1. Cơ sở lý luận xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) trong trường học
Nghiên cứu xây dựng MTVH trong trường học nói chung, các cơ sở giáo dục đại học nói riêng, cần tìm hiểu và thống nhất được những khái niệm, thành tố liên quan đến MTVH trường học. Tác giả Phạm Minh Hạc trong đề tài Vấn đề con người trong công cuộc đổi mới, Chương trình KH-CN Nhà nước KX-07 (1994) cho rằng, các thành tố cơ bản của MTVH trường học gồm: chủ thể và khách thể. Trong đó, chủ thể là giảng viên, sinh viên, cán bộ công nhân viên, khách thể là hệ thống các giá trị văn hóa, các hình thức vận động hóa, cảnh quan hóa. Trong Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa TK XXI của Nhà xuất bản Giáo dục quốc gia (1999), chính ông cũng nhấn mạnh giáo dục nếp sống văn hóa cho sinh viên trong học tập, sinh hoạt, văn hóa, tiêu dùng và trong ứng xử giữ vai trò quan trọng; Cuốn Văn hóa công nghiệp – lý luận và thực tiễn (2015) do Đào Thị Oanh chủ biên, dựa trên lý luận chung về MTVH đã đưa ra nhận định khái quát về MTVH trong nhà trường: “Nhà trường là một thiết chế văn hóa, vì vậy nhà trường là một MTVH, là không gian chứa đựng những giá trị, hệ thống chuẩn mực – những yếu tố được con người chủ động tạo ra nhằm đạt được mục đích hình thành, phát triển nhân cách học sinh. Môi trường nhà trường là tổng thể các yếu tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho hoạt động dạy – học, tạo thành môi trường vật chất và môi trường xã hội của nhà trường: hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ dạy – học; hệ thống mối quan hệ người – người; các quy định, quy tắc, được xây dựng và vận hành trong môi trường”. Trong tác phẩm Lối sống và văn hóa, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội (2001) đã xác định thành tố của MTVH trường học gồm: chủ thể (con người) và khách thể (môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và MTVH)… Các nghiên cứu đã dựa trên khái niệm chung về MTVH để đưa ra khái niệm cho MTVH nhà trường. Song, các nghiên cứu mới chỉ dừng ở việc gọi tên các thành tố của MTVH trong nhà trường, hay đi vào nghiên cứu riêng biệt từng thành tố (như cảnh quan, văn hóa nhà trường…) mà chưa có cái nhìn tổng thể. Nhằm xây dựng tiêu chí, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp về xây dựng MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng khung lý luận về MTVH trong trường học dựa trên khung lý luận chung về MTVH dựa trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu đi trước, đồng thời những quan điểm của Đảng (Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Cụ thể, theo đúng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đề tài xác định MTVH gồm 3 thành tố: giá trị văn hóa, quan hệ văn hóa và các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Kế thừa quan điểm của Đảng về MTVH nói chung, phù hợp với đặc thù riêng của môi trường trường học, tác giả xác định MTVH trong trường học nói chung, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nói riêng (hay còn gọi là các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) gồm các thành tố: Giá trị văn hóa trong trường học; Quan hệ văn hóa trong trường học; Hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trong trường học (hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao và các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng…); Cảnh quan và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo.
Theo quan điểm tiếp cận giáo dục học, quản lý giáo dục, đề tài xác định, MTVH trong nhà trường là những yếu tố văn hóa bên ngoài, ảnh hưởng đến sự hình thành văn hóa của cá nhân, tập thể, tổ chức nhà trường. Cách tiếp cận của giáo dục học bổ sung cách nhìn nhận về đặc trưng MTVH trong trường học, với nhiều nét đặc trưng riêng, khác với MTVH trong các khu vực, ngành nghề khác. Xây dựng MTVH lành mạnh giúp thực hiện hoạt động của nhà trường là hoạt động giáo dục, với mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển nhân cách con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
MTVH có mối quan hệ biện chứng với các môi trường chính trị, kinh tế, xã hội… Chính vì thế, nghiên cứu về MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đề tài xem xét đến tác động qua lại này nhằm bảo đảm cho việc nghiên cứu mang tính toàn diện, tổng thể. Bên cạnh đó, quá trình hình thành và phát triển nhân cách diễn ra ở cả gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, xây dựng MTVH trong nhà trường cần tính đến sự thống nhất biện chứng với xây dựng MTVH trong gia đình cũng như các MTVH trong xã hội.
Tại Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa trường đại học trong bối cảnh mới, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân (2015), thông qua tham luận các tác giả khẳng định MTVH trường đại học ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục của nhà trường, trong xu thế hội nhập, cạnh tranh gay gắt, các trường không thể không tích lũy và phát huy giá trị văn hóa của mình, thể hiện qua việc tạo động lực làm việc, điều phối kiểm soát hành vi cá nhân, hạn chế tiêu cực và xung đột… Trong hội thảo quốc tế Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, tác giả Lê Văn Hảo đã có tham luận Phát triển văn hóa trường đại học phù hợp với yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, tác giả chỉ ra những nội hàm văn hóa trong Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học 2017, trong đó tập trung vào các yếu tố tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị của nhà trường… Theo các tài liệu này, văn hóa nhà trường được coi là văn hóa của một tổ chức, là tập hợp các chuẩn mực, giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử của một tổ chức tạo nên sự khác biệt của những thành viên của tổ chức này với các thành viên của tổ chức khác. Qua đây có thể thấy, văn hóa nhà trường là một thành tố của MTVH trong nhà trường. Các đề tài cũng đề cập nhiều đến văn hóa nhà trường hơn là nghiên cứu MTVH trong nhà trường.
2. Cơ sở thực tiễn
Quan điểm của Đảng
Khái niệm MTVH được chính thức đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng VIII (1996): Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng MTVH lành mạnh cho sự phát triển xã hội. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, nhận thức về MTVH được làm rõ về quan niệm, nội dung xây dựng MTVH, cụ thể: Về khái niệm, Nghị quyết khẳng định: “MTVH là môi trường chứa đựng những giá trị văn hóa và diễn ra các quan hệ văn hóa, các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của con người”. Mục đích xây dựng MTVH là để đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã có sự bổ sung mới cả về lý luận và thực tiễn về xây dựng MTVH Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chỉ rõ một trong những quan điểm chỉ đạo là “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhận lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”, quan điểm này cho thấy, giáo dục ngày càng hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Để làm được điều này, nhà trường cần xây dựng MTVH hài hòa, đa dạng, phong phú, nhân văn để phục vụ mục tiêu giáo dục.
Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Bên cạnh quan điểm chỉ đạo chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều văn bản hướng đến xây dựng và hoàn thiện các thành tố trong MTVH của nhà trường, với mục tiêu chung nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, như những văn bản quy định về kiểm định chất lượng, quy định về trường chuẩn quốc gia… hay nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng MTVH trong trường học như Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025, ban hành kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018. Công văn số 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25-1-2017 về việc đẩy mạnh xây dựng MTVH trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở đào tạo triển khai các nhiệm vụ: tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học.
Nghiên cứu xây dựng MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cần dựa trên quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng MTVH và xây dựng MTVH trong nhà trường, phục vụ mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Một trong các mục tiêu cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra trong Nghị quyết 33/NQ-TW ngày 9-6-2014, đó là: “Xây dựng MTVH lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…”. Xây dựng MTVH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội không còn là chủ đề mới trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng đời sống văn hóa xã hội, thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay, chúng ta càng khẳng định, cần thiết phải xây dựng MTVH lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Những mô hình xây dựng MTVH trong thời gian qua, ít nhiều đã có hạn chế, bất cập, cần có sự nghiên cứu đồng bộ, đổi mới.
Thực trạng MTVH trong nhà trường
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người, thực hiện theo định hướng thống nhất về nhân cách lý tưởng mà xã hội đặt ra. Ba lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục và hình thành nhân cách là: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục đích, nội dung giáo dục bằng các phương pháp khoa học với nhiều nội dung khác nhau, cho từng đối tượng khác nhau. Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng nêu trong mục tiêu tổng quát nhiệm vụ giáo dục, phát triển con người là: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Có thể thấy, cả ngành Văn hóa và Giáo dục đều ý thức được vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trường học không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là nơi giáo dục, phát triển con người trong suốt quá trình trưởng thành từ bậc mầm non đến hết bậc đại học. Quá trình giáo dục nhân cách trong nhà trường không tiến hành đại trà, cảm tính mà được thực hiện với mục tiêu cụ thể, với các đối tượng cụ thể, được tổ chức, chỉ đạo, dẫn dắt nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Vì thế, khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phải tính đến vai trò quan trọng của nhà trường. Nhiệm vụ xây dựng MTVH trong trường học phải được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm. Trong các trường học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam hiện nay, các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (hay còn gọi là các trường đại học, cao đẳng), là cơ sở đào tạo cấp thiết phải xây dựng MTVH lành mạnh. Khác với các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông, trường đại học, cao đẳng chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức chuyên ngành nhiều hơn là giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho sinh viên. Đây là đặc thù chung của giáo dục bậc đại học, nơi sinh viên đều là những người đã đủ 18 tuổi – được coi là có khả năng tự chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân, đã được hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cơ bản qua các cấp học trước. Chương trình giáo dục bậc đại học cũng được thiết kế theo dạng tín chỉ, đề cao tính độc lập, tự chủ của người học trong việc lĩnh hội kiến thức cũng như giải quyết các mối quan hệ xã hội, tập thể trong nhà trường. Bên cạnh việc đề cao tính độc lập, tự chủ trong giáo dục, môi trường giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp còn có sự phức tạp, đa dạng hơn nhiều so với môi trường giáo dục ở các cấp học trước. Sinh viên đến từ nhiều địa phương với những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau dẫn đến sự khác biệt về văn hóa, tầng lớp khá rõ nét trong nhà trường. Trong số đó, nhiều sinh viên sống xa gia đình, nhiều em tham gia làm thêm, việc tiếp xúc với môi trường xã hội có sự thay đổi mạnh mẽ, khác biệt so với giai đoạn học ở phổ thông, các mối quan hệ xã hội gia tăng và có chiều hướng đa dạng, phức tạp hơn. Chính những điều này làm thay đổi mạnh mẽ lối sống của những bạn trẻ, tác động không nhỏ đến suy nghĩ, quan điểm, nhân cách của các em. Tuy nhiên, với đặc thù đào tạo của mình, các trường đại học, cao đẳng chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục lối sống, đạo đức, nhân cách của sinh viên. Các hoạt động giáo dục nhân cách, lối sống trong trường đại học, cao đẳng mới dừng lại ở tuyên truyền qua các tổ chức đoàn thể, các hoạt động sự kiện… Thực trạng MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét. Các giá trị văn hóa trong nhà trường như tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo… đang bị xem nhẹ, bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường. Mối quan hệ ứng xử giữa thầy và trò ngày càng xa rời chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử… Thực trạng trên cho thấy cần thiết phải xây dựng MTVH trong các trường đại học, cao đẳng. MTVH trong nhà trường sẽ tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhà trường, tạo ra những quy tắc, chuẩn mực chung về ứng xử văn hóa của sinh viên, giảng viên, tạo không gian văn hóa lành mạnh trong nhà trường, tác động đến nhân sinh quan, thế giới quan của thế hệ trẻ.
Để thực hiện hiệu quả công việc này, cần có các nghiên cứu bài bản, đồng bộ về MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, nhận diện các thành tố đặc trưng tạo nên MTVH trong những cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, từ đó có tiêu chí đánh giá MTVH, đề xuất giải pháp để xây dựng và nâng cao chất lượng MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Kết luận
MTVH có tác động qua lại, tương hỗ với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, để hoạt động dạy và học đạt đến mục đích phát triển toàn diện nhân cách người học, không thể không xem xét xây dựng MTVH nhà trường. Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu này càng có ý nghĩa thực tiễn, khi văn hóa học đường, văn hóa, đạo đức trong thanh thiếu niên có nhiều tín hiệu báo động.
Nghiên cứu xây dựng MTVH trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là việc làm góp phần đưa nghị quyết của Đảng về xây dựng MTVH, về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục vào đời sống. Qua kết quả nghiên cứu của đề tài, những nhà quản lý hoạch định chính sách, các nhà trường sẽ có chính sách phù hợp, hiệu quả để đẩy mạnh xây dựng MTVH trong các trường đại học, cao đẳng, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030, 2015.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, 2014.
4. Phạm Minh Hạc, Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết hợp tinh hoa nhân loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
5. Thành Lê, Lối sống và văn hóa, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001.
6. Đào Thị Oanh, Văn hóa công nghiệp – lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2015.
TS MAI THỊ THÙY HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%