Cù Lao Tân Quy mùa trái chín


Cù lao Tân Quy thuộc xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè – Trà Vinh) và xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn – Vĩnh Long), nằm giữa dòng sông Hậu. Dường như thiên nhiên đã tạo nên tất cả những gì thuận lợi nhất để cù lao Tân Quy được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” với diện tích trên 600 ha vườn chuyên canh cây ăn trái (chôm chôm chiếm gần 50%), cho sản lượng thu hoạch khoảng 25.000 – 30.000 tấn/năm. Gần như 100% hộ dân nơi đây quanh năm chỉ sinh sống bằng nghề làm vườn, trong đó hộ nào ít đất cũng sở hữu khoảng vài trăm gốc chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…; có hộ lên đến hàng ngàn gốc, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Mùa chôm chôm chín từ tháng 4 – 6 âm lịch. Chỉ cần len theo con rạch nhỏ hiền hòa hay thả gót giữa lối mòn dưới những tán cây rợp bóng mát, bạn đã thấy ngay những chùm chôm chôm chín đỏ ẩn hiện trong chiếc lá xanh, những quả mít đeo đầy thân cây, mùi nhãn chín thoảng bay trong gió…

Chúng tôi ghé lại vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn của anh Nguyễn Văn Bảy ở ấp Tân Quy 2. Cũng như bao nhà vườn khác, nhờ xử lý kỹ thuật lấy trái sớm hơn so với chính vụ gần 1 tháng mà diện tích 4,5 công chôm chôm của anh đã cho thu hoạch trên 3 tấn trái, dự kiến năng suất đến cuối vụ trên 7 tấn trái. Anh Nguyễn Văn Bảy nói: “Năm nay khá hơn năm ngoái, năm ngoái 4 tấn, năm nay được 6 – 7 tấn, giá đầu mùa 20.000 đ/kg, giờ còn 15 – 16, với giá bán này sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được trên 80 triệu đồng”.

Do có địa hình nằm giữa sông Hậu, cù lao Tân Quy rất thuận lợi phát triển kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái nên hàng năm, nơi đây thu hút một lượng lớn du khách thập phương đến tham quan, du lịch và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản, qua đó đã góp phần mang về nguồn thu đáng kể cho người dân.

Hiện nay, cù lao Tân Quy đã được phê huyện quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với quy mô gần 50 ha, đây là điều kiện rất thuận lợi để người dân cù lao Tân Quy tiếp tục gắn bó với kinh tế vườn. Các điểm kinh doanh du lịch hoạt động theo kiểu “liên kết vườn”. Những vườn trái cây liền kề, mùa nào thức nấy phục vụ khách tham quan. Ông Đào Văn Út, chủ một điểm du lịch sinh thái ở cù lao Tân Quy 1 nói: “Năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, nhưng lượng khách đến Tân Quy đông hơn so với mấy năm trước, vì năm nay trái cây trúng mùa”.

Sau cả buổi đi quanh đường làng, chúng tôi ghé lại vườn chôm chôm của chị Phạm Thị Lan ở ấp Tân Quy 2. Bên ly trà nóng, chị Lan cho biết: Chôm chôm Tân Quy dày cơm, thịt tróc, luôn mọng nước. Mùa thuận của chôm chôm là thu hoạch vào tháng 4 đến tháng 6 âm lịch hằng năm cho năng suất cao nhưng giá bán thấp. Mùa nghịch là các nhà vườn phải tác động kỹ thuật (bằng cách bón phân, xiết nước, tưới nước hợp lý…) để cây ra hoa và cho thu hoạch trái vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch, tuy năng suất thấp hơn mùa thuận nhưng thường là giá cao hơn. “Với 7 công vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn 20 năm tuổi, từ 4 năm nay áp dụng kỹ thuật cho ra trái nghịch vụ, sau khi trừ các loại chi phí, lợi nhuận chúng tôi thu được trên 100 triệu đồng” –  chị Lan nói.

Anh Nguyễn Hữu Bằng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh tham quan cù lao Tân Quy chia sẻ thêm: “Tôi đến đây rất là nhiều lần rồi nhưng tôi không cảm thấy chán, vì ở đây trái cây rất ngon, ngọt như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mậ … Không khí ở Cù lao Tân Quy rất mát mẻ, trong lành dưới sông thì có bãi cát tấm, bên trên thì có nhiều loại trái cây – một điểm du lịch được tạo hóa ban tặng rất tuyệt vời, tôi rất thích”.

Ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã An Phú Tân cho biết: Để giúp cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, trong những năm qua được sự quan tâm của cấp trên, An Phú Tân đã tập trung đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đê bao khép kín phòng chống triều cường ở cù lao Tân Quy, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng lợi thế của địa phương để mời gọi các nhà doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, An Phú Tân còn vận động, khuyến khích bà con nhà vườn ở cù lao Tân Quy chú trọng đầu tư cải tạo, chuyển đổi các diện tích vườn cây ăn trái hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp mở các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, nên từ đó kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái ở địa phương có bước phát triển rõ nét. “Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ (mùng 05/05 âm lịch) đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan du lịch, thưởng ngoạn không khí trong lành và thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại trái cây đặc sản ở cù lao Tân Quy” – ông Hải nói.

Có dịp bách bộ trên các cù lao, đi dưới những tán lá vườn cây trĩu quả thơm lừng trái chín… nghe lòng khoan khoái thật dễ chịu. Du khách thích thú khi thấy những trái sầu riêng đong đưa trên cành, những hàng chôm chôm, nhãn thẳng tắp với tán xòe rộng đang trĩu quả, cùng những hàng măng cụt nghiêng mình soi bóng. Đến đây, sự mệt mỏi dường như tan biến bởi không khí mát mẻ, gió sông nhè nhẹ, bóng cây râm mát tạo cảm giác thư thái dễ chịu. Người dân cù lao nổi tiếng hiếu khách. Đến nhà nào, khách cũng được mời những đặc sản có trong vườn. Đó có thể là một ly trà nóng ấm, nải chuối cau hay chùm chôm chôm mới hái sau vườn…

Cù lao Tân Quy, điểm du lịch hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, những vườn cây trái sum suê, trĩu quả. Khách tham quan sẽ nhớ mãi ly rượu mít, rượu nhãn thơm lừng, thưởng thức cùng với nồi canh chua bần cá bông lau bên bờ sông Hậu. Ai đến Tân Quy mùa trái chín, khi chia tay cũng đầy lưu luyến.

Tác giả: Phương Nghi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *