Cao Duy Sơn là nhà văn tiêu biểu trong hàng ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Tác giả cho rằng, muốn viết về đề tài miền núi thì trước hết phải bắt đầu từ sự hiểu biết đến am tường, hay nói cách khác phải thuộc văn hóa riêng biệt, đặc sắc của vùng miền ấy. Bởi vậy, trong sáng tác của ông, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn đều mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó. Cả đời chỉ theo đuổi đề tài miền núi, cho dù viết về cuộc sống khi xưa hay thời hiện đại đậm đặc những vấn đề thời sự nóng hổi thì văn hóa vẫn là yếu tố không thể thiếu góp phần làm nên hồn cốt, vẻ đẹp và sức sống cho những tác phẩm của ông. Khám phá dấu ấn văn hóa miền núi trong tiểu thuyết Đàn trời của Cao Duy Sơn, bạn đọc sẽ có được những cảm nhận mới mẻ, thú vị.
Câu chuyện được tác giả viết ở hai bối cảnh không gian chính là: thị xã Bình Lãng và huyện Phja Đeng. Đây vốn là những địa danh không có thật nhưng khi tiếp xúc, người đọc thấy không hề xa lạ mà gần gũi, thân quen, mang dáng dấp, vẻ đẹp riêng của thiên nhiên miền núi phía bắc. Bình Lãng là một thị xã miền núi đang phát triển, có những nét đẹp hiện đại đồng thời vẫn giữ trong mình vẻ đẹp quá khứ tự ngàn xưa. Vẻ đẹp được bắt nguồn và nối dài từ quá khứ được tác giả thể hiện thông qua hình ảnh con sông Dâng thân thuộc và tiếng sáo Sẩm Ky đầy ám ảnh. Con sông Dâng xuất hiện trong những hồi ức về quá khứ đau thương, hãi hùng mà Phán Sẩu trải qua: “Trong ánh lửa lập lờ, con sông Dâng bỗng loang đỏ, một thứ màu đỏ phai dần trong làn thanh thủy sẫm xanh” (1). Nhờ có dòng sông mẹ chở che, bao bọc, Phán Sẩu giữ lại được mạng sống của mình. Khi miêu tả thiên nhiên làm nền cảnh cuộc sống đời thường, Cao Duy Sơn đều khéo léo thể hiện qua những sắc thái khác nhau của dòng sông Dâng thân thiết và gắn bó với con người Bình Lãng. Dù đó là vẻ dữ dội mùa lũ “con sông Dâng bất ngờ chở đầy củi rác từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về” (2) hay vẻ thơ mộng, yên bình “sông Dâng lấp lóa chở cả bầu trời mây bạc như một dòng thiếc” (3), con sông này cũng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống nơi đây. Sông Dâng còn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm của tình yêu đẹp giữa Vương và Diệu, nơi hò hẹn, trao nụ hôn đầu, gửi gắm những yêu thương và tin cậy trong quá khứ; cũng là nơi hiện tại họ vẫn tìm về với những ký ức sâu thẳm.
Gắn liền với dòng sông Dâng là tiếng sáo Sẩm Ky trở đi trở lại trong tác phẩm đầy ám ảnh. Tiếng sáo Sẩm Ky xuất hiện nhiều lần nhưng không phải ai cũng nghe được tiếng sáo ấy. Chỉ những người nặng lòng với quá khứ, những người có tâm hồn giàu tình cảm, giàu yêu thương mới nghe và cảm nhận được âm thanh điệu lượn then trầm buồn mà sang trọng. Tiếng sáo Sẩm Ky đã trở thành hồn cốt của thị xã miền núi này. Tiếng sáo ấy có từ rất lâu trong quá khứ, ăn sâu vào ký ức của nhiều nhân vật trong truyện và hiện tại vẫn có sức ám ảnh. Vương đã bấu víu hồn mình vào tiếng sáo Sẩm Ky để vơi bớt phần nào nỗi nhớ niềm thương. Diệu khi nghe tiếng sáo, cố kìm nén để ký ức không trở về nhưng “tiếng sáo của lão hệt như rượu uống với cơn sầu, càng uống càng dâng nỗi buồn nhưng chẳng thể nào dứt bỏ” (4). Tiếng sáo như một huyền thoại Bình Lãng, vọng về từ quá khứ xa xưa đầy ám ảnh, khắc khoải với hiện tại và đầy day dứt, trăn trở với tương lai. Tiếng sáo bao bọc không gian rộng lớn, thâm nhập trong tâm hồn nhiều thế hệ nơi đây. Qua tiếng sáo đầy ám ảnh, Cao Duy Sơn bày tỏ sự tiếc nuối những nét đẹp văn hóa tự ngàn đời của vùng đất đang dần mai một, dần chìm vào quên lãng như chính ông già Sẩm Ky đang ngày một già đi, đến một lúc nào đó, có thể, tiếng sáo ấy sẽ vĩnh viễn biến mất khỏi vùng đất mà vô cùng gắn bó.
Bối cảnh không gian thứ hai của câu chuyện là vùng rừng núi Phja Đeng nguyên sơ, trong lành và kỳ vĩ, nơi gắn bó với tuổi thơ Thức, cũng là nơi Thức vẫn tìm về như một sự trở về với nguồn cội. Nơi ấy có vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, “phía ấy mặt trời đang lên, từng thửa ruộng bậc thang như vòng tay chồng lên nhau lớp lớp” (5), nơi “những cơn mưa mùa hạ ào ào như thác đổ xuống từ tầng trời, những bông tuyết mùa đông đọng trắng trên ngọn cây cổ thụ giữa đại ngàn ướt lạnh và buốt giá” (6). Sự kỳ vĩ của Phja Đeng được tạo nên bởi chính không gian khoáng đạt rộng lớn với những biến chuyển đặc trưng mà chỉ những con người gắn bó với núi rừng mới cảm nhận được. Thức cảm nhận được sự mát lạnh những giọt nước trên lớp cỏ vùi trong sương mù, một thứ mùi chỉ những người ở rừng mới cảm nhận được sự kỳ diệu đó. Trở về với Phja Đeng, Thức như được trở về với chính mình, anh được sống thành thật, ngay thẳng, điềm tĩnh và tự tin. Phja Đeng như cái nôi nâng đỡ từng bước chân anh thời trẻ dại, cũng là chỗ anh tìm về nương náu mỗi khi mệt mỏi, buồn đau, mỗi khi muốn lánh xa cuộc đời với bao chông gai, cạm bẫy.
Trong tiểu thuyết Đàn trời, Cao Duy Sơn đã xây dựng những nhân vật mang dáng dấp những mẫu người văn hóa, những con người sống cuộc sống thời hiện tại nhưng lại mang trong mình mạch nguồn văn hóa vùng miền, như lớp trầm tích vọng về từ quá khứ đang được nối dài ở hiện tại, vang vọng tới tương lai. Tiểu thuyết Cao Duy Sơn thường xuất hiện hình tượng nhân vật là những ông già ở tuổi cao niên, gắn bó với vùng đất của mình, chuyện gì cũng biết, lẽ gì cũng thấu. Đó là lão Noọng với âm thanh quen thuộc “Coong …coong …coong” gõ kẻng thông báo thời gian cho người sống và làm thủ tục cuối cùng cho người chết trước khi gửi họ về với đất. Trong mắt dân Cô Sầu, lão trở thành “kẻ vừa gần gũi, vừa xa lạ, vừa quên, vừa nhớ” (Người lang thang). Đó là lão Khần với “cái màu sắc cổ xưa tỏa ra từ lão khiến người ta liên tưởng đến các vị tiên lão bước ra từ cổ tích, đang nhâm nha tận hưởng niềm khoái cảm nhàn tản vô lo” (Cực lạc). Và ông lão mù Sẩm Ky như ông thổ địa của Bình Lãng, cũ kỹ và xa xưa (Đàn trời). Chẳng ai biết lão bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng lão cùng với tiếng sáo đã có từ khi những người già nhất vùng này hãy còn là những đứa trẻ. Giờ đây, vẫn cây sáo ấy, sự xuất hiện của lão trở thành điều bình thường thân thuộc nơi vùng đất này: “Chợt đâu đây có tiếng tiêu cất lên. Âm thanh mượt mà lay động tâm hồn. Sẩm Ky đấy! Dưới gốc lát già, bên đường dẫn ra chợ, Sẩm Ky như đang mượn tiếng tiêu để tâm tình với ai đó” (7). Trong Đàn trời, ông già Sẩm Ky được miêu tả rất ít, chỉ tiếng sáo của lão xuất hiện nhiều. Tiếng sáo là cách để lão giao tiếp với mọi người và trải lòng với chính mình. Tuy được miêu tả không nhiều nhưng cùng với tiếng sáo, lão xuất hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử Bình Lãng. Ông lão mù Sẩm Ky dường như lại là người thông thuộc và am hiểu nhất vùng đất này. Trời lấy đi của lão đôi mắt, nhưng lại phú cho lão sự tinh nhạy, sắc bén trong cảm nhận, bởi vậy, không có chuyện gì, dù lớn, dù nhỏ có thể qua mắt Sẩm Ky. Lão không tham gia vào bất cứ việc gì, nhưng lại là người biết hết mọi việc, thấu hiểu lẽ đời và thông hiểu lẽ trời. Câu Sẩm Ky nói ở cuối tác phẩm như sự phán xét của một bậc cao nhân nắm bắt mọi lẽ ở đời trong lòng bàn tay: “Ai bảo không có trời nào? Có đấy, sống mãi rồi khắc biết!” (8). Ông già Sẩm Ky, người lưu giữ ký ức, cũng là người truyền giữ văn hóa đặc sắc của vùng miền, có khả năng nhìn thấu mọi lẽ ở đời, thấu hiểu lòng người. Sẽ không phải là nói quá khi cho rằng: nếu như bản sắc văn hóa miền núi là hồn cốt của Đàn trời thì ông già Sẩm Ky là hạt nhân văn hóa, góp phần quan trọng làm nên hồn cốt ấy.
Cùng với Sẩm Ky, pa Mạc và mú Sắn Pì được xây dựng trong tác phẩm như những hình tượng tiêu biểu cho con người miền núi, chất phác, mộc mạc, trong lành như nước suối đầu nguồn. Họ là hiện thân của bản mường, cộng đồng, là đại diện cho lòng nhân ái và sự bao dung. Pa Mạc là sự nối dài con người đích thực nguyên thủy còn sót lại, là người hiền lành, chất phác, trung thực và nhân hậu, kiệm lời nhưng rắn rỏi, không bao giờ thất hứa với ai khi nhận lời, không bao giờ làm phiền ai. Sống với pa Mạc, người cha nuôi nhân từ, Thức được nuôi dạy “từng ngày từng lời thấm dần như nước chắt từ những thành đá cứng” (9) để trở thành con người chân thành, cứng cỏi, ngay thẳng, nhiệt thành. Pa Mạc dạy cho Thức những kinh nghiệm sống, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao. Ngoài biết cầm cung nỏ, súng kíp, biết đặt cạm bẫy thú rừng, lên nương tra hạt ngô, hạt lúa, bổ đất đồi hạ xuống, làm ruộng bậc thang, bắt con nước trong khe, trong suối cấy lúa nước, trèo lên núi hạ cây dựng nhà, đắp cái lò đun rực lửa hồng mà không khói, biết thổi kèn pí lè, đánh trống đón bạn phương xa về dự hội xuân. Mú Sắn Pì, người đàn bà cao lớn, xấu xí, kỳ dị lại là người yêu thương, bao bọc và bảo vệ Thức từ ngày còn đỏ hỏn. Người con gái mới lớn vụng về mà yêu thương đứa trẻ không phải con mình đẻ ra còn hơn cả tính mạng của bản thân. Không có những con người ấy, không thể có Thức hôm nay.
Thế hệ thứ ba, hiện thân của sự nối dài cội nguồn văn hóa cộng đồng với hiện tại là: Bảo, Thức, Mỷ. Họ là những người con bản Mường, là những người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết và tình yêu tha thiết với quê hương. Bảo được học ở nước ngoài nhưng luôn nhớ về hình ảnh ngôi nhà sàn chân núi với người mẹ lặng lẽ bên bếp lửa lại hiện lên. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ ở Liên Xô, Bảo xin về Bình Lãng, vùng đất nghèo khó luôn theo anh cả trong giấc mơ những tháng ngày xa cách. Còn Thức, cậu bé sống giữa đại ngàn với quá khứ buồn đau, những ký ức ấu thơ gắn liền với từng ngọn núi, từng con suối, lớn lên giữa đại ngàn đầy nắng gió đã hun đúc khí chất một chàng trai cao lớn, trầm tĩnh, ngay thẳng. Thức thích ăn cháo ngô, thứ cháo của người miền núi nghèo khó, thích uống rượu ủ bằng men lá cây, thích thú với tiếng củi nổ lép bép, tiếng nước róc rách theo máng nước chảy xuống cang sành sau nhà. Thức cảm nhận được điều đặc biệt từ mùi mồ hôi thấm hương chàm thoảng ra từ quần áo tía, một thứ mùi đặc trưng đã gắn bó với anh từ những ngày còn chập chững. Với Thức, được trở về với Phja Đeng, đi trên con đường mòn ven núi, uống nước ngọt từ khe sâu máng vầu vào bể gỗ sau nhà, với hương rừng bâng khuâng nỗi nhớ là một niềm hạnh phúc. Mỷ, người con gái của núi rừng với vẻ đẹp sáng trong như được chắt chiu từ hương rừng nguyên sinh thuần khiết, từ bình minh trong sương, từ ánh trăng dịu hiền thu trong vắt, từ hoa, từ lá, từ dòng suối rừng tinh khiết ngọt ngào. Ở Mỷ còn toát lên vẻ đẹp khác làm Thức say mê, vẻ đẹp sơn nữ mang bản sắc quê hương với mùi chàm và mùi sáp ong chải trên những đường chỉ thêu váy áo thoảng hương ngây ngất, xen lẫn tiếng lạch xạch của những đồng bạc trắng bên hai vạt áo. Các thế hệ nối tiếp nhau lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương, làng bản, làm nên bản sắc riêng khó lẫn của vùng miền.
Cao Duy Sơn đã thành công trong xây dựng biểu tượng nghệ thuật, cũng là biểu tượng văn hóa mang màu sắc tâm linh của đồng bào dân tộc Dao ở Phja Đeng, đó chính là thác Phja Bjooc mà người dân vẫn quen gọi một cách thành kính, thiêng liêng Đàn trời. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng thác đối lập với núi đá trong cặp song hành nền móng: núi (sơn) với nước (thủy) cũng như âm với dương. Thác đi xuống ngược chiều với núi là vươn lên cao, thác động đối lập với núi đá tĩnh… Thác Phja Bjooc, với người dân Phja Đeng là “thiên đàng linh thiêng” chứa đựng sức mạnh ngàn đời của thiên nhiên hoang dã. Người bản Phja Đeng thường ra đây cầu trời khi gặp năm nắng hạn mất mùa hay dịch bệnh đe dọa; hay kể lể chuyện vui buồn và cầu trời giải thoát. Người dân Phja Đeng, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, dâng lên Đàn trời niềm tin bất diệt về sức mạnh linh diệu. Đây là cảm nghĩ của lão Mạc, người đã sống và chứng kiến sự linh nghiệm ấy: “Dưới Đàn trời ta dâng lên người lời khẩn cầu sức mạnh. Ta thấy lòng toại nguyện. Từ đây ta nghe được tiếng của muôn loài khẩn cầu lên trời xanh, tiếng của trời đất hòa nhập làm một, tiếng của phận người yếu mỏng gửi tít trên cao với hy vọng và cả nỗi tuyệt vọng vô cùng muốn đổi thay và giải niềm ẩn ức” (10). Đã có những lúc, chính lão Mạc, chứng kiến cuộc đời đầy mất mát, khốn khổ của Thức, cảm thấy hoang mang và nghi hoặc sự ứng nghiệm của Đàn trời. Nỗi đau dồn nén thành những lời đắng cay, chua chát. Nhưng rồi chính lão Mạc, đã cảm thấy đầy ăn năn, tội lỗi vì sự hoài nghi. Cuối tác phẩm, toàn bộ cục diện câu chuyện thay đổi, Thức được minh oan, những kẻ có chức có quyền, quỷ quyệt, cơ hội, xấu xa bần tiện (Tuệ, Lương Nhân…) bị sa lưới pháp luật, thậm chí kẻ coi trời bằng vung, kẻ được bọn xu nịnh tôn xưng là “hoàng thượng” (chủ tịch Đinh Xuân Ấn) lừng lẫy ngang dọc một thời nay trở thành tay trắng. Kết thúc tác phẩm, chân lý vẫn thuộc về lẽ phải, như là quy luật của ngàn đời.
Ở khía cạnh ngôn ngữ, Cao Duy Sơn cũng dụng công trong việc chuyển tải sắc màu văn hóa vùng miền với sự am hiểu sâu sắc về cách cảm, cách nghĩ, thể hiện được vẻ đẹp mộc mạc từ trong chính suy nghĩ giản đơn của người miền núi. Với họ, tổ quốc được định nghĩa thật gần gũi và giản dị: “Đây là nhà của chúng mình, là tổ quốc của mình. Tổ quốc được bắt đầu từ chân cầu thang tì dưới mặt đất bắc lên sàn nhà” (11). Những cách so sánh ví von mang đặc trưng tư duy miền núi: “Pa vui như vừa chuyển được cây gỗ nặng từ đỉnh núi về nhà”; “lão cũng sẽ trở thành ký ức thật cũ kỹ như đất”, “giọng lão Mạc như mạch nước ngầm trào ra từ lòng núi, đi qua những ghềnh đá, những vực cao, những rừng sâu đầy những bất trắc rình rập” (12); “nàng giản dị và hiền lành như con suối trong, nàng thơm thảo ngọt ngào như những hạt gạo trong cối nước” (13)… góp phần mang đến cho những trang văn Cao Duy Sơn vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết của núi rừng. Con người dường như cũng mang trong mình những vẻ đẹp kết tinh từ thiên nhiên trong lành, bản sắc văn hóa quê hương, xứ sở. Tình yêu đôi lứa cũng bắt nguồn từ tình yêu quê hương xứ sở, từ lòng yêu tha thiết nét đẹp văn hóa bản làng. Thức nghĩ về Mỷ: “Em không biết nói lời chau chuốt, được lựa chọn trong sách vở như con gái vùng đồng, nhưng những lời nụ lời hoa e ấp khiêm nhường làm ta bâng khuâng” (14). Mỷ cũng dành tình cảm đặc biệt cho Thức bởi cô vui vì con chim vẫn không quên cánh rừng, biết tìm về tổ ấm ngày xưa và mê mải hát điệu tù dung tiên tổ.
Chính tình yêu tha thiết với vùng đất, miền văn hóa của mình, Cao Duy Sơn, dù đã chuyển về công tác nhiều năm tại Hà Nội, vẫn khẳng định cả đờ chỉ theo đuổi đề tài miền núi. Miền núi Cao Bằng vẫn luôn là niềm đau đáu trong lòng người con xa xứ và viết như là một sự trả nghĩa, một sự trở về với nguồn cội, Cao Duy Sơn đã, đang và luôn viết về quê hương với niềm tự hào sâu sắc về những nét đẹp văn hóa truyền thống vùng miền. Nghiên cứu dấu ấn văn hóa miền núi trong những sáng tác của Cao Duy Sơn nói chung, tiểu thuyết Đàn trời nói riêng, bạn đọc sẽ có được những góc nhìn mới mẻ để khám phá vẻ đẹp lý thú và thêm trân trọng, yêu mến thiên nhiên, cuộc sống và con người miền núi hôm nay.
______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, Cao Duy Sơn, Đàn trời, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.258, 43, 53, 121, 120, 130, 606, 608, 139, 307, 299, 584, 593, 300.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 – 2017
Tác giả : BẾ THỊ THU HUYỀN
Bài viết cùng chủ đề:
Khoan dung trong tư tưởng kinh tế hồ chí minh
Giao thoa văn hóa tày – việt – nga trong thi ca triệu lam châu
Hồ biểu chánh và bức tranh trang phục người việt ở nam bộ