Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã
ký và ban hành tám Quyết định công nhận 191
Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ ở một số bảo
tàng, cơ sở thờ tự trong cả nước. Riêng Bảo tàng
Mỹ thuật Việt Nam (BTMTVN) hiện là nơi bảo quản
và trưng bày 9 Bảo vật, bao gồm 3 công trình
chạm khắc và điêu khắc tượng cổ và 6 tác phẩm
hội họa hiện đại. Những khảo cứu ban đầu, công
phu và nhiều phát hiện mới về 3 bảo vật mỹ thuật
cổ tại BTMTVN sẽ lần lượt được giới thiệu trên
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, cung cấp đến bạn
đọc một nguồn thông tin tham khảo giá trị. Hy
vọng rằng, các bài viết này, với những phân tích
và luận giải về giá trị thẩm mỹ của các công trình
được tạo dựng từ tín điều của người xưa vào những
biểu tượng thiêng liêng của tôn giáo cũng như của
nhân cách người Việt, sẽ gợi mở nhiều suy ngẫm
mới và khuyến khích những khảo cứu sâu rộng
hơn nữa về kho báu mỹ thuật của dân tộc.
Bộ cửa tam quan nội chùa Keo, huyện Vũ Thư, Thái Bình (1), được ghép từ nhiều tấm gỗ, trên đó chạm khắc đề tài nhị long hí châu (đôi rồng đùa giỡn ngọc) (2). Đôi rồng được tạo hình lá đề, ẩn mình giữa rừng mây đao mác và ngọc báu. Sau đuôi và dưới bụng mỗi con rồng lớn là một con rồng nhỏ, một con nghê (3) đang hướng đầu lên. Kỹ thuật chạm bong, kênh được sử dụng một cách tài khéo, gợi chiều sâu không gian. Sự chuyển động ấn tượng của các đao mác vút ra từ đầu, lưng, thân, khuỷu chân rồng cùng với dáng vận động tích cực của các con vật đã tạo nên một hoạt cảnh sống động. Hình thức chạm trổ, trang trí cửa đền, chùa, đình, miếu này là đặc trưng ở trấn Sơn Nam (phía Nam kinh thành Thăng Long) xưa. Trong đó, bộ cánh cửa chùa Keo là bộ cửa đẹp và lớn nhất.
Chùa Keo và bộ cánh cửa chạm rồng
Chùa Keo là ngôi chùa cổ nổi tiếng rộng lớn và đẹp, được xây dựng vào TK XVII. Theo văn bia khắc năm 1632 (niên hiệu Đức Long thứ tư, đời Lê Thần Tông), hiện còn đặt tại chùa, chùa Keo do bà Lại Thị Ngọc Lễ (4) đứng ra đảm nhận việc vận động xây lại chùa Keo. Bà Lại Thị Ngọc Lễ đã mời Đông cung vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ làm hội chủ danh dự. Cũng theo văn bia này, công trình xây dựng chùa được thực hiện từ tháng 8 năm Canh Ngọ (1630) đến tháng 11 năm Nhâm Thìn (1632). Chùa Keo, sau đó, được trùng tu nhiều lần, song về cơ bản vẫn giữ quy mô như cũ. Trong lần tu sửa vào năm 1990, người ta đã đục lại bộ cánh cửa mới theo mẫu cũ. Bộ cánh cửa TK XVII không dùng nữa, đã được đưa vào tòa giải vũ. Năm 1991, trong một chuyến đi công tác, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật tại tỉnh Thái Bình, cán bộ nghiên cứu của BTMTVN, sau khi phát hiện bộ cánh cửa, đã đề xuất với chính quyền địa phương và nhà chùa xin được đưa bộ cánh cửa (cũ) về bảo tàng để bảo quản, trưng bày, giới thiệu và nhận được sự đồng ý. Bộ cánh cửa chùa Keo được trưng bày tại phòng 6, tầng 1, nhà C, khu vực trưng bày thường xuyên về mỹ thuật cổ của bảo tàng.
Chùa Keo là nơi thờ Phật và thờ Đức Thánh Dương Không Lộ. Tọa lạc trên một khoảng đất rộng rãi, bằng phẳng, chùa được dựng theo hướng chính Nam, nhìn ra sông Hồng. Theo văn bia và địa bạ chùa Keo, diện tích toàn khu kiến trúc rộng 28 mẫu (100.800m2). Nếu chỉ tính phần đất xây dựng 21 công trình (gồm 154 gian), chùa Keo đã có diện tích 58.000m2. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn lại 17 công trình, gồm 128 gian. Chùa được xây dựng giữa 3 hồ nước, một hồ trước mặt, hai hồ ở hai bên.
Phía ngoài cùng của chùa là một tam quan ngoại (cổng phía ngoài), tiếp theo đến lầu nghỉ có kiến trúc theo lối bào trơn đóng bén (5), nền sàn lát đá xanh. Ngôi nhà này để khách thập phương dừng chân sửa khăn áo và đồ cúng lễ. Để đến tam quan nội (cổng phía trong, đối xứng với lầu nghỉ qua hồ nước), khách thập phương phải đi men theo vòng bên phải bờ hồ. Về mặt bố cục, chùa Keo được xây dựng theo lối thượng gia hạ trì (các công trình đứng soi bóng nước hồ, vây quanh ba mặt), theo hình “nhị công, nhất quốc” (bên trong là hai chữ công (工), bên ngoài một chữ quốc(国) và theo kiểu tiền Phật hậu Thánh. Đi qua toà thờ Phật mới tới tòa thờ Thánh. Khu thờ Phật và khu thờ Thánh được tách biệt bởi tòa giá roi – chức năng như một ngôi đình, xưa kia từng diễn ra việc phân xử, xử phạt việc làng của người dân làng Keo.
Nghệ thuật tạo hình
Bộ cánh cửa chạm rồng chính là bộ cửa của tam quan nội. Cấu trúc của tam quan nội gồm ba gian và ba hàng cột. Cánh cửa, ngưỡng bao được lắp ở ngay trụ nóc. Hai hàng cột quân cũng chính là cột hiên. Nhà không có lòng, nhìn phía nào cũng thấy cửa thấy hiên. Các cấu kiện kiến trúc gỗ được chạm khắc dày đặc họa tiết hoa, lá, linh thú. Chạm khắc trang trí phủ đầy trên xà thượng, xà hạ, ngưỡng bao và bộ cánh cửa. Các họa tiết hoa dây cuốn thành sóng nước cuộn, mây hóa rồng, hoa sen cách điệu hòa quyện vào nhau; tạo dáng rồng sống động, xoắn xuýt như đang vẫy vùng bơi lội…
Cánh cửa chạm rồng, chùa Keo, Thái Bình TK XVII
Ảnh do BTMTVN cung cấp
Bộ cánh cửa chính hết sức sinh động, công phu, toàn bộ đường nét là một tác phẩm nghệ thuật. Hai cánh cửa được ghép từ 8 phiến gỗ lim, chia đều cho hai cánh. Cánh cửa được ghép thủ công bằng kỹ thuật ghép mộng gỗ. Mỗi cánh cao 2,26m, rộng 1,22m và dày 7cm. Phần chạm trổ không phủ tràn bề mặt cánh cửa mà chừa lại một phần diềm trên cả bốn cạnh của cánh theo một tỉ lệ đăng đối; trên mỗi cánh cửa, phần chạm trổ có chiều cao 2m, ngang (rộng) 1m. Mỗi cánh có một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ phía sau và một hình nghê đứng giữa hai chân trước rồng lớn. Miệng mỗi con rồng ngậm một hạt ngọc nhỏ. Đầu rồng vươn lên hướng vào phía viên ngọc lớn ở giữa. Đồ án rồng ở đây được thể hiện trên một bố cục đăng đối, hai cánh cửa khép lại tạo thành đề tài “nhị long hí châu”. Đặc biệt, thế uốn cong của đôi rồng lớn trên hai cánh cửa kết hợp lại, tạo thành hình lá đề.
Bố cục đôi rồng chầu uốn thành bố cục hình lá đề đã xuất hiện trong các chạm khắc trang trí trên đá, gỗ, đất nung thời Lý, Trần; điển hình là bộ cửa tiền đường chùa Phổ Minh có chạm khắc đề tài “nhị long hí châu”, có niên đại thuộc TK XIII – XIV. Hình thức những con rồng trên bộ cửa này có thân tròn, thon, không có vảy, uốn khúc đều đặn; toàn thân nổi rõ trên nền sóng nước; bờm và râu có tạo hình mảnh, uốn cong mềm mại, đặc trưng cho tạo hình rồng thời kỳ này.
Đôi rồng trên bộ cánh cửa tam quan nội chùa Keo có dáng dấp dũng mãnh, uy quyền, dữ tợn hơn, mang đặc trưng hình tượng rồng TK XVII. Rồng có sừng của hươu, đầu của trâu, thân của rắn, vảy của cá, móng của chim ưng. Mỗi con rồng có bốn chân. Hai chân trước để lộ, một chân sau nắm hạt ngọc báu tạo hình âm dương, chân còn lại chỉ lộ ra bốn móng đang túm bờm bốc ra từ trước trán. Sự xuất hiện thêm con rồng nhỏ ở phía sau đuôi rồng lớn vừa làm cho nội dung bức chạm thêm sinh động vừa có thể lấp chỗ trống trên góc mảng chạm để lại do tạo hình lá đề của đôi rồng lớn. Miệng rồng con cũng ngậm hạt ngọc, có bốn chân, đầu ngóc lên, thân uốn nhịp vài vòng trước khi rủ đuôi xuôi chiều theo hướng đi xuống. Râu, bờm, vảy, móng hoàn toàn cùng phong cách với rồng lớn. Để lấp chỗ trống ở khoảng dưới bụng và giữa hai chân trước của con rồng lớn, người ta đã đặt vào đó một con nghê. Dáng điệu ngộ nghĩnh của con vật này cũng khiến bức chạm thêm sống động.
Các viên ngọc nhỏ có xu hướng tỏa đều ra từ một viên ngọc lớn ở giữa bộ cửa, ẩn hiện trong các đám mây, ẩn quanh thân rồng. Đặc biệt, các tia sáng tỏa ra từ những viên ngọc lớn, nhỏ; từ râu tóc và bờm rồng đều được cách điệu, biến hóa thành các dải mây hình lưỡi mác. Hình thức các dải đao mác trên chạm khắc trang trí kiến trúc, điêu khắc chính là một trong những điểm nhận dạng phong cách nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam. Các dải đao mác trên chạm khắc cánh cửa tam quan chùa Keo có chân uốn cong mềm mại, uốn khúc ba nhịp trước khi vút thẳng ra và vót nhọn ở đuôi như lưỡi mác (vì vậy thường được gọi là mây đao mác hay là mây mác). Trong lòng dải mây có chạm một đường gờ soi chỉ mảnh, tinh tế.
Trong hệ thống “mây đao mác”, chỉ có các đao mác phát ra từ ria mép và râu rồng là vút ra xuôi theo hướng ngược xuống dưới, còn lại toàn bộ các đám mây mác từ tóc và bờm rồng đều uốn cong ở chân và vút thẳng lên trên. Thân rồng lớn, rồng nhỏ uốn khúc mạnh mẽ, ẩn hiện trong các dải mây mác (từ ngọc báu, rồng mẹ, rồng con) kích thước to, nhỏ, ngắn, dài, vút lên, chúc xuống xuôi ngược đan xen, hòa vào nhau bao trùm toàn bộ bề mặt bức chạm tạo nên ấn tượng vừa bay bổng vừa dữ dội. Những hạt ngọc to, nhỏ tỏa ra, gợi không gian xa, gần, chỗ ẩn, chỗ hiện biến hóa. Mọi thứ quyện lấy nhau tạo thành một bố cục chặt chẽ, đẹp mắt.
Qua những nét chạm sắc sảo, những đường lượn uyển chuyển trên gỗ nhờ bàn tay tài hoa của thợ chạm, những linh vật vốn chỉ có trong tưởng tượng đã hiện lên một cách chân thực, sống động. Kỹ thuật chạm bong, kênh điêu luyện được sử dụng để tạo ra hiệu quả thị giác như có được nhiều lớp không gian trên mặt phẳng. Việc chạm khắc trên những ván gỗ nối mà vẫn tạo được một bố cục tổng thể hài hòa như vậy đòi hỏi sự công phu và tay nghề kỹ thuật rất cao của người thợ. Theo đánh giá của một nghệ nhân chạm gỗ có kinh nghiệm làm nghề hơn 40 năm, việc chạm khắc bộ cánh cửa chùa Keo có thể cần tới khoảng 6 tháng làm việc liên tục để hoàn thiện với một thợ cả (chính) và một thợ phụ (giúp việc) (6).
Giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật
Chùa Keo là công trình lớn với sự tham gia đóng góp công, của để xây dựng của nhiều tầng lớp trong xã hội đương thời, từ quý tộc cấp cao của triều đình đến các thành phần dân chúng. Văn bia, khắc năm 1632, đặt tại chùa, còn ghi rõ họ tên, quê quán của 174 người đóng góp ruộng đất, vàng, bạc, tiền, gạo để xây dựng chùa. Hàng trăm cây gỗ lim được chở từ rừng núi miền Bắc, miền Trung về tận bến sông làng Dũng Nhuệ để cúng tiến. Cho tới nay, không có nhiều thông tin về các nhóm thợ đã thực hiện công trình kiến trúc chùa Keo nói chung và bộ cánh cửa chùa Keo nói riêng nhưng qua tư liệu văn bia, ta biết được, người đã “thủ họa”, vẽ kiểu để xây chùa, là ông Nguyễn Văn Trụ (7).
Một lưu ý quan trọng là trong tổng thể kiến trúc gỗ chùa Keo, không chỉ riêng bộ cánh cửa mà toàn bộ các thành phần kiến trúc gỗ đều được chạm khắc tỉ mỉ, hoa mỹ. Các mảng chạm chỗ thưa, chỗ mau nhưng hòa điệu, thống nhất trong một tổng thể. Những rồng, phượng, sư tử, hoa sen, hoa cúc, cùng nhiều loại hoa lá cách điệu lẩn trong rừng mây đao mác… phủ kín các cấu kiện gỗ, tạo nên một thế giới thần bí, linh thiêng như là nơi cư ngụ của các vị Phật, thần.
Phải nhấn mạnh một điều, các bộ cửa chạm rồng đều được đặt ở những vị trí đặc biệt, là các bộ cửa của tam quan, cửa tiền đường các ngôi chùa hay cửa hậu cung của đình, đền, nghè, miếu. Xét theo trục dọc, vị trí các bộ cửa nằm trên trục linh thiêng của nơi thờ tự, ngăn giữa không gian thiêng với thế giới trần tục.
Bên cạnh chạm khắc, các hình vẽ đề tài nhị long hí châu cũng xuất hiện nhiều ở các di tích, không gian tín ngưỡng của người Việt. Văn hóa truyền thống Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc cổ và trung đại, cùng sùng bái rồng. Rồng tượng trưng cho sự thiêng liêng, ẩn chứa hàm ý văn hóa vô cùng rộng lớn và sâu sắc. Đặc biệt, rồng, tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc, tinh thần và sức mạnh, được sử dụng làm môtip trang trí với nhiều hình thái khác nhau trong không gian thờ tự cổ truyền của người Việt. Đề tài nhị long hí châu cũng thường xuyên xuất hiện trên các trang trí kiến trúc, đồ gốm, mũ, áo truyền thống của người Việt, hàm chứa ý nghĩa về sự cát tường, tốt đẹp.
Rồng là con vật có thể biến hóa, mắt rồng có thể nhận ra ngọc, khi rồng xuất hiện sẽ có mưa. Chính vì hình tượng rồng thường gắn với những đám mây và đem theo mưa đến nên khi bàn về đồ án trang trí mây/đao lửa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng rừng đao mác chính là những tia chớp xuất hiện sau những tiếng sám sét, luôn gắn với những trận mưa lớn tưới nhuần đất đai, tạo phúc cho muôn loài.
Niềm tin thiêng liêng vào biểu tượng tín ngưỡng, mơ ước về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, sự tài khéo và cẩn trọng của các phường thợ chạm khắc xưa có thể là những lý do dẫn tới việc họ làm được các công trình chạm khắc chứa đựng giá trị thẩm mỹ cao diệu và ý nghĩa văn hóa sâu sắc, mà bộ cánh cửa chạm rồng ở chùa Keo Thái Bình là một trong những ví dụ điển hình. Hình thức chạm khắc, trang trí cánh cửa chùa Keo là điển hình cho lối trang trí cánh cửa của các di tích kiến trúc nghệ thuật trấn Sơn Nam (vùng đất phía Nam Thăng Long, từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn); riêng niên đại TK XVII, bên cạnh bộ cánh cửa chùa Keo còn có một số bộ cửa được chạm khắc tương tự, như ở đình Hưng Lộc, đình Cao Đài, đình Phạm Xá, đền Trần, đền Xám, chùa Đăng Khôi… thuộc địa phận tỉnh Nam Định ngày nay; đình Bồng Lai, miếu Hai Thôn, chùa Bồng Tiên,… thuộc địa phận tỉnh Thái Bình;… Trong số này, bộ cánh của chùa Keo có kích thước lớn nhất, lại nguyên vẹn và thể hiện một cách đậm nét những đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc TK XVII.
__________________
1. Chùa Keo tọa lại tại địa phận thôn Dũng Nhuệ, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Bộ cánh cửa chùa Keo được đưa vào danh sách Bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017, theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg ngày 25-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 6).
2. Nguyên văn tiếng Hán: “二龍戲珠”. Có ý kiến cho là đề tài “lưỡng long chầu nhật”, khi là “lưỡng long chầu nguyệt”…
3. Nghê: một loại sư tử. Con sư tử nhỏ được gọi là nghê.
4. Bà là vợ viên quan Dực Vận Tán Trị công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, nội thị giám, tổng thái giám, chưởng sự giám, Tuấn Thọ hầu Hoàng Nhân Dũng. Theo quan chế đời Hồng Đức (1470-1479), Đặc tiến là hàm tản quan; về văn ban chánh nhất phẩm được vinh phong hàm Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu.
5. Bào trơn đóng bén: một thuật ngữ dân gian, chỉ các kiểu kết cấu gỗ đơn giản, ghép mộng chắc chắn với nhau giữa các thành phần, không có chạm khắc, hoa văn trang trí phức tạp.
6. Ông Đàm Thận Tiệp, nghệ nhân tu sửa, phục chế điêu khắc gỗ tại BTMTVN, trao đổi giữa tác giả với ông Tiệp, tại Hà Nội, tháng 5-2020.
7. Ông giữ chức Tán trị công thần tước Cường Dũng hầu, chức Kim ngô nha, Đô chỉ huy sứ. Giải thích thêm: Kim ngô là một chức võ quan; Đô chỉ huy sứ là Trưởng quan của cơ quan Đô chỉ huy sứ ty. Đô chỉ huy sứ ty có thể gọi là Đô ty, nắm việc quân sự. Thống lĩnh các vệ, sở, nghe lệnh của binh bộ. Đô ty có 1 Đô chỉ huy sứ, trật Chánh nhị phẩm; Đô chỉ huy đồng tri 2 người; Đô chỉ huy thiêm sự 4 người, trật tránh tam phẩm. Thuộc viên còn có Kinh lịch, Đô sự, Đoán sự, Phó Đoán sự, Lại mục mỗi chức 1 người. Tư ngục, Thương khố, Thảm trường đều có Đại sứ, Phó sứ mỗi chức 1 người. Nguồn tham khảo: Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2002, tr.217-218.
Tài liệu tham khảo:
1. Phan Huy Chú (bản dịch của Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4 – Lễ nghi chí, Tủ sách cổ văn, Ủy ban dịch thuật, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên (dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa), 1974.
2. Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển (tập I, II, III), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
3. Phạm Đức Duật, Bùi Duy Lan, Chùa Keo, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thái Bình, 1975.
4. Thích Quảng Độ (dịch), Phật Quang đại từ điển (tập 1, 2, 3, 4, 5, 6), Hội văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) xuất bản, 2000.
5. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009.
6. Louis Bezacier, Relevés de monuments anciens du Nord Viêt-Nam (tạm dịch: Phục dựng lại những công trình ở miền Bắc Việt Nam), École Francaise d’Extrême-Orient (Viện Viễn đông bác cổ), Paris, 1959.
7. Nguyễn Doãn Minh, Tác phẩm đặc sắc Hai cánh cửa chạm rồng, Tạp chí Thế giới di sản, tháng 9-2018.
8. Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2002.
9. Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Chùa Keo, Ty Thông tin Văn hóa Thái Bình, 1974.
Tác giả: Vũ Thị Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn