Dấu ấn văn hóa dân tộc qua tục ngữ Khmer Nam Bộ


Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Nét văn hóa ấy được thể hiện qua nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của người dân, trong đó có văn học, cụ thể là tục ngữ. Qua kho tàng tục ngữ Khmer, từ những công trình được các nhà nghiên cứu trước sưu tầm, chúng ta có thể thấy dấu ấn văn hóa của người Khmer được thể hiện một cách đậm nét. Đó là văn hóa nông nghiệp, văn hóa Phật giáo và văn hóa vùng sông nước. Từ việc phân tích nội dung và tìm hiểu các hình ảnh biểu trưng được sử dụng trong tục ngữ, bài viết gợi mở dần những dấu ấn văn hóa Khmer Nam Bộ. Qua đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về nền văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.

    1. Dấu ấn văn hóa nông nghiệp

    Dấu ấn văn hóa nông nghiệp qua nội dung phản ánh của tục ngữ

   Qua nhóm tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất, dấu ấn nông nghiệp được thể hiện rất rõ nét. Là cư dân nông nghiệp nên trong kho tàng tục ngữ của người Khmer, chúng ta sẽ thấy không ít những câu tục ngữ nói về kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn qua việc trồng trọt, chăn nuôi. Không ít những kinh nghiệm ấy vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay. Từ việc quan sát các hiện tượng tự nhiên cùng với đặc điểm sinh học của một số động vật, thực vật, người Khmer xưa đã rút ra những kinh nghiệm về thời tiết, lao động sản xuất: Kiến bay trời mưa; Trồng rau giồng ngắn, trồng cải giồng dài; Nước mát cá tụ; Vịt giống lùn, thích ở thấp; Trời mưa tốt lúa, trời nắng tốt vườn; Làm ruộng phải biết chăm sóc, làm vườn phải biết xem cỏ; Làm ruộng cho kịp mùa, hỏi vợ cho kịp lòng chờ mong.

    Qua nhóm tục ngữ về mối quan hệ gia đình, xã hội, chúng ta cũng thấy rõ dấu ấn nông nghiệp được phản ánh một cách khéo léo, chân thực. Người Khmer coi trọng gia đình và dòng họ nên quan niệm rằng: Con cái sinh ra phải biết giữ gìn dòng họ, dù thân mình cực khổ cũng không làm điều tội lỗi; Làm ruộng phải xem cỏ, cưới gả con cháu phải xem dòng họ. Bên cạnh đó, họ còn giáo dục tình cảm vợ chồng; tình phụ tử, mẫu tử; tình anh chị em: Vợ giận chồng nhịn, chồng nặng vợ chịu; Con ơi buôn gần đừng đi buôn xa, bỏ cha mẹ già không ai chăm sóc; Buôn gần tốt hơn bán xa, buôn sát bên nhà bảo vệ em gái…Trong nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam, phụ nữ là người quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình. Người phụ nữ qua tục ngữ Khmer là người rất đảm đang: Canh ngon nhờ thịt, chồng tốt đẹp nhờ vợ vui vẻ; Của còn nhờ vợ khéo, gia đình sum vầy nhờ vợ hiền. Như vậy, mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình, dòng tộc là mối liên hệ huyết thống, luôn theo chân, tiếp sức cho con người mỗi khi gặp khó khăn hay trở ngại.

    Để có thể phát triển và tồn tại lâu dài, con người cần vượt ra khỏi phạm vi gia đình dòng họ, hòa nhập và thiết lập các mối quan hệ xã hội. Ảnh hưởng từ văn hóa nông nghiệp, giống như các dân tộc khác ở Việt Nam, người Khmer Nam Bộ cũng sống theo nguyên tắc trọng tình. Nếu người Việt sống tập trung với nhau thành các ấp, xóm thì người Khmer cũng sống tập trung thành những phum, sóc. Ở đó, hàng xóm sống với nhau hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau: Bà con qua cửa nhà mình, miếng nước miếng trầu đẹp lòng người ta; Giàu gì cũng không bằng giàu bạn. Nếu người Kinh có câu Bán anh em xa mua láng giềng gần để nói về tầm quan trọng của tình láng giềng trong cuộc sống thì người Khmer xem láng giềng giống như người thân và cho rằng: Bà con gần nếu không thân như kẻ lạ; Bà con và bạn bè, nếu bà con không gần, bạn thân tốt hơn. Tình làng nghĩa xóm cũng chính là nét đặc trưng của những cư dân nông nghiệp.

     Dấu ấn văn hóa nông nghiệp còn được thể hiện qua nhóm tục ngữ về cách ứng xử và kinh nghiệm sống. Về cách ứng xử, người Khmer cũng ưa sống theo nguyên tắc trọng tình nên có cách ứng xử linh hoạt, khéo léo: Đối với thân nhân dù mượn đồ có trả hay không cũng cho mượn; Dây bầu bò đi, dây bí bò lại; Lươn dài nồi lớn; Nắng bên nào thì che bên đó. Về kinh nghiệm sống, họ rất cần cù, chịu thương chịu khó, kiên trì trong lao động và cuộc sống: Muốn ăn ngon phải kiếm rau, muốn giàu phải chịu khó; Biết nhờ học, giàu nhờ làm… Tình thương, lòng nhân ái cũng được người Khmer đề cao và coi trọng; Có cơm ăn phải biết giúp người đói. Đồng thời, những thái độ ích kỷ, dửng dưng, thờ ơ với người khác cũng bị lên án: Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại…

     Dấu ấn văn hóa nông nghiệp qua chất liệu biểu trưng trong tục ngữ Khmer Nam Bộ

    Người Khmer sống chủ yếu bằng nông nghiệp nên các hình ảnh trong sản xuất nông nghiệp chính là chất liệu thường được sử dụng trong tục ngữ. Những hình ảnh ấy với tính chất biểu trưng đã góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của tục ngữ, thể hiện được nét văn hóa nông nghiệp đặc trưng của người Khmer.

     Những hình ảnh hiện tượng tự nhiên được sử dụng chủ yếu trong tục ngữ Khmer là hình ảnh gắn với hoạt động nông nghiệp như: nước, mây, sao, trăng, mưa, gió… Các hình ảnh tự nhiên trong tục ngữ Khmer có những câu không chỉ được dùng với nghĩa đen, dùng để biểu thị kinh nghiệm dự đoán thời tiết, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp như: Làm ruộng cho kịp mưa, Giương buồm cho kịp gió, Mưa tốt lúa, nắng tốt vườn… mà còn phản ánh những kinh nghiệm trong quan hệ ứng xử, nhận thức về cuộc đời: Đừng lấy mía gởi cho voi; Nóng dùng vá, mát dùng tay; Đừng lấy cổ thử vào bẫy…

     Qua thống kê hình ảnh các loại cây sản xuất nông nghiệp xuất hiện trong tục ngữ Khmer Nam Bộ, có thể thấy cây lúa xuất hiện nhiều nhất. Hình ảnh các giai đoạn của lúa, sản phẩm từ lúa (mạ, rơm, cơm, gạo,…) cũng được sử dụng nhiều lần với ý nghĩa biểu trưng sâu sắc: Ngược xuôi cơm phước thành cơm khất thực. Bên cạnh đó, hình ảnh cây hoa màu và cây ăn trái cũng xuất hiện khá nhiều lần. Điều này được lý giải bởi người Khmer xưa, trồng hoa màu, cây ăn trái cũng được xem là một nghề chính bên cạnh nghề trồng lúa.

     2. Dấu ấn văn hóa Phật giáo

    Người Khmer Nam Bộ hầu hết đều theo Phật giáo Nam tông. Vì thế, Phật giáo Nam tông có vai trò và vị trí quan trọng, có sức ảnh hưởng và chi phối đến mọi lĩnh vực từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần của người Khmer ở Nam Bộ. Phật giáo Nam tông đã góp phần cố kết cộng đồng, định hướng thế giới quan và nhân sinh quan, định hướng chuẩn mực và luân lý đạo đức, tạo ra nếp sống cho con người nơi đây. Vai trò đó được thể hiện thông qua các hoạt động thuần túy sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo gắn với cộng đồng. Dấu ấn Phật giáo cũng được thể hiện qua nhiều câu tục ngữ, thành ngữ khmer Nam Bộ.

     Từ, bi, hỉ, xả, bác ái được xem như những tư tưởng cốt lõi, là pháp cơ bản trong tu đạo của Phật giáo. Tư tưởng ấy đã thấm nhuần vào trong cách nghĩ, lối sống của người Khmer. Trong tục ngữ Khmer, chúng ta thấy được việc giáo dục con cháu cách sống từ, bi, hỉ, xả thể hiện qua các câu như: Cứu người danh tiếng vang xa, mẹ cha vui mừng, trời phật cứu nạn; Làm điều tốt, tấm lòng thanh thản; Người chửi mình mình không có tội, mình chửi người mang tội vào thân.

     Phật giáo Nam tông đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý người Khmer Nam Bộ rõ nhất là ở mặt tinh thần. Người Khmer luôn dạy con cháu phải sống thật tốt, làm nhiều việc thiện để tích phước vì: Làm phước là cầu để đi, bố thí là lương thực để ăn; Thân thể bình yên là nhờ phước đức; Làm phước gặp phước, làm ác gặp ác; Nối dài số phận phải tích phước. Họ còn dạy con cháu phải làm phước sao cho đúng: Làm phước làm cho thật lòng đừng tự lừa dối chẳn thành việc chi; Của cho người khác phải tùy khả năng, nếu cho quá lố rồi hối tiếc sẽ không được phước.

     Đời sống của người Khmer gắn liền với ngôi chùa. Người Khmer xem ngôi chùa là ngôi nhà thứ hai của mình. Chính vì thế, người Khmer khi sinh ra, lớn lên rồi về già, cho đến lúc chết, mọi buồn vui của cuộc đời đều gắn bó với ngôi chùa. Ngôi chùa được xem là biểu tượng, là trung tâm văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Người Khmer quan niệm: Chim phải biết rừng, người vào đạo phải biết chùa; Chùa là nơi kính trọng của bổn sóc, con cháu Khmer phải vào tu; Vào chùa theo phép nhà chùa; Thù không bao giờ rửa sạch, người bơi xuồng đừng bỏ cây dùi, người theo đạo đừng bỏ chùa.

     Đề cao nhà chùa và các vị sư, khuyên con cháu nên thường xuyên đến chùa và kính trọng nhà tu hành nhưng trong tục ngữ Khmer, ta cũng thấy không ít câu dạy con cháu phải biết kính trọng cha mẹ – những vị Phật sống trong nhà mới là chân tu: Phải kính trọng ông tiên trong nhà; Khinh cha mẹ thì trái lời dạy của Phật; đem vô chùa trăm lần không bằng cho cha mẹ ăn một lần.

    3. Dấu ấn văn hóa vùng sông nước

    Người Khmer sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vùng đất với những nét đặc trưng sông nước ấy đã có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến đời sống của các dân tộc sinh sống ở đây, trong đó có người Khmer.

    Trong kho tàng tục ngữ Khmer, chúng ta dễ dàng bắt gặp những câu tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất gắn với môi trường sông nước như: Có nước có cá, Quả nhiều hại lá, nhiều cá nước đục; Ao mát nhiều cá, cây mục nhiều mối; Nóng ăn nông, mát ăn sâu. Điều này cũng dễ hiểu vì môi trường chính là cái nôi nuôi dưỡng đời sống con người cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Con người sống trong môi trường sông nước thì sẽ có những hoạt động sản xuất gắn với môi trường ấy. Chính vì thế, qua thời gian, người Khmer cũng rút ra được những kinh nghiệm sản xuất cho mình là điều tất yếu.

    Bên cạnh đó, những hình ảnh gắn với đặc trưng vùng sông nước cũng được xem là chất liệu biểu trưng của tục ngữ Khmer Nam Bộ. Xuất hiện nhiều nhất so với các hình ảnh khác và mang nhiều ý nghĩa biểu trưng trong tục ngữ Khmer Nam Bộ đó là hình ảnh cá. Cá thường là nguồn thực phẩm cần thiết cho đời sống con người. Từ cá, người Khmer cũng đã sáng tạo ra mắm bồ hóc, một đặc sản rất nổi tiếng nơi đây. Hình ảnh các loài cá cũng được đi vào tục ngữ Khmer với nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Người Khmer mượn hình ảnh cá lòng tong để thể hiện sự hy sinh, tình yêu thương, chăm sóc của người mẹ đối với con: Mẹ nuôi con như cá lòng tong rượt, con nuôi mẹ như Phật quay về sau. Nhưng mặt khác, hình ảnh cá còn biểu trưng cho những người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm, không thương yêu con cái: Đừng như cá Chđô tự ăn con mình. Cá cũng là biểu trưng cho tính khoe khoang, nhiều chuyện: Cá sặc chết vì cái miệng…

     Nói đến người Khmer Nam Bộ, chúng ta sẽ nhớ đến hình ảnh những chiếc ghe Ngo và lễ hội đua ghe Ngo hằng năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok. Vì thế, những chiếc xuồng, chiếc thuyền, chiếc ghe đã in sâu trong tâm khảm của người Khmer Nam Bộ. Điều đó được thể hiện bằng nhiều câu tục ngữ, ca dao có hình ảnh những phương tiện này: Thuyền đi bến ở; Lấy dây buộc thuyền đau lòng gỗ; Ghe nhờ tàu kéo; Xuồng bể là xuồng tốt, xuồng cụt là xuồng còn, xuồng đứt lấy nước theo; Lênh đênh như như xuồng không neo; Nối ghe đừng sợ tốn đinh, chèo thuyền đừng cho dợn sóng, bắt cá đừng cho nước đục…

     Bằng tư duy linh hoạt với việc sử dụng những hình ảnh giản dị, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày, người Khmer Nam Bộ đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu, những bài học giá trị cho cuộc sống qua những câu tục ngữ ngắn gọn, xúc tích để truyền dạy cho con cháu mai sau. Nét văn hóa đặc sắc trong tục ngữ Khmer được thể hiện qua nội dung tục ngữ, qua những chất liệu là hình ảnh của cuộc sống hằng ngày. Đó là nét đẹp văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, nét văn hóa Phật giáo, hòa quện với nét văn hóa vùng sông nước. Tất cả những điều đó dung hòa với nhau, góp phần tạo nên nét đặc sắc cho văn hóa dân tộc – cũng chính là nét riêng nổi bật của văn hóa Khmer Nam Bộ.

Tác giả: Lê Thị Diễm Phúc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *