Đào tạo nghệ sĩ tại nhà hát chèo việt nam


Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Chèo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy những tinh hoa độc đáo của nền sân khấu Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Riêng trong công tác đào tạo các nghệ sĩ chèo (những người trực tiếp lưu giữ, chuyển tải vốn chèo cổ, biểu diễn trình bày trên sân khấu những tinh hoa truyền thống và các vai diễn chèo hiện đại), Nhà hát Chèo Việt Nam đã có những thành công lớn và khẳng định tính ưu việt của một phương thức đào tạo nghệ sĩ có sự liên kết giữa nhà hát với nhà trường.

Phương thức đào tạo truyền thống của các gánh chèo xưa là đào tạo tại chỗ. Các nghệ nhân truyền nghề cho con em trong gánh hát của mình bắt chước, từ những lớp đồng ấu, rồi các học trò nhỏ trưởng thành qua việc tham gia biểu diễn từ vai phụ tới vai chính, tiến tới sự thành thục các ngón nghề. Đến tuổi trung niên hoặc khi về già, họ lại trở thành lớp nghệ nhân dân gian mới, có thể truyền dạy nghề tổ cho các thế hệ trẻ.

Sau khi được thành lập, Đoàn Chèo Trung ương (tức Nhà hát Chèo Việt Nam ngày nay) đã tổ chức đào tạo nghề cho các diễn viên trẻ ngay tại đoàn với sự truyền dạy tận tình của các nghệ nhân chèo nổi tiếng như các cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Dịu Hương, Minh Lý, Nguyễn Mầm, Kiều Trọng Đóa… Một thế hệ nghệ sĩ chèo có tài năng xuất sắc đã được đào tạo thành công, trở thành nòng cốt cho sân khấu chèo cách mạng như Bùi Trọng Đang, Chu Văn Thức, Bạch Tuyết, Diễm Lộc, Mạnh Tuấn… Các nghệ nhân bậc thày và các học trò xuất sắc ấy đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Tiếp đến là các lớp học sinh được đào tạo nghề chèo với sự kết hợp của Nhà hát Chèo Trung ương với Trường Sân khấu Việt Nam, rồi Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Thành quả đào tạo theo phương thức kết hợp này đã cho “trình làng” thế hệ các nghệ sĩ Mạnh Phóng, Đức Nghiêu, Vũ Ngọc, Thanh Huyền, Huyền Thanh… Rồi tiếp đến là Bùi Đắc Sừ, Thanh Hoài, Thanh Bình cùng một số nghệ sĩ có tài năng khác. Hầu hết trong số họ đã trở thành NSND, NSƯT. Các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau lại tiếp nối thế hệ Bùi Trọng Đang, Chu Văn Thức, Diễm Lộc đảm nhiệm các vai diễn trong các vở chèo cổ được bảo tồn cùng các vai diễn trong các vở chèo hiện đại của Nhà hát Chèo Việt Nam. Đồng thời họ lại tiếp nối các đàn anh đàn chị trong việc truyền nghề và xây dựng vở diễn cho các đoàn chèo, nhà hát chèo địa phương trong mấy thập kỷ cuối TK XX và hiện nay.


 Một vai diễn của thế hệ trẻ Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh Phạm Lự  

Thế hệ nghệ sĩ đang giữ vai trò quan trọng ở Nhà hát Chèo Việt Nam hiện tại, là cán bộ lãnh đạo đơn vị, cán bộ chuyên môn chủ chốt như NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát; đạo diễn Nguyễn Ngọc Kình, Phó giám đốc Nhà hát; NSƯT Đoàn Vinh, Trưởng phòng nghệ thuật; đạo diễn Chu Tuấn Nghĩa… chính là thành quả đào tạo giữa Nhà hát với Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội những năm 80. Gần đây nhất, hai lớp chèo đào tạo tại Nhà hát kết hợp với Nhà trường cũng đã cho “ra mắt” một số nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng, có em đã giành được Huy chương Vàng tại Hội diễn, cuộc thi sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2011, 2013.

Phương thức đào tạo nghệ sĩ phối hợp giữa nhà trường với nhà hát tốt hơn đào tạo tại trường hoặc đào tạo riêng tại Nhà hát bởi vì: Nếu chỉ riêng nhà hát tổ chức đào tạo thì sau khi học nghề, các nghệ sĩ trẻ không có bằng cấp chứng chỉ, khó xếp vào ngạch bậc để đưa vào biên chế nhà nước và xếp lương. Còn đào tạo tại trường riêng thì sinh viên, diễn viên chỉ được trang bị vốn kiến thức về nghề là chính, không có điều kiện học hỏi thêm ở các nghệ sĩ giỏi nghề lớp trước, khi ra trường còn rất bỡ ngỡ, không thể hòa nhập ngay. Đào tạo với phương thức kết hợp giữa nhà trường và nhà hát còn tạo môi trường hành nghề sớm cho nghệ sĩ trẻ. Họ còn được bắt tay, bắt chân khi được truyền nghề, không chỉ học nghề trên lý thuyết và qua mấy vai mẫu được học với số giờ học rất ít ỏi, chưa đủ để tiếp thu các ngón nghề.

Được đào tạo tại Nhà hát Chèo Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ còn mau chóng trở thành một nghệ sĩ chèo thực thụ bởi họ sống trong môi trường nghệ thuật của chèo truyền thống, được đóng vai trong các vở chèo cổ hoặc các vở chèo mới kế thừa chèo cổ. Khác với diễn viên học ở trường rồi về một đơn vị chuyên diễn kịch cắm hát, được uốn nắn thành diễn viên kịch biết hát chèo. Họ hát chèo chuyên nghiệp và diễn kịch nghiệp dư. Họ chỉ là những diễn viên đang học diễn kịch và biết hát chèo mà thôi.

Thành tựu của Nhà hát Chèo trong công tác đào tạo đã minh chứng cho tính ưu việt của phương thức kết hợp giữa nhà trường với nhà hát, vừa truyền thụ tri thức khoa học về sân khấu, về nghề diễn chèo, vừa được truyền nghề trực tiếp theo cách đào tạo của các nghệ nhân dân gian, để có được những nghệ sĩ chèo thực thụ, khả dĩ có thể đạt tới sáu chữ thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TRẦN ĐÌNH NGÔN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *