Đào tạo ngành chỉ huy hợp xướng tại Việt Nam hiện đang là ngành quý hiếm do sinh viên ngày càng ít thi vào các cơ sở đào tạo. Đây là một ngành khó tuyển cũng như khó học vì đòi hỏi người học cần phải có nhiều kỹ năng. Đến thời gian hiện nay chỉ còn 2 trường đào tạo chính quy bậc đại học là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Tp. HCM tuyển sinh chuyên ngành này. Bên cạnh đó, nhu cầu của xã hội đối với ngành chỉ huy cũng còn nhiều hạn chế do có quá ít các dàn hợp xướng và phong trào hát hợp xướng chưa phát triển.
1. Khái quát chung về ngành chỉ huy hợp xướng
Chỉ huy dàn nhạc là dạng biểu diễn nghệ thuật kết hợp với khoa học. Vai trò và ảnh hưởng thực sự của người chỉ huy là phải nhìn, nghe được, có tố chất để truyền tải cảm xúc của mình đến các nhạc công và đưa những cảm xúc đó tới khán giả có mặt trong buổi hòa nhạc thông qua cây đũa chỉ huy. Để chuẩn bị cho các buổi biểu diễn, người chỉ huy hướng dẫn dàn nhạc, dàn hợp xướng luyện tập hoàn hảo, nắm vững mọi chi tiết và kỹ thuật của tác phẩm, nhưng khi biểu diễn thì để nhạc công chơi một cách tự do, cùng sáng tạo âm nhạc, truyền cảm hứng và cùng chia sẻ cảm hứng với nhau.
Người chỉ huy là người lựa chọn, nghiên cứu bản nhạc và có những điều chỉnh nhất định nhằm truyền tải trung thành ý tưởng của tác giả, tác phẩm cũng như những sáng tạo của bản thân và của dàn nhạc tới người nghe. Ngoài ra, người chỉ huy còn tạo dựng phong cách biểu diễn của riêng mình. Do đó, người đứng ra chỉ huy một buổi hòa nhạc hoặc một dàn đồng ca không chỉ đảm nhiệm việc điều khiển nhịp điệu, mà còn thể hiện ý tưởng tác phẩm – là một khái niệm mới được nảy sinh trong thời kỳ âm nhạc cận đại. Đồng thời, người chỉ huy âm nhạc cũng phải là người lên kế hoạch tập luyện và giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan trong việc dàn dựng, biểu diễn tác phẩm.
Nếu không kể dàn nhạc thời kỳ Baroque và một số trường hợp đặc biệt, thì trên sân khấu, người chỉ huy là nghệ sĩ duy nhất không chơi một nốt nhạc nào và luôn quay lưng về khán giả. Có thể nói, nhờ thính giác và hai bàn tay cùng với những kỹ năng khác, người chỉ huy hoàn tất nhiệm vụ nối kết các nhạc công, hợp xướng viên để cùng nhau tạo nên âm nhạc thay vì mỗi người chơi độc lập. Thường thì mọi người cho rằng, người chỉ huy phải đồng thời là một nhạc công giỏi hay một ca sĩ có giọng hát hay. Cũng có một số ngoại lệ như Hector Berlioz (1) đã là một nhà chỉ huy kiệt xuất thời kỳ âm nhạc Lãng mạn nhưng thậm chí không học Piano. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển đúng hướng, có trình độ cao thì phải được học theo một quá trình đào tạo bài bản và hiệu quả.
Ngành chỉ huy âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển âm nhạc ở mỗi nước. Mỗi quốc gia đều có những dàn nhạc, dàn hợp xướng riêng vì vậy có thể thấy rằng, dàn nhạc, dàn hợp xướng có một vị trí quan trọng trong cơ cấu phát triển không những về âm nhạc mà còn cả về chính trị, xã hội.
Các dàn giao hưởng, hợp xướng luôn được xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong nhiều sự kiện văn hóa chính trị của mỗi quốc gia cho chúng ta thấy vai trò của người chỉ huy là không thể thiếu. Chính vì vậy, trên thế giới và ở Việt Nam, nghề chỉ huy âm nhạc không thể tách rời sự hình thành và phát triển của dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, đội ngũ nhạc sĩ sáng tác, đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn. Đặc biệt cần chú trọng để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao là những nghệ sĩ, nhà chỉ huy xuất sắc.
Trải qua hàng trăm năm với sự phát triển của âm nhạc, vai trò của người chỉ huy đã được khẳng định và đóng một vai trò vô cùng quan trọng để các tác phẩm của các nhà soạn nhạc được thổi hồn, đưa vào hiện thực của cuộc sống tới khán giả và mang đậm phong cách của từng nhà chỉ huy. Một số tên tuổi của các nhà chỉ huy thế giới qua các thời kỳ như: G.Verdi, H.Berlioz, F.Mendelssohn-Bartholdy, C.M. Weber, C.Kleiber, L.Bernstein, C.Abbado, N.Harnoncourt, H.Karajan, S.Rattle, W.Furtwängler, A. Toscanini, C. M. Giulini, P. Boulez, J. Gardiner, P. Monteux, F. Fricsay,
J. Barbirolli, B. Haitink, Y. Mravinsky, G. Szell, S.Ozawa, D. Colin, R. Norrington, G.Dudamel, N.Boulanger, L.Maazel, D.Barenboim, K. Bohm,
V. Gergiev, O. Klemperer, Z. Mehta, E.Ormandy, I.Stravinsky, G.Mahler, E.Svetlanov…
Người chỉ huy âm nhạc phải tập hợp được rất nhiều kỹ năng phức tạp không chỉ về âm nhạc mà còn trong lĩnh vực giao tiếp xã hội. Do đó những năm gần đây, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật và trong xã hội nhưng rất thiếu người học và sau đó người làm được nghề còn hiếm hơn. Hiện nay, tại Việt Nam, số lượng chỉ huy có thể đứng trên bục chỉ huy còn rất khiêm tốn. Sinh viên thi vào ngành chỉ huy âm nhạc ngày một giảm sút. Nguy cơ của việc biến mất chuyên ngành này tại các cơ sở đào tạo âm nhạc tại Việt Nam là rất cao…
Chính vì những lý do đó, đào tạo chỉ huy nói chung và chỉ huy hợp xướng nói riêng là một vấn đề cần được chú trọng. Ngành chỉ huy hợp xướng phải được đầu tư và phát triển theo xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa nếu muốn đưa hoạt động hợp xướng Việt Nam vươn ra tầm khu vực và quốc tế.
2. Công tác đào tạo nguồn nhân lực
Nền âm nhạc Việt Nam hiện đại xuất hiện từ khi có sự giao lưu văn hóa Đông Tây đầu thế kỷ XX. Cùng với sự ra đời của nền Tân nhạc Việt Nam từ những năm 30 của thể kỷ XX, các hình thức của hợp xướng đơn giản đã bắt đầu xuất hiện. Sau Hiệp định Genève năm 1954, miền Bắc hoàn thành của cách mạng dân tộc dân chủ và bắt đầu khôi phục và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn từ 1955-1975 có sự tiếp biến giao thoa với âm nhạc phương Tây chủ yếu thông qua các nước xã hội chủ nghĩa (ở châu Âu và một ít nước châu Á). Nhờ đó, dòng âm nhạc bác học được hình thành dần dần ở miền Bắc, trong đó có âm nhạc hợp xướng với đầy đủ chuyên ngành: sáng tác và chỉ huy, đặc biệt kể từ khi ra đời Trường Âm nhạc Việt Nam vào năm 1956, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay.
Mặc dù trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn chú trọng phát triển đội ngũ các nhà chỉ huy âm nhạc. Các nhạc sĩ được nhà nước cử đi đào tạo ngành âm nhạc ở nước ngoài. GS. NSND Trọng Bằng là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp môn chỉ huy dàn nhạc giao hưởng tại Nhạc viện Tchaikovsky (Moscow), một trong những nơi đào tạo chuyên ngành chỉ huy bậc nhất thế giới. Nhiều chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng đã được nhà nước cử đi học tại các nhạc viện uy tín trên thế giới và sau khi về nước đã góp phần to lớn trong sự nghiệp phát triển nền âm nhạc cách mạng còn non trẻ của chúng ta. Thế hệ đầu tiên là những trụ cột đào tạo ngành chỉ huy cũng như trực tiếp biểu diễn với các dàn hợp xướng như: Dương Quang Thiện, Đinh Ngọc Liên, Lê Đình Lực, Nguyễn Hữu Hiệp, Vũ Lương, Nguyễn Hải, Nguyễn Hữu Hiếu; Trọng Bằng, Trần Quý, Quang Hải, Cao Việt Bách, Đỗ Dũng, Đỗ Hồng Quân, Mông Lợi Chung, Vũ Tự Lân, Đặng Hùng (LX cũ); Nguyễn Bình Trang, Nguyễn Minh Cầm (Bungary); Nguyễn Hoà Bình...(2). Tiếp theo là thế hệ của các nhà chỉ huy: Trần Vương Thạch (Bỉ – Hà Lan), Hoàng Điệp, Nguyễn Thiếu Hoa, Lê Hà My, Lê Phi Phi, Nguyễn Anh Sơn, Trần Nhật Minh (Nga); Đồng Quang Vinh (Trung Quốc); Nguyễn Bách, Phạm Ngọc Khôi, Đặng Châu Anh, Lê Vinh Hưng, Nguyễn Xuân Chiến….và một số chỉ huy khác nữa.
Năm 1961, Trường Âm nhạc Việt Nam đào tạo trình độ đại học. Sau khi đất nước thống nhất (1975), tại Sài Gòn, Trường Quốc gia Âm nhạc đã đào tạo hệ đại học. Tại Huế là Trường Âm nhạc Huế và rất nhiều đoàn Ca Múa Nhạc tại các tỉnh, thành phía Nam đã được thành lập. Trong những năm 1980, đã có đến gần 60 đơn vị biểu diễn nghệ thuật trong cả nước.
Ngoài ra, một loạt các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trên cả nước cũng được thành lập: Trường Nghệ thuật Hà Nội; Trường Nghệ thuật Quân đội, hệ thống các Trường Văn hóa Nghệ thuật ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.Đặc biệt, tại các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm trên khắp các tỉnh thành trong cả nước đề đào tạo giáo viên âm nhạc, trong chương trình học có môn Chỉ huy. Trước đây phần đào tạo bộ môn chỉ huy trong các trường sư phạm còn chưa được đặt đúng vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo. Nhưng theo những kết quả khảo sát của chúng tôi thì việc triển khai hát hợp xướng trong trường phổ thông là cơ sơ đầu tiên cho việc phát triển ngành chỉ huy cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc trong trường phổ thông. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá lại tầm quan trọng của bộ môn này trong đào tạo sư phạm để có thể xây dựng các tiêu chí và chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình mới.
Ở miền Nam trước năm 1975, bộ môn chỉ huy hợp xướng chưa có trong chương trình đào tạo của Trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (được thành lập từ năm 1956) hay Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (đổi tên từ 1960) cũng như Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (được thành lập từ năm 1962). Một số chỉ huy được biết đến nhiều của miền Nam lúc đó thường xuất thân từ âm nhạc tôn giáo như: linh mục Tiến Dũng, Hải Linh, linh mục Ngô Duy Linh, linh mục Kim Long hay từ âm nhạc quân đội như: Trần Văn Tín, Vũ Văn Tuynh. Tất cả đều được đào tạo từ Hoa Kỳ hoặc một số quốc gia Tây Âu. Chỉ huy Nguyễn Phụng và Nghiêm Phú Phi được đào tạo tại Pháp là hai chỉ huy kiêm giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Lĩnh vực đào tạo trong cộng đồng tôn giáo có các tiêu chí riêng và hướng tới những mục tiêu đặc thù về tính chất ca hát. Hiện chỉ có đào tạo các ca trưởng (chỉ huy hợp xướng) tại giáo phận Sài Gòn. Các bài hát phần nhiều là 1 hoặc 2 bè, một số khác phức tạp hơn gồm 3 bè. Những bài có 4 bè hầu như rất hiếm khi gặp do các nhạc sĩ sáng tác hướng tới phục vụ cộng đồng nên không thể phối bè phức tạp và có những tầm cữ hoặc quãng phức tạp. Mục đích chính là hát mang tính phục vụ trong các thánh lễ cho nên âm nhạc thiên về trữ tình, chậm, giai điệu đi liền bậc, các quãng không quá cao hoặc quá thấp để thích hợp được với nhiều chất giọng, lứa tuổi và không cần phải tập luyện nhiều.
Các ca trưởng (người chỉ huy hợp xướng trong nhà thờ) hầu hết đều là những người nhiệt tình phục vụ hơn là có kiến thức chuyên ngành, kỹ năng chuyên môn hoặc là những ca viên (thành viên ban hợp xướng nhà thờ) sinh hoạt lâu, có uy tín, thuộc các bài hát được đưa lên làm ca trưởng. Chúng tôi cũng được thăm nơi đào tạo ca trưởng tại Mục viện Sài Gòn, đây là nơi duy nhất đào tạo ca trưởng cho các đoàn ca của cả nước. Ngoài ra, được tiếp cận với một số giáo trình, sách tham khảo nội dung đào tạo (giáo dục hợp xướng) dùng trong các trường nhạc và các khóa ca trưởng. Đây cũng là một vấn đề lớn cần bàn tới. Do yêu cầu không cao và cách tuyển học sinh theo học nên các chương trình chỉ hướng tới trình độ thấp đủ để xướng âm và điều hành một cách thông dụng nhất chứ chưa hướng đến những tác phẩm khó. Thời gian học cũng không ép theo tiến độ cụ thể hoặc năm học mà theo từng khóa học không hạn chế thời gian.
3. Thực trạng khó khăn đối với sinh viên của chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng
Đối với Học viện Âm nhạc Huế, từ khi mở mã ngành đào tạo đến nay mới chỉ đào tạo được 2 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2015. Hai cơ sở khác là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ còn lại từ 5-15 sinh viên tùy năm học và còn có chiều hướng giảm nhiều hơn nữa trong những năm tới. Có thể nói, số lượng sinh viên học chuyên ngành chỉ huy hợp xướng đang ở mức báo động. Bên cạnh việc học tập vất vả thì nhu cầu việc làm còn rất đáng lo ngại. Trên thực tế, không có những dàn hợp xướng, những đội ca hoạt động một cách thường xuyên và chuyên nghiệp bởi vậy cho nên sinh viên tốt nghiệp không có nơi làm việc. Phần lớn sinh viên đang theo học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh là có hướng khi ra trường sẽ làm việc chính tại các ca đoàn. Thực trạng cho thấy chưa có sự gắn kết liên thông giữa khâu sử dụng lao động và đào tạo.
Tại Việt Nam, Chỉ huy âm nhạc và hợp xướng là một môn học gai góc, khó khăn so với các chuyên ngành khác cho nên hằng năm, số thí sinh đăng ký thi vào chuyên ngành Chỉ huy (Dàn nhạc và Hợp xướng) thường ít hơn nhiều so với các chuyên ngành Âm nhạc học, Sáng tác và các ngành âm nhạc khác. Nguyên nhân bởi vì:
– Do yêu cầu thi đầu vào phải kiểm tra nhiều kỹ năng. Về biểu diễn thực hành: Chỉ huy hợp xướng phải chỉ huy 2 tác phẩm khác nhau về tính chất (nhanh và chậm) và sơ đồ nhịp; Về lý thuyết: thi vấn đáp về Kiến thức âm nhạc tổng hợp và một số môn khác. Bên cạnh đó, qua các bài thi thực hành biểu diễn, thí sinh phải chứng tỏ được năng khiếu cảm thụ âm nhạc, phong thái tự tin… qua tác phẩm dự thi khiến thí sinh gặp nhiều áp lực hơn các chuyên ngành khác (3).
– Ngoài những khó khăn thi đầu vào, sinh viên sau khi trúng tuyển luôn phải đối mặt với những áp lực phải đáp ứng của nhiều môn học. Ngay cả việc phải có trình độ Piano cao để ứng dụng trong các môn học cũng đã là một thử thách lớn. Đó là: có gần 10 môn học phải cần đến đàn Piano như: Piano phổ thông; Thanh nhạc và Đàn tổng phổ hợp xướng (dành riêng cho chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng); Ký xướng âm; Hòa âm; Đọc tổng phổ dàn nhạc; Phối âm cho hợp xướng; Hòa âm trên đàn… Nếu học Chỉ huy theo đúng chuẩn quốc tế, họ sẽ phải mất thời gian tập đàn gần như sinh viên chuyên ngành Piano chưa kể các môn học khác cũng phải mất nhiều thời gian và sức lực để đảm bảo khối kiến thức theo yêu cầu. Đối với thế giới, môn Chỉ huy âm nhạc luôn được chú trọng và được tuyển chọn khắt khe tại các Nhạc viện. Những thí sinh thi vào học Chỉ huy thường đã phải tốt nghiệp một chuyên ngành như Piano, Violon, Thanh nhạc, hoặc các Nhạc công đã chơi lâu năm trong dàn nhạc. Theo khảo sát của chúng tôi thì 89% các sinh viên được hỏi ý kiến cũng nhận thấy cần có trình độ cao một loại nhạc cụ và cũng 89% thấy rằng nhạc cụ cần thiết là Piano rồi tới Violon, Thanh nhạc…(4).
– Đối với đầu ra, quá trình học tập đã vất vả mà khi sắp tốt nghiệp, mỗi sinh viên luôn phải vất vả tìm cách làm sao có thể được thi với hợp xướng và Dàn nhạc để được trải nghiệm với người thật – việc thật. Tại Nhạc viện Tchaikovsky, các sinh viên mỗi năm được làm việc 1 tuần miễn phí với dàn nhạc hoặc hợp xướng của sinh viên, ngoài ra họ có thể tham dự Masterclass và các buổi tập của các Chỉ huy nổi tiếng trong và ngoài nước Nga… Một thời gian dài, tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh từng duy trì được tinh thần đồng đội khi sinh viên tốt nghiệp Chỉ huy hợp xướng vẫn có được hợp xướng hoành tráng để thi mà không phải tốn kém nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây thì việc huy động miễn phí đang là nỗi ám ảnh của sinh viên hai chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng và Chỉ huy dàn nhạc. Tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sinh viên phần lớn phải tự túc để có thể được thi với dàn hợp xướng.
Các giảng viên ngành Chỉ huy cũng yêu cầu sinh viên nghiên cứu kỹ tác phẩm trước khi lên lớp nhưng thực tế sinh viên không quan tâm nhiều đến việc này, do đó việc học ngành Chỉ huy của sinh viên không đạt hiệu quả cao. Thực trạng là, có những buổi lên lớp, giảng viên đệm Piano phải giúp sinh viên vỡ bài, cũng như bước đầu dàn dựng tác phẩm thay cho giảng viên dạy chuyên ngành chỉ huy.
4. Phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy theo hình thức truyển nghề trực tiếp, giải thích, thị phạm. Tiết học bộ môn Chỉ huy được thực hiện với hai đàn Piano tuy nhiên giảng viên sẽ dẫn dắt cho sinh viên cảm nhận như âm thanh của hợp xướng. Sinh viên phải thể hiện tác phẩm theo nguyên tắc: hát, đàn và chỉ huy bằng khả năng tượng thanh.
Trước mỗi học kì giáo viên lên chương trình tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và quá trình đào tạo của từng cá nhân sinh viên. Số lượng tác phẩm cần được thực hiện trong một học kì: 4 hoặc 5 tác phẩm đối với đào tạo chuyên ngành bao gồm các tác phẩm không nhạc đệm, có nhạc đệm và một tác phẩm Việt Nam.
Giờ học được chia thành 2 mảng:
– Giờ học cá nhân, với sự đệm đàn Piano (thay thế hợp xướng thật).
– Thực tập dàn dựng tác phẩm hợp xướng với hợp xướng, lên lớp tập thể, sinh viên Chỉ huy hợp xướng ngồi xem cá nhân lên chỉ huy hợp xướng dưới sự theo dõi và góp ý chỉ dẫn của giáo viên.
Tuy nhiên nếu không có các giờ thực hành với hợp xướng thì sinh viên sẽ khó biết được sự chính xác của việc ngắt âm thanh hợp xướng vì trường độ, độ vang của piano đôi khi không tương thích như âm thanh thực tế của hợp xướng. Luyện tập kĩ thuật chỉ huy khi thiếu tư duy âm thanh của giọng hát sẽ gây khó khăn cho sinh viên khi tiếp xúc thực tế với hợp xướng.
Đây là những khác biệt mà đào tạo chỉ huy ở Việt Nam gặp phải, chưa nói đến điều kiện để phát triển biểu diễn ngoài xã hội.
5. Chương trình giảng dạy
Chương trình giảng dạy Chỉ huy hợp xướng chuyên ngành tại 3 Học viện, Nhạc viện trình độ đại học đều dùng chung 1 chương trình giảng dạy trong thời gian 4 năm học. Khối lượng kiến thức toàn khóa là 198 đơn vị học trình (ĐVHT) hoặc 132 tín chỉ; không kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng.
Đối tượng tuyển sinh về chuyên môn: có bằng Cao đẳng, trung cấp âm nhạc chính quy hoặc có trình độ âm nhạc tương đương.
Yêu cầu về mục tiêu đào tạo bao gồm: Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; Về kiến thức đại cương; Kỹ năng chuyên môn.
Mục tiêu khi ra trường, sinh viên có khả năng trở thành:
– Cán bộ biên tập ở các nhà xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình.
– Nhạc sĩ chỉ huy hợp xướng công tác tại các cơ quan thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch; bộ phận ca nhạc của đài phát thanh, truyền hình, xưởng phim, các đoàn ca múa nhạc…
– Có khả năng giảng dạy bậc Trung cấp các môn lý thuyết âm nhạc; trợ giảng môn Hợp xướng (Trung học); soạn các giáo trình các môn lý thuyết âm nhạc; trợ giảng môn Chỉ huy hợp xướng chuyên ngành, môn Chỉ huy phổ thông cho bậc Trung cấp và Cao đẳng âm nhạc.
Nội dung chương trình:
Kiến thức đại cương (không kể Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng): Gồm 66 ĐVHT (Bao gồm các môn: Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Khoa học xã hội; Khoa học nhân văn – nghệ thuật; Ngoại ngữ; Tin học – Khoa học tự nhiên – công nghệ; Môn tự chọn).
Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 112 ĐVHT; Trong đó kiến thức cơ sở của nhóm ngành âm nhạc là 42 ĐVHT (Âm nhạc truyền thống Việt Nam; Lịch sử âm nhạc Việt Nam; Lịch sử âm nhạc phương Tây; Lịch sử âm nhạc phương Đông; Ký xướng âm cơ bản 1-2; Hòa âm cơ bản 1-2; Phức điệu cơ bản 1-2; Phân tích âm nhạc 1-2), Kiến thức ngành là 52 ĐVHT, bao gồm phần chuyên ngành có 18 ĐVHT (Ký xướng 3-4; Hòa âm 1-2; Hòa âm trên đàn; Phức điệu cơ bản 3-4; Phối khí; Đọc tổng phổ; Piano phổ thông và Chuyên môn chỉ huy hợp xướng).
Kiến thức bổ trợ: 18 ĐVHT. Kiến thức Âm nhạc có 14 môn và ngoại khóa; Kiến thức nghiệp vụ sư phạm: có 1 môn.
6. Bộ môn Chỉ huy hợp xướng trong đào tạo ngành Sư phạm âm nhạc
Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhu cầu đào tạo ngành chỉ huy hợp xướng cho các chương trình đào tạo Sư phạm Âm nhạc nhưng không có Chương trình đào tạo ngành Chỉ huy âm nhạc (5) tại các Học viện, Nhạc viện âm nhạc của Việt Nam.
Bên cạnh việc đào tạo ra những tài năng đỉnh cao, đào tạo nguồn lực giáo viên âm nhạc cho các tỉnh, thành, địa phương của toàn bộ khu vực phía Nam cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường nhiều năm qua.
Việc đào tạo các giáo viên âm nhạc cho trường phổ thông có đặc thù riêng, không giống như đào tạo giáo viên cho các trường nhạc chuyên nghiệp, cũng không giống như đào tạo giáo viên các môn học khác. Đó là sự kết hợp giữa các kiến thức, kỹ năng về sư phạm kết hợp với các kiến thức, kỹ năng về âm nhạc. Tất cả môn học của sinh viên, do vậy cũng cần có một chương trình, giáo trình phù hợp được thiết kế riêng.
Tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, hệ đào tạo giáo viên Sư phạm âm nhạc chia làm ba hệ là Đại học tại chức, thời gian học 4,5 năm; Đại học liên thông từ Cao đẳng, thời gian học 2 năm và Đại học liên thông từ Trung cấp, thời gian là 3 năm. Mục tiêu chung của ngành nhằm đào tạo những cử nhân sư phạm âm nhạc có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông, các khoa sư phạm âm nhạc thuộc các trường sư phạm, khoa sư phạm âm nhạc của các trường văn hóa – nghệ thuật. Cả ba hệ của ngành sư phạm âm nhạc có nhiều môn học bắt buộc và tự chọn giống nhau như thanh nhạc, organ, lịch sử âm nhạc, ký xướng âm, hòa âm, phân tích tác phẩm, phương pháp giảng dạy âm nhạc… Chỉ huy cơ bản hay còn gọi là chỉ huy phổ thông, là một trong số những môn học chung đó. Đây là môn học quan trọng không thể thiếu bởi giáo viên âm nhạc thường xuyên phải dùng đến các kiến thức, kỹ năng của người chỉ huy, trong các giờ lên lớp hoặc các sinh hoạt, các phong trào âm nhạc nơi giáo viên công tác.
Sinh viên sư phạm âm nhạc gần như thường xuyên phải sử dụng đến kỹ năng, động tác của người chỉ huy. Từ những dịp đơn giản nhất như các giờ học nhạc, các sinh hoạt âm nhạc cho đến những dịp kỷ niệm, ngày lễ… Trong rất nhiều trường hợp, người học sư phạm âm nhạc phải tự mình chỉ huy, dàn dựng một chương trình âm nhạc cho trường phổ thông, cho trung tâm hoặc nhà văn hóa, nơi họ đang làm việc, công tác, ngay cả khi họ chưa được học môn này. Tùy theo quy mô và mục đích của sự kiện, tùy theo sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường mà các giáo viên âm nhạc sẽ phải chuẩn bị cho sự kiện đó bằng những tiết mục ca múc nhạc do thầy cô hoặc học sinh biểu diễn. Nhiều giáo viên âm nhạc đã rất lúng túng, không biết xoay sở ra sao với nhiệm vụ này, kết quả là nhiều trường phải thuê người về chỉ huy, dàn dựng hoặc chấp nhận một chương trình mang tính nghiệp dư, “cây nhà lá vườn” có chất lượng kém.
Theo Thông tư số: 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26-12-2018 về Chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông sẽ thực hiện vào năm 2020 gồm các nội dung sau:
– Chuyên đề 10.1: Hệ thống các hợp âm ba, hợp âm bảy của điệu thức
– Chuyên đề 10.2: Phương pháp xác định giọng và đặt hợp âm đệm cho ca khúc và bản nhạc
– Chuyên đề 10.3: Phương pháp xác định tiết điệu đệm
– Chuyên đề 11.1: Kỹ năng biểu diễn thanh nhạc
– Chuyên đề 11.2: Kỹ năng biểu diễn nhạc cụ
– Chuyên đề 11.3: Kỹ năng chỉ huy
– Chuyên đề 12.1: Phần mềm chép nhạc
– Chuyên đề 12.2: Phần mềm biên tập âm thanh và thu âm
– Chuyên đề 12.3: Phần mềm hòa âm tự động.
Muốn đào tạo chỉ huy trong Sư phạm âm nhạc một cách có hiệu quả thì chương trình giảng dạy phải bám theo yêu cầu của chương trình âm nhạc phổ thông đã được ban hành.
7. Một số vấn đề cần chú trọng để có thể nâng cao chất lượng đào tạo cho chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng hiện nay
Về chương trình đào tạo cần phải bổ sung, điều chỉnh một số điểm sau:
– Lựa chọn các môn về lịch sử âm nhạc: Hiện nay có 4 môn lịch sử về âm nhạc, nên chọn 2 môn vào môn học chính và 2 môn vào môn tự chọn.
– Môn ký xướng âm với 4 học phần có lẽ là quá nhiều. Có thể để từ 2 đến 3 học phần là đủ kiến thức cần thiết.
– Môn đọc tổng phổ cần được đưa vào là môn chính không phải là môn tự chọn.
– Bổ sung vào chương trình học các tác phẩm nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt âm nhạc đương đại.
– Chú trọng giảng dạy các kỹ thuật hợp xướng mới không theo truyền thống trước đây.
– Bổ sung chương trình giảng dạy bộ môn chỉ huy trong đào tạo Sư phạm âm nhạc.
Một số môn chưa có trong chương trình: Lịch sử nghệ thuật hợp xướng chuyên ngành; Kiến thức về hợp xướng; Kiến thức về thanh nhạc; Phối âm cho Hợp xướng.
Trong kỷ nguyên số, các thày cô giáo cần quan tâm đến việc xây dựng giáo trình theo kiểu lấy người học là trung tâm, đổi mới hoạt động dạy học. Ngoài hoạt động ở lớp, phần tự học cần phải xem như là một phần quan trọng trong tiến trình giảng dạy. Các giáo trình cần được cập nhật online và theo hướng mở để học sinh có thể tự tham khảo trước một số phần và cũng có thể góp ý hoặc nêu những thắc mắc xung quanh các kiến thức trong bài giảng. Công nghệ 4.0 gần như là một trường đại học thứ hai của sinh viên, vì vậy sinh viên cần cập nhật, mở rộng kiến thức thông qua kênh này.
Ngoài ra cần phải nâng cao chất lượng, trình độ môn Piano. Người chỉ huy nhất thiết phải biết chơi Piano đạt trình độ cao. Yêu cầu có thể có kỹ năng đánh Piano thu gọn từ trên tổng phổ. Theo số liệu khảo sát các sinh viên ngành này thì chỉ có khoảng 38% có ý kiến cho rằng chương tình đã đạt được yêu cầu rất đầy đủ và đầy đủ. Còn lại 37% đánh giá là bình thường và 25% đánh giá là không đầy đủ (6).
Về Thực hành học và biểu diễn
Đặc biệt việc thực hành chỉ huy hiện nay là một điều rất khó khăn mặc dù trong chương trình có giờ thực hành. Tình trạng không có dàn hợp xướng để có thể là chỗ cho sinh viên được thực tập dàn dựng và biểu diễn là điều đáng lo ngại. Các sinh viên ra trường thường ít có những kinh nghiệm thực tế về điều hành và biểu diễn với dàn nhạc nên gây nhiều khó khăn. Hiện nay theo đánh giá thì có tới 67% sinh viên chưa bao giờ được thực tập với dàn hợp xướng, chỉ 11% sinh viên là thường xuyên được chỉ huy dàn hợp xướng (7).
Một biện pháp cần được chú ý đề có thể phần nào bổ sung về điều kiện thực hành nghề nghiệp như đi dự các chương trình hòa nhạc. Đây là phương pháp học trực quan mà sinh viên trên thế giới rất coi trọng, đặc biệt trong các ngành âm nhạc. Phương pháp này một mặt sinh viên sẽ được trực tiếp theo dõi trên sân khấu những hoạt động thực tế của người chỉ huy và hiệu quả các hoạt động này đối với dàn hợp xướng, âm thanh… Mặt khác, sinh viên được mở rộng kiến thức của mình về các tác phẩm chưa có trong chương trình đào tạo, mở rộng tầm nhìn về phong cách biểu diễn, các xử lý tác phẩm cũng như là cá tính của từng người chỉ huy… Qua các bài thực tế này, sinh viên khi bắt đầu thực hành với dàn hợp xướng sẽ có những bước chuẩn bị tâm lý tốt để có thể đảm bảo vị trí chỉ huy trước dàn hợp xướng.
Đào tạo một số kỹ năng cần thiết của người chỉ huy
Song song với việc người chỉ huy phải có kiến thức chuyên môn cao thì cử chỉ, ngữ điệu, thần thái, phong cách điều hành… là những phương tiện quan trọng giúp người chỉ huy có thể truyền đạt được hết các ý tưởng nghệ thuật của mình đến với thành viên của dàn hợp xướng. Ngoài ra, cần nắm vững kỹ năng tổ chức chương trình, cách cấu trúc chương trình và danh mục các tác phẩm phù hợp với mục tiêu phục vụ của chương trình để đáp ứng, khẳng định trình độ chuyên môn của bản thân khi vào môi trường thực tế.
Không chỉ tập trung đào tạo về chuyên môn mà một số kỹ năng về giao tiếp, điều hành, tổ chức, làm việc nhóm cần phải được giới thiệu trong chương trình đào tạo vì người chỉ huy hợp xướng sẽ làm việc với nhiều kiểu hợp xướng, con người, trình độ diễn viên khác nhau… Theo khảo sát thì 4 kỹ năng được đánh giá cần thiết nhất là: kỹ năng lãnh đạo (33%), kỹ năng quản lý thời gian (21%); kỹ năng giao tiếp (15%); kỹ năng làm việc theo nhóm (15%) (8).
Tổ chức phong trào hát hợp xướng trong nhà trường và ngoài xã hội
Chúng tôi cho rằng việc triển khai hát hợp xướng trong các trường và ngoài xã hội là việc vô cùng quan trọng để phát triển ngành chỉ huy hợp xướng tại Việt Nam. Lực lượng học sinh các trường phổ thông là một nguồn tuyển sinh chính sau này để đào tạo chuyên nghiệp cho các chuyên ngành nghệ thuật trong đó có chuyên ngành chỉ huy hợp xướng.
Ngoài xã hội, các dàn hợp xướng có thể được thành lập ở mọi lứa tuổi, giới tính, trong các tổ chức xã hội từ trung ương tới địa phương. Các dàn hợp xướng này có thể được pha trộn các lứa tuổi khác nhau và hướng biểu diễn mang tính giải trí để thu hút được đông đảo các thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, hát hợp xướng không tốn kinh phí về trang thiết bị, dễ học, dễ biểu diễn tại nhiều dạng sân khấu, trong nhiều các hoạt động mang tính cộng đồng khác nhau vì vậy rất thích hợp để triển khai rộng rãi. Trong một số các trường, các đoàn thể, trung âm nghệ thuật đã có tổ chức các dàn hợp xướng nhưng chưa có mục đích hoạt động rõ ràng, chưa có những cuộc thi và các biện pháp khác để phát huy hiệu quả của hát hợp xướng tại các cơ sở đào tạo này do có nhiều hạn chế về kinh phí, thời gian tập luyện, trình độ người hướng dẫn…
Để có thể tạo được phong trào hợp xướng cần phải có những định hướng của các cấp chính quyền và đặc biệt vai trò cá nhân của người chỉ huy dàn hợp xướng.
Với một những phân tích trên chúng ta có thể thấy rằng, trong đào tạo, một số góc độ chuyên môn chưa được chú trọng. Đặc biệt là các kỹ năng gắn với thành nhạc hợp xướng và phần Piano. Bên cạnh sự phân bổ một số môn học cơ sở ngành cần được xem lại. Chưa kể khối kiến thức Đại cương còn có nhiều điểm cần phải điều chỉnh để có thể bớt thời gian ở khối Đại cương và tăng cường cho các giờ học khác.
Ngoài ra, Nhà nước cần có các chính sách tạo điều kiện để tổ chức các cuộc thi, liên hoan quốc tế, tổ chức sáng tác các tác phẩm hợp xướng, tập trung kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các điều kiện cho sinh viên được thực tập cho các cơ sở đào tạo là những điều kiện không thể thiếu được và trực tiếp đóng góp vào việc phát triển đào tạo ngành chỉ huy hợp xướng tại Việt Nam.
________________
1. H. Berlioz (1803-1869), là nhà soạn nhạc lãng mạn thiên tài của Pháp, người sáng lập thể loại giao hưởng có tiêu đề, người cách tân trong lĩnh vực hình thức âm nhạc, hòa âm, phối khí, đồng thời là một nhạc trưởng kiệt xuất.
2. Nguyễn Thị Nhung, Âm nhạc thính phòng – giao hưởng Việt Nam – Sự hình thành và phát triển – Tác phẩm và tác giả, 2001, Viện Âm nhạc, Hà Nội, tr.48 – 51.
3. Yêu cầu tuyển sinh được đăng trên các Website tuyển sinh của các Học viện, Nhạc viện…
4, 6, 7, 8. Đề tài NCKH cấp Bộ “Phát triển ngành chỉ huy âm nhạc tại Việt Nam”, Nhiều tác giả, 2019.
5. Hiện nay, chỉ có chuyên ngành chỉ huy giao hưởng và chỉ huy hợp xướng.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Bách, Tiến Dũng và Dàn nhạc CTM, Tạp chí Âm nhạc Việt Nam Panorama, số 30, tháng 7-2013.
2. Nguyễn Bách, Phát triển một số loại hình hợp xướng mới tại TP. Hồ Chí Minh, Thông báo khoa học số 40, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội tháng 9-12-2013, tr.114 – 120.
3. John Cook, Technique for choirs – Kỹ thuật cho hợp xướng, Đại học hoàng gia Canada, Toronto Canada, 1960.
4. Lê Vinh Hưng – chủ nhiệm đề tài, Hệ thống phương pháp dạy và học hát hợp xướng hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010.
5. Nhiều tác giả, The chorus impact study – Nghiên cứu tác động của hợp xướng, Chorus America, Washington D.C., USA, 2006.
6. Trương Ngọc Thắng, Quá trình hình thành và phát triển ca hát chuyên nghiệp Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội, 2007.
Tác giả: Tạ Quang Đông
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn