Đào tạo định hướng ứng dụng tại trường đại học văn hóa tp.hcm

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nguồn lao động đòi hỏi không những có kiến thức chung mà còn phải có kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành, tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp. Nhằm đáp ứng yêu cầu này, một nội dung chú trọng của phát triển giáo dục đại học Việt Nam là đào tạo định hướng ứng dụng. Để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cung ứng nhân lực với kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động thuộc các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thông tin truyền thông và du lịch, Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (ĐHVH TP.HCM) đã thông qua việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, lấy đó làm nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

1. Yêu cầu về đào tạo định hướng ứng dụng trong giáo dục đại học Việt Nam

Nghị quyết số 14/2005/NQ – CP ngày 02-11-2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã xác định rõ mục tiêu chung của giáo dục đại học nước ta là: “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới; có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể: “…khoảng 70 – 80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp – ứng dụng”, đồng thời xác định rõ một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu trên là “đổi mới nội dung phương pháp và quy trình đào tạo”.

Ngày 25 – 7 – 2011, thông qua Quyết định số 1243/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

Đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật, tạo sự đột phá và chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, phấn đấu đưa một số cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và chuyên ngành đào tạo đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ đào tạo trên thế giới, góp phần đưa sự nghiệp đào tạo văn hóa nghệ thuật từng bước hội nhập quốc tế.

Đổi mới phát triển chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn và từng bước tiếp cận với chuẩn mực quốc tế.

Cơ cấu lại khung chương trình, bảo đảm sự liên thông của các cấp học, giải quyết tốt mối quan hệ về khối lượng kiến thức và thời lượng học tập, giữa lý thuyết và thực hành, nâng cao hiệu quả đào tạo của từng môn học.

Đổi mới nội dung đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn, yêu cầu nghề nghiệp, xã hội, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Phát triển tiềm năng sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực của người học.

Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2015/NĐ-CP, ngày 08 – 9 – 2015, quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong đó giải thích rõ về chương trình đào tạo định hướng ứng dụng “là chương trình đào tạo có mục tiêu và nội dung xây dựng theo hướng phát triển kết quả nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu đa dạng của con người”. Theo đó, quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng phải đảm bảo 3 tiêu chuẩn: quy mô đào tạo của các chương trình đào tạo định hướng ứng dụng trình độ đại học, thạc sĩ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng quy mô đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học; ngành nghề đào tạo đa dạng, linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; đào tạo chủ yếu trình độ đại học và trình độ thạc sĩ ứng dụng; một số ít chuyên ngành đào tạo thạc sĩ nghiên cứu và trình độ tiến sĩ.

Chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (Profession Oriented Higher Education – POHE) thuộc Dự án Giáo dục Đại học Việt Nam – Hà Lan, được bắt đầu vào đầu năm 2005, nhằm hỗ trợ cho các trường đại học ở Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn, môi trường thực tiễn. Chương trình đã được triển khai tại 8 trường đại học với các ngành nghề đòi hỏi tác nghiệp thành thạo như du lịch và khách sạn, sư phạm, nông lâm, kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện tử và công nghệ thông tin… Đây có thể xem như dự án khởi đầu cho quá trình thực hiện mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và từng bước nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Qua 10 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam xây dựng 10 chương trình đào tạo giai đoạn 1 (2005 – 2009) và 40 chương trình đào tạo giai đoạn 2 (2012 – 2015), cùng với việc hình thành chuẩn năng lực giảng viên và các trung tâm bồi dưỡng giảng viên. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết dự án POHE ở Việt Nam giai đoạn 2, đã có trên 4.800 sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo theo định hướng này và tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt khoảng 80%.

Từ thành quả của dự án POHE, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng trở thành xu thế phát triển chính trong đào tạo đại học tại Việt Nam. Có thể nhận diện những yêu cầu, đặc điểm của hoạt động đào tạo theo quan điểm của POHE, bao gồm: sứ mệnh của nhà trường là tập trung vào thực hành nghề nghiệp trong cả nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nhằm phục vụ cho thị trường lao động trong nước và quốc tế; mục tiêu của các chương trình đào tạo là sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ngay trong môi trường chuyên nghiệp; nội dung các chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên việc tham khảo chuẩn quốc gia và quốc tế, thể hiện cách tiếp cận tích hợp, trong đó, kiến thức lý thuyết kết hợp với thực hành và đào tạo các kỹ năng mềm, tập trung vào thực hành nghề nghiệp của sinh viên; tổ chức và quản lý chương trình đào tạo theo mục tiêu học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu của một nghề nghiệp cụ thể; sự tham gia của các nhà tuyển dụng gồm cố vấn, tư vấn vào thực hiện chương trình đào tạo qua hình thức thỉnh giảng, tiếp nhận và hướng dẫn thực tập, hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn đồ án tốt nghiệp, tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường; sinh viên học tập theo chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp ứng dụng phải có các kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, thực hành độc lập và hình thành phong cách học tập đặc trưng học thông qua làm việc; đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo ứng dụng cần phải có kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp, cập nhật thực tiễn về nghề nghiệp, có khả năng dẫn dắt, ứng dụng tri thức và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thuộc ngành đào tạo, thực hiện các phương thức dạy học tích cực, kích thích được tính chủ động học tập của sinh viên và các phương thức đánh giá lý thuyết và thực hành tích hợp; cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình đào tạo ứng dụng cần mô phỏng được thực tiễn nghề nghiệp, bao gồm các trang thiết bị đặc thù, các phòng thực hành, phòng máy tính, phòng thí nghiệm…; hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường cần tập trung vào nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và cải thiện khả năng nghề nghiệp thông qua mô hình: nghiên cứu – đào tạo – ứng dụng – chuyển giao. Vấn đề và câu hỏi nghiên cứu đều có mối quan hệ mật thiết với vấn đề của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng và xã hội. Đồ án tốt nghiệp của sinh viên cũng cần tập trung giải quyết những bài toán nảy sinh từ thực tế nghề nghiệp.

2. Thực tế kết quả đào tạo của ĐHVH TP.HCM hiện nay

ĐHVH TP.HCM hiện đào tạo 7 ngành: Việt Nam học, văn hóa học, quản lý văn hóa, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, bảo tàng học, kinh doanh xuất bản phẩm, khoa học thư viện.

Theo kết quả điều tra sinh viên tốt nghiệp được thực hiện trong năm 2016, có 500 sinh viên đã tìm được việc làm, chiếm tỷ lệ 87,71% số sinh viên tốt nghiệp, trong đó, 60% sinh viên làm việc đúng ngành và chuyên ngành đã học. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao gồm ngành Việt Nam học (89,3%) và quản lý văn hóa (89,2%); tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất thuộc về ngành bảo tàng học (66,6%).Về khu vực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp: có 72 sinh viên làm việc khu vực nhà nước, chiếm tỷ lệ 14,4%; khu vực tư nhân có 359 sinh viên, chiếm tỷ lệ 71,8%; khu vực liên doanh với nước ngoài có 17 sinh viên, chiếm tỷ lệ 3,4%; có 52 sinh viên tự tạo việc làm, chiếm tỷ lệ 10,4%. Về mức độ đáp ứng công việc của cựu sinh viên: đáp ứng phần lớn (43%); phần lớn chưa đáp ứng (17%); đáp ứng mức trung bình (35%); phần lớn không đáp ứng (5%).

Kết quả khảo sát trên cho thấy sinh viênvẫn còn thiếu kỹ năng làm việc, cần được đào tạo bổ sung sau khi ra trường, đi làm. Thông tin phản hồi từ sinh viên đã tốt nghiệp đề nghị nhà trường cần gắn kết nhất thể chặt chẽ quá trình đào tạo sinh viên, để việc học đi đôi với hành, kiến thức lý luận được áp dụng ngay vào thực tiễn.

Trong quá trình khảo sát bằng phiếu điều tra, lấy thông tin trực tiếp qua điện thoại và các trang mạng xã hội, nhà trường đã thăm dò ý kiến của sinh viên tốt nghiệp về công việc hiện tại, qua đó nhận thấy đa số sinh viên hài lòng với công việc hiện tại (60%). Một số sinh viên chưa hài lòng với công việc vì những lý do như công việc chưa phù hợp với bản thân; công việc không đúng với chương trình được học; thu nhập thấp; điều kiện làm việc, môi trường không phù hợp; công việc không giúp sinh viên học hỏi được nhiều để phát triển bản thân, để thăng tiến; công việc áp lực cao.

Hầu hết các cựu sinh viên đều đưa ra ý kiến đề xuất: tăng cường đào tạo bổ sung ngoại ngữ và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho sinh viên; tăng thực hành, thực tế trong thời gian học; cập nhật chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng; tổ chức cho sinh viên được giao lưu, học hỏi nhiều hơn với các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động.

Khi nhà trường tiến hành tham vấn về năng lực của sinh viên, nhiều đơn vị tuyển dụng cũng cho rằng sinh viên cần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng khả năng thích ứng, chủ động hơn trong công việc và giao tiếp, cải thiện kỹ năng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, thái độ với nghề nghiệp tích cực hơn. Từ đó cho thấy những hạn chế trong quá trình đào tạo của nhà trường hiện nay.

Rõ ràng, để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động, việc xây dựng chương trình đào tạo định hướng ứng dụng là một trong những giải pháp quan trọng cần nhanh chóng được triển khai trong nhà trường.

3. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo định hướng ứng dụng tại ĐHVH TP.HCM

Có thể nói, yêu cầu xây dựng và triển khai chương trình đào tạo định hướng ứng dụng đang trở nên cấp bách đối với ĐHVH TP.HCM. Tuy nhiên, do một số khoa, bộ môn và giảng viên chưa thực sự quan tâm và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sứ mệnh chung của nhà trườngnên còn mơ hồ và thụ động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai.

Nhà trường chưa tiếp cận được quy trình tiên tiến về xây dựng chương trình, thiếu sự hỗ trợ và tư vấn của chuyên gia trong và ngoài nước, tự mình vừa làm vừa tìm tòi mô hình xây dựng, dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm, có lúc có chỗ còn lúng túng.

Bên cạnh đó, thực tế tiêu chuẩn giảng viên đối với chương trình đào tạo ứng dụng khá cao. Theo Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT, ngày 23-9-2015, của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, tỷ lệ đội ngũ giảng viên cơ hữu và nghiên cứu viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của nhà trường hiện chưa đảm bảo 25%, mức tối thiểu đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng. Một bộ phận giảng viên của nhà trường chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn nghề nghiệp.

Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng đã tồn tại nhưng phần nhiều chưa duy trì và phát huy hiệu quả thông qua các thỏa thuận hay cam kết có tính chất ràng buộc, lâu dài, bền vững.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu phát triển chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, ĐHVH TP.HCM cần nhanh chóng thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn của chuyên gia trong và ngoài nước đồng thời chủ động xây dựng và hoàn thiện mô hình các chương trình, quy trình triển khai thực hiện phù hợp đối với mỗi ngành đào tạo ứng dụng của nhà trường.

Xây dựng chương trình bồi dưỡng giảng viên đại học định hướng ứng dụng. Tổ chức thực hiện tập huấn, bồi dưỡng cho các giảng viên cơ hữu vì đây chính là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện chương trình đào tạo này.

Tổ chức hội nghị khách hàng theo từng ngành nghề đào tạo, từ đó nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với nguồn nhân lực do nhà trường cung ứng, làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo; ký kết các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận về vấn đề thực tập, thực hành của sinh viên cũng như cam kết chất lượng từ phía nhà trường; khai thác mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nhà tuyển dụng trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo. Hàng năm, tiến hành lấy ý kiến của nhà tuyển dụng về nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo để kịp thời điều chỉnh chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo.

Hoạch định cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các đơn vị tuyển dụng; dành nhiều thời gian để giảng viên tiếp cận thường xuyên với các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội nghề nghiệp; chú trọng đến quá trình bổ sung kỹ năng thực hành, thực nghiệp của giảng viên theo chủ trương định hướng đào tạo ứng dụng. Một mặt, nhà trường cần khuyến khích, tạo điều kiện để giảng viên tham gia hoạt động thực tế; mặt khác, yêu cầu bắt buộc giảng viên phải có hoạt động thực tập thường xuyên hàng năm tại các cơ quan, đơn vị để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp, nhằm phục vụ tốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Ứng dụng chuẩn nghề nghiệp ngay trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo.

Tham khảo quy trình xây dựng chương trình đào tạo ứng dụng của các trường đại học đã thực hiện theo dự án Giáo dục đại học Việt Nam – Hà Lan, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Kết hợp với những yêu cầu kiểm định để thực hiện mục tiêu kép.

Trong bối cảnh nền giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, ĐHVH TP.HCM đứng trước thách thức lớn khi các ngành đào tạo không được xem là thời thượng. Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, thỏa mãn nhu cầu xã hội, khẳng định thương hiệu, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ theo quy luật phát triển của xã hội và theo chủ trương của Nhà nước là vấn đề sống còn của nhà trường. Để thực hiện được những mục tiêu trên, không có con đường nào khác là dốc sức tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, đáp ứngyêu cầu của chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học và từng bước tiếp cận với việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : NGUYỄN THANH TÙNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *