Đào tạo tài năng nghệ thuật ở việt nam hiện nay


        Để đào tạo cùng một lúc hàng trăm, hàng nghìn kỹ sư, bác sĩ, thợ lành nghề thì chỉ cần 4 – 5 năm, nhưng để có được một tài năng nghệ thuật thì cần hàng chục năm, vài chục năm, mà có khi vẫn không thể thành tài với đúng nghĩa của nó. Nói như vậy để thấy những người được gọi là tài năng nghệ thuật là số ít, là hiếm hoi, tài năng nghệ thuật trước hết phải có tư chất bẩm sinh, và để phát triển cần có các điều kiện và môi trường thuận lợi.

1. Tài năng nghệ thuật – nhân tố đặc thù

Nói đến tài năng nghệ thuật là nói đến yếu tố con người, mà những con người này không hoàn toàn giống đại đa số lực lượng lao động của các ngành nghề khác trong xã hội. Họ học tập, rèn luyện, làm việc trong một môi trường khá khác biệt, đó là môi trường nghệ thuật, nơi mà sự sáng tạo và năng lực cá nhân cần có sự quan tâm đặc biệt.

Không thể nói về “tài năng nghệ thuật” một cách chung chung, mà cần chỉ ra cụ thể các tài năng thuộc các lĩnh vực nghệ thuật nào? Đó là các mầm non nghệ thuật và các nghệ sĩ thuộc ngành nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, hội họa (như nghệ sĩ sân khấu kịch, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ, họa sĩ,…) và các nghệ nhân dân gian.

Phát triển tài năng nghệ thuật là cả một quá trình, bao gồm nhiều công đoạn, từ khi phát hiện tài năng, đào tạo, nuôi dưỡng, kích thích phát huy và tạo điều kiện để tài năng cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Phát triển tài năng nghệ thuật là một công việc đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt, nhiều công phu và thời gian hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Chính sách phát triển tài năng nghệ thuật nằm trong, và là một phần của chính sách văn hóa nói chung của Đảng và nhà nước Việt Nam.

Để bàn về chính sách của nhà nước nhằm phát triển tài năng nghệ thuật, cần xem xét vấn đề trên hai phương diện cơ bản, đó là: Chính sách đào tạo tài năng nghệ thuật; chính sách đối với nghệ nhân, nghệ sĩ.

2. Khái quát chính sách đào tạo tài năng nghệ thuật trong công cuộc đổi mới đất nước

Chú trọng phát triển văn hóa nghệ thuật

Do đặc điểm lịch sử, đất nước ta liên trục trải qua mấy cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, một thời kỳ rất dài văn hóa nghệ thuật vốn được xem là “vũ khí” đấu tranh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cho đến khi đất nước thống nhất, văn hóa nghệ thuật vẫn được xem là lĩnh vực tinh thần đơn thuần, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Trong bối cảnh như thế, sự quan tâm hoặc ưu tiên phát triển đối với ngành văn hóa nói chung, các nghệ sĩ nói riêng, còn rất hạn chế và ít ỏi.

Đại hội VI của Đảng năm 1986 mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước chủ trương lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, nhưng phải thống nhất với phát triển xã hội, thúc đẩy sự phát triển văn hóa lên một tầm cao mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển con người bền vững. Vai trò của văn hóa nghệ thuật được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Từ khi tiến hành chính sách đổi mới, đặc biệt là từ 1996 đến nay, ngành văn hóa thông tin đã luôn quan tâm tới sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật cho đất nước và đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Chính sách đào tạo cho ngành văn hóa nghệ thuật trong nước

Hiện nay, cả nước đang có một hệ thống trường văn hóa nghệ thuật với đầy đủ các cấp đào tạo và có mặt ở khắp các vùng miền, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, chăm sóc tài năng nghệ thuật và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân.

Từ năm 1996 đến nay, sự nghiệp đào tạo văn hóa nghệ thuật đã có bước trưởng thành to lớn. Tất cả các trường đại học đều được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, riêng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đào tạo nghiên cứu sinh âm nhạc. Quy mô đào tạo của các trường không ngừng được mở rộng ở các cấp học, ngành học; cơ cấu ngành cũng có sự thay đổi đáng kể; hình thức được đa dạng hóa. Nhiều trường đã đổi mới nội dung, cải tiến chương trình, giáo trình giảng dạy, mở rộng việc đào tạo tại chức tại các địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Để có được quy mô này, ngoài việc tự nguyện tham gia đào tạo từ phía người học, các trường VHNT đã chủ động tạo nguồn bằng cách mở các lớp bồi dưỡng tạo nguồn và đi tới những vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn để tổ chức tuyển sinh, lựa chọn những người có đủ điều kiện để đào tạo. Ngoài ra, các trường còn chủ động mở ra những ngành nghề đào tạo mới mà xã hội đang cần, đa dạng hóa loại hình, nâng cấp đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Việc mở rộng và tăng quy mô đào tạo giáo viên nhạc, họa cũng góp phần vào việc mở rộng đào tạo trong các trường VHNT, giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên nhạc, họa trong các trường tiểu học hiện nay.

Song song với việc mở rộng quy mô đào tạo, các trường thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều biện pháp như nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, chỉnh lý bổ sung và đổi mới chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy phù hợp với từng ngành học, cấp học, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ học tập,…

Chất lượng đào tạo trong những năm qua đã được nâng lên một bước. Việc đào tạo và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật cũng được các trường VHNT quan tâm, đặc biệt là các trường ở trung ương, và đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Nhiều học sinh của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Đại học Mỹ thuật Việt Nam… đã tham gia nhiều cuộc thi quốc tế và đã đoạt được những giải cao như Bùi Công Duy, Nguyễn Nguyệt Thu, Nguyễn Hoàng Phương, Hoàng Linh Chi, Nguyễn Thục Hiền, Tăng Thành Nam (âm nhạc), Vũ Vân Long (mỹ thuật)…

Tăng cường đội ngũ cán b, ging viên là mt nhu cu cp thiết. Để xây dựng và hoàn thiện đội ngũ giảng viên, Bộ VHTTDL đã khảo sát toàn diện, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay về số lượng và chất lượng, xây dựng quy hoạch đội ngũ, đề ra các giải pháp thực hiện và chỉ đạo các trường VHNT tập trung giải quyết vấn đề này.

Về mặt số lượng, Bộ đã bổ sung số biên chế giảng viên bị thiếu hụt và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng ở các cơ quan nhà nước, các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các nhà giáo đã nghỉ hưu…

Về mặt chất lượng, Bộ đã lên kế hoạch tăng cường việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, trình độ sư phạm cho đội ngũ giảng viên hiện có, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về trình độ sư phạm chuyên ngành cho giảng viên các trường VHNT trực thuộc Bộ và tỉnh, thành phố, để tiến tới tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức các lớp tập huấn theo từng chuyên ngành tạo điều kiện cho giảng viên các trường có điều kiện cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng nghệ thuật.

Đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm qua, ngành đã có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; triển khai xây dựng lại khu liên hợp đào tạo văn hóa nghệ thuật Mai Dịch với các ngành nghệ thuật múa, sân khấu điện ảnh, xiếc, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa thông tin, với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng; xây dựng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với quy mô lớn và hiện đại; sửa sang, xây dựng ký túc xá cho sinh viên các trường, xây dựng thêm nhiều phòng học, cung cấp nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập.

Để đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao, Bộ có kế hoạch gửi những cán bộ và sinh viên giỏi đi tu nghiệp ở nước ngoài về các ngành nghệ thuật như âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, xiếc bằng nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn kinh phí khác và kinh phí tự túc của cá nhân. Con số đào tạo ở nước ngoài trong những năm qua tuy không nhiều, nhưng đã góp phần vào việc bổ sung đội ngũ giảng viên giỏi cho các trường, nhất là các trường trực thuộc Bộ.

Do chi phí đào tạo ở nước ngoài rất cao nên ngành đã thực hiện việc khuyến khích cán bộ và học sinh, sinh viên văn hóa nghệ thuật đi học ở nước ngoài bằng con đường tự túc có hỗ trợ một phần kinh phí hoặc bằng các nguồn tài trợ khác. Vì vậy, mặc dù trong nhiều năm qua, việc gửi học sinh đi đào tạo ở nước ngoài bằng con đường hiệp định song phương bị gián đoạn, nhưng đã có nhiều người đi tu nghiệp ở nước ngoài bằng con đường tự túc và đã trở về nước công tác trong các cơ quan văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo, có người đang học tập ở nước ngoài, nhưng đã đoạt được các giải cao trong các kỳ thi nghệ thuật quốc tế, mang lại vinh quang cho tổ quốc.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật là một yêu cầu bức thiết. Bộ khuyến khích các trường VHNT trực thuộc Bộ chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác khác nhau để thu hút các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy và gửi người đi tu nghiệp bằng nguồn tài trợ của các đối tác. Hình thức này đã được các trường đào tạo VHNT trực thuộc Bộ thực hiện có hiệu quả.

3. Những hạn chế trong việc phát triển tài năng nghệ thuật

Trong những năm qua, công tác đào tạo tài năng nghệ thuật của ngành đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thay đổi bước đầu, có tính chất tình thế, chứ chưa phải là những thay đổi căn bản và sâu sắc, nhất là ở hai khâu quan trọng, có tác dụng trực tiếp và quyết định, đó là đội ngũ giáo viên chương trình giảng dạy. Đây đang là các khâu yếu hơn cả, cần có những bước thay đổi căn bản.

Từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở của, tăng cường hội nhập quốc tế, văn hóa nghệ thuật có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, giới thiệu với bạn bè quốc tế những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh nhiều khó khăn khiến cho việc hợp tác quốc tế về văn hóa bị hạn chế. Một vấn đề khá phổ biến là có nhiều cuộc thi quốc tế mà các nghệ sĩ Việt Nam không thể tham dự chỉ vì không có kinh phí cho hoạt động này. Điều đáng nói là đã hơn hai mươi năm qua, về lĩnh vực này, chính sách của nhà nước chưa có gì thay đổi mới mẻ hơn.

Đối với các nghệ sĩ đang hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, từ 1984 nhà nước vẫn thực hiện quy chế bình chọn chức danh Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú. Về các tiêu chuẩn, quy định bầu chọn và chế độ đi kèm cũng cần có nhiều điều cần phải bổ sung, hoàn chỉnh để đảm bảo sự công bằng và khích lệ nghệ sĩ sáng tạo, tăng lòng yêu nghề hơn.

Nói đến tài năng nghệ thuật, không thể không nói đến các nghệ nhân dân gian đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở các địa phương. Nhiều thế hệ nghệ nhân hát dân ca quan họ, chầu văn, ca trù, xẩm, tuồng, chèo ngày càng già đi, nhiều người đã qua đời, mang theo các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian quý giá, mà khi còn sống họ chưa thể lưu truyền lại cho ai. Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương ít có sự quan tâm thỏa đáng đến việc chăm sóc, phát triển và khai thác các nghệ nhân này. Có lẽ việc làm có ý nghĩa nhất hiện nay thể hiện sự quan tâm đến các nghệ nhân dân gian là Hội Văn nghệ dân gian vài năm một lần tổ chức phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cho các nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nghề truyền thống… Cùng với danh hiệu này các nghệ nhân nhận được một khoản tiền trợ cấp ít ỏi. Còn về mặt quản lý nhà nước thì cho đến nay chưa có một chính sách nào dành cho các nghệ nhân dân gian.

Trong khi đó, đã từ khá lâu rồi, nhiều nước trên thế giới đã có các chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân dân gian rất rõ ràng. Từ những năm 70 của TK XX, UNESCO đã phát động các quốc gia thực hiện nhiệm vụ thiết lập “hệ thống báu vật sống” nhằm bảo vệ và phát huy sáng tạo của các nghệ nhân dân gian. Phong trào này được khởi xướng từ nước Pháp, rồi đến các nước châu Âu khác… Ở châu Á cũng có một số nước thực hiện chủ trương này như Philippines, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó Hàn Quốc là nước có nhiều sáng kiến trong việc chăm sóc và khai thác nghệ nhân. Chính phủ Hàn Quốc thống kê, phân loại, phân cấp các nghệ nhân dân gian để có chính sách ưu đãi phù hợp: những nghệ nhân tài giỏi nhất được cấp lương hàng tháng, một số nghệ nhân ở bậc thấp hơn thì được nhận trợ cấp, còn một số khác thì được hưởng các quyền lợi tùy theo sản phẩm mà họ làm ra…Tại Seoul có một quỹ khá lớn, là nơi quần tụ các nghệ nhân dân gian từ các miền quê. Họ sinh sống và làm công việc sáng tạo ngay tại quỹ này, sản phẩm của họ là các mặt hàng thủ công như thêu, đan, chạm khắc gỗ, đồ trang sức,… nghệ nhân được hưởng một phần từ số tiền bán sản phẩm. Quỹ này còn có một nhà hát, là nơi để các nghệ sĩ đến biểu diễn các tiết mục nghệ thuật dân gian; khán giả đến xem không phải mua vé, thậm chí sau mỗi buổi diễn còn được lên sân khấu trò chuyện với nghệ sĩ, trẻ em được tự do khám phá các dụng cụ biểu diễn, thậm chí các em có thể thử biểu diễn với các đạo cụ đó luôn, nếu muốn… Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần tham khảo và học tập kinh nghiệm của các nước để có thể làm được những việc tương tự.

Việt Nam là một nước có nền nghệ thuật truyền thống dân gian cũng như bác học rất phong phú, có nhiều nghề thủ công đáng quý. Vì thế, việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là điều vô cùng cần thiết.

Sự chậm trễ trong việc có một chính sách cụ thể đối với các nghệ nhân và các tài năng nghệ thuật trẻ là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một hay mất đi vĩnh viễn, nhiều nghệ sĩ mất dần lòng yêu nghề, giảm sức sáng tạo, nhiều tài năng trẻ được đào tạo ở nước ngoài đã không trở về nước phục vụ…

       Để có thể thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để ngành văn hóa có thể góp phần thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của đất nước ở TK XXI, thì vấn đề chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực là tối quan trọng. Một trong những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay là có chính sách, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự sáng tạo đối với các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ chuyên nghiệp, đồng thời phát huy chính sách xã hội hóa, khuyến khích của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo trợ phát triển tài năng nghệ thuật cho đất nước.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Lê Thị Hoài Phương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *