Chủ đề hôn nhân trong truyện cổ tích dưới mắt các nhà folklore việt nam

Tìm hiểu, nghiên cứu thế giới cổ tích, chúng tôi nhận thấy, những chủ đề được phản ánh trong thể loại này vô cùng đa dạng, từ những vấn đề rộng lớn của xã hội, đến những vấn đề rất đời thường trong quan hệ gia đình. Trong đó, hôn nhân là vấn đề gia đình, gắn với các vấn đề xã hội được các thể loại văn học dân gian và nhất là thể loại truyện cổ tích hết sức quan tâm. Và đây cũng là một trong những chủ đề phổ biến và độc đáo của kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nghiên cứu vấn đề này chắc chắn sẽ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa folklore và thực tại. Mặt khác, nó còn làm sáng rõ hơn quan niệm của nhân dân về mối quan hệ nhân sinh, về gia đình, xã hội – bản sắc văn hóa của một cộng đồng.

1. Xu hướng tiếp cận chủ đề hôn nhân từ
góc độ thể loại

Năm 1972, các tác giả Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên khi tìm hiểu về truyện kể dân gian, đã khẳng định: “Những truyện như Trầu cau, Tô Thị vọng phu, Vua bếp chính là thuộc loại truyện phản ánh những sự biến động từ chế độ quần hôn nguyên thủy sang chế độ gia đình có phân biệt từng cặp vợ chồng…” (1). Các tác giả khẳng định, truyện Trầu cau, Tô Thị vọng phu ngày nay đã trở thành truyện cổ tích, nhưng cốt lõi của chúng vốn là thần thoại. Ý kiến của các tác giả đã gợi ý cho chúng tôi hướng tìm hiểu về bước tiến của hôn nhân từ góc độ thể loại của văn học dân gian.

Cũng theo xu hướng tiếp cận từ góc độ thể loại này, tác giả Đặng Thái Thuyên đã xuất phát từ hướng nghiên cứu hôn nhân và các mối quan hệ xung quanh hôn nhân để nghiên cứu truyện cổ tích thần kỳ Mường. Trong quá trình khảo sát các dạng hôn nhân được phản ánh trong truyện cổ tích thần kỳ của người Mường, tác giả đã chia làm hai dạng lớn. Thứ nhất là hôn nhân trong những dạng truyện đầu, gồm hôn nhân huyết tộc (đôi con dì) (Cụ vách và ốc sên) và hôn nhân vợ nhiều chồng (Sự tích hòn nục). Tác giả đã nhận định, hôn nhân ở dạng này là ít xung đột, nếu có chỉ là mục đích của sự lý giải vấn đề. Thứ hai là hôn nhân trong những quan hệ xung đột thực tại. Ở dạng này, mâu thuẫn xã hội đã lên cao, phân chia giai cấp sâu sắc, hôn nhân được xem như là vấn đề lý tưởng về gia đình và xã hội. Hôn nhân có sự tranh đoạt, có thử thách, nhất là sự chênh lệch gia cảnh và từ đó dẫn đến phản đối hôn nhân. Đây chính là trọng tâm của sự đấu tranh giành công bằng trong xã hội của nhân dân. Tác giả cho rằng: “Do phạm vi vấn đề của truyện cổ tích thần kỳ nên nhân vật của nó phổ biến là người vợ hoặc chồng, những kẻ mồ côi, những người con riêng, người em út. Những nhân vật này được mô tả trong mối quan hệ cụ thể, đặc biệt là quan hệ hôn nhân. Xem xét vấn đề này theo lịch sử trên cơ sở việc phân dạng cốt truyện, việc khai thác chi tiết, có thể tiếp cận bản chất vấn đề” (2). Dù chưa đi sâu nghiên cứu kỹ từng dạng truyện về đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích Mường, nhưng tác giả đã có cái nhìn tổng quát về đề tài hôn nhân trong thể loại truyện cổ tích thần kỳ dân tộc Mường và đưa ra những nhận xét có giá trị, không chỉ đối với việc nghiên cứu truyện cổ tích Mường nói riêng, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Năm 2003, tác giả Nguyễn Việt Hùng đã đi sâu tìm hiểu một số môtip trong kiểu truyện này, quan trọng là “hôn nhân anh em ruột”. Theo tác giả, môtip này phản ánh phong tục hôn nhân anh em ruột và là sự mượn lại môtip thần thoại để lý giải sự thay đổi của xã hội lúc đó, đồng thời chỉ ra hôn nhân anh em ruột trong cổ tích được nhân dân lý giải là do “sự vô tình”, “sự nhầm lẫn”. Đây là một cách thức nghệ thuật để tác giả dân gian bảo vệ nhân vật của mình (3).

2. Xu hướng tiếp cận chủ đề hôn nhân từ vấn đề xung đột xã hội

Năm 1974, tác giả Cao Huy Đỉnh cũng quan tâm đến chủ đề hôn nhân với việc phản ánh xung đột giữa hai quan niệm và hình thái hôn nhân: một thuộc chế độ quần hôn (anh em lấy chung một vợ) thời mẫu hệ và một thuộc chế độ hôn nhân và gia đình lứa đôi thời phụ hệ. “Sự xung đột đó phản ánh một bước tiến bộ xã hội và thể hiện thành tâm trạng đau khổ giằng xé giữa tình anh em, tình yêu trai gái ở trong từng nhân vật của truyện” (4). Như vậy, tác giả đã nghiên cứu truyện kể dân gian từ góc độ dân tộc học với quan điểm coi những vấn đề của dân tộc học chính là cơ sở cho sự hình thành các cốt truyện, các môtip trong truyện kể dân gian.

Năm 1984, tác giả Tăng Kim Ngân đã căn cứ vào những dị bản về truyện Trầu cau để so sánh, đối chiếu, tìm sự giống nhau của các môtip và tip truyện trong các dị bản với mong muốn bước đầu lý giải những vấn đề dân tộc học, xã hội hội học mà truyện đề cập tới. Hướng tiếp cận này cũng là một bước cụ thể hóa cách làm mà tác giả Cao Huy Đỉnh đã gợi mở. Qua việc phân tích các dị bản của truyện Trầu cau của người Việt và so sánh nó với loại truyện về bộ ba nhân vật mang chủ đề “quan hệ anh – em, vợ – chồng”, tác giả Tăng Kim Ngân đã rút ra kết luận: “Truyện Trầu cau phản ánh một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại, khi xã hội chuyển từ hôn nhân cộng đồng sang hôn nhân cá thể. Việc gia đình lớn tan rã đã khẳng định gia đình cá thể là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Sự tiến bộ ấy trải qua một cuộc đấu tranh dai dẳng, quyết liệt mới có và cũng trên con đường đi lên ấy, thường xảy ra những bi kịch”. Đồng thời, tác giả khẳng định, dân gian dựa vào tục ăn trầu có từ thời trước đó rất lâu để xây dựng thành một câu chuyện phản ánh bước ngoặt lớn của xã hội (5). Như vậy, tác giả đã nhìn nhận truyện Trầu cau thuộc kiểu truyện cổ tích thần kỳ có chủ đề về hôn nhân và giải thích phong tục. Song với sự ẩn chứa sâu nhiều lớp văn hóa, truyện Trầu cau còn là một thông điệp dân tộc học phản ánh vấn đề hình thành và phát triển quy luật hôn nhân của các tộc người, mà trong đó mỗi tộc người đều phải trải nghiệm, đúc kết thành nguyên tắc hôn nhân sao cho phù hợp với văn hóa, đạo đức của họ. Về phương pháp, đóng góp quan trọng của tác giả bài viết này là đã áp dụng phương pháp nghiên cứu cấu trúc, so sánh loại hình lịch sử vào nghiên cứu một tác phẩm cụ thể có chủ đề về hôn nhân.

Tác giả Hoàng Tiến Tựu đã nhấn mạnh hai vấn đề đặc biệt quan trọng của truyện Trầu cau: “Truyện này cùng với truyện Ba ông đầu rau (Sự tích ba ông bếp), phản ánh sinh động những phương diện, khía cạnh khác nhau của quá trình phát triển, biến đổi về quan hệ hôn nhân, gia đình và lại có sự hiểu lầm trong thời cổ, từ mẫu hệ sang phụ hệ ở nước ta. Giá trị lịch sử cũng như giá trị nhân văn và ý nghĩa hiện đại của chúng rất đáng chú ý” (6). Bên cạnh đó, tác giả cũng khẳng định: “Việc giải thích nguồn gốc tục ăn trầu và thành phần, chất liệu, hương vị, màu sắc của miếng trầu là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách được của nội dung và chủ đề của tác phẩm. Vị trí, vai trò của bộ phận này hết sức quan trọng. Nó làm cho bi kịch về quan hệ tình cảm của ba người kết thúc một cách có hậu và lạc quan”. Như vậy, theo tác giả, trong truyện Trầu cau vừa có chủ đề hôn nhân, vừa có chủ đề phong tục, nhưng chủ yếu thiên về chủ đề hôn nhân và gia đình.

Tác giả Đông Phong đã tìm hiểu, nghiên cứu và sắp xếp truyện Sự tích đầu rau vào nhóm các câu chuyện về chủ đề hôn nhân và gia đình. Tác giả đưa ra ý kiến nhận xét về ý nghĩa của câu chuyện như sau: “Truyện Ông táo là một trong những truyện cổ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đó là hình ảnh tượng trưng cho cuộc sống hòa thuận, đầm ấm, an vui của mỗi gia đình – một lối giáo dục bằng ẩn dụ, bằng bí truyền qua tục truyền miệng….Và ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày mời gọi đoàn tụ của các gia đình Việt Nam” (7). Trong ý kiến của tác giả, chúng tôi nhận thấy, có cả nhận xét về truyện kể và phong tục. Tuy nhiên, ý kiến về phong tục mới chỉ là một ý kiến nhỏ nảy sinh trên cơ sở phân tích bi kịch hôn nhân trong gia đình Thị Nhi theo xu hướng truyền thống.

3. Xu hướng tiếp cận chủ đề hôn nhân trên cơ sở dân tộc học

Xu hướng nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian dựa trên cơ sở dân tộc học cũng là xu hướng chung của nhiều nhà folklore thế giới từ những năm cuối TK XIX – đầu TK XX đến nay. Những quan điểm dân tộc học và phương pháp nghiên cứu của các nhà folklore thế giới đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam ứng dụng hiệu quả vào thực tế của văn học dân gian Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thục Hiền cho rằng: “Trầu cau không phản ánh chế độ hôn nhân thời mẫu hệ, cũng không phản ánh chế độ quần hôn” (8). Theo quan điểm của người viết, việc chàng họ Cao lấy vợ, vì bố mẹ chết phải ở nhà vợ thì đó là việc gửi rể, mà gửi rể là việc rất thịnh hành ở xã hội phong kiến mà ngày nay vẫn còn, sao lại coi đó là hôn nhân thời mẫu hệ được. Trầu cau cũng không có bóng dáng quần hôn. Bởi vì, ở đây, cô gái họ Lưu lấy người anh trong hai anh em họ Cao chứ có đồng thời chung chạ với cả hai anh em đâu?”. Tiếp đó, tác giả đưa thêm một chi tiết cô gái chọn người anh làm chồng để cho thấy thời đó, chế độ gia trưởng đã hình thành. “Mà chế độ gia trưởng thì không thể ở chế độ mẫu hệ hay quần hôn!”. Theo quan điểm của chúng tôi, tác giả đã không đứng ở góc độ đặc trưng cơ bản của văn học dân gian để đánh giá tác phẩm văn học dân gian, mà đã nhìn nhận, phân tích tác phẩm văn học dân gian như tác phẩm văn học viết. Vì lẽ ấy, tác giả đã chưa quan tâm tới quá trình lưu truyền tập thể và lưu truyền bằng miệng của tác phẩm dân gian. Chúng tôi cho rằng, chính điều đó đã làm cho truyện Trầu cau có sự biến đổi sâu sắc.

Tác giả Nguyễn Thị Huế đã đi sâu phân tích môtíp thử thách qua chủ đề thử tài để kết hôn trong kết cấu hình tượng nhân vật xấu xí mà tài ba. Ở trong những truyện này, nhân vật bị thử thách là những nhân vật xấu xí. Họ muốn kết hôn với cô gái thì phải vượt qua những thử thách, khó khăn mà ông bố vợ tương lai đặt ra. Những hình thức thử thách rất phong phú và cũng khó có thể thực hiện được với người bình thường. Tuy nhiên, bằng chính tài năng, đức độ của mình, nhân vật xấu xí đã vượt qua các thử thách đó một cách dễ dàng. Tác giả làm sáng tỏ sự tiếp thu sáng tạo và tài tình của các tác giả dân gian trong sự biến đổi từ một phong tục trở thành một môtip trong truyện cổ tích – thử tài để kết hôn. Chính môtip này đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị độc đáo và hấp dẫn của truyện cổ tích thần kỳ (9).

Tác giả Chu Xuân Diên và Lê Chí Quế đã đưa ra nhận xét: “Trầu cau, cùng với Đá vọng phu, Sao Hôm sao Mai, Ông đầu raulà những truyện nảy sinh trên cơ sở lịch sử xã hội của giai đoạn quá độ từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ” (10).

4. Xu hướng tiếp cận chủ đề hôn nhân trên cơ sở giải thích phong tục

Tác giả Kiều Thu Hoạch có bài nghiên cứu so sánh 4 truyện thuộc tip Trầu cau của Việt Nam và Trung Quốc, đã rút ra những điểm tương đồng và khác biệt sau: cả 4 truyện đều có một chủ đề; kết cục truyện là tất cả các nhân vật đều chết ở một địa điểm, rồi biến thành cau, trầu và tảng đá, để từ đó giải thích phong tục; truyện của nguời Di và người Cao Sơn Trung Quốc chỉ thấy nói “nhai trầu” chứ không nói đến “ăn trầu”; truyện của người Việt thường nói đến “ăn trầu” chứ không nói đến “nhai trầu”. Tác giả khẳng định: “Nhìn chung, dù có một vài tình tiết khác biệt, nhưng chỗ tương đồng lớn nhất của tip truyện này ở các tộc người đều là nhằm giải thích phong tục ăn trầu, nhai trầu” (11). Như vậy, theo tác giả, điểm tương đồng lớn nhất của tip truyện này không phải là đặt ra yêu cầu phản ánh vấn đề hôn nhân – gia đình trong xã hội xưa, khi còn tồn tại tuy trên đà tan rã, tục anh – em lấy chung một vợ. Tuy vậy, tác giả cũng đã đề cập tới vấn đề hôn nhân trong truyện cổ tích.

5. Xu hướng tiếp cận chủ đề hôn nhân trên cơ sở nhận diện các hình thức hôn nhân trong quá khứ

Tác giả Chu Xuân Diên có nói đến đề tài hôn nhân và gia đình. Bên cạnh các môtip như “hôn nhân loạn luân”, “người con riêng bị ngược đãi”, “người xấu xí mà có tài”… thì môtip “hôn nhân giữa người và động vật” cũng được tác giả nhắc tới như là một môtip của đề tài hôn nhân và gia đình (12).

Ngoài những công trình nghiên cứu, chuyên luận và bài viết trên, những năm gần đây, trong một số công trình luận văn thạc sĩ, vấn đề hôn nhân trong truyện cổ tích cũng là đề tài được nhiều tác giả quan tâm, nghiên cứu để hướng tới việc nhận diện, đoán định ý nghĩa của các hình thức hôn nhân trong quá khứ xa xưa của loài người.

Tác giả Nguyễn Thị Kim Huế đã chọn đề tài liên quan đến một tiểu loại hôn nhân phổ biến – hôn nhân “người – rắn” trong nhóm truyện hôn nhân giữa người và vật, giữa người và người mang lốt vật. Tuy nhiên, hình thức hôn nhân giữa người và vật phong phú hơn rất nhiều, nó không chỉ dừng lại ở cuộc hôn nhân giữa người và rắn. Cho dù mối quan hệ “người – rắn” rất được quan tâm trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam, nó cũng không chỉ là cuộc hôn phối giữa người với người mang lốt cho dù cái lốt đó cực kỳ đa dạng (13).

Tác giả Mai Thu Hương đã khảo sát, chọn ra được 60 truyện về đề tài tình yêu, hôn nhân và chia ra làm ba nhóm: nhóm truyện về tình yêu, hôn nhân “người – vật”; nhóm truyện về tình yêu, hôn nhân “người – tiên”; nhóm truyện về tình yêu, hôn nhân là vật tặng thưởng. Tác giả đã tìm ra những nét khác biệt về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của từng nhóm truyện với những biểu hiện về văn hóa, quan niệm, tín ngưỡng, lịch sử, dân tộc… cùng những biện pháp nghệ thuật độc đáo về ngôn ngữ, lối kể chuyện, không gian, thời gian, cách thức xây dựng nhân vật, đã phản ánh nhận thức của tác giả dân gian về những vấn đề xã hội, hôn nhân, gia đình. Từ những kết quả nghiên cứu, tác giả đã đi đến nhận định: “Đề tài hôn nhân là phổ biến và được quan tâm, lý giải như là một mối quan hệ chính yếu của gia đình tư hữu, trong truyện cổ tích, thực tế này không chỉ ứng với truyện cổ tích các dân tộc trên thế giới” (14).

Trên cơ sở tập hợp 100 bản kể từ kho tàng cổ tích của hơn 20 dân tộc anh em, tác giả Đặng Thị Thu Hà khẳng định người lấy vật là kiểu truyện độc đáo, có nguồn gốc cổ xưa, phổ biến trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam. Tác giả đã đi sâu phân tích hai hình thức hôn nhân “người – vật” trong truyện cổ tích Việt Nam: hôn nhân giữa người và người mang lốt, hôn nhân giữa người và con vật. Đồng thời, tác giả cho rằng, có sự vận động, biến đổi rất lớn, hết sức phức tạp trong bản thân kiểu truyện. Sự vận động ấy thể hiện sự thay đổi trong quan niệm của tác giả dân gian về vấn đề hôn nhân. Khi chưa phân biệt được ranh giới giữa người và vật, việc hôn phối “người – vật” là điều hoàn toàn có thể nhưng khi nhận thức thay đổi, người ta chỉ chấp nhận “vật” tham gia kết hôn với con người là do con người đội lốt, những trường hợp người lấy vật khác đều phải bị loại bỏ hoàn toàn. Như vậy, đây là một dạng hôn nhân đặc biệt – hôn nhân khác loại. Cuộc hôn phối kiểu đó là một điều hoàn toàn không thể có trong thực tế đời sống, song nó lại được lưu lại trong truyện cổ tích thần kỳ, như là một lời gửi gắm đến từ quá khứ về một ước mơ hạnh phúc (15).

 Thực tế, về vấn đề này, các tác giả Hà Văn Thư, Võ Quang Nhơn, Y Điêng đã viết: “Các dân tộc quan niệm có một thời kỳ trời đất rất gần nhau, người trời có thể xuống trần gian, người trần gian khi cần có thể lên trời. Ở trên trời cũng có cảnh làm ăn, buôn bán như trên mặt đất. Tiên trên trời xuống trần gian làm vợ những chàng trai tốt bụng. Các loài vật, cây cỏ có thể là nguồn gốc sinh ra con người, con vật xấu nhất như con cóc có thể hóa thân thành chàng trai tuấn tú, tài năng, hoặc chàng trai đó vốn là người trời xuống trần đội lốt cóc để thử lòng “ai”. Cũng có khi người đẹp từ trong cây thuốc, từ trong ngà voi biến ra và tình nguyện làm vợ những chàng trai nghèo” (16). Đó là những mô tả chính xác về kiểu truyện người lấy vật nhưng còn sơ lược.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa đã tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu sâu môtip hôn nhân anh em ruột mà tác giả Nguyễn Việt Hùng mới chỉ dừng lại nghiên cứu trong một truyện. Tác giả mở rộng nghiên cứu môtip này trên phạm vi truyện cổ dân gian Việt Nam. Từ sự phân tích kiểu truyện này, tác giả đi đến lý giải nguyên nhân của sự diễn hóa môtip hôn nhân anh em ruột từ thần thoại sang cổ tích, để thấy rằng, hôn nhân huyết tộc trong thần thoại không bị cấm đoán, nhưng đến thời kỳ cổ tích đây lại là hình thức hôn nhân bị cộng đồng cấm kỵ (17).

Tác giả Hoàng Thị Thanh Trọng đã mô tả nội dung, kết cấu kiểu truyện về đề tài hôn nhân “giàu – nghèo”, chỉ ra 7 môtip chính của kiểu truyện: thử thách đối với nhân vật nghèo, “tài năng thần kỳ” của nhân vật nghèo, kết hôn, tai họa và kẻ gây tai họa, “biến hóa”, đoàn viên, hóa thân (hóa kiếp). Tác giả khẳng định, hôn nhân “giàu – nghèo” là một kiểu đề tài hấp dẫn, độc đáo trong kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam. Các kiểu hôn nhân trong truyện cổ tích luôn phản ánh thực tại xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định của loài người. Hôn nhân “giàu – nghèo” phản ánh xã hội phong kiến đã phát triển, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa tầng lớp phong kiến và nhân dân. Thực hiện được hôn nhân “giàu – nghèo” trong truyện cổ tích là cách hóa giải sự phân biệt sang – hèn, những định kiến và thói tục bất công ăn sâu vào ý thức hệ phong kiến. Điều đặc biệt là tác giả đã chỉ ra được ý nghĩa nhân văn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua kiểu truyện.

Như vậy, điểm qua một số công trình nghiên cứu, có thể thấy, truyện cổ tích Việt Nam rất phong phú về mặt chủ đề, trong đó hôn nhân là một chủ đề khá hấp dẫn, lý thú, chứa đựng và phản ánh nhiều vấn đề về văn hóa, phong tục dân tộc học và các hình thức hôn nhân trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Kết quả nghiên cứu của những người đi trước sẽ là những gợi mở, định hướng cho chúng tôi trong việc tiếp tục nghiên cứu về chủ đề hôn nhân trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới.

_______________

1. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1972.

2. Đặng Thái Thuyên, Đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích thần kỳ Mường, Tạp chí Văn học, số 5, 1983.

3. Nguyễn Việt Hùng, Sự tích Vọng Phu và tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2003.

4. Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976.

5. Tăng Kim Ngân, Qua tục ăn trầu và truyện Trầu cau của người Việt, bàn về mối quan hệ anh-em, vợ-chồng, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1-1984.

6. Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng truyện dân gian, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.

7. Đông Phong, Về nguồn gốc văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Mũi Cà Mau, 1998.

8. Nguyễn Thục Hiền, Truyện Trầu Cau phản ánh chế độ quần hôn?, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4-1992.

9. Nguyễn Thị Huế, Chủ đề thử tài để kết hôn – Sự biến đổi từ phong tục dân tộc học đến mô típ truyện cổ tích thần kỳ, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3-1997.

10. Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế, Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1998.

11. Kiều Thu Hoạch, So sánh típ truyện Trầu Cau ở Trung Quốc với típ truyện cùng loại ở Việt Nam và Campuchia – bàn về tục ăn trầu và văn hóa quyển trầu cau ở Đông Nam Á, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4-2001.

12. Chu Xuân Diên, Mấy vấn đề văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2004.

13. Nguyễn Thị Kim Huế, Kiểu truyện về đề tài hôn nhân “người – rắn” trong kho tàng truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2000.

14. Mai Thu Hương, Khảo sát một số nhóm truyện về đề tài tình yêu, hôn nhân trong truyện cổ tích dân tộc Thái, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2001.

15. Đặng Thị Thu Hà, Kiểu truyện người lấy vật và sự phản ánh chủ đề phong tục trong truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.

16. Hà Văn Thư, Võ Quang Nhơn, Y Điêng, Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1975.

17.Nguyễn Thị Thu Hòa, Kiểu truyện hôn nhân anh em ruột trong kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.

 

 

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : DƯƠNG NGUYỆT VÂN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *