Đề xuất một giải pháp phát triển khán giả cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật


Phát triển khán giả là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị văn hóa nghệ thuật, nhằm tăng số lượng và các nhóm đối tượng công chúng đến với tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Phát triển khán giả sẽ giúp các đơn vị văn hóa nghệ thuật hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình, dù đó là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Đa dạng giá vé và hình thức bán vé là một trong những giải pháp quan trọng giúp các đơn vị văn hóa nghệ thuật phát triển khán giả, bên cạnh các giải pháp nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng nghệ thuật, cải tiến dịch vụ, đa dạng hình thức biểu diễn, xúc tiến truyền thông. Bài viết đề cập đến một số vấn đề lý luận cơ bản về phát triển khán giả, giá, chiến lược giá và hình thức bán vé; giải pháp phát triển khán giả cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật từ góc độ đa dạng giá vé và hình thức bán vé.

    Giá vé và hình thức bán vé

    Trong quá trình đưa các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng, một trong những công tác quan trọng là đơn vị văn hóa nghệ thuật phải lựa chọn và thiết kế các hệ thống bán vé, đây cũng chính là hình thức bán vé. Để lựa chọn và thiết kế các hình thức bán vé hiệu quả, đơn vị văn hóa nghệ thuật cần nghiên cứu tiểu sử, hành vi mua vé của các phân khúc khán giả mà đơn vị muốn hướng tới.

    Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, để phục vụ khán giả tốt hơn, thu hút được nhiều khán giả hơn, bán được nhiều vé hơn, diễn được nhiều buổi hơn, đồng thời tăng thêm thu nhập cho đơn vị cũng như cải thiện đời sống nghệ sĩ và cán bộ, các đơn vị văn hóa nghệ thuật đã và đang triển khai nhiều hình thức bán vé khác nhau. Có thể chia hình thức bán vé offline và bán vé online. Bán vé offline gồm các hình thức bán vé tại quầy, qua các đại lý, đối tác, liên kết, máy bán vé, bán vé qua điện thoại (gọi điện, gửi tin nhắn). Bán vé online gồm bán vé qua trang web, chat box (hộp giao tiếp), App (các ứng dụng, các chương trình được viết ra để chạy trên nhiều nền tảng khác nhau như máy tính điện thoại, trang web), mạng xã hội.

    Mỗi hình thức bán vé đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Bán vé tại quầy có ưu điểm giúp người mua vé được tiếp xúc trực tiếp với nhân viên bán vé, thanh toán và nhận vé ngay, đảm bảo chỗ ngồi và giá vé đúng như khán giả lựa chọn. Tuy vậy, những hạn chế của hình thức bán vé này là không phục vụ 24/7, mất thời gian để đến quầy mua vé, có thể không mua được vé xem chương trình mà khán giả yêu thích. Bán vé qua điện thoại là một trong những hình thức bán vé vẫn còn phổ biến và có những ưu điểm nhất định, như tiện lợi, không quá phức tạp, dễ thao tác, không tốn thời gian, người mua vé có thể gọi điện, nhắn tin xác nhận đặt vé và nhận vé theo yêu cầu. Việc bán vé qua các đại lý, đối tác, liên kết sẽ giúp khán giả có nhiều sự lựa chọn.

    Bán vé online là một xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Sự hỗ trợ của internet, cụ thể là các trang web đặt vé, chat box, app và mạng xã hội đã tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ trong việc bán và mua vé thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật. Các hình thức bán vé online giúp khán giả dễ dàng mua vé mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có mạng internet, thiết bị điện tử và tài khoản ngân hàng nếu thanh toán trực tuyến. Nếu không thanh toán trực tuyến, khán giả có thể đặt vé online và thanh toán tại quầy. Hình thức mua vé online giúp tiết kiệm thời gian và đem lại nhiều sự lựa chọn cho khán giả. Đối với các đơn vị văn hóa nghệ thuật, hình thức bán vé này cũng giúp tiếp cận đông đảo khán giả và tiết kiệm chi phí.

    Một số đơn vị văn hóa nghệ thuật tiên phong về đổi mới giá vé và hình thức bán vé

    Thực trạng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có những điểm chung với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nhiều nước trên toàn thế giới, đó là ngân sách cấp phát của Chính phủ giảm và yêu cầu nghệ thuật định hướng thương mại đã được khuyến khích. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường văn hóa nghệ thuật, cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, buộc các đơn vị văn hóa nghệ thuật phải có những chiến lược giá phù hợp nhằm phát triển khán giả, tối đa hóa doanh thu.

Nhà hát Múa rối Thăng Long khai trương hệ thống bán vé điện tử

Ảnh: Ngô Hương

    Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giá vé và hình thức bán vé rất quan trọng. Có những công chúng có nhu cầu thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật nhưng vì giá vé quá cao, khả năng tài chính không cho phép hoặc hình thức bán vé không phù hợp, họ sẽ không thể mua vé để đi xem. Các đơn vị văn hóa nghệ thuật phụ thuộc vào sản phẩm, thị trường khán giả và các điều kiện thực tế để lựa chọn giá vé và hình thức bán vé phù hợp nhất.

    Các hình thức bán vé phổ biến hiện nay của các đơn vị văn hóa nghệ thuật Việt Nam: phổ biến hiện nay vẫn là bán vé tại quầy. Các nhà hát, bảo tàng, rạp chiếu phim đều có quầy bán vé đặt ở vị trí dễ tiếp cận. Bán vé tại quầy là hình thức bán vé truyền thống, vẫn được nhiều khán giả lựa chọn. Bên cạnh đó còn có hình thức bán vé qua điện thoại, email, nhân viên đi bán vé, ký kết hợp đồng và các đại lý bán vé. Ngoài ra, các đơn vị văn hóa nghệ thuật đã phát triển bán vé qua các trang web, trang web của nhà hát hoặc liên kết bán vé qua các trang web hotdeal, muachung, hitbook, mbay,… Khi bán vé qua các kênh này đơn vị văn hóa nghệ thuật phải trả phí tương đương 20% – 30% giá vé. Trong thời gian gần đây, Facebook cũng là một kênh bán vé ngày càng được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Việc bán vé thông qua các nhà hàng, khách sạn, sạp báo… cũng đã và đang được một số đơn vị áp dụng, mặc dù hình thức này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Ngoài ra, một số hình thức bán vé đang bắt đầu được áp dụng như bán vé qua chat box, máy bán vé và bán vé qua app.

    Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát tiên phong trong việc sử dụng các công nghệ mới trong nghệ thuật và phục vụ khán giả. Ngày 20 -11- 2018, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt hệ thống bán vé trực tuyến và bộ nhận diện thương hiệu mới sau 40 năm thành lập (1978-2018). Hệ thống bán vé trực tuyến của nhà hát tại địa chỉ www.datve.nhahattuoitre.vn hoạt động 24/7 để khán giả bất cứ nơi đâu có thể đặt vé và thanh toán qua cổng thanh toán ngân hàng. Hình thức bán vé thân thiện, thuận tiện và cập nhật lịch diễn đáp ứng nhu cầu khán giả trong thời đại công nghệ 4.0. Chiến lược của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn là ưu tiên, đẩy mạnh thương mại điện tử, làm sao để rút ngắn khoảng cách nhất, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khán giả đến xem kịch.

    Với Nhà hát Múa rối Thăng Long, từ năm 2017, đã thực hiện một số chiến lược mới trong giá vé và hình thức bán vé. Nhà hát áp dụng nhiều chiến lược giá vé nhằm đạt được hai mục tiêu, thu hút động đảo khán giả và tối đa hóa doanh thu. Nhà hát bán vé với nhiều mức giá khác nhau dựa vào vị trí chỗ ngồi, số lượng mua, đối tượng mua vé, thời điểm xem các chương trình nghệ thuật. Trước đây nhà hát bán vé giá đồng hạng, người lớn 100.000 đồng, trẻ em 60.000 đồng, chi hoa hồng 10% (từ 10 vé/1 lần mua). Từ tháng 10 – 2018 giá vé có 3 mức: 200.000 đồng và 150.000 đồng (có quà tặng là một tấm bưu thiếp với hình ảnh các tiết mục biểu diễn của nhà hát), 100.000 đồng không có quà tặng. Tuy vậy, việc tăng giá vé được thực hiện có lộ trình. Trước đó, nhà hát đã đầu tư cải tạo hình thức rạp, nâng cao chất lượng nghệ thuật, dịch vụ, gần một năm sau đó mới thông báo tăng giá vé để khách hàng dễ chấp nhận vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ đã tốt hơn. Tháng 11,12 năm 2018, nhà hát vẫn áp dụng một nửa giá vé mới, một nửa giá vé cũ. Tiến tới Nhà hát Múa rối Thăng Long có những chương trình biểu diễn giá vé 500.000 đồng. Đây là một trong những chiến lược đột phá về sản phẩm và giá vé của nhà hát. Điều này còn là một đòn bẩy quan trọng để tăng nguồn thu nhập cho nhà hát. Mặt khác, việc kết hợp mời các nhà tài trợ phối hợp trong việc sản xuất chương trình cũng góp phần làm giảm giá vé, tăng chất lượng phục vụ khán giả, nâng cao hiệu suất xã hội của những chương trình nghệ thuật.

    Nhà hát Múa rối Thăng Long đã xác định việc thay đổi giá vé sẽ dẫn đến nhiều biến động, vì vậy tổ marketing phải đưa ra phương pháp để thu hút khách thông qua quảng cáo, tờ rơi, tiếp thị ở các khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch như nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long… Đẩy mạnh quảng cáo trên Facebook, cải tạo lại trang web để phù hợp với công việc bán hàng. Sau khi hoàn thành nền tảng kho bán vé online nhà hát sẽ đặt cây bán vé trong các điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Hà Nội. Bên cạnh chính sách giá vé, nhà hát còn đưa ra nhiều chiến lược nhằm thu hút khán giả thông qua các kênh như trường học, công ty du lịch.

    Hiện nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn bán vé offline, bán theo cách thủ công, bán vé tại quầy, gửi email hoặc đặt vé qua điện thoại. Nếu khách sạn đặt mua nhiều vé nhà hát sẽ giao vé miễn phí. Có một thay đổi mới là nhà hát đã lắp đặt hai máy bán vé tự động cạnh quầy bán vé truyền thống. Với hệ thống bán vé tự động, người mua có thể tự chọn ngày, giờ biểu diễn, chỗ ngồi, sau đó thanh toán trực tiếp bằng thẻ visa hoặc ATM. Nhà hát bố trí đội ngũ nhân viên kỹ thuật luôn trực để sẵn sàng hỗ trợ khách mua vé qua máy nếu gặp khó khăn. Đây là một trong những điểm mới đối với công tác bán vé, tạo cho khán giả tâm lý thoải mái, không phải xếp hàng, chen lấn khi đông người. Cho đến thời điểm này, Nhà hát múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật truyền thống đầu tiên của Hà Nội thực hiện tự động hóa dịch vụ công.

    Nhà hát Múa rối Thăng Long mong muốn mở phòng bán vé liên kết với chuỗi bảo tàng, chuỗi quán cà phê nổi tiếng có nhiều khách nước ngoài. Nhà hát đã liên hệ Hoàng thành Thăng Long để đặt tab bán vé, chuỗi cà phê Helio (gồm 7 quán), lăng Bác, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Lịch sử, Đền Ngọc Sơn, để khách du lịch mua được vé của nhà hát bằng nhiều cách. Hệ thống bán vé online đang trong quá trình xây dựng. Việc triển khai bán vé online liên quan rất nhiều vấn đề như ngân hàng, đường truyền, quản trị mạng. Đối với nhà hát, bán vé qua Facebook chưa có hiệu quả, mới chỉ đăng thông tin, vì chủ yếu hướng đến khách trong nước, trong khi đó số lượng khách trong nước đến nhà hát không nhiều.

    Có thể nói, đa dạng giá vé và hình thức bán vé là một trong những giải pháp quan trọng giúp các đơn vị văn hóa nghệ thuật phát triển khán giả, bên cạnh các giải pháp nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng nghệ thuật, cải tiến dịch vụ, đa dạng hình thức biểu diễn, xúc tiến truyền thông. Đa dạng giá vé và hình thức bán vé sẽ giúp công chúng có nhiều sự lựa chọn, xóa bỏ rào cản tiếp cận các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật.

Tác giả: Nguyễn Thị Anh Quyên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *