương không quá trí tuệ như kịch nói, không câu nệ ước lệ như hát bội. Bản vọng cổ đã tổng hợp những âm hưởng trữ tình của các điệu hò, điệu lý… dịp giỗ, dịp cưới lấy vọng cổ làm bài chính yếu để giải trí” (16).

 Ra đời muộn hơn hò, vè, dần dần hát vọng cổ thay thế hò, vè vì cần kỹ thuật cao, đồng thời thường có âm điệu buồn, thích hợp để bộc lộ nỗi nhớ nhà của những người tha hương. Đó cũng cách thức để họ bộc lộ nỗi lòng thầm kín trong tình yêu, chuyện riêng tư gia đình đến chuyện nhân tình thế thái ngoài xã hội. Trong Dạo chơi, Tuổi già, Sơn Nam ghi nhận: sau khi vọng cổ ra đời thì lý, hò, vè dần dần mất chỗ đứng. Người chèo ghe, gặt lúa ca vài câu vọng cổ là thỏa mãn tình cảm. Người dân Nam Bộ thường hát vọng cổ trong các buổi nhậu nhẹt tiệc tùng. Khán giả của họ cũng là những bạn nhậu hoặc đàn bà, trẻ con. “Cả bọn vỗ tay rôm rốp. Tiếng ca vọng cổ bắt đầu. Anh tài tử nọ hớp miếng rượu, gỡ con khô cá sặc nướng, vừa nhai vừa nghĩ ngợi. Khi câu rao đờn ghi ta vừa dứt, nhạc sĩ gõ vào thùng đàn một tiếng cốp thì anh tài tử nọ cũng vừa nuốt xong một miếng khô. Anh ta ca một câu khá dài, đại khái nói về tâm sự bi hùng của tráng sĩ Kinh Kha” (Ngày mưa đầu mùa) (17).

Sơn Nam là nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng ngòi bút, ông dành cả cuộc đời để đi khắp vùng đất Nam Bộ, thu thập những tư liệu điền dã và viết những tác phẩm biên khảo, văn chương về vùng đất, con người Nam Bộ, đặc biệt là công cuộc khẩn hoang của vùng đất này. Sơn Nam để lại cho đời hàng loạt tác phẩm có giá trị văn chương và khảo cứu, góp phần làm nổi bật sắc thái văn hóa về vùng đất, con người và văn hóa Nam Bộ.

_______________

1. Sơn Nam, Nói về miền Nam – Cá tính miền Nam – Thuần phong mỹ tục, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2005, tr.56.

2. Sơn Nam, Vạch một chân trời – Chim quyên xuống đất, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2006, tr.47.

3, 11, 12. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, tập 2, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2012, tr.207, 205, 20.

4, 5, 10, 17. Sđd, tập 3, tr. 201, 187, 155, 50.

6. Sơn Nam, Bà Chúa Hòn, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2007, tr.312.

7, 9, 13. Sđd, tập 1, tr.202, 30, 240.

8, 14. Sơn Nam, Biển cỏ miền Tây và Hình bóng cũ, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2009, tr.328, 172-173.

15. Sơn Nam, Hương quê, Tây đầu đỏ & Một số truyện ngắn khác, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2006, tr.76.

16. Sơn Nam, Đất Gia Định – Bến Nghé xưa – Người Sài Gòn, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2005, tr.481.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : LÊ THỊ NGÂN TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *