Vùng Lam Sơn có địa thế lý tưởng, hội tụ linh khí đất trời với những gò, đồi, thung lũng được bao bọc bởi các ngọn núi che chắn, nâng đỡ sau lưng (núi Dầu), hai bên tả, hữu (núi Thanh Long, núi Bạch Hổ), tiền án (núi Mục), án xa (núi Chủ) với những mạch nguồn lớn (Lương Giang – sông Chu) quanh co ôm ấp tạo nên một tây hồ như minh đường bát ngát phía trước và những tiểu long mạch (sông Nhị và khe lạch) ôm quanh các đồi gò. Dựa vào địa hình hiểm trở của dãy Pù Rinh, của vùng núi Chí Linh kéo dài từ Thường Xuân đến Lang Chánh ngày nay, Lê Lợi đã tập hợp, thu phục được các thủ lĩnh, nhân dân đồng bào Mường, Thái quanh vùng làm chỗ dựa vững chắc ban đầu khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn còn trứng nước.
Nếu xét về khía cạnh sự kiện lịch sử trong thời kỳ 1414-1422 thì nghĩa quân Lam Sơn chủ yếu quy tụ, gây dựng lực lượng ở vùng trọng điểm này. Cũng trong thời gian này nghĩa quân đã bị vây khốn 3 lần trên núi Chí Linh, nhờ được sự đùm bọc, che chở của đồng bào Mường, Thái vùng Chí Linh mà nhiều lần đã thoát khỏi hiểm nghèo. Những địa danh vẫn còn lưu lại sau hơn 600 năm đủ thấy không gian văn hóa gian Lam Sơn gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn rộng lớn như thế nào.
Là một vùng đất địa linh, Lam Sơn còn lại khá nhiều di sản vật thể giá trị, điển hình nhất là khu lăng mộ các vua Lê sơ ở Lam Kinh. Được xây dựng từ năm 1448, có thể xem Lam Kinh là công trình đại diện duy nhất còn khá đầy đủ của mỹ thuật Lê sơ. Đây là một công trình kiến trúc lăng mộ đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo thể thức đăng đối nghiêm ngặt, tuy ảnh hưởng mô thức kiến trúc Thập Tam Lăng của nhà Minh nhưng đã biến cải sáng tạo theo tâm thức người Việt, đồng thời xuất hiện các kiến trúc phụ trợ giúp cho việc hành lễ được long trọng. Đó là kiến trúc sân chầu, tam tòa điện chính và cửu cung. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở Lam Kinh là hai bộ phận gắn kết tạo thành lăng mộ. Thông qua bài trí kiến trúc, nội dung, phong cách nghệ thuật điêu khắc ở Lam Kinh, cho thấy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên các vua Lê sơ vừa nghiêm nhặt theo tinh thần Nho giáo vừa thấm đẫm các giá trị tâm linh của người Việt cổ. Quần thể Lam Kinh, ngoài lăng mộ các vua, hoàng hậu nhà Lê, còn có các di vật tiêu biểu, đặc sắc cho văn hóa, nghệ thuật thời Lê. Đáng chú ý như tượng rồng ở thềm bậc sân chầu giống phong cách tượng rộng thềm bậc điện Kính Thiên (Hà Nội), hay bia Vĩnh Lăng, một điển hình mẫu mực của nghệ thuật bia ký Việt Nam.
Ngoài Lam Kinh ở trung tâm, một loạt các di tích kiến trúc nghệ thuật xung quanh tạo thành vệ tinh, càng làm cho di sản vật thể vùng Lam Sơn trở nên đậm đặc. Đền thờ Lê Đại Hành ở Xuân Lập, Thọ Xuân mang phong cách kiến trúc nghệ thuật TK XVII với nghi môn kiểu tam quan chùa Kim Liên (Hà Nội), quy mô to lớn, trang trí chạm khắc xuất hiện dày đặc trên các cấu kiện kiến trúc như ván gió gian giữa, vì nóc, vì nách, câu đầu. Đền thờ Lê Hoàn được đánh giá là một trong số các đền thờ điển hình ở Thanh Hóa. Trong đền hiện còn lại một số di vật có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao như bia Lê Đại Hành hoàng đế điện điền chí năm Hoằng Định thứ 2 (1602), bia Lê Đại Hành hoàng đế điện miếu bi năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), long ngai, hương án, tượng thờ trong hậu cung có giá trị cao, biểu hiện rõ nét tinh thần nghệ thuật TK XVII. Cũng không thể không nhắc đến chùa Tạu (Hồi Long tự) nổi tiếng, cái nôi của trò Xuân Phả, một trò diễn vào loại đặc sắc nhất vùng đồng bằng châu thổ sông Mã, sông Chu của Thanh Hóa. Điểm đáng lưu ý là, có rất nhiều các di tích lịch sử-văn hóa gắn với tên tuổi các vị khai quốc công thần triều Lê, con em hoàng tộc nhà Lê cũng như sự tưởng nhớ của nhà Lê đối với những vùng đất, ngôi làng, người dân, thần linh có công với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như chùa Hưng Quốc do hoàng hậu của vua Lê Thái Tổ cho xây dựng nhớ ơn bà phi họ Trịnh không quản gian truân, theo giúp vua việc nội trợ. Đền Hiển từ hoàng thái hậu, mẹ vua Lê Thái Tổ ở Xuân Thắng (Thọ Xuân). Đền Hiến Nhân thờ Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, vợ vua Lê Thái Tổ và mẹ vua Lê Thái Tông ở Thọ Diên (Thọ Xuân). Lăng Cung từ Quốc thái mẫu Trịnh Thị Ngọc Lung (còn gọi là lăng Từ Cung) ở Thọ Diên được đánh giá là một trong những lăng mộ hoàng hậu điển hình TK XVII ở Việt Nam về quy mô, tầm vóc, kỹ thuật và nghệ thuật với các di vật đặc sắc như sập đá, ngai đá, thú chầu, bia ký… Đền Du Tiên xã Phúc Lập (Thọ Xuân) gợi nhớ sự tích vua Lê Thái tổ gặp được nhà sư chỉ cho khu đất phúc phất ngôi thiên tử, cho làm nơi táng mộ gia tiên ở xứ Phật Hoàng vùng động Chiêu Nghi. Đình làng Giữa với dấu tích địa điểm dừng chân 2 lần của Lê Lợi trên đường hành binh, nơi yên nghỉ của 3 vị vua triều Hậu Lê là Lê Dụ Tông, Lê Chiêu Thống, Lê Hiến Tông. Đền thờ Lê Văn An (Thọ Lâm, Thọ Xuân), công thần khai quốc nhà Lê, một trong 19 người trong hội thề Lũng Nhai lịch sử. Đền thờ và lăng mộ Nguyễn Nhữ Lãm ở Thọ Diên, Thọ Xuân, người có công lớn với nghĩa quân Lam Sơn trong buổi đầu gây dựng lực lượng, tên tuổi ông được nhắc đến gắn với các chiến tích huyền thoại trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như cùng Trịnh Khả và một số người đêm bơi sông đến thuyền giặc Minh cướp lại được hài cốt Phật Hoàng đem về cho Lê Lợi mật táng ở xứ cũ; ông cũng được biết đến như một nhà quân sự, ngoại giao, kiến trúc, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nhà nước Đại Việt vững mạnh ở thế kỷ thứ XV (1). Ngoài ra các đền, miếu, lăng tẩm, vùng Lam Sơn cũng còn lại một hệ thống các di tích có giá trị độc đáo về nghệ thuật, lễ hội như các đình Hào Lương, Lễ Nghĩa, Bất Căng, Quảng Ích; đền Tép, đền Bà, đền Quốc Mẫu… gắn liền với nội dung, hoạt động và âm hưởng hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Về phương diện di sản phi vật thể, một điểm chung là, cả một hệ thống di sản đồ sộ phong tục, tín ngưỡng, văn học, diễn xướng, lễ hội, tục trò… gắn bó chặt chẽ và phản ánh sâu đậm về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lịch sử, về người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân. Trong đó, nổi trội nhất là kho tàng truyền thuyết và huyền thoại về các địa danh. Sau hơn 600 năm lịch sử, những tên làng, tên đất, gò đồi, tên sông, tên suối, hòn đá, cánh đồng, rừng cây… gắn với những huyền thoại về vị chủ soái Lê Lợi và những sự kiện, biến cố của cuộc khởi nghĩa còn để lại những dấu ấn sâu đậm. Nói cách khác, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một trong những tác nhân chính hình thành và nuôi dưỡng hệ thống di sản phi vật thể cho vùng Lam Sơn với truyền thuyết dân gian trở nên đậm đặc, tích tụ và phân bố rộng khắp.
Lam Sơn là vùng đất Việt – Mường cổ, đến ngày nay vẫn còn nhiều địa danh thôn xã bảo tồn yếu tố kẻ cổ truyền như Kẻ Cham (quê Lê Lợi), Kẻ Sập (quê Lê Hoàn); những làng, bản cổ lâu đời vốn gắn với người Mường như làng Chủa (quê ngoại Lê Lợi). Lam Sơn về hướng núi Chí Linh vốn nằm trong địa bàn cư trú, sinh tụ lâu đời của người Thái. Sắc thái văn hóa tộc người, giao lưu Việt – Mường – Thái, mối quan hệ đoàn kết, thủy chung giữa các tộc người đã từng tồn tại bao đời và được phản ánh trong nhiều câu chuyện cảm động về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa các tộc người đã tạo cho vùng đất này những sắc thái khá đặc sắc, tác động đến các yếu tố thổ âm, thổ ngữ, phong tục, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa vẫn còn lại đến ngày nay. Như từ Lam Sơn thực ra là một tiếng Mường được phiên âm Hán; cách đồng bào Thái vùng Lang Chánh, Thường Xuân gọi những địa điểm hành quân của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn; sự ảnh hưởng qua lại về phong tục giữa người Việt, người Mường trong việc kiêng ăn thịt cuốc và kiêng săn kỳ đà. Nhìn từ giác độ văn hóa tộc người, có thể khám phá ra những tên Việt được bảo lưu ở các vùng cư trú của người Thái, người Mường, như chòm Thiu, chòm Bút, chòm Đỏ, làng Khao… hoặc hiện tượng tiếng Thái, Mường, Kinh được đan xen nhắc tới mỗi khi kể các câu chuyện có liên quan đến Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên các vùng miền ở xứ Thanh: Thác Ma Ngao (thác chó cắn), Huổi Láu (suối rượu). Xung quanh Lam Sơn, các sinh hoạt văn hóa Mường – Thái đang như hiện hữu với hát múa Mường (pồn pôông), dân ca xường, khua luống thấp thoáng dưới bóng nhà sàn truyền thống.
Qua bao biến thiên lịch sử, các địa danh vẫn còn đó, như một chứng tích về một thời oanh liệt, giữ nước của ông cha. Bước đi Lam Sơn vẫn còn in hằn trên các địa điểm đóng quân, chiến đấu, lui binh, chạy giặc mà mỗi tên gọi đều gắn liền với một sự tích, huyền thoại không thể phai mờ. Núi Mục (có nghĩa là núi mắt, một trạm tiền tiêu của chiến khu), núi Dầu (còn gọi là Du Sơn, nơi đón các nghĩa sĩ bốn phương tụ nghĩa về Lam Sơn, gắn liền với sự tích bà hàng dầu, đã bí mật làm giao liên cho nghĩa quân, khi bị giặc Minh vây ráp, giết bà và làm đổ dầu cháy xém vàng úa cỏ cây cả một vùng), bãi Mả Ngô (bãi đất chôn xác giặc bị dân làng lén giết lúc chúng ngủ say trong những túi ngủ để tránh muối đốt), suối Khao (một lần được các già làng dâng vò rượu bên suối, Lê Lợi bèn đổ xuống dòng suối và tự mình múc lên uống, đoàn quân vui vẻ làm theo), cánh đồng Mẫu Hậu (nơi Lê Lợi và nghĩa quân được cứu đói trên đường chạy giặc Minh), bãi Lạnh (nơi Lê Lợi tin rằng linh hồn người quá cố đã gián tiếp giúp mình thoát giặc), giếng Hộ Quốc (cứu quân sĩ Lam Sơn lúc đói khát do bị bao vây)… Rất nhiều câu chuyện cảm động, ly kỳ về nghĩa quân Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi tác động đến việc hình thành tên các địa danh. Điều lý thú là ở vùng Lam Sơn còn có cả hệ thống giai thoại về tên các làng do Lê Lợi trực tiếp đặt như làng Nhân vùng núi Chí Linh, huyện Thường Xuân chỉ tình cảm mà Lê Lợi dành cho đồng bào Mường nơi đây là có nhân, Làng Hữu Lễ chỉ sự tiếp đón trọng thị nhà vua, Bái Thượng có do nhân dân vùng này tranh nhau đến vái chào ông, Bái Đô cũng là tên gọi do dân gian đọc chệch trong một lần nhân dân đến tranh nhau bái yết Lê Lợi, làng Hương chỉ sự kiện khi quân sĩ cùng Lê Lợi đến vùng Chí Linh, nhân dân đem trâu bò lúa gạo ra đón có bày cả hương án ra bái vọng, hương đốt tỏa ra ngây ngất cả vùng, làng Trò để chỉ các điệu hát mừng (pồn pôông) của người Mường thiểu số khi Lê Lợi cùng quân lính có dịp qua lại nhiều lần, làng Năng Cát được đặt tên để ghi lại cuộc sinh tồn khó khăn, vất vả của nghĩa quân khi giặc đuổi (năng là tên gọi cái nồi nhỏ, khi nghĩa quân lấy nước thổi cơm hoặc nấu thức ăn thường có rất nhiều cát đọng lại trong nồi), làng Bất Căng là tên gọi kỷ niệm trận đánh thành Đa Căng lịch sử…
Vùng Lam Sơn không chỉ có huyền thoại, cổ tích dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn mà còn nhiều phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò diễn, diễn xướng độc đáo, phổ biến là phong tục thờ cúng những người có công, có đóng góp, hy sinh vì đại nghĩa: bà hàng nước đã cứu Lê Lợi khi chạy giặc ở nhiều nơi, bà già đỡ đẻ làm nội ứng cho nghĩa quân hạ thành Đa Căng, bà cụ người Mường giữa rừng Vân Am cứu Lê Lợi khi bị giặc đuổi, cô gái trẻ Hoa Nương báo mộng cho chủ tướng Lam Sơn trên đường đánh giặc… được nhân dân thờ phụng và trở thành tục lệ ở nhiều nơi. Khó thống kê hết những người có danh và vô danh giúp đỡ, ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn và đã đi vào thần điện của các làng, bản ở xứ Thanh. Đặc biệt, mụ hàng dầu đã được làm giỗ với nghi thức quốc kỵ (hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu) đã đi vào tâm thức của nhân dân qua nhiều thế hệ. Các tục kiêng săn kỳ đà, không chặt cây xé của người Mường vì chính con vật ấy, cây ấy đã có công cứu người anh hùng của họ (Lê Lợi). Một số nơi trong vùng phía tây Lam Sơn kiêng ăn thịt cuốc, tránh gọi cuốc như một tên húy, khi buộc phải nói đến thì gọi chệch đi, ví dụ: khi gọi cái cuốc sới đất người ta gọi là cái sáo cỏ.
Ngoài các tín ngưỡng có nguồn gốc từ khởi nghĩa Lam Sơn, còn phổ biến các tín ngưỡng thờ sông núi, đáng chú ý là tín ngưỡng thờ Cao sơn và Thủy thần dọc theo lưu vực sông Chu, núi Lam Sơn và phụ cận. Theo thống kê, chỉ tính riêng các điểm thờ Cao Sơn thì “riêng huyện Lôi Dương (Thọ Xuân) có 82 nơi thờ trong tổng số hơn 411 nơi thờ của cả tỉnh Thanh Hóa”(2). Tín ngưỡng thờ thủy thần cũng rất phổ biến, quy tụ dọc sông Chu, quanh vùng Lam Sơn…
Làng nghề thủ công truyền thống trong ở vùng Lam Sơn cũng rất phong phú như nghề kéo sợi, dệt vải ở Trung Vực, nghề dệt lụa ở Phong Lai, làm giắng ở Xá Lê; làm thừng, chão ở Bắc Lương, Vạn Lại, điển hình hơn cả vẫn là nghề làm bánh gai ở Tứ Trụ, Thọ Xuân.
Lam Sơn cũng là vùng đất quy tụ các lễ hội lớn, điển hình ở tỉnh Thanh, đáng chú ý nhất là lễ hội Lam Kinh và lễ hội Lê Hoàn. Hội Lê Hoàn kéo dài từ 7-9 tháng 3 âm lịch hàng năm, được nhân dân tiến hành trọng thể, quy mô, không chỉ dừng lại ở việc tưởng nhớ anh hùng lịch sử mà còn là dịp tôn vinh các tục lệ, lễ tiết nông nghiệp như lễ hạ điền, lễ thượng điền, cày tịch điền, giã cốm mới, gói và nung bánh chưng. Lễ hội Lam Kinh được tổ chức vào ngày giỗ Lê Thái Tổ, 22-8 âm lịch hàng năm, được xem là lễ hội lịch sử có quy mô hoành tráng nhất xứ Thanh. Phần lễ thực hiện các nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: trống hội, cờ hiệu, rước kiệu, tế lễ các vua Lê. Phần hội, tái hiện hào khí Lam Sơn với hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, vua Thái Tổ đăng quang. Lễ hội cũng là dịp phô bày các tục trò, diễn xướng đậm nét văn hóa dân gian truyền thống của xứ Thanh như Xuân Phả, trò Triềng, trò Sanh Ngô, dân ca Đông Anh, dân ca sông Mã, đấu vật, đấu võ, biểu diễn chèo, ca công truyền thống… Lam Kinh đi vào tâm thức dân tộc như là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, diễn xướng.
Trò diễn dân gian đặc sắc nhất vùng Lam Sơn phải kể đến hệ thống trò Xuân Phả, với điểm tích tụ tại khu vực Bái Thượng. Điểm khá hấp dẫn trong trò diễn này là hỗn hợp yếu tố dân gian xen lẫn cung đình trong ngũ trò. Hình ảnh các quân trò dáng điệu vua chúa, xứ thần, người dân mang mặt nạ da bò, đầu đội bằng rế, phủ lá quanh mình, tái hiện những sự kiện, khung cảnh lịch sử quyện vào cảm hứng sinh hoạt dân gian. Trò Xuân Phả là diễn xướng tổng hợp tập quán, phong tục, tín ngưỡng, âm nhạc, múa, sân khấu, hóa trang mang tập quán văn hóa của cư dân sông nước.
Điểm qua hệ thống di sản vùng Lam Sơn, có thể thấy những yếu tố lịch sử và các sắc thái văn hóa dân gian như hòa quyện, gắn bó một cách chặt chẽ trên nền tảng sinh hoạt văn hóa chung của cư dân Việt – Mường – Thái lâu đời. Một hệ thống di sản vật thể, phi vật thể đồ sộ, kết tinh lại như một cuốn dân sử ghi dấu và phản ánh bước đi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh. Trong không gian văn hóa Lam Sơn, mỗi tín ngưỡng, lễ hội, di tích, thần tích, di vật, tục trò, tập quán… đã trở thành những huyền thoại đặc sắc, lôi cuốn.
Tìm hiểu về di sản văn hóa vùng Lam Sơn, nối lại sợi dây văn hóa từ quá khứ đến hiện tại để đóng góp vào việc bù lấp những khoảng trống trong nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, để tìm hiểu sức mạnh thần kỳ giữa yếu tố thực và hư, sự giao thoa văn hóa Việt – Mường – Thái… là những vấn đề khá lý thú. Nó tạo nên tính thiêng, sự lôi cuốn về tâm linh, tình cảm của cộng đồng, sức hấp dẫn đặc biệt của không gian văn hóa Lam Sơn.
_______________
1, 2. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thọ Xuân, Địa chí huyện Thọ Xuân, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.633, 533.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012
Tác giả : Hà Đình Hùng
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng