Nhắc tới du lịch Cao Bằng, nhiều người chỉ nghĩ đến vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của thác Bản Giốc mà quên mất rằng nơi đây còn có một ngọn núi độc đáo vô cùng nằm giữa một thung lũng đẹp tựa thảo nguyên du mục – đó là núi Mắt Thần.
Núi Mắt Thần -“ngọn núi thủng” kỳ vĩ của non nước Cao Bằng
Núi Mắt Thần – cái tên gợi nên bao sự kỳ bí, huyền ảo nằm trong thung lũng xóm Bản Danh, xã Quốc Toản huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.
Núi Mắt Thần còn được gọi bằng một cái tên khác là “Núi Thủng”, do hình dáng bên ngoài của ngọn núi: ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m. Đây là ngọn núi “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, nơi có khung cảnh vô cùng quyến rũ với những đồng cỏ mênh mông bên những hồ nước xanh bát ngát cả một vùng trời.
Với cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng ấy, nơi đây đã trở thành một điểm đến mới lạ được giới trẻ yêu thích trong thời gian qua và được ưu ái đặt cho cái tên “Tuyệt tình cốc” – chốn thâm sơn cùng cốc nhưng cảnh sắc đẹp tuyệt trần.
Mắt Thần thực chất là cái tên được các nhà khoa học quốc tế “ưu ái” đặt cho ngọn núi này khi nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Căn cứ theo tài liệu chính thức của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, núi Mắt Thần thật ra là một cái hang thủng hình tròn có đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ Thang Hen.
Tuy nhiên, theo tiếng địa phương của người Tày bản xứ, ngọn núi có tên là “Phja Piót”, có nghĩa là núi bị thủng một lỗ để gió lùa xuyên từ mặt bên này sang mặt bên kia của ngọn núi.
Núi Mắt Thần cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, du khách di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy đến đây đều thuận lợi, nhưng, xe máy là phương tiện di chuyển cơ động hơn cả. Bởi đoạn đường dẫn tới núi Mắt Thần khá hẹp, chỉ có xe máy mới di chuyển vào sâu bên trong thung lũng được.
Để tới với núi Mắt Thần, du khách có thể lựa chọn hai cách sau:
Cách 1: Buổi sáng, du khách đi trên tỉnh lộ 205 theo hướng huyện Trà Lĩnh, rẽ sang xã Quang Vinh – Lưu Ngọc, đi thêm chừng 3 – 4 km là sẽ tới hồ Thang Hen. Để vào sâu trong thung lũng tới núi Mắt Thần, du khách phải đi bộ thêm khoảng 1,5km nữa.
Cách 2: Buổi chiều, du khách vẫn đi theo tỉnh lộ 205 tới hồ Thang Hen, đi bộ từ hồ xuyên thẳng sang chừng 2km. Tuy khó đi hơn nhưng nếu tới đây vào buổi chiều, du khách nên lựa chọn con đường này vì sẽ thuận ánh sáng để chụp ảnh. Lưu ý: con đường này nếu trời mưa thì khá trơn trượt, hồ nước sâu nguy hiểm, du khách không nên cho các bạn nhỏ đi lối này
Du lịch núi Mắt Thần vào thời gian nào?
Núi Mắt Thần nằm trong quần thể hồ Thang Hen với hệ sinh thái tự nhiên, quanh năm xanh mát nên du khách có thể tới Cao Bằng khám phá núi Mắt Thần vào bất cứ dịp nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm đặc biệt nhất để tới nơi đây là vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10. Bởi lúc ấy, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ mà không ai có thể giải thích được, đó là nước hồ Nặm Trá bị rút cạn chỉ trong vài giờ đồng hồ. Kỳ lạ thay khi hàng nghìn mét khối nước hồ cứ như bị rút xuống dưới lòng đất , lúc này bà con dân bản sẽ lũ lượt kéo nhau tới tranh thủ bắt cá.
Tới nơi đây vào những buổi sáng sớm, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh bình minh “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Khi ấy, ánh mặt trời ửng hồng mọc lên từ phía Đông sau ngọn núi, chiếu những ánh sáng trực rỡ qua “mắt thần” ở trên đỉnh tạo thành vầng hào quang lấp lánh vô cùng độc đáo khiến ai cũng phải ngẩn ngơ trước những điều kỳ diệu mà thiên nhiên, tạo hóa ban tặng.
Núi Mắt Thần nằm trong khu vực hệ thống hồ Thang Hen với 36 hồ liên thông nhau cùng cạn, cùng đầy với dòng chảy trên mặt hồ và cả những dòng chảy ngầm.
Chính vì vậy, vẻ đẹp của nơi đây là sự giao hòa giữa mây trời và non nước. Mỗi một mùa trong năm, phong cảnh bao quanh núi Mắt Thần lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Tất cả hòa quyện lại tạo nên một vùng đất nguyên sơ đẹp hài hòa như một tuyệt tác.
Mùa mưa tới, thác nước Nặm Trá đổ tuôn ào ào xuống dòng suối trong xanh đẹp đến khó tả. Thác nước này tuy không cao và nhiều tầng nhưng lại tạo thành nhiều dòng chảy với những làn nước mềm mại uốn lượn giữa các mỏm đá.
Vào mùa này, ngọn núi kiêu hãnh soi bóng mình cùng “con mắt thần” khổng lồ in nơi đáy nước giữa không gian của núi rừng. Xa xa, những vạt hoa dại khoe sắc trải dài khắp thung lũng như điểm tô thêm sắc màu cho không gian xung quanh.
Khi đông tàn, xuân đến, dưới chân núi Mắt Thần, vốn là đáy hồ bỗng trở thành một thảm cỏ xanh mướt như nhung. Đâu đó, những chú ngựa hay trâu bò đang thong dong gặm cỏ. Nằm xem kẽ với những ngọn núi đá trập trùng trong màn sương trắng nắng vàng, ngọn Mắt Thần nổi bật giữa khung cảnh nên thơ, bình yên như một thảo nguyên du mục.
Vào mùa khô, núi Mắt Thần thu hút rất nhiều các bạn trẻ tới du lịch, bởi thời điểm ấy rất lý tưởng cho việc tổ chức những buổi picnic, dã ngoại.
Trong cái tiết trời se lạnh cuối cùng của mùa đông, sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn khi được cùng chúng bạn quây quần bên đống lửa ấm áp, chia sẻ với nhau một vài củ khoai nướng thơm lừng, nóng bỏng tay giữa một đồng cỏ xanh mướt yên bình mà chốn phố thị chẳng thể nào có được.
Chưa hết, tới núi Mắt Thần, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt dân dã của người Tày vùng Cao Bằng, tham quan những nếp nhà sàn, lạc bước giữa cánh đồng lúa, “sống ảo” với vài tấm hình thật dễ thương cùng những chú trâu bên hàng rào đá đặc trưng của bản người Tày giữa một khung cảnh thanh bình.
Nếu bạn là người yêu du lịch, thích khám phá những địa danh độc đáo, mới lạ, đừng bỏ lỡ cơ hội đến du lịch Cao Bằng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy mê hoặc của ngọn núi Mắt Thần “độc nhất vô nhị” này ở Việt Nam.
Tác giả: Hồng Vân – Nguyễn Hoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ