1. Những bất cập
Về lộ trình tính giá dịch vụ
Theo lộ trình tính giá dịch vụ được quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói riêng sẽ phải từng bước nâng giá dịch vụ để đảm bảo chi phí cho hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cùng trong số đơn vị sự nghiệp công lập được tiến hành tự chủ nhưng mỗi loại đơn vị sự nghiệp lại có thuận lợi và hạn chế riêng. Y tế là khu vực dịch vụ, dù muốn hay không, mọi người buộc phải tiếp cận, chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Giáo dục và đào tạo cũng là lĩnh vực vô cùng quan trọng. Những năm qua, lượng du khách trong nước và quốc tế không ngừng tăng, ngành du lịch Việt Nam đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể khẳng định, nhu cầu của xã hội đối với nhóm đơn vị y tế, giáo dục đào tạo, du lịch vẫn ở mức cao. Trừ những đơn vị đào tạo nghệ thuật truyền thống, việc áp dụng cơ chế tự chủ tài chính và lộ trình về giá, phí dịch vụ đối với những đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực này không đáng lo ngại. Nhưng, với đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập lại là vấn đề khác.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông đã đem đến cho con người hàng trăm hình thức nghệ thuật hấp dẫn với chất lượng mang tầm quốc tế. Sự phong phú về món ăn tinh thần đã làm cho khán giả của nhiều hình thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân tộc bị phân tán. Thu nhập thấp, tính ổn định của nghề nghiệp không cao nên học sinh theo học nghệ thuật truyền thống ngày càng ít, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực, khiến cho chất lượng nghệ thuật của nhiều đơn vị ngày càng giảm sút. Theo khảo sát của chúng tôi, trong 3 năm từ 2011 – 2013, nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn không thể thu hồi lại số kinh phí đã bỏ ra để dàn dựng chương trình nghệ thuật, doanh thu cả năm không quá 100 triệu, thậm chí có đơn vị không thu nổi 30 triệu đồng.
Để góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật và thu hút khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn, nhiều năm qua Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL đã nỗ lực tổ chức nhiều liên hoan, hội diễn sân khấu với sự tham gia của những tiết mục tốt nhất của các đơn vị nghệ thuật. Song, mặc dù biểu diễn không bán vé nhưng lượng khán giả đến với các đêm diễn cũng rất khiêm tốn. Đành rằng, vẫn có một số đơn vị ở thủ đô có khả năng phát triển tốt, nhưng với thực trạng chung như hiện nay thì việc tăng giá phí dịch vụ theo lộ trình đối với đa số đơn vị biểu diễn công lập là không khả thi.
Về vấn đề đặt hàng
Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định: Đối với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị sự nghiệp, thực hiện chủ trương chuyển mạnh sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nguồn kinh phí này cũng được coi là nguồn thu của đơn vị để thực hiện tự chủ tài chính.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ VHTTDL đã áp dụng cơ chế đặt hàng đối với những đơn vị do Bộ trực tiếp quản lý. Có thể xem đó là việc trợ giá trong lộ trình 2016 đối với những đơn vị nghệ thuật này. Mặc dù phần lớn đơn vị nghệ thuật do Bộ quản lý đều có thế mạnh về thương hiệu nghệ thuật, đội ngũ nghệ sĩ, cơ sở vật chất, địa bàn hoạt động, nhưng cách giải quyết trên cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, đặt hàng luôn gắn liền với những vấn đề như quy cách, chất lượng và đầu ra của sản phẩm. Do vậy, để đặt hàng đối với sản phẩm hàng hóa nghệ thuật trước tiên cần phải giải đáp một số câu hỏi như: đặt hàng gì, đặt hàng với mục đích gì, đặt đơn vị nào.
Đi cùng những câu hỏi trên là một số điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, nghệ thuật là hình thái đặc thù của ý thức. Việc thưởng thức, đánh giá tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào nhận thức, trình độ thẩm mỹ của mỗi người. Không ít tác phẩm nghệ thuật trong liên hoan, hội diễn từng được cơ quan quản lý, hội đồng giám khảo đánh giá cao nhưng lại không được khán giả và người làm nghề thừa nhận. Vậy nên, sẽ là chủ quan khi đặt hàng tác phẩm nghệ thuật sân khấu dành cho quảng đại quần chúng.
Thứ hai, việc thường xuyên đặt hàng tiết mục nghệ thuật đòi hỏi cơ quan chủ quản phải thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường và thị hiếu thẩm mỹ khán giả để lên kế hoạch. Nhưng xã hội luôn có sự phân tầng trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Bởi vậy, đặt hàng đối với tất cả đơn vị nghệ thuật là không khả thi. Hơn nữa, trong bối cảnh giao lưu văn hóa và cơ chế thị trường, đặt hàng đôi khi lại phản tác dụng vì dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, không khuyến khích sự linh hoạt, tính tự chủ của đơn vị nghệ thuật.
Thứ ba, nếu cơ chế đặt hàng được thực hiện đối với tất cả đơn vị nghệ thuật thì về bản chất, nó không làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Có chăng là chỉ thêm những thủ tục rườm rà, dễ này sinh tiêu cực. Như vậy, tiền Nhà nước vẫn phải chi mà hiệu quả nghệ thuật lại khó xác định.
Thứ tư, Nhà nước chỉ nên đặt hàng chương trình nghệ thuật gắn với các sự kiện lớn của địa phương, quốc gia. Nhưng sự kiện thì mỗi năm một khác và không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có đủ năng lực để thực hiện. Do đó, không phải địa phương nào cũng có nhu cầu đặt hàng theo năm và không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng có hàng để đặt. Vậy nên, đặt hàng không phải là giải pháp có thể đem lại sự phát triển bền vững cho các đơn vị nghệ thuật.
Về tổ chức nhân sự
Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định: tự chủ về nhân sự. Theo đó sẽ có 4 loại đơn vị sự nghiệp công: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tương ứng với mỗi loại đơn vị trên sẽ được giao quyền tự chủ về tài chính cũng như quyền tự chủ về các mặt khác nhau, trong đó có quyền tự chủ về nhân sự. Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên có quyền quyết định số lượng người làm việc. Trên thực tế, hiện nay đơn vị nghệ thuật biểu diễn chỉ có quyền quyết định số người làm việc (theo hợp đồng) mà không có quyền quyết định số người thôi việc (theo biên chế).
Một trong những hạn chế đối với người làm nghệ thuật biểu diễn là tuổi tác và nghề nghiệp. Nếu ở đơn vị sự nghiệp như du lịch, giáo dục, y tế… mọi người có thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước, thậm chí không ít người sau khi nghỉ hưu vẫn làm việc tốt. Nhưng, với nghệ sĩ biểu diễn thì tuổi nghề đối với diễn viên, nhạc công… chỉ nên dừng lại ở mức dao động đối với nữ là từ 45 – 50, nam từ 50 – 55. Đặc biệt là đối với diễn viên thuộc những chuyên ngành xiếc, múa, tuồng, chèo có thể cần được nghỉ sớm hơn. ở nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn, số nghệ sĩ quá tuổi làm nghề nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu đang chiếm số lượng không nhỏ. Khảo sát 54 đơn vị nghệ thuật biểu diễn cho thấy, có tới 20,6% cán bộ hết tuổi làm nghề trong mỗi đơn vị. Nhà hát Nghệ thuật Đương đại là một minh chứng cụ thể. Đây là đơn vị đầu tiên được Bộ VHTTDL cho phép thực hiện cơ chế tự chủ và đã tự chủ kinh phí thường xuyên từ năm 2011. Lực lượng cán bộ dư thừa không ít, có nghệ sĩ không làm việc tới 5 năm nhưng Ban giám đốc chưa thể cho nghỉ việc do không phải nghệ sĩ không tâm huyết với nghề mà vì lực bất tòng tâm, tuổi nghề đã hết. Nhiều NSƯT, NSND cũng phải đành lòng bởi sự khắc nghiệt của nghề nghiệp. Điều đó cho thấy, quyền quyết định số người làm việc đối với đơn vị nghệ thuật biểu diễn còn rất khó thực hiện.
Về cơ sở vật chất
Nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị của đa số đơn vị nghệ thuật còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Chỉ một số ít đơn vị ở thủ đô và thành phố lớn, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL quản lý là còn có cơ sở vật chất, trang thiết bị có giá trị, có thể tham gia vào hoạt động liên doanh, liên kết. Còn lại cơ sở vật chất, trang thiết bị của số đông đơn vị ở địa phương không đủ điều kiện để tham gia vào các hoạt động trên. Một số đơn vị như Đoàn Nghệ thuật Chèo, Đoàn Nghệ thuật Tuồng, Đoàn Nghệ thuật cải lương Thanh Hóa còn chưa có trụ sở làm việc độc lập. Đây là trở ngại rất lớn đối với các đơn vị khi thực hiện tự chủ. Khi những đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập phải bước ra tự chủ thì sự cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt. Sự thiếu thốn, yếu kém về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ nghệ sĩ sẽ khiến nhiều đơn vị không thể tồn tại. Bởi vậy, trong lộ trình chung cho các đơn vị sự nghiệp công lập, Nhà nước cần xem xét có một lộ trình riêng cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Mặt khác, cần tiếp tục bổ sung về cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho các đơn vị trong lộ trình tự chủ.
2. Một số giải pháp
Giai đoạn 2015 – 2020
Trước tiên, cần nhìn nhận đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập là nhóm đơn vị sự nghiệp có tính đặc thù, để từ đó có cơ chế, chính sách phù hợp cho nhóm đơn vị này. Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập gắn với chức năng, nhiệm vụ chính là phục vụ chính trị, xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Với nhiều đơn vị nghệ thuật ở địa phương, những hoạt động này không mang lại nguồn thu, nếu có thì chỉ là số thu không thường xuyên, không đáng kể. Bản chất các khoản thu này không nhằm mục đích lợi nhuận như các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các tổ chức kinh tế khác. Do đó, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ cần xem xét những vấn đề như: cùng là đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, nhưng với hình thức nghệ thuật này cần áp dụng cơ chế nào, hình thức nghệ thuật khác phải áp dụng đến đâu. Thậm chí, cùng một loại hình nghệ thuật, nhưng giữa đơn vị ở thủ đô và đơn vị ở tỉnh lẻ đã có những khác biệt rất lớn. Nếu áp dụng chung một cơ chế thì sẽ có đơn vị phát triển tốt, nhưng đơn vị khác có nguy cơ phải giải tán.
Tuy nhiên, khi đất nước bước vào hội nhập, chúng ta phải chấp nhận xu hướng chung của nhân loại. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, từng bước trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công là cần thiết. Bản chất và mục đích của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP là nhằm tháo gỡ những vấn đề tồn đọng trong quá khứ để giải phóng sức lao động, sáng tạo, tạo sự phát triển và công bằng xã hội. Bởi vậy, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp, Nhà nước cần hoạch định đối tượng để áp dụng cơ chế theo hướng dưới đây.
Đối với đơn vị nghệ thuật có tính đặc thù văn hóa vùng miền: nhóm đơn vị nghệ thuật này chủ yếu là các đoàn nghệ thuật dân tộc, dân gian, dân ca, có ở hầu khắp các tỉnh, đang gánh vác trách nhiệm quan trọng, góp phần vào việc bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống và bản sắc văn hóa vùng miền. Trong bối cảnh hiện nay, sức cạnh tranh của các đơn vị nghệ thuật này dường như không có. Chương trình nghệ thuật chủ yếu để phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo… Thu nhập qua hoạt động nghệ thuật không đáng kể nên chưa thể tự chủ kinh phí thường xuyên. Nhà nước cần tiếp tục bao cấp 100% kinh phí, đầu tư nhân lực, tài lực và có chính sách ưu đãi đặc biệt về chế độ lương, bồi dưỡng và phụ cấp nghề để các đơn vị có điều kiện phát triển.
Đối với các đơn vị nghệ thuật sân khấu và ca múa nhạc, xiếc, rối, tuồng, chèo, cải lương: nhóm đơn vị nghệ thuật này chiếm số đông trong tổng số đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập ở Việt Nam. Tại thời điểm năm 2016, cả nước có 6 đơn vị nghệ thuật tuồng, 5 đơn vị rối, 16 đơn vị cải lương, 14 đơn vị nghệ thuật chèo (kể cả Nhà hát Chèo Quân đội). Trong tương lai không xa, phần lớn đơn vị nghệ thuật sẽ buộc phải tự chủ toàn bộ về tài chính. Thực hiện chủ trương trên, một mặt sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho những đơn vị có đủ khả năng để phát triển, nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với nhiều đơn vị nghệ thuật do địa phương, thậm chí là cả những đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ, như: Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam…
Bởi vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngoài số ít đơn vị có đủ năng lực tự chủ, chỉ nên xếp những đơn vị còn lại vào loại đơn vị với cơ chế tự chủ tài chính tương ứng là: đơn vị tự chủ một phần kinh phí thường xuyên.
Giai đoạn 2020 – 2025
Song song với phương án trên đây, để chuẩn bị cho chiến lược lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch lại đơn vị nghệ thuật, đẩy mạnh tinh giản biên chế, khuyến khích chuyển đổi mô hình theo hướng doanh nghiệp cổ phần.
Thay vì ở mỗi tỉnh trên cả nước đều có một vài đơn vị nghệ thuật, Nhà nước nên xây dựng các Trung tâm trình diễn và bảo tồn nghệ thuật truyền thống ở những vùng miền văn hóa như: đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ… Những trung tâm này được xây dựng ở các địa phương đại diện cho vùng văn hóa, được gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch để kinh doanh nghệ thuật. Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí cho các trung tâm này để làm công tác bảo tồn và trình diễn nghệ thuật mang bản sắc vùng miền. Nhân sự hoạt động trong trung tâm sẽ được tuyển chọn từ những đơn vị nghệ thuật đang có và trong xã hội. Thời gian từ nay đến năm 2025 chỉ cho phép các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hợp đồng lao động mà không bổ sung biên chế. Đến năm 2025 tất cả các đơn vị nghệ thuật sẽ buộc phải cổ phần hóa.
Triển khai theo hướng này sẽ từng bước thực thi được cơ chế tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị có thực lực phát triển, đồng thời có thể tiến hành sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị yếu kém mà vẫn đảm bảo mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : ĐINH QUANG TRUNG
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại