Đặc trưng của nghệ thuật trang trí gốm biên hòa

Từ những năm đầu của TK XX, gốm Biên Hòa đã đạt được những thành tựu rực rỡ với nhiều giải thưởng tại các hội chợ quốc tế. Đã có nhiều nghiên cứu, bài viết giới thiệu, mô tả và phân tích về nghệ thuật gốm Biên Hòa, dần làm lộ diện và giải mã đa dạng vẻ đẹp của gốm Biên Hòa. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin điểm qua một số nét đặc trưng của nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa từ một góc nhìn văn hóa.

Kế thừa phong cách và hoa văn truyền thống

Thủ công mỹ nghệ vốn là hình thái nghệ thuật thị giác luôn luôn gắn liền với văn hóa và mỹ thuật truyền thống của một quốc gia, dân tộc hoặc sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo cụ thể của từng địa phương.

Những nghệ nhân hay thợ thủ công chuyên sử dụng ngôn ngữ, chất liệu cùng với thị hiếu, văn hóa bản địa của dân tộc mình, đồng thời sử dụng những tài năng, vốn sống, kinh nghiệm cha truyền con nối để sáng tác mẫu mã, qua đó làm sống dậy cái hồn riêng của cha ông mình. Chính điều này đã làm cho nghệ thuật thủ công vừa mang hình thức độc đáo riêng của từng địa phương vừa ẩn chứa tính dân tộc sâu sắc.

Phong cách trang trí của mỗi thời kỳ thường gắn với tư tưởng tôn giáo đang thống trị trong giai đoạn lịch sử đó. Thời nhà Lý, tư tưởng đạo Phật bao trùm xã hội với triết lý trung dung nên các hoa văn trang trí thường có nhịp điệu nhẹ nhàng, độ nổi không cao và đều, như trang trí bệ tượng, chân cột ở chùa Phật Tích, chùa Dạm. Thời nhà Lý còn có họa tiết rồng lá được cách điệu từ dây leo theo uốn lượn của rồng rất mềm mại và uyển chuyển. Họa tiết này được áp dụng trên gốm Biên Hòa mang lại vẻ đẹp cổ kính cho những sản phẩm bình hoa, bình đèn.

Thời nhà Trần, phong cách trang trí chứa đựng tinh thần mạnh mẽ hơn với sự chắc khỏe của rồng, độ nổi cao của các hoa văn trên phù điêu. Đặc biệt, gốm hoa nâu thời Trần mang đến vẻ đẹp của nghệ thuật trang trí phân chia mảng rõ ràng. Các họa tiết từ hoa lá, động vật đến con người đều có sự chắt lọc, cách điệu và đi vào trang trí gốm bằng các đường khắc với các mảng chính, mảng phụ. Đó là những nét đẹp của nghệ thuật trang trí truyền thống được gốm Biên Hòa tiếp thu và phát triển trên các sản phẩm của mình. Gốm Biên Hòa áp dụng thủ pháp chạm khắc của gốm hoa nâu nhưng không phải cạo men họa tiết để tô màu mà dùng bút tàu (cọ) để chấm men theo từng mảng trang trí. Thủ pháp chấm men cho ra những màu men đạt chuẩn theo mong muốn người thợ, lại không lẫn vào nhau nên đảm bảo độ trong trẻo và tính trang trí cao.

Trong trang trí gốm Biên Hòa, hình tượng hoa lá truyền thống được sử dụng nhiều. Đầu tiên là hoa văn hoa và lá sen được thể hiện nhiều trên các bình hoa và những sản phẩm trang trí khác. Ngoài ý nghĩa cao thượng nhưng gần gũi, hoa lá sen còn là môtip đẹp, thích hợp cho nhiều bố cục khác nhau trong tạo hình và trang trí.

Hình tượng hoa cúc xuất hiện nhiều nhất trên gốm Biên Hòa với các đồ án trang trí bình hoa. Trong một chiếc bình hoa gốm Biên Hòa đặt tại Dinh Độc Lập có trang trí hoa cúc và gà. Những cây cúc được bố trí  theo gần hết chiều dọc của bình, cao thấp khác nhau, các bông hoa nở rộ nhiều cánh và được diễn tả theo góc nhìn nghiêng lẫn chính diện. Màu men của hoa cúc là màu vàng và trắng nên nổi bật trên nền xanh thẫm. Lá cúc nhỏ hơn, men màu xanh đồng, được sắp xếp làm các mảng trung gian giữa hoa và nền bình. Hòa cùng họa tiết hoa cúc là cặp gà đang nhởn nhơ dưới tán cúc. Đây là đồ án cúc kê với ý nghĩa nhiều phúc lộc và may mắn.

Trong một đồ án bình đèn, họa tiết hoa lá cúc được bố cục suốt chiều cao của bình và làm phần dương cho thủ pháp chạm thủng (lộng) vào xương của bình. Những bông và nụ cúc xen kẽ với lá, cành làm nên một bố cục thật chặt chẽ, vừa tạo ra các hình mảng âm dương đẹp, vừa bảo đảm sự vững chắc cho xương gốm khi nung ở nhiệt độ cao vẫn không bị biến dạng. Hình dáng chia mảng lục giác dứt khoát của bình, sự chặt chẽ của bố cục trang trí với họa tiết đẹp cùng màu trắng trang nhã đã kết hợp tạo nên một bình đèn gốm có tính thẩm mỹ cao.

Trên gốm Biên Hòa, hoa mai xuất hiện trong nhiều loại sản phẩm. Đề tài mai điểu là đồ án trang trí gặp nhiều nhất, bố cục của đề tài rộng, dàn trải khắp diện tích bề mặt sản phẩm với cây mai đang nở rộ và đàn chim tung tăng mừng đón xuân về. Thân và cành mai uốn lượn theo thế (bon sai), tạo dáng mềm và đẹp, những bông mai được bố trí thành các nhóm to nhỏ, phân bố hợp lý, xen vào đó là một vài nụ hoa. Đàn chim nhỏ rất sinh động với các dáng khác nhau, con đang bay, con nhìn xuống như đang bắt sâu, con nhìn lên, xòe đuôi như đang gọi bạn… Trên thân bình hoa màu men kem, những nụ màu hồng nhạt xen lẫn hoa mai trắng, thân, cành mai màu nâu tạo nên một sự hài hòa. Từ hoa văn trang trí đến màu sắc trên bình, tất cả mang lại một sức sống của mùa xuân với nhiều điều tốt đẹp.

Trong một đồ án mai điểu khác, nghệ nhân thêm họa tiết cây trúc vào bố cục. Hoa mai ở đây biểu trưng cho cốt cách của người phụ nữ đẹp, khi đi cặp với cây trúc, tượng trưng cho người quân tử, thì hai họa tiết này sẽ bổ sung ý nghĩa cho nhau. Trên một bình hoa màu đỏ sẫm, thân và cành mai như chìm xuống để làm nổi bật lên bông mai trắng, bên cạnh đó là cây và lá trúc màu xanh đồng.

Cây tùng là biểu tượng của sự trường thọ, một ước vọng muôn đời của con người. Cây tùng (hoặc bách, thông) luôn xanh tốt quanh năm, có khả năng sống bền bỉ trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nên tùng còn biểu tượng cho khí phách kiên cường, không sợ hiểm nguy trước những thử thách của thiên nhiên và cuộc đời. Tùng thường được đi liền với chim hạc hay con cò tạo nên ý nghĩa thanh cao và trong sáng. Trên bình hoa gốm Biên Hòa, chủ đề cò và tùng được khai thác rất nhiều. Có hai dạng bố cục về đề tài này. Dạng thứ nhất là đồ án có bố cục mảng chính chạy ngang giáp vòng quanh phần chính của thân bình, diện tích rộng nên dùng để truyền tải họa tiết trang trí chính, phần cổ và thân bình là những đường diềm. Dạng đồ án thứ hai có bố cục dàn trải khắp bề mặt của sản phẩm.

Tuy có thay đổi theo không gian và thời gian nhưng gốm Biên Hòa vẫn luôn kế thừa có chọn lọc các hoa văn và phong cách trang trí truyền thống trên sản phẩm của mình. Những sản phẩm được trang trí các hoa văn truyền thống hay hình ảnh con người và hoạt cảnh lao động cùng những con vật thân quen như con trâu, đàn gà luôn được người tiêu dùng trân trọng. Người nghệ nhân gốm Biên Hòa dù tiếp biến những vẻ đẹp truyền thống và sáng tạo đến đâu vẫn luôn xuất phát từ dân gian, bởi họ hiểu hơn ai hết đối tượng tiêu dùng và hưởng thụ các giá trị thẩm mỹ từ sản phẩm của họ chính là toàn dân.

Đặc trưng vùng miền rõ nét

Trong dòng chảy của sự di dân vào định cư tại những vùng đất mới, người Việt đã mang đến miền đông Nam Bộ các phong tục, thói quen truyền thống của mình. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nền văn hóa bản địa, các truyền thống đã được mềm hóa để đón nhận, hòa nhập với không gian mới. Những sáng tác nghệ thuật nói chung và trang trí gốm nói riêng được ra đời, thể hiện theo đặc trưng của vùng miền.

Thiên nhiên với phong cảnh, hệ động thực vật sinh sống trong một không gian cụ thể luôn là đề tài cho nhiều hình thức nghệ thuật khai thác, nghệ thuật trang trí cũng không nằm ngoại lệ. Gốm Biên Hòa có rất nhiều đồ án trang trí sử dụng chất liệu xung quanh mình.

Hình ảnh một vùng đất nhấp nhô những ngọn đồi, thung lũng và đàn nai gặm cỏ bên dòng suối được xem như là sự mô tả khái quát về mảnh đất Đồng Nai. Một cảnh tượng thật yên bình được phác họa bằng những nét khắc chia mảng trang trí rõ ràng, trong một bố cục chia thành hai ô chính, phần cổ và chân bình được trang trí bằng những đường diềm. Màu sắc của bình được phối hợp từ năm màu men với đủ sắc độ sáng và tối rất hài hòa, khái quát đúng đặc trưng gốm Biên Hòa.

Bình hoa theo chủ đề hương quê lại là một đề tài trang trí khác về thiên nhiên. Dưới giàn mướp quen thuộc với mỗi ngôi nhà thôn quê là đàn gà, những chú gà con lăng xăng đùa giỡn bên gà mẹ, gà trống thì ngẩng cao đầu như cất tiếng gáy. Các họa tiết từ giàn mướp đến đàn gà đều được cách điệu, đơn giản hóa thành các mảng trang trí đẹp. Bố cục của đồ án chia thành ba vòng chính phụ chạy giáp vòng sản phẩm. Màu sắc rất nhẹ nhàng. Giàn mướp có màu xanh gần trùng với màu nền xong được tách ra bằng các nét khắc, các cây khung giàn màu đen ẩn vào phần nền, đàn gà được phối hai màu vàng kem và trắng. Các đường diềm chạy trên phần cổ, chân bình cũng được biến tấu từ họa tiết chính và lặp đi, lặp lại. Có thể nhận xét đây là đồ án trang trí đã được nghệ nhân gốm Biên Hòa nghiên cứu kỹ từ thực tế và đặt trọn tình cảm của mình với quê hương vào sáng tác. Đó chính là những đặc trưng đáng trân trọng của người nghệ nhân gốm Biên Hòa.

Những đồ án trang trí về hình tượng người toát lên một chất dân gian đầy tính nhân văn của trang trí gốm Biên Hòa. Đây có thể coi là một đặc trưng mang tính mỹ thuật cao của nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa. Đề tài về con người được quan tâm sâu rộng là những cảnh sinh hoạt trong dân gian. Qua tranh gốm, đám cưới với hình ảnh con người và phong tục xưa hiện lên rõ nét. Sự rộn ràng, hồ hởi của ngày quan trọng nhất trong cuộc đời đã được thể hiện trên những gương mặt của các nhân vật cùng nhịp điệu vui tươi được tạo ra bởi các tư thế của những người đi rước dâu. Những trang phục cộng với ô và nón đã đem lại một cảm giác hết sức thân thương về một quê hương Việt Nam thanh bình, đầm ấm tình người. Tranh lấy màu xanh và trắng làm màu chủ đạo và được điểm một số họa tiết màu nâu vàng, đem lại hiệu quả nhẹ nhàng, nền nã. 

Phù điêu mang chủ đề mùa gặt mang đến một hình ảnh khác của người Việt đang lao động hăng say trên cánh đồng lúa. Những người nông dân trong nhiều động tác làm việc khác nhau, song họ đều hồ hởi trước một vụ mùa bội thu. Bố cục của ba người gom thành một nhóm chặt chẽ và theo nhịp điệu rõ ràng, thể hiện qua đường nét của mảng. Những cánh cò bay ngược với hướng của nhân vật ở phía trên có tác dụng làm cân bằng và mở rộng thêm không gian cho phù điêu.

Bình hoa về một phiên chợ quê dẫn dắt người xem tới bối cảnh rất quen thuộc của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh người mua, kẻ bán, người gánh hàng… được diễn đạt rất tự nhiên trong không gian thuần Việt. Từ trang phục của các nhân vật đến những chiếc khăn đội đầu, chiếc nón lá và bụi chuối xa xa, tất cả như đọng lại thành tình yêu của tác giả với quê hương, đất nước. Những men màu được phối hợp ở đây là loại men cao độ, cũng rất hài hòa, trầm và sâu lắng.

Cảnh nhảy múa có rất nhiều đồ án trong trang trí gốm Biên Hòa, đó là sự thể hiện những nhịp điệu thật nên thơ của các điệu múa đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Các nghệ nhân đã chọn lọc và bố cục nhịp nhàng giữa sự uyển chuyển của người múa cùng những dải lụa hoặc trang phục truyền thống duyên dáng, dịu dàng… Tất cả tạo thành một tổng hợp của những đường cong thật nhẹ nhàng, đẹp đẽ.

Chủ đề mừng hội truyền thống của dân tộc cũng luôn là đề tài yêu thích của nghệ nhân gốm Biên Hòa. Chiếc bình hoa về chủ đề trẩy hội diễn tả cảnh mọi người trong trang phục truyền thống đang nô nức đi dự lễ hội dưới tán cây xanh. Chỉ với một vài nét khắc khái quát nhất, hình ảnh các nhân vật hiện lên rất sinh động. Từ cụ già đến em bé, tất cả đều trong trạng thái hồ hởi, vui tươi đón mừng ngày hội của quê hương. Nghệ nhân đã sử dụng bố cục ngang chạy giáp vòng quanh thân chính của bình hoa, tạo ra một sự chuyển động và kéo dài thêm con đường trẩy hội. Sự khéo léo của việc sắp xếp nhân vật cùng các động tác cơ thể như chân, tay đã đem lại một nhịp điệu thật rộn ràng, gợi tả tốt cả không gian mà chủ đề nhắm tới. Men màu được phối hợp từ sáu màu với gam xanh, nâu và trắng một cách hài hòa, mang đậm đặc trưng gốm Biên Hòa.

Do ảnh hưởng của gốm Cây Mai trong sự giao thoa và tương tác giữa các địa phương gần kề nên trong gốm Biên Hòa đã xuất hiện nhiều hình tượng của Trung Quốc. Đó là một loạt các tượng nhỏ như Lưu Bình Dương Lễ, Mạnh Mẫu Mạnh Tử, Phật xách giỏ dâu…Trong nghệ thuật trang trí, cũng bắt gặp một số điển tích phương Bắc nhưng được chọn lọc và có ý nghĩa giáo dục cao.

Có nền tảng của khoa học và kỹ thuật Đông – Tây 

Trong quá trình phát triển của gốm Biên Hòa TK XX, bên cạnh việc phát huy và giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, nhu cầu giao lưu, tiếp thu về mỹ thuật, kỹ thuật của các nước phương Tây để góp phần làm phong phú và nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm là vô cùng cần thiết. Trên nền tảng mỹ thuật và kỹ thuật tiên tiến, nghệ thuật làm gốm của phương Tây có những ảnh hưởng tích cực tới gốm miền đông Nam Bộ, đặc biệt là lĩnh vực trang trí…

Điểm qua bối cảnh mỹ thuật Việt Nam từ đầu TK XX đến nay, trên cơ sở lịch sử, chúng ta nhận thấy rõ vai trò của người Pháp trong việc thành lập, duy trì và phát triển các trường mỹ thuật ở khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Những sự kiện này đã mang lại cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và gốm Biên Hòa nói riêng cơ hội tiếp thu kiến thức mỹ thuật, kỹ thuật trên cơ sở khoa học vững chắc. Mặt khác, đồ gốm có cơ hội được tham gia vào các cuộc triển lãm quốc tế như ở Nagoya, Nhật Bản (1924), Paris, Pháp (1925). Đây là những hoạt động quan trọng giúp cho việc cải tiến chất lượng và quảng bá thương hiệu của gốm Biên Hòa trên phạm vi lớn hơn, vượt ra khỏi biên giới đất nước.

Cái chất Tây ở đây là các nguyên tắc, tỷ lệ, định luật khoa học khi sáng tác và thiết kế trang trí, là sự tính toán hợp lý để cho ra những màu men đẹp, cũng như việc phối hợp chúng sao cho hài hòa trên sản phẩm. Nhiều lớp nghệ nhân đã được đào tạo và sáng tạo trong thực tiễn để vun đắp thêm cho vẻ đẹp gốm Biên Hòa.

Dưới sự ảnh hưởng của phương Tây, các kiến thức cơ bản về mỹ thuật được giảng dạy cho sinh viên người Việt đã có ảnh hưởng rất tích cực đến nền mỹ thuật nói chung và trang trí gốm nói riêng. Những yếu tố ảnh hưởng đến trang trí gốm Biên Hòa thể hiện như sau: 

 Tỷ lệ và giải phẫu cơ thể học của con người trong trang trí gốm. Có lẽ là sự thay đổi rõ nét nhất của mỹ nghệ thủ công của người Việt kể từ khi có ảnh hưởng phương Tây. Trong nghệ thuật dân gian, tỷ lệ và giải phẫu người thường được tạo hình rất ngẫu hứng và đa số là không quan tâm nhiều đến yếu tố này. Trong trang trí gốm của người Việt, từ gốm men ngọc, gốm hoa nâu đến gốm hoa lam, hình tượng con người rất ít xuất hiện có lẽ nguyên nhân chính dẫn đến việc ít trang trí hình tượng người là do nghệ nhân làm gốm trong truyền thống rất ngại vẽ người. Tuy nhiên, trên trang trí gốm Biên Hòa lại sử dụng rất nhiều hình tượng người và rất đúng tỷ lệ. Điều đó chứng tỏ nghệ nhân Biên Hòa đã được học tập và rèn luyện nhiều về kiến thức mỹ thuật cơ bản mà người Pháp mang đến. 

Bố cục và chiều sâu không gian cũng rất được các nghệ nhân gốm Biên Hòa chú trọng trong các đồ án trang trí. Đây là một yếu tố rất khó thể hiện trong trang trí gốm. Thực tế cho thấy nghệ thuật dân gian của người Việt cũng rất ít hoặc hầu như không chú trọng đến diễn tả chiều sâu không gian trong các tác phẩm. Các loại tranh dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng đều có thói quen phát triển hết đề tài và các nhân vật của mình ra mặt giấy mà không cần chú ý tới các quy luật như phép phối cảnh, tỷ lệ hay không gian… Với trang trí gốm, chiều sâu không gian càng khó thể hiện khi chỉ có rất ít màu và các mảng trang trí. Trong các đồ án trang trí của gốm hoa lam được thể hiện theo phong cách tranh thủy mặc, sự thể hiện chiều sâu không gian bằng các nét đậm nhạt hay sự nhỏ dần rất hạn chế.

Trong trang trí gốm Biên Hòa, nghệ nhân đã có ý thức áp dụng các quy luật của hội họa vào trong các đồ án để tạo ra chiều sâu không gian trong các tác phẩm của mình. Đầu tiên, đó là việc áp dụng phép phối cảnh về hình và lớp vào trong trang trí. Tranh gốm về đám cưới quê diễn tả đoàn rước dâu trên một mặt phẳng rất khiêm tốn, song lại toát lên một chiều sâu của không gian với nhiều hàng người trước và sau, những cái ô và lớp cây đằng sau cũng góp phần tạo cho bối cảnh thêm sinh động. Nhiều cảnh sinh hoạt dân gian trong trang trí gốm Biên Hòa, như chợ quê, lễ vinh quy, cũng luôn được thể hiện như một tác phẩm hội họa khi luôn tuân thủ các quy luật của mỹ thuật học.

Màu sắc cũng là yếu tố mà nghệ nhân gốm Biên Hòa vận dụng để tạo chiều sâu trong nghệ thuật trang trí của mình. Hệ men màu của gốm Biên Hòa có đủ cả các sắc độ nóng, lạnh nên việc phối màu luôn được chú ý với quy tắc màu họa tiết chính, màu trung gian và màu nền. Bình hoa chủ đề cò, tùng gồm sáu màu men, diễn tả hai con cò đậu trên cây tùng và các dải mây. Nghệ nhân đã dùng những sắc độ xanh dương để làm trung gian cho màu của họa tiết chính là con cò trắng và màu nền màu xanh lục nhạt. Thân cò trang trí màu men trắng được nhấn mạnh bằng màu vàng cam trên cổ, đuôi, cánh nổi bật trên cây tùng xum xuê cành lá. Yếu tố chiều sâu không gian ở đây được khắc họa rất sống động, từ nhân vật chính là con cò đến cây tùng, họa tiết phụ họa với những đám mây.

Như vậy, sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống hiện đại ở đây là tổng thể hài hòa của những chất liệu truyền thống và tư duy sáng tạo hiện đại với trình độ mỹ thuật cao. Bản thân gốm là một loại sản phẩm đã có từ ngàn năm, các hoa văn, văn hóa sinh hoạt dân gian là những chất liệu được cô đọng mang bản sắc của người Việt. Trên nền tảng những yếu tố truyền thống đó, nghệ nhân trang trí gốm Biên Hòa đã áp dụng đầy sáng tạo các kiến thức của hội họa vào từng đồ án trang trí, đem lại vẻ đẹp đa dạng mang nhiều nét đặc trưng của nghệ thuật đồ họa. Có thể khẳng định, sự kết hợp yếu tố truyền thống phương Đông và khoa học phương Tây đã làm nên cái đẹp riêng của gốm Biên Hòa trong dòng chảy gốm Việt Nam.Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, gốm Biên Hòa đã đạt được những giá trị rất đỗi tự hào, góp phần làm rạng rỡ ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : TRẦN ĐÌNH QUẢ

3.3/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *