Chùa Y Sơn – Địa chỉ đỏ cho du lịch về nguồn

Chùa Y Sơn (còn có tên gọi là chùa IA) là một ngôi chùa cổ tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Y Sơn – đây là một nơi danh lam thắng cảnh đẹp nhất vùng Hiệp Hòa. Chùa Y Sơn có tên chữ là “Y Sơn Tây tự” (nghĩa là ngôi chùa ở phía Tây núi Y Sơn) nằm ở cuối thôn An Khánh, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Từ thành phố Bắc Giang tới di tích chùa Y Sơn khoảng 30km.

Hòa Sơn là một vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hiệp Hòa, giáp ranh tỉnh Thái Nguyên, cảnh quan có sự khác biệt hẳn với các xã trong huyện. Trong địa phận của xã có ngọn núi Y Sơn và núi Cung cao trên 100m (so với mặt nước biển) đứng liền nhau tạo thế tay ngai, hướng về phương Nam với thế voi chầu hổ phục. Quanh ngọn núi Y Sơn bốn bề đều là đất phù sa của dòng sông Cầu vốn là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, tạo nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu. Quần tụ trong vùng là làng xã của nhóm cư dân thuộc dân tộc Việt. Họ đã đến đây sinh sống, phát triển làng xã từ rất sớm và tạo dựng nên những nét sinh hoạt văn hóa, những truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. Gắn liền với đó là hệ thống các di tích cổ – nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành độc lập dân tộc, mà chứng tích tiêu biểu trong số đó là ngôi chùa cổ Y Sơn.

Tương truyền, ngôi chùa cổ này gắn liền với thời kỳ du nhập đạo Phật vào vùng đất Bắc Giang nên mang huyền thoại hấp dẫn, trong đó truyền tích về Đức Thánh Hùng Linh Công và Thánh Phụ, Thánh Mẫu vừa mang sắc thái tín ngưỡng dân gian vừa nhuốm màu Phật pháp Đại Việt.

Theo các nguồn tư liệu bảo lưu ở chùa: chùa Y Sơn được khởi dựng vào thời Lê Trung hưng (TK XVIII) với lối kiến trúc ban đầu chỉ có tòa Tam bảo nằm về phía sườn Đông núi Y Sơn, ngay cạnh đền Y Sơn – ngôi đền nổi tiếng đã được Bộ Văn hóa – Thông Tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích Nghệ thuật quốc gia năm 1994, tạo nên một quần thể di tích lớn giữa một không gian núi rừng thâm nghiêm u tịch.

Sang đến thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), chùa Y Sơn được dời chuyển sang phía Tây núi Y Sơn nên từ đó chùa còn có tên chữ là “Y Sơn Tây tự”. Theo sách Đại Nam nhất thống chíBắc Ninh tỉnh chí thời Nguyễn có ghi về núi Y Sơn như sau: “lên đỉnh núi IA có thể nhìn xa xung quanh, đời Lê từng dựng hành cung ở đây, trên núi có miếu Sơn Thần. Cảnh sắc nơi đây nhuốm màu huyền thoại, có núi cao, sông dài (sông Cầu) nên hội tụ đủ linh khí, thế núi voi phục, hổ chầu tạo nên quần thể di tích danh thắng nổi tiếng xứ Kinh Bắc…” (1). Sự tích về Đức Thánh Hùng Linh Công được hoài thai từ ngôi chùa cổ trên núi Y Sơn lại mang màu sắc huyền diệu Phật pháp càng tăng sự hấp dẫn cho khu danh lam thắng địa này.

Cũng trong thời gian đó, nhân dân địa phương xây dựng thêm 5 gian Tiền đường tạo cho ngôi chùa có bố cục kiến trúc hình chữ Đinh, ngoảnh hướng Tây Bắc. Năm 1954, nhân dân lại cùng nhau góp hằng sản, hằng tâm xây dựng thêm tòa Hậu điện gồm 3 gian 2 dĩ làm nơi thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu đã sinh ra Đức Thánh Hùng Linh Công. Như vậy, ngoài là nơi thờ Phật, chùa Y Sơn còn là nơi tôn thờ, tưởng nhớ công ơn cha mẹ của Đức Thánh Hùng Linh Công – là người có nhiều công lao to lớn với dân, với nước trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ gìn sự bình yên cho đất nước, xóm làng.

Tòa Phật đình hương hội chùa Y Sơn – Ảnh: Văn Tuấn

Ngày nay, chùa Y Sơn nằm trên một khu đất rộng đẹp ở ngay dưới chân núi Y Sơn – vốn đã nổi tiếng xưa nay là nơi “danh lam thắng địa”. Xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ và một rừng thông xanh ngát quanh năm tỏa bóng tạo cho cảnh chùa thêm phần u tịch linh thiêng.

Ngôi chùa hiện nay có tổng diện tích: 15.457,5m2 bao gồm các hạng mục công trình: Tam quan, nhà Phật đình hương hội, tòa Tam bảo và Hậu điện. Tam quan chùa mới được tôn tạo năm 2016 theo kiến trúc cổ truyền tam quan gác chuông với hai tầng, ba vòm cửa cuốn vòm.

Nhà Phật đình hương hội được tu sửa lại năm 2006 ở vị trí cũ phía trước tòa Tam bảo. Kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm 3 gian, 2 chái với 4 mái đao cong, để thông thoáng, không xây tường bao và lắp cửa. Kết cấu khung liên kết vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột được gắn kết bởi hệ thống hoành xà tạo vì mái. Phần liên kết các vì mái theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc đơn giản. Hai cửa phụ phía trước sân chùa tạo theo lối nghi môn cuốn mái vòm, bổ cột trụ biểu mang dáng kiến trúc của thời Nguyễn cuối TK XIX đầu TK XX.

Bố cục mặt bằng chùa Y Sơn được thiết kế theo lối kiến trúc hình chữ Đinh gồm tòa Tiền đường 5 gian nối tòa Thượng điện 3 gian. Tòa Tiền đường xây bình đầu bít đốc theo kiểu tam sơn nối cột đồng trụ, mái lợp ngói mũi, chính giữa bờ nóc đắp biển đề có bốn chữ Hán lớn: “Y Sơn Tây tự”. Cửa gỗ bức bàn chạy suốt ba gian. Phần khung liên kết vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột được gắn kết với nhau bởi hệ thống hoành, xà tạo vì mái. Liên kết ở hệ thống các vì nóc giống nhau kiểu kẻ truyền, chồng rường giá chiêng (2). Hệ thống vì nách liên kết theo kiểu cốn mê và kẻ ngồi. Hệ thống cột xà đều được làm bằng chất liệu gỗ lim chắc khỏe. Hình thức trang trí, chạm khắc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn với các đề tài “tứ linh”, “tứ quý” rất tinh xảo, khéo léo thể hiện nổi bật ở các bức cốn mê. Trên các đấu kê, đầu kẻ, trụ được trang trí những bông hoa cúc cách điệu nhằm làm giảm bớt sự thô cứng vốn có của phần nhiều hệ thống kiến trúc gỗ trong các ngôi chùa cổ. Ở mõm kẻ là hình móng rồng đang ôm sát lấy quá giang tạo sự chắc chắn cho khung gỗ mà vẫn giữ được sự mềm mại của công trình.

Tòa Thượng điện gồm 3 gian xây bít đốc. Liên kết khung vì mái gồm hai hàng chân cột gỗ, mỗi hàng 4 cột được gắn kết bởi hệ thống hoành xà, tạo vì mái. Liên kết ở các vì nóc khác nhau, vì đầu và vì gian giữa liên kết kiểu chồng rường giá chiêng, vì thứ 3 liên kết kiểu cốn mê và vì cuối liên kết kiểu chồng rường, kẻ chuyền. Chạm khắc nổi hình hoa lá trên các cốn mê. Hệ thống vì nách được gắn kết theo kiểu con chồng, hai vì nách gian đầu liên kết theo kiểu cốn mê có chạm khắc hình rồng và hoa văn kỷ hà có giá trị nghệ thuật cao. Thượng lương tòa Thượng điện còn dòng chữ Hán ghi vào niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) tu sửa tôn tạo. Thượng điện bài trí đủ hệ thống tượng Phật uy nghi.

Tòa Hậu điện (đền Thánh Mẫu) cũng đã được tu sửa lại ở phía sau tòa Tam bảo có 3 gian xây bình đầu bít đốc, lợp ngói, bổ hai cột đồng trụ phía trước, ba gian lắp cửa gỗ kiểu bức bàn. Phần liên kết khung vì mái đơn giản kiểu vì giá chiêng ở hai vì gian giữa và liên kết kiểu vì kèo trốn trụ ở hai gian bên. Các cấu kiện không chạm khắc hoa văn. Trong Hậu điện gian giữa bài trí tượng Thánh Phụ, gian bên đặt tượng Sư Tổ và tượng Thánh Mẫu.

Hiện nay, trong chùa còn bảo lưu được khá nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật tạo tác bằng chất liệu gỗ được sơn son thếp vàng, bia đá ghi việc lập Hậu Phật ở chùa có niên đại thời Nguyễn niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864), các bức hoành phi, câu đối chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của vùng núi Y Sơn và công lao to lớn của Đức Thánh Phụ, Thánh Mẫu, đặc biệt là đôi câu đối cổ của cụ Nghè Sổ Đình Nguyên Nguyễn Đình Tuân (ông là vị tiến sĩ cuối cùng trong các khoa thi thời phong kiến ở nước ta, quê ở xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa)… cùng lư hương cổ, đôi nghê gỗ thời Nguyễn (TK XIX) và hệ thống tượng Phật khá phong phú đều có niên đại thời Lê – Nguyễn. Đó chính là những nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị trong việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và văn hóa của người dân nơi đây trong tiến trình lịch sử.

Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, chùa Y Sơn còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân Hòa Sơn nói riêng và nhân dân huyện Hiệp Hòa nói chung trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là một trong những địa điểm di tích thuộc hệ thống An toàn khu II (ATK II) ở Hiệp Hòa…

Tiêu biểu trong những năm tiền khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp, cùng với các địa phương trong khu vực ATK II trở thành những cơ sở vững chắc trong suốt thời kỳ Cách mạng Tháng Tám như: Xóm Đá (Vân Xuyên), Hoàng Vân… và nhiều địa điểm ở huyện Hiệp Hòa được Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự trong đó có chùa Y Sơn. Nhiều nhà hoạt động cách mạng như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lê Hoàng, Hoàng Văn Thái… đã về đây tuyên truyền, gây dựng và chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương, xứ ủy Bắc Kỳ đã được tổ chức ở khu vực này, chùa Y Sơn trở thành địa điểm quan trọng, đã đóng góp công lao lớn vào chiến thắng giành độc lập của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là sự kiện ngày 16-2-1940, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Hoàng Vân được thành lập do đồng chí Lê Hoàng – Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư. Chi bộ Hoàng Vân có trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện Hiệp Hòa, phía Nam huyện Phú Bình và huyện Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện này là một mốc son trên chặng đường đi lên của phong trào cách mạng ở huyện Hiệp Hòa. Vừa mới ra đời, chi bộ Đảng Hoàng Vân đã có những hoạt động gây tiếng vang và niềm tin trong nhân dân. Điển hình là cuộc diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng tại chùa Y Sơn vào ngày 22-2-1940 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), ngày hội lệ thường niên ở chùa. Đồng chí Lê Hoàng đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh giành độc lập cho đất nước, chỉ rõ những yếu tố tạo thời cơ cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi. Đồng chí đã kêu gọi toàn thể nhân dân đi theo Đảng, tham gia các tổ chức phản đế, đoàn kết chuẩn bị lực lượng để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sự kiện lịch sử này được nhà văn Dương Quang Luân dẫn trong tập truyện tư liệu Làng đỏ, Nxb Hội Nhà văn trang 41 như sau: “Sáng hôm ấy chọn thời điểm thuận lợi nhất, khách thập phương về trẩy hội đông nhất, sau khi bố trí lực lượng bảo vệ, đồng chí Lê Hoàng đứng trên bậc tam cấp nói chuyện với đồng bào, phân tích tình hình trong nước và thế giới đương có lợi cho cách mạng Việt Nam và nêu lên những nhiệm vụ của nhân dân ta phải chuẩn bị để tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí Lê Hoàng kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế: Đoàn thanh niên phản đế, Hội phụ nữ phản đế, Hội nông dân phản đế… Tiếp đến đồng chí Nguyễn Văn Cường giao lá cờ đỏ búa liềm. Đồng chí Ngô Văn Thạnh, Ngô Văn Triệu nhanh tay đi rải truyền đơn…”.

Ngày 5-3-1940, tại chùa Y Sơn đã diễn ra cuộc diễn thuyết do bà Hà Thị Quế lãnh đạo. Sách Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập I-1981 có ghi rõ về sự kiện lịch sử này như sau: “Nhằm tuyên truyền tinh thần Nghị quyết Hội nghị tháng 11-1939 của Trung ương Đảng tại chùa IA (chùa Y Sơn) huyện Hiệp Hòa ngày 5-3-1940, ta đã tổ chức diễn thuyết trước hàng nghìn người dự hội. Đứng trên bậc thềm tam cấp của ngôi chùa cổ, đồng chí phụ trách tỉnh phân tích tình hình thế giới, trong nước, vạch rõ chiến tranh đế quốc sẽ tạo ra thời cơ cho cuộc cách mạng ở Đông Dương bùng nổ, và nhiệm vụ của nhân dân ta là phải chuẩn bị tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế, tích cực đấu tranh chống bọn thống trị Pháp và bè lũ tay sai của chúng. Cuộc diễn thuyết diễn ra thành công tốt đẹp. Những người dự ở chùa hôm đó bàn tán nhiều về việc đánh Pháp, giành độc lập, tự do cho đất nước”…

Như vậy, ngôi chùa là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Những cuộc mít tinh, diễn thuyết năm 1940 diễn ra tại chùa Y Sơn góp phần thúc đẩy phong trào chống Pháp mạnh mẽ trong quần chúng nhân để tiến tới giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Có thể thấy, đây không chỉ là công trình tôn giáo cổ được xây dựng từ thời Lê Trung hưng (TK XVIII) mà còn là cơ sở cách mạng hết sức quan trọng được Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các tỉnh và là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cấp cao của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngôi chùa còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng năm, cứ vào ngày lễ Thượng Nguyên tháng Giêng, dân làng lại cùng nhau tổ chức lễ hội Thánh Mẫu ở khu vực chùa Y Sơn. Những năm “phong đăng hòa cốc” hoặc theo định kỳ 3 năm một lần, dân làng lại tổ chức lễ hội thật long trọng trong 3 ngày 15, 16, 17 tháng Giêng. Trong lễ hội có tổ chức các nghi thức tế lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà không phải vùng quê nào cũng có được như: Nghi thức lễ rún, rước kiệu, rước nồi hương, rước cờ, quạt bằng ngà, chiêng, trống, ngựa thần, bông dò… từ đền Y Sơn sang chùa và ngược lại. Sau khi làm thủ tục tế lễ xong, tạisân chùa diễn ra các trò chơi dân gian độc đáo thu hút rất đông du khách thập phương đến dự như: cuốn cờ đập đất, lễ kéo chữ, khám tướng, đánh đu, nhảy phỗng, cờ người, vật, hát chèo…

Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa cùng những đóng góp to lớn của chùa Y Sơn trong giai đoạn tiền khởi nghĩa tiến tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 31-12-2020 nằm trong hệ thống Di tích lịch sử ATK II Hiệp Hòa, gồm 8 điểm là: đình Chợ Vân, đình Xuân Biều, đình Vân Xuyên, đền Soi, chùa IA (chùa Y Sơn), gia đình cụ Nguyễn Văn Chế, gia đình cụ Ngô Văn Đông, gia đình cụ Ngô Văn Thấu.

Đây là những địa chỉ đỏ nhằm góp phần giáo dục các thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và maisau phải biết giữ gìn, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại. Từ đó bổ sung làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa Bắc Giang cũng như kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời cũng giới thiệu một địa chỉ du lịch văn hóa về nguồn với nhiều giá trị độc đáo, hấp dẫn đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp về thăm Hiệp Hòa – mảnh đất anh hùng.

_______________

1, 2. Âu Văn Tuấn, Y Sơn thắng tích, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, vietnamhoinhap.vn, ngày 10-2-2021.

Tác giả: Âu Văn Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *