Công tác quản lý di tích ở Hiệp Hòa (Bắc Giang)


Huyện Hiệp Hòa là nơi có vị trí quan trọng cho các hoạt động quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ, phên dậu án ngữ hai vùng chiến lược trọng yếu giữa châu thổ sông Hồng với vùng núi Việt Bắc, là nơi thuận lợi thông thương kinh tế – xã hội. Đây là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, trên địa bàn huyện hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng như các đình, chùa, lăng tẩm, miếu nghè, các lễ hội văn hóa dân gian…

1. Vài nét về các di tích trên địa bàn huyện Hiệp Hòa

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hiệp Hòa, năm 2019 huyện có 687 di tích, gồm: 130 đình; 151 chùa; 24 đền; 23 nghè; 43 nhà thờ họ; 17 nhà thờ đạo; 129 miếu; 97 điếm; 22 lăng mộ; 9 nhà tưởng niệm; 28 giếng cổ; 6 điểm An toàn khu hai (ATK II); 8 di tích khác.

Trong số 126 di tích đã xếp hạng có 19 di tích cấp quốc gia (4 lăng, 8 đình, 3 nhà, 3 đền, 1 chùa) và 107 di tích cấp tỉnh (97 đình, 48 chùa, 1 nhà lưu niệm, 5 lăng, 3 nghè, 2 đền, 1 từ đường). Trong đó có 7 di tích lịch sử văn hóa và 11 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; 92 di tích lịch sử văn hóa và 17 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh (1).

Hiệp Hòa có 26 lăng đá, các lăng này chủ yếu được xây dựng để thờ các vị quan có công với nhân dân, quê hương đất nước như: Quận công Trần Đình Ngọc thờ tại lăng họ Trần, xã Lương Phong; lăng Chúa Đôi thờ vị quan triều Lê là Đĩnh Quận công Lê Công Mỹ; lăng họ Ngọ thờ Phương Quận công Ngọ Công Quế; lăng Dinh Hương thờ Quận công La Quý Hầu (La Đoan Trực). Các di tích thờ Thành Hoàng tại các đình phân bố ở 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đó là Đức Thánh Cao Sơn – Quý Minh được thờ ở đình Ngọc Thành xã Ngọc Sơn, đình Nga Trại xã Hương Lâm, đình làng Khánh, đình làng Giữa xã Lương Phong… các di tích thờ thánh Tam Giang như đình làng Tứ xã Lương Phong, đình Vụ Nông, xã Bắc Lý. Di tích thờ Phật ở các chùa được phân bố trên 26 xã, thị trấn của huyện bao gồm 151 chùa. Một số chùa tiêu biểu như: chùa Quang Trung – thị trấn Thắng, chùa An Lạc – xã Mai Đình, chùa Chèo – xã Thái Sơn, chùa Cả – xã Bắc Lý, chùa Cả – xã Hương Lâm, chùa Phúc Linh – xã Hương Lâm, chùa Hưng Phúc – xã Quang Minh, chùa Linh Gióng – xã Đồng Tân.

Hiệp Hòa có số lượng di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật tương đối nhiều. Trong số đó có đình Lỗ Hạnh là một di tích tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật, đây là một kỳ công của cư dân Hiệp Hòa vào TK XVI. Đình Lỗ Hạnh được coi là “Đệ nhất Kinh Bắc”. Tiếp đến là đình Trâu Lỗ – xã Mai Đình, đình Hương Câu – xã Hương Lâm, chùa Hưng Phúc – xã Quang Minh, đình Đông Trước – xã Mai Đình và hệ thống lăng đá: Dinh Hương xã Đức Thắng, lăng họ Ngọ, xã Thái Sơn… cũng là những di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Hiệp Hòa cũng có số lượng lớn di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt phải kể đến hệ thống di tích ATK II, đó là đình Xuân Biều – xã Xuân Cẩm, đình Chợ Vân – xã Hoàng An, đình Vân Xuyên, Soi Đền, nhà cụ Ngô Văn Thấu, nhà cụ Ngô Văn Đông, nhà cụ Nguyễn Văn Chế – xã Hoàng Vân. Những di tích này được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích lịch sử ATK II. Ngoài số di tích tiêu biểu kể trên của huyện còn có những di tích khác thuộc loại hình này như: đình chùa Đông Lâm – xã Hương Lâm, đình Quế Sơn – xã Thái Sơn, chùa An Thất – xã Hoàng An… Các di tích đều được người dân, gia đình, dòng họ, địa phương trực tiếp trông coi, quản lý, tu bổ, tôn tạo, gìn giữ.

2. Công tác quản lý di tích quốc gia

Hoạt động xây dựng văn bản quản lý

Hằng năm, UBND huyện Hiệp Hòa đều ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các di tích như: Công văn số 2522/UBND-VP về việc rà soát báo cáo hiện trạng công trình 7 di tích xã Hoàng Vân; Công văn số 2751/UBND-VP về việc rà soát báo cáo hiện trạng di tích lịch sử chùa Chèo, xã Thái Sơn; Công văn số 2785/UBND-VHTT về việc tăng cường thực hiện quản lý, bảo vệ và tu bổ di tích trên địa bàn huyện; Công văn số 278/ UBND-VP về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 61/KH-UBND về quản lý, bảo vệ, tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với di tích trên địa bàn huyện Hiệp Hòa; Công văn số 1367/UBND-VP về việc tăng cường quản lý việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện và còn nhiều văn bản chỉ đạo khác.

Hoạt động xây dựng và thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch quản lý di tích

Năm 2016, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 trong đó có quy hoạch các địa điểm di tích phục vụ du lịch (xây dựng nhà bia, điểm di tích các xã ATK II, phục chế trống đồng Bắc Lý làm trưng bày và quà tặng).

Đến nay, đã xây dựng 2 nhà bia, 7 bia và phục chế nguyên mẫu trống đồng Bắc Lý. Cơ bản các di tích được xếp hạng đã có biển chỉ dẫn vào di tích, đã có nội quy bảo vệ di tích cùng bảng giới thiệu về di tích của địa phương cho khách thập phương đến tham quan, hiểu rõ hơn về di tích, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát những di tích đã được xếp hạng để có biện pháp quản lý, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

Hoạt động huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực để bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích

Hằng năm, huyện Hiệp Hòa đều huy động các nguồn kinh phí để phục vụ công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Các nguồn kinh phí chủ yếu bao gồm: kinh phí do tỉnh hỗ trợ, kinh phí huyện, kinh phí các xã và kinh phí huy động từ xã hội hóa. Năm 2016, huyện đã tu bổ, tôn tạo 11 di tích (2 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh); năm 2017 là 15 di tích (2 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh); năm 2018 là 21 di tích (2 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh).

Như vậy, trong giai đoạn 2016-2018: tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích là 50.662 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí huy động từ xã hội hóa là trên 47 tỷ đồng cho công tác bảo tồn và tu bổ di tích. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, được sự giám sát của nhân dân; các hạng mục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Nguồn lực thực hiện việc trùng tu, tôn tạo di tích chủ yếu từ xã hội hóa (trên 90%). Kinh phí được huy động từ các nguồn lực đều được công khai, thống nhất nên việc sử dụng kinh phí vào tu bổ di tích trên địa bàn huyện những năm qua đạt hiệu quả cao (2).

Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến các cơ sở quan tâm triển khai thực hiện như: Luật Di sản Văn hóa năm 2001 sửa đổi bổ sung năm 2009, các văn bản của Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bắc Giang. Các hội nghị tập huấn chuyên đề, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở… cùng một số nội dung công tác bảo tồn, bảo tàng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa vào quy ước các thôn, khu phố đã giúp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện.

Huyện Hiệp Hòa tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản chủ yếu trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các cơ sở, trên trang thông tin điện tử của huyện, trên trang thông tin điện tử hiephoa.net, các xã, thị trấn thường xuyên đưa tin, bài về gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, công tác tu bổ, tôn tạo di tích, công tác xã hội hóa của những nhà hảo tâm ủng hộ việc tôn tạo và bảo vệ di tích.

Nguồn nhân lực tham gia quản lý

Các di tích trên địa bàn được UBND huyện giao cho phòng Văn hóa và Thông tin quản lý. Phòng phân công 1 cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách mảng di tích, bảo tồn bảo tàng, đồng thời cùng với trung tâm Văn hóa Thể thao bố trí 1 viên chức chuyên môn giúp tham mưu các nội dung về công tác này và bố trí trực tiếp phụ trách làm công tác quản lý nhà trưng bày truyền thống ATK II của huyện.

Tại các xã, thị trấn có di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đều có ban quản lý di tích do UBND xã, thị trấn quyết định thành lập. Trưởng Ban là Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội, Phó Ban là cán bộ văn hóa và trưởng thôn nơi có di tích, thành viên là người làm công tác tại các ban, ngành, đoàn thể và cụ thủ từ, đại diện dòng họ có di tích hoặc nhà chùa trực tiếp trông coi di tích. Tuy nhiên, công chức làm công tác quản lý di tích trên địa bàn năng lực thực tế hạn chế, 100% cán bộ, công chức không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về di tích, chỉ được tập huấn nghiệp vụ qua các lớp tập huấn do Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức (3).

Đối với các xã, thị trấn, ban quản lý di tích mang tính kiêm nhiệm chỉ có cụ thủ từ, đại diện dòng họ có các di tích hoặc nhà chùa là trực tiếp trông coi, nếu không có hai đối tượng này thì trông coi di tích là trưởng thôn và không có chế độ chính sách. Bên cạnh đó, Hội người cao tuổi các thôn, khu phố có di tích đều trực tiếp tham gia công tác quản lý. Một số ban quản lý di tích cơ sở hoạt động chưa hiệu quả. Công tác an ninh ở các di tích chưa đảm bảo, nhiều di tích ở nơi vắng vẻ nhưng không có người bảo vệ thường xuyên; lãnh đạo thôn, làng nhiều người không hiểu về Luật Di sản Văn hóa nên tự ý cho hoặc thay mới làm mất giá trị của di tích.

3. Nhận xét về công tác quản lý di sản văn hóa

Điểm mạnh

Nhìn chung, các di tích trên địa bàn huyện khá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, là vốn di sản văn hóa vật thể lớn được lưu truyền cho thế hệ sau luôn được gìn giữ, bảo quản tốt. Đặc biệt, các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là những trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng công tác tu sửa được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

Công tác quản lý di tích ở Hiệp Hòa hiện nay đã và đang đi vào nề nếp. 26/26 xã, thị trấn có di tích xếp hạng đã thành lập được Ban quản lý di tích cấp xã có các thành viên trong ban quản lý là người ở thôn làng có di tích và người trụ trì trong di tích.

Hằng năm, huyện đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc tổ chức lễ hội, đón bằng ở những di tích được Nhà nước xếp hạng và hướng dẫn việc tu sửa, tôn tạo di tích theo đúng Luật Di sản Văn hóa quy định. Đồng thời, hướng dẫn việc đặt và bổ sung tượng, đồ thờ trong di tích.

Trong những năm gần đây, sự phối kết hợp lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích đạt sự thống nhất nên ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Các di tích xuống cấp đều được nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ tôn tạo và hướng dẫn, giám sát của cơ quan chuyên môn.

Hạn chế

Ban quản lý di tích ở một số xã, thị trấn chưa phát huy được hết vai trò quản lý di tích của mình, chưa tham mưu, hay có những biện pháp bảo vệ cụ thể, tích cực đối với di tích, di vật có trong di tích.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp tham gia quản lý di tích tại cấp cơ sở hiện chưa đồng đều, không được đào tạo cơ bản, hầu hết làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có chế độ đãi ngộ.

Ở một số xã, thị trấn trong quá trình tu sửa để xảy ra một số sai sót do thiếu hiểu biết về công tác bảo vệ giữ gìn di sản văn hóa như làm mờ nhạt nét chạm khắc, giảm giá trị của di vật, tạo cơ hội cho những đối tượng dễ đánh tráo các di vật đó, đôi khi còn làm hư hại trực tiếp các di vật; tu bổ, tôn tạo chưa đúng thiết kế đã được phê duyệt.

Công tác quản lý, tổ chức các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tổ chức lễ hội tại di tích ở một số cơ sở còn thiếu tính kết hợp đồng bộ, chưa chặt chẽ và nề nếp làm nảy sinh tình trạng lộn xộn trong lễ hội tại di tích.

4. Kiến nghị

Đối với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang

Thường xuyên mở lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức văn hóa và Ban quản lý di tích các xã, thị trấn trong công tác quản lý, bảo tồn di tích.

Nâng mức hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích; đặc biệt là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp quản lý di tích, đặc biệt là các di tích đã xếp hạng cấp quốc gia.

Đối với UBND huyện Hiệp Hòa

Tiếp tục chỉ đạo về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về di sản văn hóa. Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân nâng cao hơn nữa sự hiểu biết về di tích và tích cực hơn nữa với công tác trùng tu, tôn tạo di tích nhằm hạn chế sự xuống cấp của di tích.

Tăng cường kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích gắn trách nhiệm với cơ quan chuyên môn, các đoàn thể của huyện và xã.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai các văn bản, hướng dẫn của các cấp, ngành về quản lý, tổ chức lễ hội, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích.

__________________

1, 2. UBND huyện Hiệp Hòa, Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn huyện Hiệp Hòa giai đoạn 2014-2018 và di tích đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ giai đoạn 2020-2025, 2019.

3. UBND huyện Hiệp Hòa, Báo cáo thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện Hiệp Hòa giai đoạn 2012-2015, 2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 1999.

2. Bảo tàng Bắc Giang, Di sản văn hóa Bắc Giang những lễ hội đã bảo tồn và vinh danh, Nxb Văn hóa dân tộc, 2016.

3. Sở VHTT Bắc Giang và Trung tâm UNESCO, Địa chí Bắc Giang từ điển, 2002.

4. Nguyễn Văn Huyên, Địa lý hành chính Kinh Bắc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Sở VHTT Bắc Giang, 1997.

5. Ngô Văn Trụ, Nguyễn Thu Minh, Trần Văn Lạng, Lễ hội Bắc Giang, Sở VHTT Bắc Giang, 2002.

Tác giả: Ths Âu Văn Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *