Dấu ấn của phụ nữ miền bắc trong kháng chiến chống mỹ

Trong những năm 1964 – 1968, cùng với việc thay đổi từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương cho tiền tuyền, cũng như cách mạng Lào, Campuchia. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ các cấp, phụ nữ miền Bắc, cùng với việc đẩy mạnh mạnh lao động sản xuất, xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến đã thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam bước sang một giai đoạn mới.

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, hạn chế những tổn thất, cứu nguy cho cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tiến công mũi tên xuyên, dùng 64 chiếc máy bay đánh phá ồ ạt các khu vực sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội (thành phố Vinh), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh)… bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đối với miền Bắc. Tuy nhiên, bằng tinh thần cảnh giác cao độ, sự chuẩn bị chu đáo từ trước, lực lượng phòng không của ta đã giáng trả kịp thời, mãnh liệt, bắn rơi 8 máy bay phản lực, bắn bị thương 2 chiếc khác, diệt, bắt giặc lái Mỹ. Đây là chiến công đánh thắng trận đầu của quân dân miền Bắc trong cuộc đọ sức với lực lượng không quân, hải quân hùng hậu của nước Mỹ.

Theo dõi sát toàn bộ diễn biến của tình hình liên quan, Hồ Chí Minh đã ký lệnh tổng động viên cục bộ vào ngày 5-5-1965, Trung ương Đảng kêu gọi cả nước một lòng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ các cấp, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phụ nữ miền Bắc đã nêu cao truyền thống đấu tranh cách mạng, tích cực chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương.

Trong những con người tiêu biểu đó có Trần Thị Lý. Trận chiến đấu ngày 7-2-1965, mặc dù máy bay địch bắn phá dữ dội thị xã Đồng Hới, Quảng Bình, chị đã dũng cảm chạy bộ nhiều lần dưới bom đạn để truyền đạt mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, giữ vững liên lạc giữa ban chỉ huy xã đội với các trung đội dân quân. Khi được bố trí bên kia sông Nhật Lệ, chị xung phong vác một hòm đạn, chở đò vượt sông tiếp tế cho bộ đội kịp thời. Tiếp đó, trong trận đánh ngày 4-4-1965, khi chị vừa nổ súng tấn công thì bom đạn địch nổ gần công sự, đất cát lấp nửa người. Sau khi được đồng đội kéo lên, chị lại tiếp tục giương súng bắn máy bay địch. Sau trận chiến đấu, phát hiện một hầm của nhân dân bị sập, dù rất mệt nhưng chị vẫn xung phong cùng một số dân quân lao vào đào bới, cứu sống 5 người dân bị ngạt.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, Ngô Thị Tuyển phục vụ chiến đấu bảo vệ khu vực Nam Ngạn – Hàm Rồng. Ngày 30-4-1965, địch cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá dữ dội, phòng không nhân dân đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Khi thực hiện xong nhiệm vụ, chị gặp tàu hải quân đậu giữa sông, bộ đội hải quân yêu cầu dân quân giúp đỡ chuyển vỏ đạn lên bờ, tiếp tế đạn xuống tàu, chuẩn bị cho đợt chiến đấu mới. Trong hoàn cảnh đó, chị đã xung phong lội xuống sông, bơi ra tàu làm nhiệm vụ, cho dù máy bay địch đang bắn phá dữ dội. Chuyển xong đạn chị lại cùng tổ dân quân gánh cơm, gánh nước phục vụ anh em bộ đội, xin ở lại trên tàu lau đạn, giúp bộ đội chiến đấu.

Ngày 28-7-1965, tổ tự vệ công trường 12A Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình, do tổ trưởng Nguyễn Thị Thu chỉ huy, 3 người, 3 khẩu súng, 6 viên đạn đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc A40 của Mỹ khi chúng đánh phá.

Cùng với tự vệ Quảng Bình, ở khắp nơi trên miền Bắc, nhiều nữ du kích đã phát huy tinh thần quyết thắng trong đánh địch. Tiêu biểu như Bùi Thị Vân, 17 tuổi, trong phân đội súng trường xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, ngày 5-11-1965, khi đang trực chiến ở đầu cầu phao Cổ Pháp thì có lệnh báo động, chị nhanh chóng cùng đồng đội ra chiến đấu. Khi đó, dưới công sự có một con rắn. Vừa lúc đó nhiều tốp máy bay Mỹ ào tới nhả đạn xuống cầu Lai Vu, ném bom hủy diệt xóm làng. Không bỏ lỡ cơ hội diệt địch, chị đã nhảy xuống công sự giương súng bắn máy bay địch.

Tháng 12-1965, địch phá sập cầu Bo ở Thái Bình, sau 6 giờ, quân dân Thái Bình đã thông xe bằng phà, sau 4 ngày đã có cầu treo để đi lại. Trong khi đó ở Thanh Hóa, đường quốc lộ 1A bị uy hiếp, đánh phá liên tục, đường sắt bị bế tắc thường xuyên, tàu lớn vượt biển hầu như không thể phát huy được tác dụng, trong khi khối lượng hàng cần chuyển vào mặt trận rất lớn. Đáp ứng yêu cầu của chống chiến tranh phá hoại, ngành giao thông vận tải Thanh Hóa đã cho ra đời đội quân vận tải thuyền nan với hơn 3000 cán bộ, chiến sĩ, phần lớn là nữ từ khắp các vùng trong tỉnh tập hợp về, thành lập công ty vận tải thuyền nan chống Mỹ. Cùng lúc, mở công trường đan thuyền nan gồm 1.600 dân công khai thác vật liệu, sản xuất thường xuyên 2.500 chiếc thuyền. Lực lượng nòng cốt này cùng với hàng ngàn chiếc thuyền nan sẵn có, trọng tải mỗi chiếc từ 2 – 4 tấn hối hả lướt trên các dòng sông Mã, sông Hoàng, sông Yên, theo kênh đào nhà Lê tìm vào phía Nam, chi viện chiến trường, phục vụ chiến đấu.

Nhìn chung, trong năm 1965, phong trào chiến đấu, phục vụ chiến đấu của phụ nữ miền Bắc diễn ra sôi nổi. Bất kỳ nơi đâu có chiến sự xảy ra, chị em cũng tích cực tham gia vào công tác tải thương, cứu thương, tiếp tế lương thực, bảo vệ trẻ em, bảo vệ trật tự an ninh, thăm hỏi, săn sóc anh em thương binh, bệnh binh, các gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ, có tác dụng cổ vũ chiến đấu rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận.

Ngoài những thành tích trên, đã có hàng nghìn, hàng vạn nữ thanh niên đăng ký làm quân tình nguyện phục vụ công tác đảm bảo giao thông vận tải. Cùng với trên 7 vạn chị em nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường Bắc – Trung – Nam, chị em phụ nữ trong lực lượng vũ trang đã không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm bám mặt đường, tham gia san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, phá đá, nổ mìn. Có đơn vị như đại đội 5, hầu hết là nữ, được giao nhiệm vụ trấn giữ trọng điểm quan trọng nhất, địch đánh phá ác liệt nhất là cua chữ A trên tuyến đường Quyết Thắng. Tần suất đánh phá ác liệt, ban chỉ huy đội thanh niên xung phong quyết định rút C5 ra khỏi trọng điểm, nhưng không ai chịu rời vị trí.

Sang năm 1966, phụ nữ Cao Bằng đã có hơn 3.000 chị em tham gia dân quân tự vệ, thành lập 187 tổ phụ nữ phục vụ chiến đấu trong các xã trọng điểm. Ở Bắc Giang, trong năm 1966, nhiều đơn vị nữ dân quân tự vệ vừa tích cực phục vụ chiến đấu vừa tranh thủ luyện tập đảm bảo đủ khả năng trực tiếp tham gia chiến đấu. Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu gan dạ, trình độ tiếp thu kỹ thuật, chiến thuật quân sự, tài chỉ huy của lực lượng dân quân tự vệ Bắc Giang là trung đội nữ dân quân Nam Hồng. Trung đội gồm 72 người, đã thường xuyên hợp đồng với 5 đơn vị pháo cao xạ, tham gia chiến đấu 125 trận, trong đó có 2 trận bắn máy bay Mỹ. Phát huy tinh thần đó, trong năm 1967, phụ nữ miền Bắc tiếp tục lập nhiều chiến công. Kịp thời biểu dương thành tích của phụ nữ miền Bắc, Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi nhiều địa phương, đơn vị.

Nhằm đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch trên chiến trường, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, tháng 1 – 1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp Hội nghị lần thứ 14, thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, nêu rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, đạt tới mục tiêu chiến lược mà Đảng ta đã đề ra” (1). Trên tinh thần đó, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, bí mật, đúng giao thừa tết Mậu Thân (30-1-1968), quân dân miền Nam đã đồng loạt tiến công, nổi dậy ở Sài Gòn – Gia Định, ở 36/44 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ, đánh phá nhiều sở chỉ huy đầu não quan trọng của Mỹ, chính quyền Sài Gòn. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã hỗ trợ đắc lực cho nhân dân nổi dậy diệt ác trừ gian, phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ nhiều vùng nông thôn rộng lớn.

Đáp ứng yêu cầu cuộc Tổng tiến công, nổi dậy tết Mậu Thân, vào ngày 30-1-1968, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 205 họp bất thường, ra nghị quyết lãnh đạo đơn vị, đảm bảo thông tin cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy cuộc tổng tiến công, nổi dậy hàng loạt ở khắp miền Nam, trong đó tập trung chỉ đạo Đại đội 5, Tiểu đoàn 77 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, đặc biệt là đối với chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ đến Thừa Thiên Huế. Trong đợt 1 của cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân, khi tổ đài T130 đang khẩn trương chuyển nhiều bức điện tối khẩn quan trọng thì đột nhiên mất liên lạc, các ca trực thay nhau bắt liên lạc. Sau hơn 6 giờ kiên trì tìm kiếm tín hiệu quen thuộc, Vương Thị Ngọc đã bắt liên lạc với đơn vị thọc sâu quan trọng của chiến dịch, chuyển kịp thời bức điện của Bộ Quốc phòng.

Phát huy tinh thần của tết Mậu Thân, chị em phụ nữ miền Bắc lại tiếp tục chiến đấu, phục vụ chiến đấu có hiệu quả. Nổi bật là đội nữ dân quân xã Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ngày 7-3-1968 làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển địa phương, đội đã bắn cháy một tàu chiến Mỹ xâm phạm chủ quyền quốc gia trên địa phận; tiếp đó, ngày 27-3-1968, tàu chiến Mỹ lại tiếp tục xâm phạm, bắn phá vùng biển quê hương, đội kịp thời nổ súng bắn cháy 1 tàu chiến.

Từ tháng 4-1968 trở đi, đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom hạn chế, đánh phá ác liệt từ vĩ tuyến 20 trở vào vĩ tuyến 17, gây tổn thất to lớn. Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) trở thành trọng điểm hiểm yếu nhất trên tuyến vận tải Bắc Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đế quốc Mỹ đã ném xuống đây 42.990 quả bom các loại, bình quân mỗi tháng địch đánh 25 ngày, ngày đánh cao nhất là 103 lần với 800 quả bom. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, thực hiện quyết tâm của tỉnh, Hội Phụ nữ Hà Tĩnh đã phát động chị em toàn tỉnh đưa hết khả năng tham gia bảo đảm giao thông vận tải, chi viện đắc lực cho các trọng điểm. Tập thể Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 thanh niên xung phong Hà Tỉnh do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng đã kiên cường bám trụ cứu xe, thông đường tại Ngã ba Đồng Lộc liên tục nhiều ngày, anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ vào ngày 24-7-1968. Chiến công oanh liệt đó một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ miền Bắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranhh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Trong những năm 1964-1968, phụ nữ miền Bắc đã có nhiều đóp góp to lớn trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Họ có mặt ở nhiều nơi, trong nhiều lực lượng, dân quân, du kích, thanh niên xung phong, tham gia bộ đội… Sự cống hiến, hy sinh hết mình của phụ nữ, đặc biệt là tấm gương chiến đấu hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã cho thấy sự kiên cường, dũng cảm của phụ nữ miền Bắc trong những năm chiến tranh ác liệt. Thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của phụ nữ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1964-1968) vẫn sẽ mãi là tấm gương sáng về sự dũng cảm, tinh thần bảo vệ quật cường để bảo vệ tổ quốc của phụ nữ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.50. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : HOÀNG THỊ PHƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *