Dharma, tinh thần ấn độ trong sử thi ramayana


Trong kho tàng văn học Ấn Độ, các dân tộc Ấn Độ đã phản ánh thời đại anh hùng trong các sử thi lớn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong đó sử thi Ramayana được viết bằng tiếng Sanskrit là niềm tự hào thiêng liêng, là một trong những tác phẩm thấm đẫm tinh thần giáo lý dharma, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và tâm lý, tính cách dân tộc Ấn Độ. Trải qua hàng ngàn năm không chỉ ở Ấn Độ mà tại tất cả những đất nước mà sử thi Ramayana đã tới đều làm dấy lên những xúc động sâu xa và thanh lọc tâm hồn, là nguồn nuôi dưỡng lí luận văn học, nghệ thuật Ấn Độ và “trở thành nền tảng của đạo đức, của tinh thần dân tộc, dần dà, lan tới khắp các nước châu Á chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và đến đâu cũng lưu lại những dấu ấn mạnh mẽ về nhiều phương diện: văn học, nghệ thuật, tôn giáo, nghi lễ, đạo đức cho đến ngôn ngữ hàng ngày…”(1)

Sử thi Ramayana là ký ức một thời kỳ lịch sử những chủng tộc Aria giữa thiên niên kỷ thứ II đã tới Bắc Ấn dồn đuổi người Dravidia xuống phía Nam Ấn. Qua sự phản ánh của sử thi, tính chất của cuộc chiến tranh đã được khúc xạ đi rất nhiều. Xung đột giữa người anh hùng với các thế lực khác là sự hình tượng hóa, nghệ thuật hóa để thể hiện một xung đột chủ yếu là xung đột dharma và adharma (tiền tố a ở đây mang nghĩa phủ định, adharma có nghĩa phi đạo lý). Sự xung đột giữa người anh hùng với các thế lực thù địch không phải là ở vẻ đẹp, tài năng, sức mạnh mà đó là sự xung đột giữa những quan niệm sống.

Quan điểm của Rama và những nhân vật được yêu mến trong sử thi Ramayana lại hoàn toàn trái ngược với quan điểm sống ích kỷ, vì quyền lợi cá nhân của một số nhân vật Kakêyi, Ravana như ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối. Trái ngược với quan điểm coi của cải, tài sản, đất đai, tình yêu… cướp được của người khác bằng mọi phương cách là mục đích của cuộc sống, người anh hùng Rama và các nhân vật được yêu mến trong sử thi không phủ nhận tầm quan trọng của của cải vật chất và tình yêu đối với cuộc sống con người nhưng lại phủ nhận các phương tiện bất công để giành được những điều đó. Theo họ, để có được của cải vật chất và tình yêu, phải dùng đến những hành vi hợp đạo lý và bổn phận, không chỉ là biết lo cho chính bản thân mình mà phải biết hy sinh, biết sống và thực hiện trách nhiệm, bổn phận với những người xung quanh. Bằng tất cả những cách đó, con người sẽ có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Rama là người luôn đặt lợi ích của những người thân lên trên lợi ích của bản thân. Chàng là người trọng danh dự, biết dặt danh dự của của đẳng cấp, cộng đồng lên trên dục vọng cá nhân. Con người Rama là con người hành xử theo bổn phận, cao thượng và vị tha.

Đạo đức của người anh hùng Rama trong sử thi Ramayana được người dân Ấn Độ cổ đại trọng vọng, xem như khuôn vàng thước ngọc và tôn thờ như “dharma hay chính đạo giáo”(2). Bởi chàng là người có tâm hồn trong sáng, vị tha, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân để thực hiện bổn phận, sẵn sàng hành động để bênh vực điều thiện, chống lại điều ác, cứu người hiền, đặc biệt là phụ nữ. Theo nhận xét của tác giả Lưu Đức Trung: “Toàn bộ ý chí, tình cảm, tài năng và sức mạnh chiến thắng của nhân dân được khái quát thành biểu tượng người anh hùng này… Đó là sản phẩm tuyệt vời của trí tưởng tượng đồng thời là ước mơ cao đẹp của người Ấn Độ cổ xưa”(3).

Dharma là một trong số những khái niệm cơ bản của đạo Hinđu, là kết quả của sự suy ngẫm và tìm tòi của người Ấn Độ cổ đại. Đó là những khái niệm về vũ trụ quan (atman – brahman), nhân sinh quan (karma – samsara, dharma – moska,…). Trong đó, dharma được coi là “đạo hay pháp, chỉ nguyên lý, trình tự, quy luật khách quan cơ bản nhất chi phối toàn bộ vũ trụ, đem lại sự điều hòa về đủ mọi phương diện”(4). Người Ấn Độ xa xưa đã coi dharma như là thước đo những giá trị đạo đức, như một quan niệm về luân thường đạo lý với những phép tắc ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội.

Bên cạnh người anh hùng Rama luôn hành động theo đạo đức dharma, các nhân vật được nhân dân yêu mến như Lakmana, Bharata, Xita cũng là những người luôn luôn ý thức và hành động để thực hiện bổn phận dharma của một người em phục vụ anh, một người vợ phục vụ chồng.

Trong sử thi Ramayana, cuộc chiến tranh trên đảo Lanka chỉ là thứ yếu. Xung đột được sử thi Ramayana quan tâm nhiều hơn đó là sự xung đột giữa dharma và adharma, giữa bổn phận, danh dự và dục vọng cá nhân, giữa cái nhất thời và cái vĩnh hằng, và về bản chất của cuộc sống con người. Người Ấn Độ quan niệm bản chất con người không phải cái gì tuyệt đối thánh thiện, mà trong mỗi con người luôn có cả phần cao cả và thấp hèn, ánh sáng và bóng tối, thánh thiện và bản năng. Xét trên bình diện triết học, cuộc chiến giữa hoàng tử Rama và quỷ vương Ravana là sự hình tượng hóa sự xung đột giữa ánh sáng và bóng tối trong bản thể mỗi con người.

Sử thi Ramayana đã xây dựng được hai tuyến nhân vật chính diện – phản diện và thể hiện được hai thế lực dharma – adharma, thiện – ác, ánh sáng – bóng tối. Quan niệm dharma có thể hiểu là bổn phận, đạo đức nhưng không đơn thuần là “phép tắc giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội”(5) mà đó còn là đạo đức mang đặc trưng tôn giáo Ấn Độ, góp phần tạo nên tâm lý, tính cách dân tộc Ấn Độ yêu chuộng hòa bình, hòa hợp và bình đẳng.

Trong quan niệm của người Ấn Độ, bản chất của mỗi con người luôn có sự đấu tranh giữa đạo sống vị tha, bác ái, khoan dung, hòa hợp với lối sống ích kỷ, độc ác, ngông cuồng, giữa ánh sáng và bóng tối. Và trong Ramayana thì đó là sự xung đột giữa bổn phận – quyền lợi, giữa danh dự – tình yêu,… Vì vậy, người anh hùng lý tưởng phải là người chiến thắng được phần bóng tối, con người cá nhân trong chính bản thân mình.

Lẽ đương nhiên theo luật lệ, ngôi vua phải trao cho người con trai cả có tài, có đức và thần dân đang hồ hởi đón chào ngày lên ngôi của vị vua anh minh. Nhưng hành động vi phạm lẽ phải của thứ phi Kakêyi khi yêu cầu vua Đaxaratha lưu đày Rama vào rừng và nhường ngôi vua lại cho Bharata là lúc mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác đã được hình thành và đã mở đầu cho hàng loạt các mâu thuẫn xung đột trong gia đình vua Đaxaratha. Cũng từ đây, xuất hiện những xung đột, giằng xé nội tâm trong chính con người Rama giữa bổn phận và quyền lợi. Đứng trước sự lựa chọn giữa bổn phận và quyền lợi, người anh hùng Rama đã đưa ra quyết định thực hiện theo bổn phận dharma của một người con một cách hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng. Chàng vui vẻ trao lại ngôi vua và nhanh chóng vào rừng để thực hiện mệnh lệnh của vua cha trong sự ngưỡng vọng, tôn thờ của người thân và thần dân.

Cuộc sống lưu đày trong rừng không khuất phục được người anh hùng. Ngay cả khi người vợ yêu thương của chàng bị quỷ vương Ravana bắt cóc, chàng cũng không nản lòng lùi bước. Ngược lại, đây là lúc bản chất, sức mạnh, tài năng của người anh hùng được bộc lộ. Chàng vượt mọi hiểm nguy, vào sinh ra tử để cứu được Xita. Tuy nhiên, sau bao xa cách nhớ nhung, buồn khổ, vượt qua bao khó khăn gian khổ, hiểm nguy, chiến thắng mọi kẻ thù, trong con người chàng lại đan xen lẫn lộn bao tâm trạng. Lẽ ra giây phút đoàn viên là giây phút hạnh phúc mong chờ. Nhưng với Rama thì như có hai tâm trạng, hai con người trong chàng. Đứng trước danh dự của bản thân và tình yêu của mình đối với Xita, “Rama trở nên suy nghĩ rất lung. Chàng thốt ra một tiếng thở dài nặng nề nóng bỏng”(6).

Theo quy định truyền thống được ghi trong các sách luật thời bấy giờ, để duy trì sự trật tự trong xã hội thì cuộc sống của một vị vua phải là “mẫu mực của trật tự xã hội”. Sự mẫu mực của Rama bị nghi ngờ khi chàng đã để cho vợ mình rơi vào vòng tay của quỷ Ravana và sống trong nhà Raksaxa một thời gian dài. Một vị minh quân không thể lấy một người làm vợ khi cô ta đã không còn trong trắng, thủy chung. Chính điều đó đã đặt Rama vào một tình thế bị giằng xé giữa trách nhiệm một vị quân vương với đòi hỏi của tình yêu, hạnh phúc cá nhân, khiến cho chàng rơi vào tâm trạng phân vân, lưỡng lự.

Đứng trước sự xung đột danh dự hay tình yêu, trách nhiệm với cộng đồng hay hạnh phúc, quyền lợi cá nhân, Rama đã quyết định hy sinh hạnh phúc, quyền lợi cá nhân để duy trì trật tự xã hội. Tuy nhiên, Rama cũng không thể tránh khỏi những khổ đau, dằn vặt. Khi tiếng nói của một người chồng hết mực yêu vợ, của con người cá nhân vang lên cùng với tiếng nói của một vị minh quân thì càng khiến cho người anh hùng Rama trở nên hoàn hảo. Đó là con người biết đau đớn, trăn trở và giằng xé nội tâm vì những hành động của bản thân cho dù sự đấu tranh, giằng xé bên trong ấy chỉ mang tính chất gợi mở theo kiểu ngoại hóa vẫn thường thấy trong nhiều sử thi.

Những đau đớn, trăn trở và giằng xé trong con người Rama chỉ thực sự được giải tỏa khi có sự giúp đỡ của thần linh. Theo quan niệm của người Ấn Độ, thần lửa là vị thần có mặt, thông hiểu mọi điều và biết hết được mọi việc trong ba cõi. Vì thế nên Xita nhờ thần lửa Anhi chứng giám cho lòng thủy chung, trong sạch, không mảy may phạm tội của mình. Khi thần lửa Anhi trao cho Rama một Xita “không phạm bất cứ tội lỗi nào, bằng lời nói, việc làm, hay ý nghĩ… tấm lòng nàng thanh khiết và nàng không mảy may phạm tội lỗi”(7), Rama hết sức vui mừng và mọi người ca tụng chàng như ca tụng một chiến công mà chàng mới đạt được. Khi trách nhiệm với thần dân của một vị quân vương và hạnh phúc cá nhân được hòa hợp trong một con người thì cũng là lúc người anh hùng thực sự đạt đến đỉnh cao của chiến thắng, sự hoàn thiện về tài năng, đức hạnh và đạt đến mẫu mực của trật tự xã hội.

Trong quan niệm của người Ấn Độ, con người cá nhân luôn được nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức, luôn luôn đấu tranh với bản thân. Người anh hùng Rama trong Ramayana luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn thử thách, vượt qua mọi đòi hỏi cá nhân để vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Trong đó, chiến thắng trên chiến trường không phải là chiến thắng vinh quang nhất và là toàn bộ mối quan tâm của nhân vật. Sử thi Ramayana hết sức ca ngợi người anh hùng Rama luôn mang trong mình những phẩm chất tinh thần vị tha, yêu thương, hòa hợp: “Lòng trung thành với bổn phận của anh ta thật xuất sắc và lẫy lừng. Thậm chí anh ta ruồng rẫy vợ mình – người vừa là vợ, là trái tim, tâm hồn của anh ta; anh đã hy sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Anh ta sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng để củng cố sự đồng tình của quần chúng và để trung thành với bổn phận”(8).

_______________

1. Phan Thu Hiền, Sử thi Ấn Độ, Mahabharata, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà nội, 1999, tr.23.

2. Ramayana, tập1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1988, tr.14.

3. Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr.112-113.

4. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học Đông phương, tập 3, Nxb TP.HCM, 1997, tr.165.

5. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

6, 7. Ramayana, tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội,1988, tr.235, 242.

             8. Shivananda Swami, Essence of Ramayana, The Divinelife society, U.P, Himalaya, India, 1996, tr.101.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 335, tháng 5-2012

Tác giả : Lê Thị Bích Thủy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *