Góp mặt trong văn xuôi miền núi thời kỳ này là những vấn đề mới của hiện thực và cả những vấn đề cũ mà trước đây, do vốn sống hạn hẹp cùng lối tư duy hạn chế nên văn xuôi dân tộc thiểu số còn chưa đề cập đến. Do đó, ở giai đoạn này, nội dung phản ánh của văn học dân tộc thiểu số đã được các tác giả khai thác rộng hơn. Trên nền của văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, văn chương như đang được sống trong một thời kỳ mới, thời kỳ của thông tin bùng nổ, của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ cảm hứng lịch sử – dân tộc đóng vai trò chủ đạo chuyển sang cảm hứng thế sự – đời tư hướng về cuộc sống đời thường, phức tạp, từ kiểu nhân vật trung tâm là con người mới xã hội chủ nghĩa đến con người đa diện, lưỡng diện, tự thú, sám hối… trong muôn mặt đời thường. Với những phong cách khá tiêu biểu như Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Triều Ân, Ma Trường Nguyên, Cầm Hùng, Bùi Thị Như Lan,… tiểu thuyết các dân tộc miền núi thời kỳ này đã tự khai phá một con đường rộng rãi hòa vào dòng chảy của văn học hiện đại dân tộc.
Cuộc cách mạng giải phóng đất nước có một ý nghĩa vô cùng trọng đại với cả dân tộc. Với người dân miền núi, sự kiện lịch sử này còn là một tiền đề quan trọng đưa họ “thoát thai” khỏi cuộc sống tối tăm, nghèo nàn, lạc hậu bởi sự bủa vây của những tư tưởng lạc hậu tồn tại trước đó trên khắp các bản làng. Trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao, bên cạnh những cơ hội mở ra cho đồng bào dân tộc còn có cả những thách thức đặt ra. Do đó, viết về cuộc sống đồng bào các dân tộc trong những năm sau hòa bình lập lại, các nhà văn đã đề cập đến những vấn đề cơ bản gắn liền với bức tranh hiện thực với hai gam màu sáng – tối. Trước hết là bức tranh cuộc sống tươi đẹp, ấm no của con người trong công cuộc xây dựng tương lai. Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong nông nghiệp, các hợp tác xã được thành lập, ruộng đất, trâu bò đều là của chung, nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, cuộc sống của đồng bào vùng cao từng bước khởi sắc. Vẫn là sự hào hứng của kiến thiết, dựng xây, đổi mới cuộc sống nhưng hiện thực miền núi có những sắc màu riêng, vấn đề riêng – chung làm nên chất liệu thực tế của văn xuôi. Điều này được thể hiện rõ trong những tác phẩm viết về nông thôn đổi mới (Cao nguyên trắng – Mã A Lềnh), vấn đề định canh định cư (Ké Nam – Hoàng Hạc, Huổi củ – Lò Văn Muôn), xây dựng thủy điện (Sông gọi – Hoàng Hạc, Trận mưa đầu mùa – Lò Vũ Vân), vào ra hợp tác xã (Sạn, Gánh nước cuối cùng – Nông Viết Toại)… Với bút ký Cao nguyên trắng, Mã A Lềnh đã miêu tả cuộc đời mới của nhân dân miền núi qua sự so sánh cuộc sống xưa và nay (Tản mạn trước mùa xuân). Truyện ngắn Trận mưa đầu mùa (Lò Vũ Vân) đã miêu tả quá trình thay đổi cuộc sống của nhân dân vùng Lũng Cao kể từ khi có ánh điện về làng. Ánh sáng ấy đã soi rọi tâm hồn những người già vốn cổ hủ trong suy nghĩ như ông Hân, làm xóa nhòa ranh giới giữa bản trên với bản dưới, mở ra một tương lai tươi sáng cho mảnh đất còn nghèo đói này. Sự khởi sắc của cuộc sống mới trên vùng cao được thể hiện rõ nhất qua các phiên chợ, bởi chỉ khi no đủ về vật chất thì người dân mới tìm đến những khu chợ để giao lưu, buôn bán (Người bán hàng trên Cò Mạ – Lò Văn Sỹ; Dặm ngàn rong ruổi – Triều Ân). Những phiên chợ đầy màu sắc, rộn rã âm thanh làm tăng thêm sinh sắc cho những trang văn. Đất bản quê cha (Vương Trung) được đánh giá là một đỉnh cao của văn xuôi miền núi hiện đại, bởi tác giả đã dựng lên được những tâm trạng phong phú, thậm chí có phần phức tạp của con người miền núi trước con sóng đổi mới đang tràn về các bản làng hẻo lánh. Đặc biệt, cái kết của tác phẩm không kéo người đọc chìm trong bi lụy mà lại mở ra một tương lai mới, tình yêu mới cho những đôi trai gái Thái đang tìm cách xóa bỏ hận thù giữa các dòng họ, để tìm đến với hạnh phúc thực sự.
Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, cuộc sống mới của đồng bào dân tộc cũng được đổi thay từ các nóc nhà, trên từng bản làng. Qua những cuộc vận động của Đảng, chính quyền tại các địa phương, người dân miền núi đã dần thay đổi tập quán lạc hậu và nếp nghĩ cổ hủ ngàn đời để tiếp nhận cái mới. Tiêu biểu như hình ảnh già Xanh và già Viền (Đất bằng) hăng hái tham gia buổi “mở búa, mở rìu” cùng trai tráng thanh niên trong bản. Trong Thung lũng đá rơi, cuộc sống nhộn nhịp có được từ những mỏ thiếc giàu có thu hút hàng nghìn công nhân, với sự đông vui, tấp nập của những người đến đây lập nghiệp. Tiểu thuyết Hữu hạn của Hữu Tiến đề cập đến một vấn đề ít thấy trong văn xuôi dân tộc thiểu số: vấn đề người công nhân. Đời sống của những người thợ mỏ vùng cao đầy vất vả, lo toan song cũng không kém phần sôi động. Họ vẫn luôn yêu thương nhau, cùng nhau phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của nhà máy như Hoàn, lão Khan, Nguyệt…
Bên cạnh mảng màu tươi sáng trên, vẫn còn một hiện thực nữa được mở ra. Đó là đề tài cuộc sống của con người miền núi trong giai đoạn mở cửa hội nhập của đất nước, là mặt trái của cuộc sống hiện đại đang len lỏi vào từng mái nhà, từng con người. Nhiệm vụ trọng tâm của văn xuôi lúc này trở nên đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Trong nhiều trang viết, cuộc sống của con người miền núi có sự đổi thay rõ nét, sự tù đọng trong nghèo khó, đói rét, bệnh tật đang dần được khắc phục, sự tồn tại và trói buộc của những tập tục lạc hậu cũng dần bị mờ nhạt, những quan niệm về hôn nhân, về địa vị người phụ nữ cũng có nhiều đổi mới. Những dấu ấn tích cực của đổi thay là một thực tế dù đã có phần được tô đậm trong cảm hứng ngợi ca của văn học cả nước thời kỳ này. Nhưng dần, chính văn học dân tộc miền núi, cùng với văn học cả nước đã nhận ra sự khiếm khuyết của cái nhìn hiện thực một chiều. Do vậy, nhiều vấn đề nhức nhối vẫn còn tồn tại như nạn tảo hôn, mù chữ, phá rừng, hút xách, sự xâm nhập của kinh tế thị trường… làm đổi thay suy nghĩ và lối sống của nhiều người dân bắt đầu được các nhà văn khai thác và phản ánh trong nhiều tác phẩm. Đặc biệt, cuộc sống đậm đà tình nghĩa cộng đồng vốn là truyền thống đáng tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang rạn nứt trước cuộc sống xô bồ, nhốn nháo với đủ hạng người, kẻ xấu, người tốt, kẻ giàu, người nghèo, kẻ ác, người hiền… Mảng tối ấy của cuộc sống vùng cao còn được phản ánh qua những tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan (Người ma – Hà Lý, Nắng vàng bản Dao – Triều Ân), hay sự suy đồi về đạo đức (Đàn trời – Cao Duy Sơn)… Đề tài tình yêu lứa đôi và số phận người phụ nữ cũng được các tác giả lựa chọn, đan xen với nhiều đề tài khác. Qua các tác phẩm như Người lang thang, Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Chòm ba nhà… Cao Duy Sơn dường như đã hiện đại hơn, tỉnh táo hơn khi nhận ra giữa vô vàn sóng gió cuộc đời, tình yêu lứa đôi và số phận người phụ nữ chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống. Các tiểu thuyết của Vi Hồng ra đời trong thập niên chín mươi của TK XX đã đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội miền núi trong giai đoạn mới. Đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai thế lực tốt – xấu, thiện – ác đang xâm nhập vào bức tranh hiện thực của đồng bào dân tộc như Vào hang, Người trong ống, Gã ngược đời… Địch Ngọc Lân qua tác phẩm Hoa mí rừng đã tái hiện lại thời kỳ xây dựng vùng kinh tế mới trên quê hương Yên Bình, với bao trăn trở, suy tư trước những đổi thay của xã hội hiện đại. Sáng tác của Vương Trung (Tình đời), Hữu Tiến (Hữu hạn, Người đứng trong mưa), Nông Văn Lập (Cánh cổng thiên đường)… lại cho ta thấy hiện thực đời sống vừa bình lặng, vừa đầy những xung đột của người vùng cao trong thời kì đất nước chuyển mình. Tập truyện ngắn Con thuyền lá (Cầm Hùng) đi sâu lý giải chiều sâu tâm hồn con người trong cả thời chiến và thời bình qua những truyện ngắn như Hoa vông đỏ, Sói mặt người, Má con bé Lai, Con thuyền lá… Trong đó, Sói mặt người đề cập đến sự tha hóa về nhân cách của con người trong thời kỳ mở cửa. Triều Ân cũng là nhà văn có nhiều sáng tác tái hiện lại bộ mặt xã hội miền núi trong giai đoạn mở cửa của nền kinh tế thị trường. Tiểu thuyết của ông phản ánh những biến động lớn lao trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong những năm đổi mới ở nông thôn miền núi phía Bắc. Nắng vàng bản Dao là cuộc đấu tranh giữa cũ – mới, lạc hậu – tiến bộ để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, văn minh. Đến Nơi ấy biên thùy, dường như cái ác lúc này còn đậm đặc hơn, sự rạn vỡ đạo đức của con người cũng biểu hiện rõ hơn, và cũng ở đây, lòng cao thượng vị tha cũng được hiện diện da diết hơn. Dặm ngàn rong ruổi lại nêu lên những mặt trái của cơ chế thị trường cùng những tác động mạnh mẽ của nó đến phong cách, lối sống của con người vùng cao, từ đó, tác giả gửi đến bạn đọc một chân lý: cái đẹp đích thực và sự hướng thiện chỉ có ở những con người lao động chân chính.
Như vậy, có thể thấy ở giai đoạn từ sau đổi mới, biên độ sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số đã được mở rộng một cách đáng kinh ngạc. Có được những thành quả như vậy là do sự bắt nhịp kịp thời của các nhà văn vào dòng chảy của văn học cả nước, sự đổi mới trong cách nhìn và tư duy nghệ thuật cùng tình yêu thiết tha với quê hương, làng bản. Tất cả góp phần làm nên một diện mạo hoàn chỉnh nhưng cũng vô cùng đặc sắc, riêng biệt của văn xuôi dân tộc miền núi thời kỳ đổi mới – một nền văn xuôi lâu bền và giàu sức phát triển.
Tác giả: Cao Thị Thu Hoài – Ngô Huyền Nhung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn