Theo quan điểm mỹ học của chủ nghĩa Mác – Lênin, mỗi loại hình nghệ thuật đều mang chức năng nhận thức đời sống, bám sát hiện thực, cổ vũ, biểu dương cái đẹp, cái thiện, đồng thời lên án, đấu tranh, phê phán những cái xấu, cái ác. Trong quá trình phản ánh cuộc sống, nghệ thuật đã chính thức tham gia vào quá trình cải tạo và hoàn thiện cuộc sống, thực hiện chức năng giáo dục. Múa rối nước cũng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, có chức năng giáo dục sâu sắc, mang đậm tính nhân văn và ngày càng được khán giả trong và ngoài nước đón nhận.
Trong số các loại hình nghệ thuật, sức hấp dẫn của múa rối nước không nghiêng theo duy cảm, chủ yếu khơi gợi người xem sự nhận thức duy lý. Nhận thức này sẽ tác động tới tình cảm của con người về đẹp, xấu, thiện, ác, anh hùng, thấp hèn…, giúp con người nhận thức sâu sắc về cuộc sống, triết lý vũ trụ, nhân sinh. Miêu tả chân thực cuộc sống, múa rối nước còn giáo dục con người về lòng yêu lao động, thiên nhiên, quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng trong sự nghiệp chống thiên tai, địch họa, ngoại xâm, hướng tới cái đẹp trong tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách.
Nội dung chủ yếu trong các trò diễn rối nước là những chuyện hàng ngày xảy ra ở làng xã, kể về mối quan hệ giữa vợ chồng, bạn bè, anh em, bà con chòm xóm, quan hệ đối nhân xử thế. Chân lý ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ luôn được đề cao, đồng thời, cái thiện, cái ác luôn được phản ánh rất rõ trong các trò diễn múa rối nước truyền thống.
Những nhân vật trong nghệ thuật múa rối nước khá đa dạng. Nhân vật chủ yếu được phản ánh là những người nông dân chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng. Đó là những người cày, bừa, cấy, xới, gánh mạ, đánh cá, đi câu, úp nơm, chăn vịt, tát nước, cất vó, quăng chài, đánh lưới, đánh giậm, chèo thuyền, chăn trâu, xay thóc, giã gạo, dệt cửi, lò rèn. Đó cũng có thể là những người đọc sách, đi buôn, đánh giặc, chạy đàn, thỉnh kinh, cầu mưa, tô tượng, đúc chuông, cưỡi ngựa, cưỡi trâu, thổi sáo, tắm gội, bơi lội, trèo cây, đốt pháo… Hay những người rước kiệu, dàn quân, múa hát, đánh đu, đấu vật, đua ngựa, đua thuyền, leo thang, gọi loa, đánh trống, hòa nhạc, lộn ống, chồng người, mở cờ, chào cờ. Những nhân vật gắn với những tích chuyện xưa như tiên nữ giáng trần, chú Tễu giáo trò, thằng Ngố ghẹo cô bán hàng, Đường Tăng thỉnh kinh, Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu trả con hay ca ngợi những vị anh hùng dân tộc dựa theo những câu chuyện lịch sử như: Đinh Tiên Hoàng cờ lau tập trận, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Lam Sơn khởi nghĩa… Các con rối là động vật cũng được đưa vào sân khấu rối nước khá sinh động như: trâu, bò cày bừa, chọi trâu, cáo bắt vịt, cá vật đẻ, múa rắn, múa cá, chăn vịt, chọi gà, múa bồ nông, quần ngựa, trâu chui ống, rái cá…
Hệ thống những tiết mục múa rối nước, trò diễn về đề tài lao động chiếm một tỷ lệ lớn và chủ đạo. Trò Tát nước gầu sòng khiến người xem liên tưởng đến câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng; Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Trò Cáo bắt vịt của phường rối nước Nguyên Xá (Thái Bình) gợi cuộc sống dân dã nơi làng quê. Ông lão chăn vịt nghèo khó, dáng người gày guộc, mình trần, lưng còng, hai tay lòng khòng vung vẩy chiếc vọt tre, buộc túm lá chuối khô trên đầu. Ông lão vừa lội qua lội lại, vừa gọi bà vợ lùa đàn vịt ra cho ăn. Bà lão chăn vịt váy túm cao, lưng trần, chiếc yếm nhỏ không che kín nổi đôi vú mướp dài đến sát tận cạp váy… đã phản ánh hiện thực đời sống chăn vịt của vợ chồng ông lão nghèo luôn phải chống chọi với địch họa.
Trò Vợ chồng ông thuyền chài, bà vợ mặc yếm chèo thuyền, ông chồng cởi trần, đóng khố, cầm cần câu. Thấy nhiều cá, vợ chồng ông hớn hở gọi mọi người ra bắt, người úp nơm, người cầm rổ xúc, bắt được con cá to hơn cả người, thỉnh thoảng một con cá lại nhảy vụt lên khỏi mặt nước, nhảy rất xa, ra ngoài sân khấu… Hay trò Lân tranh cầu, quả cầu bập bềnh chìm nổi lúc chỗ này, khi chỗ khác, rất nhởn nhơ, làm cho hai con lân đang múa diễn rất đẹp bỗng dũng mãnh, lồng lộn lao vào nhau, tranh cầu, nước cuồn cuộn trào lên, cuốn xuống thân hình hai con lân… Từ những tiết mục rối nước, có thể tìm thấy hình ảnh những người nông dân trong lao động trồng lúa nước, trong niềm khát khao về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ở họ luôn toát lên tình yêu thiên nhiên, con người, cộng đồng trong dịp hội hè, đình đám, tràn đầy tinh thần lạc quan, không khí vui tươi của quê hương, làng xóm vùng châu thổ sông Hồng.
Cái độc đáo, hấp dẫn của múa rối nước chính là ở tính hồn nhiên, ngộ nghĩnh, ở những điều tưởng chừng phi lý, nhưng lại xảy ra trong đời thực, vượt ngoài những quy luật chung của thế giới, vượt lên mối quan hệ tương quan giữa các sự vật, của tư duy phán đoán và lôgic. Từ đó, múa rối nước thực hiện chức năng giáo dục con người, đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu niên. Các tiết mục múa rối nước luôn hướng đến việc động viên, uốn nắn nhận thức, tư tưởng, không lồng ghép và ảnh hưởng bởi tư tưởng chính trị, tôn giáo hay thế lực nào khác, cung cấp thêm hiểu biết về thế giới, nhân sinh, xã hội, về con người và cuộc đời.
Thực hiện chức năng giáo dục, hiện thực cuộc sống ở múa rối nước được các nghệ nhân phản ánh không bằng tư duy hiện thực mà bằng tư duy lãng mạn, mang màu sắc dân gian. Nhờ tư duy sáng tạo này mà trò diễn rối nước không hướng tới những tính cách điển hình trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội và lịch sử cụ thể, mà chủ yếu phản ánh những khía cạnh của lý tưởng chủ quan với khí thế của nhân dân hướng tới cái đẹp lý tưởng. Vì vậy, hiện thực trong múa rối nước được mô tả theo quan niệm riêng. Con rồng là con vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua, vậy mà, trong nghệ thuật rối nước, nó vẫn ngụp lặn, phun nước phục vụ con người. Hay người đi bắt cá, bắt được con cá to hơn cả người… Hơn nữa, múa rối nước không phản ánh hiện thực bằng xung đột, mà là những hình ảnh hướng về cái đẹp, cái vui của người nông dân Việt Nam. Do đó, ở các trò múa rối nước ít gặp những hình ảnh về cái xấu, cái bi, bộ dạng của con rối cũng không đến nỗi khó ưa, đáng căm ghét như ở các loại hình nghệ thuật khác.
Múa rối nước cũng là sự thể hiện một phần văn hóa đạo đức Việt Nam. Từ xa xưa, người Việt đã quan tâm nhiều đến giá trị đạo đức. Bao trùm nhất là những mối quan hệ đạo đức xã hội và gia đình, cụ thể hơn là những hành vi ứng xử trong cuộc sống thường nhật. Những hành vi nhỏ nhặt nhất cũng được quy về phạm trù đạo đức. Ra đường gặp nhau, không phải cứ nhìn thấy trước thì chào hoặc cùng nhìn thấy nhau mới chào, mà ai ít tuổi hơn, địa vị hoặc thứ bậc thấp kém hơn thì phải chào trước, nếu không như vậy sẽ bị coi là kém đạo đức. Ăn uống, đi đứng là nhu cầu bản năng của con người, nhưng đối với người Việt, mọi việc đều phải có ý tứ, phép tắc, không có kiểu ăn tha hồ, ăn thỏa thích mà ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng. Ai không tuân thủ, giữ gìn nguyên tắc này cũng bị coi là kém đạo đức. Suy cho cùng, văn hóa đạo đức đã thấm sâu, chi phối đậm nét trong đời sống của người Việt.
Đạo đức là những nguyên tắc sống không thể thiếu của rất nhiều cư dân trên thế giới, nhưng có lẽ chỉ ở Việt Nam, vấn đề đạo đức được coi trọng đến mức lý tưởng. Đạo đức đã tạo cho người Việt một sức sống dai dẳng, trường tồn. Có thể nói, xã hội người Việt xưa là một xã hội đã tồn tại bằng đạo đức và dùng đức để trị quốc.
Cùng với chèo cổ, múa rối nước thường phản ánh những tấm gương đạo đức. Tuy nhiên, những nguyên tắc, những tấm gương đạo đức mà chèo thể hiện thì chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Nho giáo. Dù văn hóa Khổng giáo không đến với người Việt bằng sự cưỡng bách mà là sự tiếp nhận tự giác như đối với một trào lưu văn hóa tiến bộ trong quá khứ, thì những tấm gương đạo đức trong chèo, như những minh chứng cố ý của người sáng tạo, nhằm đề cao các quan niệm đạo đức của Nho giáo, trói buộc con người với khuôn phép, văn hóa đạo đức ấy. Có lẽ vậy, nên “khi Nho giáo không còn là cơ sở nền tảng tinh thần xã hội với ý nghĩa lý tưởng nhất, hay Phật giáo và Đạo giáo với tinh thần tư tưởng ẩn dật, thì chèo dù có phản phong tích cực, cũng không thể dẫn dắt khán giả tiến tới một trật tự xã hội, công bằng, văn minh hơn” (1). Cho đến nay, bàn về giá trị giáo dục đạo đức hay tính giáo huấn, khuyến giáo của chèo cổ, ngày càng có nhiều quan điểm khác nhau. Theo tác giả Trần Trí Trắc, nếu cho rằng “chèo cổ mang tính giáo huấn và khuyến giáo”, thì “tính giáo huấn và khuyến giáo đó chính là mục đích và nội dung văn hóa phản phong, đề cao người phụ nữ của chèo” (2).
Khác với chèo cổ, múa rối nước không gắn với uy quyền của tôn giáo và giai cấp thống trị phong kiến, vì vậy, tính khuyến giáo đạo đức trong nghệ thuật múa rối nước tồn tại ở dạng giản dị, hồn nhiên, rõ ràng và nhân văn nhất. Các trò rối gieo vào lòng người tình yêu thương, đồng loại, khơi gợi những ước mơ, khát vọng cao cả, đưa con người vươn tới quyền dân chủ, làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên. Múa rối nước mang đến cho khán giả những trò diễn ngắn gọn, phản ánh những điều giản dị trong cuộc sống như đánh cá, hái củi, làm ruộng, chăn trâu, hay ca ngợi những vị anh hùng có công với nước, chống giặc ngoại xâm như Lê Lợi, Hai Bà Trưng… Giá trị giáo dục của rối nước thấm đẫm trong từng tích trò, người ta tìm thấy những gì gần gũi, thân thiết với mình, cảm thụ mạnh mẽ bằng giác quan và đánh giá chúng bằng tư tưởng, tình cảm. Từ đó, múa rối nước khơi gợi những ước vọng của con người Việt Nam về sự khát khao một thế giới dân chủ, tự do, không lệ thuộc, về chân lý cái thiện sẽ thắng cái ác, về niềm tin chính nghĩa sẽ thắng gian tà, về nhân sinh, vũ trụ…
Múa rối nước Việt Nam là sự kết tinh từ những loại hình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hơn nghìn năm qua, rối nước đã gắn chặt với những tập tục, thờ khấn, cầu đảo, cầu yên, hội hè đình đám… của văn hóa làng vùng châu thổ sông Hồng. Đây chính là kho tư liệu khổng lồ để giáo dục truyền thống cho thế hệ sau hiểu được bản sắc văn hóa dân chủ, dân sinh, nhân văn, truyền thống, được lưu giữ hơn một nghìn năm trong nghệ thuật múa rối nước của dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam – mà đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất chính là múa rối nước – ra đời, phát triển và trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Chính những thông điệp mang chức năng giáo dục nhân văn đã làm cho nghệ thuật múa rối nước mang tính nhân loại. Giá trị giáo dục – đạo đức trong múa rối nước chính là giá trị lý tưởng mà cả nhân loại chúng ta ngày nay theo đuổi, xây dựng. Vì thế, tuy chỉ là nghệ thuật dân gian, nhưng múa rối nước dễ đi vào lòng người và ngày càng được nhiều người trên thế giới yêu thích, tôn vinh.
_______________
1, 2. Trần Trí Trắc, Cơ sở triết học, văn hóa học, mỹ học của chèo cổ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2011, tr.132, 131.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014
Tác giả : Lê Thị Thu Hiền
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại