CHỦ ĐỀ TÌNH YÊU TRONG VĂN XUÔI NGỌC GIAO

Trước những biến động xã hội, đầu những năm 30 của TK XX đã bắt đầu xuất hiện, bừng tỉnh ý thức cá nhân. Từ đó, ý thức về sự hiện hữu, bản thể, sinh tồn cũng như sứ mạng, bổn phận làm người đã khẳng định vị thế mới của cái tôi cá nhân. Cùng với thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, trong đó có Ngọc Giao, đều ít nhiều nói về vấn đề cốt lõi là con người cá nhân. Sự khẳng định ý thức cá nhân trong mối quan hệ với các xung đột, phong tục tập quán, đạo đức, sự lên tiếng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc, tiếng nói của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi là những nội dung được chú ý.

 

Con người với những nhận thức về bản thể: tình yêu, hạnh phúc

Cái tôi trữ tình với những nhận thức về bản thể, về con người với những gì riêng tư là một trong những yếu tố vừa giống, vừa khác biệt của văn xuôi Ngọc Giao so với các nhà văn lãng mạn đương thời. Với tư cách là chủ thể của quá trình văn học, mỗi tác giả đương thời hăm hở khám phá vùng đất mới bấy lâu nay bị kiềm tỏa trong vòng văn học trung đại. Ngọc Giao cũng như các tác giả thuộc trào lưu văn học lãng mạn khác mong muốn được khẳng định mình với con đường văn chương nhiều sáng tạo mới mẻ. Mỗi nhà văn có một hướng đi thể hiện cá tính văn chương riêng với những phong cách khác biệt. Các tác giả văn xuôi Tự lực văn đoàn tập trung ca ngợi tình yêu, hôn nhân tự do, hạnh phúc lứa đôi, bản lĩnh trước thời đại mới, chống lại hủ tục, lễ giáo phong kiến lạc hậu. Ngọc Giao lại nặng lòng với cảm thương, hoài niệm, thơ với thực lồng vào nhau trong cuộc sống với nhiều chiều của nó. Tiếng nói của nội tâm con người với những hoàn cảnh riêng tư khác nhau đã được nhà văn chú ý soi tỏ trong Gái muộn chồng, Thời gian, Xóm nghèo ăn tết chó, Ba ngày tết của lão bán xăng, Bức thư người lấy vợ… Đặc biệt, những trang văn viết về tình yêu đôi lứa của Ngọc Giao là tiếng nói khác biệt so với các nhà văn lãng mạn khác. Đó không còn đơn thuần chỉ là tiếng nói đòi tình yêu cá nhân đấu tranh với lễ giáo phong kiến như trong văn xuôi Tự lực văn đoàn mà còn là cả những bộn bề, sâu thẳm từ những gì con người, bản năng tự nhiên, sức sống, sự phức tạp của tình yêu trong bối cảnh xã hội mới. Ngọc Giao viết khá nhiều tác phẩm về đề tài tình yêu với sắc diện mới, ý nhị, tinh tế nhưng cũng có nét táo bạo, gợi mở nhiều bối cảnh mới, bất trắc mới trong xã hội đang dần hiện đại hóa, chịu sự ảnh hưởng của đồng tiền.

Ở bình diện sáng tạo nghệ thuật trong cấu trúc tác phẩm văn học, ý thức cá nhân, bên cạnh việc đi vào khai thác chiều sâu nội tâm, cảm xúc nhân vật với những bộn bề của đời sống thì tiếng nói tình yêu đôi lứa là đề tài các nhân vật thể hiện rõ khát khao của bản thể. Tình yêu đôi lứa với những đam mê, khát vọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt luôn cố gắng vươn lên để thỏa mãn tiếng nói của trái tim xuất hiện trong nhiều thiên truyện của Ngọc Giao như Một nàng tiên, Một đêm vui, Những đêm sương, Lỗi tình, Buồn vương mây khói… Tình yêu với những số phận, cảm xúc đã hiện lên phong phú trong dòng hoài cảm của các nhân vật cũng như tác giả.

Tiếng nói tình yêu đam mê, trắc trở

Tình yêu đôi lứa với những đam mê, khát vọng trong hoàn cảnh khắc nghiệt luôn cố gắng vươn lên để thỏa mãn tiếng nói của trái tim xuất hiện trong nhiều thiên truyện của Ngọc Giao. Hoài trong Một nàng tiên luôn mơ ước, khát khao một tình yêu đẹp, thánh thiện như những gì chàng đã gặp trong một lần dẫn dụ của cậu trời đến một khu rừng lúc tuổi lên 10, gặp người đàn bà đẹp như nàng tiên với cái tên Tố Hà. “Bao nhiêu người đàn bà đã bước vào cuộc đời niên thiếu của tôi, để rồi lại ra đi, phũ phàng như cơn gió độc, cái tâm hồn trống trải như quán chợ chiều nay than ôi, nào có đón được gì đâu” (1). Tâm tưởng nghĩ về một người phụ nữ đẹp trong mộng tưởng khiến Hoài luôn khát khao rằng: “Người con gái ấy sẽ xếp cặp cánh thiên nga lại, đừng có bao giờ bỏ lòng ta, phụ tình ta mà bay về trời” (2). Đó cũng là một khát khao chính đáng của những chàng trai về một người tình đẹp như trong mộng, đẹp cả hình thức, tâm hồn.

Tình yêu được xây dựng trong những bối cảnh có nhiều éo le, trắc trở, nghịch cảnh. Đó là những mối tình có rung động từ hai phía trong Cô gái làng Sơn Hạ. Cảm nhau vì nghĩa, mến nhau vì tình, mặc cho tai tiếng dư luận, sự cấm cản của người cha Vĩnh về mối quan hệ với những người sống trong làng Sơn Hạ, Vĩnh với Hồi vẫn quyết định tìm mọi cách để đến với nhau. Đó là nơi theo dân đồn “là một thôn vạn khuất nẻo bên kia sông, trai làng thì vừa làm nghề chài lưới, vừa làm nghề trộm cắp, gái làng thì đĩ thõa, lẳng lơ, anh em trong họ cũng cứ hỗn dâm là thường” (3). Nhưng vì cảm mến cô gái Hồi từ những cái nhìn đầu tiên với miệng cười xinh xắn, có duyên, bản lĩnh khác người, Vĩnh đã quyết định trái lời cha mẹ, “dẹp bỏ dư luận để yêu một cô gái khác thường, một mối tình liều lĩnh” (4). Dù chưa đạt sự viên mãn tròn đầy, là cái giá của xã hội còn nhiều bấn loạn, bất công, nhưng nó đã chứng minh cho chân lý tình yêu là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ, thể hiện tình yêu của mình.

Trong bối cảnh cuộc sống đầy khó khăn, éo le, cái tình chân thành, tự nhiên của con người tự nó lên tiếng trong Mưa thu qua hai nhân vật Linh, Oanh. Từ tình nghệ sĩ trong sự hòa hợp giữa nhà viết kịch với diễn viên đến tình yêu nam nữ đi theo tiếng gọi của trái tim là một ranh giới rất mong manh. Mối tình đã vấp phải sự ngăn cản của cha mẹ, rào cản tội lỗi với những người có quan hệ tình nghĩa đó là vợ con Linh. Nhưng bỏ qua những dư luận xã hội, đấu tranh với chính mình, Linh, Oanh vẫn đến với nhau. Mối tình danh không chính ngôn không thuận ấy có những điều không thể lý giải, không dung thứ được nhưng đó lại là lý lẽ của trái tim mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Việc Oanh, Linh đã có những tháng ngày sống vất vả bên nhau với thực tấm chân tình của mình chính là sự thể hiện bản thể con người với những gì nhân bản nhất. Những rung động đời thường dẫn đến tình yêu không thể tuân theo những quy định, luân lý là thuận lẽ tự nhiên với những suy nghĩ, tình cảm của con người. Những cảm xúc thăng hoa vượt lên mọi quy ước, chế định của xã hội là tư tưởng tự do của văn học lãng mạn. Đó là đóng góp táo bạo, đầy nhân văn của Ngọc Giao trong dòng văn xuôi viết về tình yêu đương thời.

Giá trị của tình yêu chân chính, cao đẹp là sức mạnh để con người vượt qua những cam go của đời thường để sống bên nhau hạnh phúc, ý nghĩa hơn. Tình yêu chân thành của Trinh dành cho anh xếp ga Minh trong Lỗi tình dù kết thúc không có hậu nhưng khiến chúng ta nhận ra những giá trị thực, gần gũi của tình yêu. Có những điều quen thuộc, giản dị lắm nhưng đó mới là cái ta cần giữ, còn những điều viển vông, ảo tưởng thì xa lắm, có khi sẽ làm ta vỡ mộng. Tình yêu cũng khiến cho con người nâng cao nhân cách khi sẵn sàng vì người mình yêu mà bao dung tha thứ mọi tội lỗi để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Tình yêu là đôi cánh tinh thần nâng đỡ con người sống tốt hơn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Tình yêu gắn liền với sự sẻ chia những đau đớn nhất là khi vợ lâm bồn. Đó là hành động, tâm trạng của người cha trong Một người đàn ông đau đẻ. Theo sát vợ từ khi trở dạ, đau từng cơn theo cơn đau của vợ, thở cùng nhịp với từng bước vợ sinh con, tình yêu của Linh như thể đã “giúp sức gián tiếp cho người vợ yếu đuối mà chưa bao giờ bằng phút này anh thương xót vô cùng, thương xót có thể đập đầu vào bức tường này cùng chết, nếu không may có làm sao” (5). Tình yêu chung thủy, chân tình còn mãi thậm chí cả đến khi người tình đã sang ngang, đã lỡ duyên, sức tàn lực kiệt, xấu xí, bệnh tật. Đó là vẻ đẹp nơi cuộc tình nghệ sĩ Tư Lộc với Đào Châu. Họ yêu nhau thời còn trẻ nhưng lỡ duyên lưu lạc nhưng cuối đời gặp lại nhau, tình vẫn như xưa. Trái tim Tư Lộc đã sưởi ấm đời Đào Châu dù chỉ trong thời gian ngắn. Châu sống lại những ngày son trẻ với vai diễn cuối đời càng làm cho Tư Lộc thêm yêu vợ. Cuộc tình kết thúc chóng vánh khi Châu lâm bạo bệnh nhưng ít nhiều đó cũng là sự cứu rỗi của tình yêu.

Tình yêu với vẻ đẹp, giá trị của nó là khát khao muôn thuở của con người nhưng trong văn xuôi Ngọc Giao, chúng ta thường bắt gặp những cuộc tình dang dở, số phận hẩm hiu bởi duyên muộn, tình phai. Đó là những trắc trở cuộc tình trong Gái muộn chồng, những ấp ủ, hy vọng thật mong manh, nhiều lúc đến ngộ nhận đáng thương. Nhìn cảnh bạn bè trang lứa có bạn trai, họ chỉ biết cầm lòng tủi thân nhẫn nhịn khóc thầm: “Người ta thờ ơ, hờ hững, chẳng thèm nhìn nhận một người thiếu nữ quá xuân đang nhọc lòng khát khao, mong mỏi một sự vuốt ve thoảng nhẹ của cánh hoa giấy vô tình bay giỡn qua” (6). Đó còn là sự thờ ơ, lãnh đạm của cuộc đời với những cô gái tài sắc hơn người là đào nương, kép hát. Họ là những nghệ sĩ tài danh, luôn được ngưỡng mộ, bao kẻ thương thầm, nhớ trộm, ước mơ chinh phục, sở hữu, nhưng khi trở về với cuộc đời, họ sống trần tục lại chịu sự thiệt thòi hơn ai hết. Khi xưa được cung phụng, si mê, về già họ phải sống tiều tụy với một dáng hình khắc khổ, lẻ loi, không ai trân trọng đoái hoài.

Tiếng nói của sự phụ tình

Một trong những điều đáng lên án của tình yêu trong văn xuôi Ngọc Giao đó là sự phụ tình, những mối tình vị kỷ. Nếu các nhà văn tự lực văn đoàn luôn cố công miêu tả những mối tình hạnh phúc khi tình yêu đến một cách tự nhiên, thoát khỏi ràng buộc của lễ giáo phong kiến, thường chỉ gặp bi kịch khi vướng sự cương tỏa của vòng lễ giáo thì đến Ngọc Giao chuyện tình đã thêm nhiều sắc diện trong đó có sự phụ tình. Đó là chuyện tình trong Con chim bạc má, Đôi mắt: “Các con tôi, chúng khóc để ràng buộc tôi vào bổn phận một người vợ và một người mẹ, còn bao giờ dám nghe lại những tiếng say mê ngày thơ trẻ, những tiếng động dào dạt của đồng lúa, bờ tre” (7). Đó là sự cung phụng cùa bà Mộng Hoàng trong Một người không sống: “Bà nhọc mệt bước lên thang gác, cố nghĩ ra một chuyện gì vui lạ để cầu xin người chồng nghiêm khắc một tiếng cười, một lời an ủi, yêu đương… Nhưng ở với người đàn ông sống như chết ấy, cuộc đời của người thiếu phụ trẻ trung đã bị thảm sầu đầu độc dần dần, cứ như thế mãi, như thế mãi…” (8).

Bên cạnh những người chồng tội lỗi với vợ, cũng có những người phụ nữ nông nổi phụ chồng, bỏ con. Xuyến trong Người vợ cũ vốn có một cuộc sống ổn định với chồng con nhưng vì những lời yêu đương sáo cũ của anh chàng này, anh chàng nọ, Xuyến đã tự chối bỏ hạnh phúc vốn yên ổn để sống nay chỗ này, mai chỗ khác, rồi mọi cuộc ái ân phai nhạt khi quá hiểu nhau, tan nát hẳn khi tình nghĩa gắng gượng đã hóa ra thù oán. Khi hiểu ra lỗi lầm, cô không còn đường, cũng không dám trở về với chồng con, kể cả khi đã may mắn giáp mặt hai người. Xuyến đã tự trừng trị mình bởi lương tâm không cho phép. Đó cũng là tâm trạng đau khổ của người đàn ông bị vợ phản bội trong Bức thư, Ai giết lão Phong Lôi. Có khi oái oăm là vì sự ám ảnh của tình đầu quá đẹp mà An trong Một kẻ ngang tàn đã trải qua bảy đời vợ vẫn chưa tìm thấy hạnh phúc.

Tình yêu vốn là tình cảm nguyên sơ chân thành nhất xuất phát tự đáy lòng thì mới có thể đi đến hạnh phúc. Song, trong bối cảnh xã hội những năm đầu TK XX, khi đói khổ lan rộng, khi nhân cách không được coi trọng, sự tráo trở của đồng tiền ảnh hưởng đến lương tâm con người thì tình yêu cũng đã có những dấu hiệu bị biến thái trở thành phương tiện để trục lợi. Trong Bức thư của người lấy vợ là tâm trạng nuối tiếc quãng đời tự do khi chưa lấy vợ, sự chịu đựng đến ngạt thở khi phải nghe những lời nói mang nặng hơi tiền của cô vợ vốn xuất thân từ gia đình giàu có. Sâm, cô gái trong Hằn học là một người chị thương em hết mình, dám hy sinh, đánh đổi cuộc đời mình để nuôi em ăn học, xin việc cho em. Lại có những bất hạnh do chính người trong cuộc gây ra bởi quá yêu nhau mà sinh ra mù quáng. Chỉ vì nghi ngờ quá độ, thiếu sống vị tha với chồng mà người chị trong Một đêm vui lại tự đưa mình vào vòng tội lỗi, bi kịch. Tình nghĩa phu thê tan vỡ sau cơn hiểu lầm mà trả thù chồng vì nghi ngờ chàng có tình riêng, chị đã bị đuổi ra khỏi nhà, sống bơ vơ, bán thân nuôi miệng. Có những mối tình tan nát khi bản thể tự nhiên không thể kiềm chế, loạn luân khi mẹ chiếm bạn trai của con như trong Chợ chiều.

Tính dục trong tình yêu

Ngọc Giao viết nhiều về tình yêu, cũng rất ý nhị, tinh tế để thể hiện thần thái của mỗi cuộc tình, tâm trạng của những người trong cuộc, những kẻ đang yêu. Nhưng dường như ông đã quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố thuộc về bản thể, dành khá nhiều chi tiết để viết về tính dục rất tự nhiên, đúng mực, chân thực. Ở mức độ vừa phải trong phạm vi cho phép của một cây bút mới được hiện đại hóa, Ngọc Giao đã làm cho những cuộc tình thêm hòa hợp, thấu hiểu logic tâm lý nhân vật, trân trọng những gì thuộc về bản thể của con người. Điều này được thể hiện trong Gái muộn chồng, Lỗi tình, Để lòng.

Trong cô đơn, tủi thân vì bị chồng ghẻ lạnh, những người vợ luôn khát khao được chồng yêu chiều, trân trọng: “Nàng nhớ nhất là lúc chồng nàng ghé môi hôn cặp mắt đen láy của nàng trong những phút giây mơ màng đắm đuối. Thế mà nay, nàng lại đứng một mình sờ soạng bắt lấy bóng chồng xua, tìm lấy đôi mắt xinh đẹp của mình khi trước” (9). Sự hấp dẫn của ngoại hình dẫn đến những cảm xúc yêu đương, đó là lực hấp dẫn của tính dục. Nhà văn không ngại ngần khi miêu tả những đoạn như thế trong truyện Một chuyện quái đản: “Ánh lửa trong lò than le lói hắt lên khuôn mặt trái xoan, hắt lên cặp mắt đen tựa màu huyền trong sáng, chiếc mũi dọc dừa, với hai làn môi đỏ san hô vẽ một nét thanh tuyệt mỹ, mấy vòng kiềng bạc khoanh dưới cái cổ trắng tròn, đôi vai đều đặn, bộ ngực nở nang, cả tấm hình tha thướt ấy” (10). Tính dục chính là biểu hiện cho sự hòa hợp của tình yêu khi đôi bên tâm đầu hợp ý.

Những suy nghĩ tính dục là một phần của cuộc sống vợ chồng, là tài sản sở hữu riêng khẳng định tình yêu của riêng ai đó. Cho dù là người giàu hay người nghèo, nông dân hay trí thức, họ cũng có bản quyền về người mình yêu, lên án những kẻ thiếu tôn trọng con người, không tôn trọng tình yêu của họ. Những suy nghĩ của anh Tư trong Ra tỉnh khiến anh không khỏi chạnh lòng: “Anh bưng bát chè tươi lên uống. Qua hơi khói nóng, anh nhìn vợ. Đứa con đang vừa bú một bầu sữa, vừa đưa một bàn tay nhem nhuốc lên nghịch bầu sữa kia… Cái cảnh thằng đầu bếp giở trò bỡn cợt vợ mình bên bể nước nhà bà Phán vụt hiện ra trước mắt anh, tàn nhẫn…” (11). Cũng vì sự thiếu thốn tình cảm ấy mà có những người đã không kiềm chế được ham muốn phải tìm cách giải thoát cho mình qua những cuộc tình vụng trộm, không hợp lẽ đời như Trâm trong Cầu sương, bà Thu trong Bức thư, người vợ Kiều Mai trong Ai giết lão Phong Lôi, bà Hoàng trong Chợ chiều… Viết về những con người này trong sự phê phán nhưng đồng thời cũng là sự cảm thương cho những con người không được thỏa mãn những khát khao tự nhiên mà buộc phải phạm tội với nhiều người. Trong họ mang một sự ẩn ức cần được giải tỏa, khi đến một lúc nào đó không thể kiềm chế được nó sẽ bung tỏa theo tiếng gọi của bản thể.

Một trong những điều đáng lên án khi nói về tính dục trong văn xuôi Ngọc Giao là những câu chuyện tình đi ngược lại với luân thường đạo lý. Trong định hướng thẩm mỹ của mình, ông coi trọng những tình yêu tự nhiên, những tâm hồn yếu đuối cần đấu tranh để vượt thoát sự bất bình đẳng nhưng nếu tình yêu ấy đặt tư tưởng tự do trong mối quan hệ không hòa hợp với các mối quan hệ ứng xử thì sớm muộn cũng không thành. Trong Mưa thu, mặc dù với giọng văn khách quan, nhà văn rất coi trọng sự hòa hợp cảm mến rất tự nhiên của đôi nghệ sĩ có tài, có tâm. Tác giả để cho tình yêu của họ theo vận động tự nhiên cũng đơm hoa kết trái với sự ra đời của bé Kiều Nhi nhưng mối tình đó cũng sớm tan tác, chia phôi bởi Linh là người đã có vợ con. Gia đình anh cũng không cho phép anh vô cớ mà ruồng bỏ người vợ hiền, bố mẹ già, đàn con thơ vô tội. Vì vậy, Oanh, người thứ ba, buộc phải bỏ đi để Linh trở về với bổn phận chính nghĩa dù tình cảm giữa hai người còn nhiều quyến luyến. Sự ham muốn nếu không tiết chế sẽ quá đà để lại hậu quả, trở thành tội lỗi.

Cũng là hậu quả của những ham muốn tính dục, bà Hoàng trong Chợ chiều đã đang tâm cướp người yêu con gái mình là cô Lệ Hạnh. Những số phận đáng thương của người chị, người con gái trong Hằn học, Một đêm vui, Tết cô đầu, Yên hoa, Xóm Rá… mang trên mình những nỗi khổ của người phụ nữ đương thời, là tội lỗi của bao kẻ si tình mù quáng, vô luân.

Viết về tình yêu với những đam mê, đa đoan của nó dưới nhiều góc nhìn khác nhau, Ngọc Giao mong muốn hướng đến một tình yêu tự do, hạnh phúc hòa hợp cả về tâm hồn, thể xác. Tình yêu với nhiều góc khuất, hoàn cảnh éo le, đột biến cũng được nhà văn quan tâm khai thác đặc biệt là khao khát thỏa mãn tính dục, một vấn đề đương nhiên còn ít được nói nhiều trong văn học đầu TK XX. Ông cũng khéo léo phê phán những mối tình phi luân, ngược đạo, quá đề cao dục vọng tầm thường mà cướp mất hạnh phúc của người khác, chà đạp lên nhân phẩm, thân thể người phụ nữ. Không chỉ là tiếng nói đòi tình yêu cá nhân vượt thoát khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến mà Ngọc Giao đã ngợi ca tình yêu chân chính, những ước mơ khát vọng chính đáng trong tình yêu của con người với đối tượng đa dạng cả nam và nữ, già và trẻ, người nông thôn và thị thành trong bối cảnh đầy phức tạp của xã hội đương thời. Tình yêu với sự hòa hợp cả về thể xác, tinh thần là âm điệu vừa có những nốt hòa tấu, vừa có sắc độ riêng trong văn xuôi Ngọc Giao so với các nhà văn lãng mạn cùng thời.

_______________

1, 2, 3, 4. Ngọc Giao, Quan báo, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2010, tr.98, 135, 141.

5, 6, 8. Ngọc Giao, Phấn hương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr.164, 147, 157.

7. Ngọc Giao, Đốt lò hương cũ, Nxb Văn học, 2012, Hà Nội, tr.328.

9, 10, 11. Ngọc Giao, Bến đò rừng, Nxb Văn học, 2012, Hà Nội, tr.19, 33, 204.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7 – 2018

Tác giả : NGHIÊM THỊ HỒ THU

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *