Cuộc đối thoại với tư tưởng nam quyền trong phim Đập cánh giữa không trung


Trong những năm gần đây, bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là hiện tượng hiếm hoi đề cao diễn ngôn tự nhận thức về thân thể và bản dạng nữ trong cuộc đối thoại trực diện, phức tạp với tư tưởng gia trưởng/nam quyền đang hiện hữu giữa xã hội hiện đại. Qua bộ phim, có thể nhận ra sự chuyển dịch đáng kể về ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn theo mô thức của điện ảnh nữ quyền sinh thái nhằm thể hiện mối quan tâm tới quan hệ giữa phụ nữ – tự nhiên – thân thể – sinh tồn trong tương quan phức tạp với nam giới – xã hội – ý chí – chết chóc. Dựa trên mối liên hệ giữa bất công giới và bất công sinh thái trong bối cảnh có chung nền tảng truyền thống tư tưởng – văn hóa Nho giáo, tác phẩm gắn sự hủy hoại của bạo lực, tinh thần gia trưởng lên cá thể tâm – sinh lý của người nữ cũng như của tạo vật vô nhân và sự “chuộc tội”, cứu rỗi mà sinh thái và tự nhiên dành cho con người hiện đại.

      1. Bất công giới và bất công sinh thái: từ sự câm lặng của cơ thể nữ giới đến những chất vấn với tư tưởng nam quyền

     Trong Đập cánh giữa không trung, thân thể người nữ mang ý nghĩa bản thể, bản năng, cảm xúc và tâm hồn, nơi nữ tínhtự nhiên gặp gỡ giao hòa cùng nhau, đôi khi làm nên một cơ thể chung, với sự nhạy cảm đặc biệt.

     Đập cánh giữa không trung mở ra với hình ảnh con cá mắc kẹt trong ống đèn hỏng dưới cơn mưa tầm tã và cảnh Huyền ngồi bần thần trong căn nhà tối khi phát hiện ra mình có bầu. Giữa hai cảnh này có một mối dây liên nối thầm lặng giữa những dấu hiệu của vũ trụ và biến động trong thân thể cô gái. Thế giới ấy bắt đầu với sự “tràn đầy cảm giác hoang mang của một cô gái lần đầu nhận biết các dấu hiệu của cơ thể, sinh học và cảm xúc”. Trạng thái mắc kẹt giữa ổn định và biến đổi, giữa lý trí và cảm xúc rất chơi vơi, hóa lỏng về nhận thức – đó chính là sự bắt đầu cho câu chuyện của nhân vật nữ và nhân vật cá trong phim.

     Trong phim, đạo diễn nhiều lần tập trung vào các chi tiết liên quan đến những cảm giác cơ thể, sự ý thức về vẻ đẹp thân thể, hay thời điểm chuyển giao, khủng hoảng hoặc tột cùng thăng hoa của thân thể nữ giới: Huyền có thai, cô luôn buồn nôn và bồn chồn mệt mỏi, cô luôn quan sát từng biến chuyển nhỏ trên cơ thể mình; cô gái làng chơi bị xây xát ở ngực nên kiên quyết không cho Tùng chạm vào… Tuy nhiên, những thân cảm thân thức vô cùng mong manh, tinh tế đó lại trở thành đối tượng bị lạm dụng, tấn công, bị diễn giải một cách khắc nghiệt qua diễn ngôn nam quyền đầy định kiến. Nói cách khác, cơ thể tự nhiên của người nữ trong quan niệm của tư tưởng nam quyền là đối tượng bị chiếm đoạt, khai thác đầu tiên và khốc liệt nhất, dẫn đến nhiều bi kịch.

      Trong phim, đạo diễn đã xây dựng một cấu trúc phụ hệ chặt chẽ thông qua hệ thống nhân vật nam, trong mối quan hệ có tính áp chế và lấn át mạnh mẽ đối với nhân vật nữ. Nhân vật thể hiện tư tưởng nam quyền thấm sâu vào máu trong bộ phim này chính là Tùng. Tùng là bạn trai của Huyền, người cha của đứa con trong bụng cô, nhưng Tùng tự cho mình quyền đứng ngoài, vẫn tiếp tục được ham chơi như một cậu trai mới lớn và hoàn toàn thờ ơ, vô trách nhiệm với cái thai. Bản tính gia trưởng và tính sở hữu ích kỷ của Tùng bộc lộ mạnh mẽ hơn cả khi Huyền có ý định dứt ra để đi tìm một con đường khác. Tùng sẵn sàng tự cho mình đi lại với một cô gái làng chơi, hay bỏ bê cái thai của Huyền, nhưng lại phát điên khi biết Huyền gặp gỡ người đàn ông khác…

      Bên cạnh Tùng, người đàn ông thứ hai có mối quan hệ thể xác và tinh thần với Huyền là Hoàng. Nhân vật Hoàng xuất hiện là người đàn ông từng trải, nam tính, trưởng thành, như niềm hy vọng, ánh sáng mới đánh thức tình yêu và phần nữ tính đằm thắm trong Huyền. Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu cho một hình thức sở hữu và thao túng kiểu khác đối với thân thể và tâm hồn cô gái trẻ. Cái sở thích “đi với người phụ nữ có bầu” khiến cho Hoàng tìm đến Huyền như một đối tượng thỏa mãn ham muốn tính dục lạ lẫm. Hoàng cũng tự cho mình quyền điều khiển mối quan hệ đó, anh ta đổ đầy tâm hồn trống trải, từng bước chiếm đoạt và khiến cô yêu thương anh ta, rồi đột ngột bỏ cô lại giữa chơi vơi và đau khổ. Trong toàn bộ cuộc hành trình, cái bị bóc lột không chỉ là thân thể và tình cảm, mà còn là tiếng nói, bản dạng, căn tính của Huyền. Trước Hoàng, Huyền cứ bị bóc trần từng lớp một mà không có cách nào tự vệ hay chống đỡ, trong khi đó, quá trình từ lúc anh ta xuất hiện đến tận khi rời bỏ cô ra đi, anh ta vẫn là một ẩn số, ảo ảnh mà cô mãi mãi không thể chạm đến, không thể thấu hiểu. Bên cạnh đó, nhân vật thày giáo Tính cũng là một điểm chốt đáng lưu ý của tư tưởng nam quyền. Chi tiết cô học trò trang điểm trước khi đến gặp thày để xin điểm cho thấy một hình thức áp chế kiểu khác của nam giới với nữ giới, khiến các không gian quanh những cô gái trẻ luôn là sự bủa vây, với nhiều con mắt kiểm soát vô hình của người nam và quyền lực bao quanh họ.

      Điều đặc biệt, trong Đập cánh giữa không trung quá trình bóc lột tính tự nhiên, bản dạng tự nhiên diễn ra gần như song song với sự bóc lột phụ nữ. Họ luôn là đối tượng của sự lạm dụng, khai thác theo nhiều cấp độ, nhưng nhu cầu và khao khát bản năng, tự nhiên của họ lại là các giá trị không được tính đến. Toàn bộ những vấn đề riêng tư, vẻ đẹp cơ thể, sự khao khát hạnh phúc… đều là những giá trị ngoại vi, bởi trong thế giới nam quyền đó, hình ảnh người phụ nữ hiện ra đều là công cụ, đối tượng để thỏa mãn cái tôi ích kỷ, đầy quyền uy, đầy khao khát chinh phục và chiếm hữu của nam giới… Rõ ràng, cơ thể tự nhiên của người nữ chính là bản dạng, bản thể của họ, chúng vô cùng nhạy cảm và mong manh, nhưng lại không được nâng niu, bảo vệ trong hệ thống các quan niệm đầy định kiến của tư tưởng nam quyền. Tính xã hội, đẳng cấp và sự chuyên quyền gia trưởng của người đàn ông đã ăn sâu vào tư duy của những cậu bé, chàng trai trẻ và họ lớn lên với mặc định về sự khai thác, thụ hưởng vẻ đẹp, thân thể, căn tính người nữ như một lẽ đương nhiên… Vì vậy, bằng những cách vô tình hoặc hữu ý, họ đã làm tổn thương, lạm dụng, hủy hoại những người phụ nữ và cuối cùng đẩy họ rơi vào trạng thái chơi vơi mắc kẹt giữa không trung.

      Từ cách nhìn của các nhà sinh thái nữ quyền, sự đối xử khác nhau đối với tự nhiên của nam giới và phụ nữ cũng bộc lộ tư tưởng nam quyền thống trị. Nếu người phụ nữ gắn bó với tự nhiên bằng tình cảm trìu mến, người đàn ông thường coi thường tự nhiên như đối tượng phục vụ mình, hoặc hoàn toàn không quan tâm đến sự hiện diện của nó… Trong cách đối xử với tự nhiên, đối diện với loài vật, người đàn ông thường bộc lộ rõ bản chất thống trị và áp chế thông qua tính bạo lực. Tính bạo lực ấy chạy xuyên suốt cả bộ phim, đặc biệt trong cách các nhân vật nam ứng xử với nhau và với nhân vật nữ: cách mà đám trai ngoài bãi đấu gà thẳng tay cắt cổ con gà thua cuộc; cách nhân vật Tùng bắt con cá về làm đồ chơi nhưng bỏ rơi nó. Trong khi đó, cũng là con cá nhỏ ấy, Huyền nâng niu như một người bạn, rắc bánh cho cá ăn cùng, đôi khi những đau đớn, bất an trong cơ thể Huyền và cá như được nhập hòa làm một (trường đoạn Huyền mơ sảy thai, từ bụng cô tuôn ra chỉ toàn là cá…). Trong phim, các biểu tượng gắn với nam tính thường mang tính công nghiệp, to lớn, vụng về, song đầy quyền uy, kiêu ngạo và tính không ăn nhập với toàn cảnh: đoàn tàu đen thẫm rầm rập chạy qua khu nhà Huyền, cái ống nước mang hình sinh thực khí nam nằm kềnh càng giữa bãi rộng… Trong khi đó, các hình ảnh và biểu tượng nữ tính trong phim lại mềm mại, duyên dáng, dịu dàng và ăn khớp với không gian tự nhiên: cơn mưa hóa giải sự lặng lẽ trong căn phòng Huyền, mặt nước giữa lưng núi, nồi cơm sôi lục bục…

      Trong phim, các nhân vật nam giới hầu như gắn liền với không gian trung tâm của xã hội: nơi tụ tập vui chơi giải trí, khách sạn sang trọng, biệt thự đắt tiền, trường học uy nghiêm…; nữ giới và tự nhiên – trong hình hài của cô gái nghèo sống lay lắt cạnh đường ray xe lửa và con cá nhỏ mắc kẹt trong cái bóng đèn hỏng giữa cơn mưa đều như dạt về phía ngoại vi, thứ yếu, ngoài rìa các dự đồ, kế hoạch, trật tự hợp lý, những khung cảnh rộn ràng của lạc thú và thụ hưởng… mà xã hội nam quyền đặt ra.

      Từ cái nhìn Nguyễn Hoàng Điệp, đúng như các nhà sinh thái nữ quyền chỉ ra, khi mà bản chất chuyên quyền, độc đoán, thống trị của người đàn ông là căn nguyên của những bi kịch cho cả thế giới phi nhân và người phụ nữ, có thể nhận thấy sự hiện diện song hành, chặt chẽ của cả hai dạng bất công: bất công về sinh thái và bất công về giới.

Phim Đập cánh giữa không trung. Ảnh: Hoàng Duy

     Với dạng bất công về sinh thái, phim Đập cánh giữa không trung hé lộ những hình ảnh mâu thuẫn và gây sốc về cách ứng xử với các sinh vật phi nhân của nhân vật chính: cảnh nhân vật nâng niu chăm sóc con gà chọi với hy vọng nó sẽ chiến thắng với cảnh con gà bị cắt cổ tàn bạo chỉ vì thua trong trận đấu. Sự bất công sinh thái còn nằm ở chỗ: nơi có cảnh đẹp đẽ, sang trọng và thiên nhiên xanh tốt nhất chỉ dành cho người giàu, chính xác hơn là cho những ông chủ. Nhưng những người phụ nữ tạo ra nông sản, lương thực và chăm lo đời sống cho cả xã hội luôn phải sinh sống ở khu kém phát triển, thiếu thốn và nghèo nàn nhất…

     Với dạng bất công về giới, hiển lộ rất rõ trong nhân vật Tùng: Tùng không chấp nhận việc Huyền yêu và đi cùng người đàn ông khác trong khi chính Tùng bỏ bê cô và qua lại với người con gái khác; khi Huyền đến bệnh viện, cách bác sĩ nói chuyện với Huyền như thể cô là nguyên nhân gây nên toàn bộ chuyện này; khi Tùng chọi gà bị thua, nguyên nhân cũng được cho là tại Huyền… Lối suy nghĩ này rất gần và dường như có sự liên nối với diễn ngôn nam quyền cực đoan trong xã hội Nho giáo xưa, khi phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp, luôn được cho là nguyên nhân gây tai họa. Những người đàn ông trong phim lại thường hiện lên như người quan sát, thụ hưởng, đồng thời kiểm soát và phán xét người nữ, đặc biệt là cơ thể tự nhiên, căn tính và tâm thức của họ. Tính gia trưởng trong gia đình/xã hội Á Đông thể hiện đậm đặc trong cách ứng xử của các nhân vật nam giới: cô gái nghèo phải đi “làm gái” để lấy tiền lo cho cuộc sống vì bị người yêu bỏ rơi nhưng người yêu vẫn có quyền quay lại nhục mạ và xúc phạm cô; nữ sinh trong trường chịu áp lực khi phải dùng vẻ đẹp của mình để được thày giáo chấp nhận cho thi qua môn… Trong thế giới đó, những người ra quyết định và áp đặt suy nghĩ, quan niệm, tư duy, kể cả tư duy thẩm mỹ của họ lên thế giới lại chính là đàn ông. Sự áp đặt này hiện diện như một cái gì đó tất yếu, tồn tại từ trước, đã có tiền lệ và hiển nhiên được cả xã hội thừa nhận.

     Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả của Đập cánh giữa không trung, xét từ khía cạnh phát ngôn và biểu đạt, là chúng ta không nghe thấy tiếng nói của phụ nữ và thế giới tự nhiên. Chúng ta chỉ thấy người phụ nữ lặng im và thiên nhiên im lặng: nhân vật nữ chính thường câm nín thở dài, cô quan sát, ngẫm nghĩ, suy tư nhiều hơn; những con cá, cơn mưa, cánh rừng cũng im lìm như vậy… Ta thường khó khăn hoặc không thể nhận thấy âm thanh cất lên từ cô, tất cả đều bị diễn giải và ngân nga qua góc nhìn, âm thanh, lời lẽ của nam giới… Trong phim, hình ảnh nữ giới và thiên nhiên thôn dã hoặc hoang dã đều được thể hiện thật đẹp, tinh khôi, trong sáng nhưng cũng mong manh, dể bị thương tổn và vùi dập bởi sự duy lý tàn nhẫn của thế giới đàn ông. Tất cả những biến chuyển về sinh học và cảm xúc của họ đều không được nâng niu, sẻ chia, trân trọng, nên thường rơi vào trạng thái hoang mang và chới với.

     2. Từ mỹ học sinh thái và luân lý chở che đến lối thoát cho những bản thể nữ tính

     Một điểm đáng chú ý của bộ phim là cách mà nó bắt đầu. Dưới áp lực của xã hội và sự thờ ơ của người bạn trai, cô nữ sinh sau khi phát hiện mình có bầu đã cố gắng kiếm tiền bằng chính cái cơ thể mong manh, dễ tổn thương của mình để đi phá thai trong đơn độc và tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng lớn đến mức, Huyền phải thốt lên “giá như tôi không phải là đàn bà”. Nói cách khác, bản dạng nữ giới đã khủng hoảng sâu sắc ngay từ những cú quay đầu tiên. Câu hỏi đặt ra tại sao đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thoạt tiên lại gắn phụ nữ với sự bế tắc, hủy hoại thân thể tự nhiên và vẻ đẹp giới tính? Trong cuộc chất vấn gay gắt với xã hội gia trưởng đầy quyền uy và bạo lực, người nữ trong phim đã tạo nên hệ thống diễn ngôn riêng như thế nào để có thể đối thoại với diễn ngôn nam quyền và tìm lại sự sống, ý nghĩa, cách tồn tại cũng như định vị căn tính nữ của mình thông qua đối thoại ấy? Trong phim các nhân vật nữ đều bị ném vào tình thế đầy bế tắc và bất ngờ, khiến họ phải tự xoay xở, nhưng càng xoay xở lại càng bị cuốn sâu vào rắc rối. Cơ cấu xã hội cũng như hệ thống diễn ngôn vốn được thừa nhận rộng rãi không có chỗ cho những lôgíc và lẽ phải của nữ giới, nói cách khác đó là một context được xây dựng nên để bó chặt nữ giới vào việc mặc nhiên chấp nhận tình thế bế tắc của mình. Với bản chất hòa cảm và kết nối sâu xa với tinh thần của tự nhiên, những nhân vật nữ đã tìm được lối thoát cho tâm hồn, cho cuộc đời qua nẻo đường của không gian và thế giới phi nhân ấy. Ở điểm cuối cuộc hành trình khó khăn này, chúng ta thấy sự hồi sinh và bảo tồn sinh mệnh của những bản thể nữ, của cái đẹp trinh khiết.

     Trong phim, môtíp nước – cứu – rỗi được sử dụng như một dạng kết tinh giữa nữ tính và tạo vật tự nhiên, giữa bản năng, tính nhạy cảm, sự quyến rũ ngọt ngào và bao dung ấm áp. Với chú cá nhỏ mắc kẹt trong hộp đèn hỏng đầy nước mưa, Huyền đã âu yếm đón lấy và chăm sóc nó mỗi ngày. Trong lòng quả bóng trôi giữa hồ trên núi cao, Huyền giống như trút bỏ gánh nặng cuộc đời để thanh thản giữa vòng tay ôm khẽ khàng của nước… Nói từ góc độ nào đó, nước, hay chính tự nhiên, đã cứu rỗi cảm xúc và cả thân thể Huyền, giúp cô thấy lại căn tính nữ của mình. Vào những khoảnh khắc bất an, bế tắc nhất, Huyền lại tự đối diện, hoặc thả mình phiêu dạt giữa thiên nhiên (khi cô nằm trong căn phòng tối và nghe tiếng mưa rơi bên ngoài, khi cô trôi giữa lưng núi, khi cô nấu cơm và nhìn bầu trời đang chuyển mưa…). Thiên nhiên như đã trở thành nguồn an ủi âm thầm mà thường trực của Huyền, một người bạn khiêm nhường và lặng lẽ, luôn bao bọc, luôn xoa dịu nỗi niềm sâu kín của cô. Toàn bộ không gian trong phim tạo ra một mỹ học của trạng thái bàng bạc, lững lờ, nửa mơ nửa thức, một trạng thái hóa lỏng. Nhưng đó cũng là trạng thái của sự nảy nở, đâm chồi, lớn lên của mầm sống, sự gặp gỡ, giao hòa giữa người với người, người với tự nhiên. Nhịp sống của Huyền được tạo nên bởi nhịp điệu của mưa nắng, ngày đêm, bởi sự lớn dần lên của cái thai trong bụng, sự đi vào thiên nhiên và trở về không gian riêng tư nơi thành thị. Chính cơn mưa, nước, dòng sông… đưa chú cá đến cho Huyền, cho cô một khoảng chân không để tư lự, xúc cảm, được trì hoãn dòng chảy gấp gáp, thúc bách của thời gian, tách biệt ra khỏi con mắt soi mói, phán xét của xã hội, được nghĩ ngợi thầm lặng triền miên và nhìn sâu vào bản thể của mình. Đó cũng chính là cách thức giải thoát và cứu rỗi của thế giới nhân vật nữ trong bộ phim này, thông qua việc chất vấn lại các cặp phạm trù mang tính nhị nguyên: con người – tự nhiên, nam – nữ, lý trí – tình cảm.

     Cô gái trẻ ấy, dù lần đầu tiên mang thai, không chuẩn bị gì cho điều đó, vẫn lặng lẽ lắng nghe cơ thể mình và thấy những chuyển động sự sống trong đó. Mỗi lần đến bệnh viện vì áp lực của cuộc sống, xã hội, cô lại không thể phá thai mà thường sợ hãi bỏ chạy về, phản ứng của Huyền vừa là nỗi kinh hoàng sâu thẳm, vừa là bản năng của một người mẹ khi vô thức không muốn dứt bỏ mầm sống được gieo trong cơ thể cô. Tình cảm của Huyền nhen nhóm và sâu đậm thêm với Hoàng một phần chính vì cách Hoàng nâng niu, chăm sóc cô và cái thai của cô (đưa cô đi ăn cháo, hỏi han cô về những cảm giác cơ thể khi cô mang thai, xem hình ảnh của cái thai trong bụng cô…); mối liên hệ giữa cô và Tùng cũng đứt lìa chính vì Tùng chưa bao giờ có ý thức hoặc bất kỳ tình cảm nào với đứa con của hai người. Trong phim, Huyền luôn hiện lên với tư cách một người biết rõ tình thế của mình nhưng lặng lẽ chịu đựng, không trách cứ, không đổ lỗi cho bất kỳ ai. Không chỉ chăm sóc con cá lạc loài cô đơn trong cái cầu đèn hỏng, Huyền còn băng vết thương cho Linh khi Linh bị đánh ghen bằng tất cả sự thương yêu dịu dàng…

     Nhân vật chuyển giới Linh, mang đầy đủ đặc trưng nữ tính và luân lý chở che của nữ giới, dù có vẻ phi tự nhiên nhưng lại là tự nhiên nhất… Mang hình hài nam giới, nhưng Linh luôn có cách cảm, cách hiểu, ứng xử và tư duy theo cách của nữ giới. Bên cạnh nữ tính luôn được thể hiện như là một điều gì bản chất, vừa là sự thiếu thốn, nỗi khao khát, ước ao, Linh cũng có sự mạnh mẽ, mạch lạc và hài hước trong cuộc sống. Linh chăm chút và lo lắng cho bạn, nhưng Linh cũng thẳng thắn nhắc bạn hãy luôn tỉnh táo với những người đàn ông tìm đến cô. Chính những điều này đã an ủi Huyền và làm nhẹ bớt không khí nặng nề bi kịch của cuộc đời cô, hay của chính bộ phim.

     Thông qua những nhân vật nữ như Huyền, Linh, cũng như những nhân vật thiên nhiên đặc biệt như cơn mưa, hồ nước, núi rừng… rõ ràng sự bao bọc dịu dàng đã trở thành những giá trị thẩm mỹ quan trọng, một thứ mỹ học sinh thái có sứ mệnh cứu rỗi thế gian trong Đập cánh giữa không trung. Sự bao bọc dịu dàng cũng trở thành chất thơ đích thực của những con người đang sống trong thế giới trần trụi và khắc nghiệt.

     Nhìn chung, trong thế giới phim Nguyễn Hoàng Điệp, thiên nhiên/ tự nhiên/ các tạo vật phi nhân, chính là một dạng biểu tượng, dạng năng lượng tích cực, khoan dung, tốt lành đối lập với đám đàn ông xô bồ, thô bạo, không chịu trưởng thành, ích kỷ, những kẻ tự mắc vào sai lầm hoặc đẩy người phụ nữ vào trùng điệp các rắc rối; họ cũng bỏ quên trực giác, cảm xúc, bản năng, nhất là sự vị tha từ sâu thẳm. Cuối cùng, chỉ có sự hòa điệu của nữ tính – thiên tính nữ và thiên nhiên tính mới có thể chữa lành, hàn gắn, hóa giải được điều ấy. Ở đó, với mỹ học sinh thái, với vẻ đẹp của luân lý chở che được nuôi dưỡng bởi tự nhiên, các nhân vật nữ giới đã thực sự tạo nên một cơ hội, lối thoát hẹp cho những bi kịch và bế tắc của con người hiện đại vốn do chính thế giới nam quyền tạo ra..

Tác giả: Hoàng Cẩm Giang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *