DÂN CA CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN Ở YÊN CHÂU SƠN LA

        Yên Châu là một trong những vùng đất cổ xưa của người Thái, đặc biệt là người Thái đen. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì đến TK XI, người Thái đen cùng thủ lĩnh của họ là Lò Lạng Chượng đã làm chủ vùng đất gồm 9 huyện (Điện Biên, Tuần Giáo, Than Uyên của tỉnh Lai Châu; Thuận Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La, Yên Châu của tỉnh Sơn La; Văn Chấn tỉnh Yên Bái). Ở đây ngành Thái có số dân đông nhất trong tổng số dân Thái ở Việt Nam. Do có lịch sử lâu đời, nên tới nay, nơi đây vẫn lưu giữ được những yếu tố văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của các ngành Thái nói chung và người Thái đen nói riêng. Sự đổi mới của đất nước khiến nhịp sống hiện đại đang lan tràn tới vùng Tây Bắc, Yên Châu có nguy cơ mất dần những giá trị văn hóa nghệ thuật.
 
Nhìn nhận về đất Tây Bắc nói chung và người Thái Yên Châu nói riêng, nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh viết: “Tây Bắc, nơi nước non, non nước đẹp hơn tranh, xứ sở của hoa ban ngan ngát núi rừng, cũng là đất mẹ của nền văn hóa lâu đời và truyền thống văn nghệ phong phú, độc đáo, rực rỡ… Bằng phương pháp tự sự, âm nhạc dân gian Thái đã phản ánh hiện thực xã hội, nói lên những suy nghĩ, những nỗi niềm của con người, mô tả thiên nhiên và cuộc sống… Nếu ta đến những nương dốc vùng Yên Châu thì lại khác. Ở đây không gian như chứa đầy tiếng khèn. Khèn kêu gọi con người vượt lên giốc, vượt nắng cháy của gió Tây. Khèn nói đến việc làm ăn, nỗi cực nhọc và niềm vui sướng trong lao động, lòng yêu quê hương rừng núi của con người”(1).
Thái là tộc người có nền văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú và độc đáo, đặc biệt là âm nhạc luôn được gắn với những môi trường diễn xướng khác nhau. Điều ấy sẽ tạo nên một sắc thái khó có thể trộn lẫn với các tộc người sống trên mảnh đất Tây Bắc.
Âm nhạc trong lễ hội và nghi lễ tín ngưỡng
Những yếu tố của văn hóa lúa nước với đặc thù văn hóa thung lũng là tiền đề cho các lễ nghi, lễ hội của người Thái như lễ ra cữ, đón tiếng sấm đầu mùa, cơm mới, xên bản, xên mường, xên một lao…
Lễ xên xó phốn (lễ hội cầu mưa) là lễ hội cổ xưa của người Thái đen ở Yên Châu, Sơn La. Người Thái đen xưa chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và trồng cây nông nghiệp trên nư­ơng như­ lúa, ngô, sắn, bông, vừng, và cây ăn quả như xoài, chuối… Năm nào nhiều gió phơn, thì nhiệt độ ở đây có thể lên hơn 400C. Với khoảng thời gian dài không có một giọt mư­a, trong khi ruộng đã cấy, ngô, sắn, bông đã gieo trồng không mọc lên nổi, cây cối héo úa, sinh vật muôn loài từ cá, ốc, vịt, con bã trầu… kể cả­ con người, cuộc sống hàng ngày trở nên vô cùng khó khăn.
Những khi như vậy, người Thái cho rằng trong bản thế nào cũng có ngư­ời phụ nữ chửa hoang làm mất lòng thần linh cai quản mư­a gió, nên trời phạt không mưa để mặc cho đồng ruộng khô cạn. Bởi thế, ngư­ời Thái đen Yên Châu phải làm lễ xó phốn (cầu m­ưa) và cũng là để chê trách người chửa hoang. Mặt khác, họ còn quan niệm rằng việc mư­a gió là do tô ngư­ợc (thuồng luồng) cai quản. Các vị này là chẩu nắm chẩu văng (chủ nư­ớc, chủ sông suối) nên phải cúng lễ, mời về hưởng lễ vật và nghe nguyện vọng của con ngư­ời, xem con ngư­ời bảo ban nhau, giáo dục nhau đến đâu để mà điều tiết cho mưa thuận gió hòa. Lời cầu xin, được truyền tụng qua nhiều đời, đúc kết thành bài Pay xó lế (lời xin lễ) trong lễ hội cầu mưa.
Lễ xên lảu nó (lễ cúng rượu măng), thường được tổ chức vào mùa măng mọc với ba năm một lần, thời gian là hai ngày một đêm. Ngày nay thì cứ mỗi năm tổ chức một lần, nhưng chỉ tiến hành trong một ngày một đêm. Lễ xên lảu nó tổ chức đều đặn hàng năm, hay hai, ba năm mới tổ chức là tùy thuộc vào khả năng, điều kiện vật chất của ông bà một. Khi làm lễ, thường có người thổi pí một lao, và tiếng pí đó thổi liên tục trong chặng đường hát khi hành lễ. Trong lễ xên lảu nó, âm nhạc đóng vai trò chủ đạo.
 Hát nang đổng (ngồi mẹt), là một tập quán hát đối đáp giao duyên của nam nữ thanh niên ngư­ời Thái đen ở Yên Châu, Sơn La vào những ngày rằm, nhất là rằm trung thu. Nhân vật trung tâm đ­ược ngồi trên một cái mẹt ở đầu sàn, nên gọi là nang đổng. Nang đổng có ở nhiều nơi, nhưng tiêu biểu và mang nhiều sắc thái văn hóa là nang đổng của bản Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu.
Hát nang đổng là một hình thức hát giao duyên, như­ng nội dung của nó lại đề cập tới việc giáo dục nhân cách đạo đức cho con ngư­ời. Trong quá trình diễn xướng, đôi khi họ còn mư­ợn cả yếu tố tâm linh như thần xoay mẹt để giáo dục, nghĩa là ai tốt thần sẽ xoay về phía mình. Như­ng cũng có khi chính là cô gái ngồi ở vị trí trung tâm tự xoay để tìm bạn bè tốt, tìm ngư­ời yêu, tìm chồng.
Tham panh khoắn (cúng chữa bệnh), khi bắt đầu vào chữa bệnh, thày cúng thổi pí một lao (loại sáo của người Thái Yên Châu) theo điệu theo thang để dẫn hồn về. Khi hồn về thì tiếp đến là cúng gọi ma. Khi đã tìm được ma thì vẫn tiếp tục cúng, lúc này pí một lao thổi điệu ỏn khoắn để nịnh, dụ dỗ làm ma vui vẻ. Sau đó mời ma ăn, tiếp đến dọa nạt để ma chữa bệnh cho người ốm, rồi tiễn ma đi. Tất cả điệu cúng đều có pí một lao đệm cùng.
Âm nhạc trong sinh hoạt thường nhật của cộng đồng
Hát thơ (khắp xư hay khắp xứ), là một làn điệu gần giống ngâm thơ, người hát chư­a thuộc lời thì họ cầm tờ giấy có lời mà hát. Ngư­ời hát có thể sáng tạo ra một số luyến láy cho phong phú, như­ng lời nhất thiết phải theo văn bản đã có. Làn điệu này chỉ dùng cho ngư­ời biết chữ Thái cổ hoặc phiên âm ra chữ phổ thông. Vì vậy làn điệu này ngư­ời lao động ít dùng mà đa số chỉ dành cho tầng lớp trên có chữ nghĩa.
Ở Yên Châu các điệu khắp xứ được dùng phổ biến là khắp bắt nưng (chỉ một người hát, có tiếng đế phụ họa như ồi, dô…), khắp bắt ni ha (cả nam nữ đều hát được, sau mỗi câu hát có tiếng đệm, đế như ôi dồi…), khắp khuông khai (một nhánh của khắp xứ, là dạng nói thơ hay được dùng để răn dạy con người, hoặc nói về ca dao, tục ngữ).
Hát gọi (khắp chiêu) là làn điệu phổ biến không kém gì khắp xứ, được dùng trong nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc như các cuộc vui gặp gỡ, trong xòe vòng… Nhạc điệu của khắp chiêu gần với khắp xứ, tính chất vui vẻ, trong sáng. Ở Yên Châu có hai loại khắp chiêu được dùng phổ biến là xum ơiằn ní. Xum ơi dùng để hát tả cảnh, chào mừng khách, thậm chí nhìn thấy gì là tức cảnh có thể ứng tác hát luôn tại chỗ, cuối câu hát có từ xum ơi. Còn ẳn ní dùng để đối đáp về một hoàn cảnh, một nội dung cụ thể nào đó.
Khắp chiêu
Sưu tầm và ký âm: Tô Ngọc Thanh


 
 

 

 Hát ru (ú lụh hay ú lục) chứa đựng những tình cảm tha thiết của người mẹ, lời ru ngọt ngào như dòng sữa mẹ đối với con yêu. Người Thái ru con bên nôi trên nhà sàn, nhưng cũng có lúc đặt trẻ vào địu đeo ở trên lưng theo mẹ ra nương rẫy.
Khắp ú lục
(trích)
Người hát: Lò Thị Đeng
Huyện Yên Châu, Sơn La
Sưu tầm, ghi âm: Nguyễn Duy Thịnh

 
Hát đồng dao (lếch nọi ỉn khuống) là hình thức sinh hoạt âm nhạc khá phổ biến của người Thái. Đây là làn điệu đồng dao của trẻ thơ, từng tốp bốn, năm em có khi nhiều hơn tham gia. Mỗi sinh hoạt của các em đều gắn với lời hát. Nội dung các bài đều mang ý nghĩa khác nhau, nhiều bài còn kết hợp với trò chơi. Lời ca trong hát đồng dao thường sử dụng thể thơ 4, 5 hoặc 7 chữ, chẳng hạn:

Hót là hót hay
Mày nhảy là nhảy
Mày bay là bay
Lên trời xuống đất
Bay bay, bay bay
 
 
 

 

 

 


Lếch nọi ỉn khuống
(trích)

Người hát: Vi Thị Lả

Huyện Yên Châu, Sơn La
Sưu tầm và ký âm: Nguyễn Duy Thịnh

v


 

 

Hát giao duyên (khắp báo sao hay bao xáo) là hình thức sinh hoạt âm nhạc dành cho trai gái đến tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau. Có nhiều hình thức hát giao duyên khác nhau tùy theo hoàn cảnh và mục đích. Đây là một làn điệu thông dụng nhất trong các làn điệu hát dân ca Thái (bao là trai xáo là gái), tức là một làn điệu dân ca mà trai gái dùng để tỏ tình, dùng để hát đối đáp, nên làn điệu này không một ngư­ời nào không biết hát, đặc biệt cac cô gái lại là người hát hay hơn cả. Phần lời vừa trữ tình, vừa lãng mạn, đôi khi nó đư­ợc giao thoa với làn điệu kháy mua (tình yêu nảy nở trong lao động) như­:
Anh yêu em như­ gom nư­ớc về ao
Giờ chỉ còn gom hành tỏi nhiều vư­ờn thành củ
Tức cho con gà cụt từ trời rơi xuống
Ruộng đất, vư­ờn mình mà trăng sáng ao ai
Nếu đã yêu nhau, cơm như­ quả cà vẫn đủ
Ghét nhau, cơm như­ đầu đũa vẫn thừa
 
Khắp Bao xáo
(trích)
Sưu tầm và ký âm: Tô Ngọc Thanh



 
 

 

Hát trên nương ruộng (khắp loong tôông hay lông thồng) là làn điệu phần lớn dùng để tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ở Yên Châu, người dân trên đường đi đến nương ruộng, hay đi về thường hát một mình hoặc thổi khèn bè, pí pặp. Đôi lúc cũng được dùng trên nương ruộng, khi chăn trâu, khi trên chòi canh lúa.
Có những lúc vào đêm canh khuya, các chàng trai mang khèn bè đi đến các bản xa có bạn gái để tìm hiểu. Khi họ đi qua những cánh đồng, làng bản bồng bềnh trong sư­ơng, trong ánh trăng trên núi cao, họ đã ứng tác ra những bài hát trữ tình (hoặc dựa trên lời cổ có sẵn).
Kháy mua là làn điệu gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp (kháy là mở, mua là mùa), nhằm ca ngợi sức lao động, thành quả lao động, ca ngợi con ngư­ời và tình yêu đôi lứa, đồng thời phổ biến những kinh nghiệm sản xuất của cha ông để lại. Làn điệu này còn được hát vào lúc kết thúc năm cũ, mừng năm mới, hay vào đầu vụ của bốn mùa, âm nhạc mang tính chất linh thiêng.
Trong những năm gần đây, do sự thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến văn hóa cổ truyền Yên Châu nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung đang ngày càng bị thất truyền. Một số lễ hội chỉ còn lại trong ký ức của người già, lớp trẻ hầu như ít để ý đến dân ca, dân nhạc của dân tộc mình. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian nói chung và âm nhạc dân gian Thái Yên Châu nói riêng là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. Việc làm này cần sự quan tâm của nhiều người trong cộng đồng và các cơ quan ban ngành. Tuy nhiên cần phải có một phương hướng thống nhất, một biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên.
_______________
           1. Tô Ngọc Thanh, Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc, Nxb Âm nhạc, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012

Tác giả : Nguyễn Duy Thịnh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *