Di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa lam sơn

Trên đất Thanh Hóa có một hệ thống di tích phụng thờ những người có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vừa có tính tập trung, vừa có tính dàn trải trên diện rộng từ trung du, đồng bằng xuống đến một số vùng ven biển. Các di tích này cùng với những nghi thức, nghi lễ liên quan cấu thành nên nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, nếu được quan tâm trùng tu, bảo vệ sẽ là nguồn tư liệu đáng quý để giáo dục truyền thống cũng như phục vụ phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.

1. Hệ thống di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Kết quả kiểm kê tính đến cuối năm 1996 có hơn 80 địa phương có đền thờ vua Lê Thái Tổ; đệ nhất công thần Lê Lai và các tướng lĩnh, người có công trong khởi nghĩa Lam Sơn, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Thanh Hóa và một số huyện đồng bằng. Số lượng lớn các đền thờ phân bố rộng khắp, chứng tỏ sức lan tỏa của vùng văn hóa Lam Sơn – Lam Kinh và giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân (1).

Trên bình diện nhân vật được thờ là những nhân vật lịch sử có thật gắn liền với Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có thể chia làm 3 nhóm cơ bản:

Các di tích phụng thờ anh hùng dân tộc Lê Lợi

Có thể nói, việc phụng thờ Lê Lợi chỉ riêng ở xứ Thanh đã là cả vấn đề khoa học khá lý thú. Từ các di tích mang tính chất cung đình đến những địa điểm thờ tự có tính dân giã đều phụng thờ Lê Lợi. Mặt khác, việc thờ phụng, tôn vinh, tưởng niệm công lao của Lê Thái Tổ không những xuất hiện ở người Kinh, mà còn có trong tập tục, lễ hội của các tộc người Mường, Thái. Đối với các di tích thờ phụng Lê Lợi, nếu xét trên sự phụng thờ trực tiếp có thể kể đến một số di tích trọng điểm:

Khu điện miếu Lam Kinh và Vĩnh Lăng: di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, là đất phát tích của triều Lê sơ. Lam Kinh có lăng miếu thờ các vua và hoàng hậu nhà Lê, cũng là nơi hành điện để vua và các triều thần nhà Lê nghỉ ngơi mỗi khi tuần du về bái yết sơn lăng. Lam Kinh được xây dựng ngay sau khi Lê Lợi mất và được đưa từ Đông Đô (Hà Nội) về an táng. Lam Kinh nay đã được trùng tu lại với tư cách khu di tích quốc gia đặc biệt để tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa của nhà Lê sơ. Trong số các di vật gắn liền với thân thế, sự nghiệp Lê Lợi thì bia Vĩnh Lăng mang ý nghĩa lịch sử to lớn, được xem là một trong số ít những bia ký chuẩn mực, tiêu biểu cho nghệ thuật bia ký cổ truyền Việt Nam.

Đền thờ Lê Thái Tổ: nằm trong quần thể Khu di tích Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Do biến cố lịch sử, khu điện miếu Lam Kinh hoang phế, không có nơi thờ cúng các vua và hoàng hậu triều Lê. Nhân dân làng Cham, xã Xuân Lam (quê hương vua Lê) đã hưng công dựng đền vào năm 1933. Năm 1934 đền được xây dựng lại bằng gạch theo hình chữ Đinh trên nền móng cũ gồm tiền đường và hậu cung. Năm 1996, di tích được tôn tại lại theo lối kiến trúc gỗ gồm tiền đường, trung đường (nhà cầu kiểu ống muống) và hậu cung. Đặc biệt trong di tích hiện còn bức tượng Lê Thái Tổ quý giá bằng chất liệu đồng. Khác với lễ hội Lam Kinh do Nhà nước tổ chức, lễ hội đền Lê Thái Tổ vào dịp 22 – 8 âm lịch hàng năm do nhân dân tự tổ chức với nhiều nghi thức đậm chất dân gian đặc sắc như rước kiệu từ đền thờ Lê Lai (đền Tép) xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc về đền vua Lê ở Xuân Lam.

Thái miếu nhà Hậu Lê: thuộc làng Quảng Xá, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, được lập nên dưới triều Nguyễn đời Gia Long thứ 4 (1805). Đây là miếu thờ được dựng lại trên cơ sở 2 miếu thờ đã được lập dưới triều Lê, một miếu ở Lam Sơn (nay là Lam Kinh), miếu còn lại là điện Hoằng Đức Thăng Long (Hà Nội), công trình hiện nay chủ yếu được tu sửa từ năm 1996. Về cơ bản đây là di tích phụng thờ các vua và hoàng hậu, tông thất nhà Lê.

Ngoài các di tích mang tính chất là nơi thờ chính, các điểm thờ Lê Lợi còn có ở nhiều nơi trên đất Thanh. Đặc biệt sự thờ phụng này có liên quan khá mật thiết đến các huyền thoại, truyền thuyết trong dân gian về khởi nghĩa Lam Sơn. Có thể liệt kê một số điểm thờ đáng chú ý: đền thờ Lê Lợi vùng dân tộc Mường ở Làng Trọc, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc; đền thờ Lê Lợi vùng dân tộc Mường ở làng Bóng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc; đền thờ Lê Lợi vùng dân tộc Mường ở núi Phù Hương, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc; đền thờ Lê Lợi ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy; đền thờ Lê Lợi vùng dân tộc Thái ở bản Năng Cát, xã Trí Năng, huyện Lang Chánh; miếu thờ Lê Lợi ở Eo Lê, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc; nhà thờ dòng họ Đàm Lê, Đông Lĩnh, Đông Sơn; di tích hội thề Lũng Nhai ở Ngọc Phụng, Thường Xuân…

Các di tích phụng thờ tướng lĩnh Lam Sơn

Qua khảo sát, số lượng các di tích thờ tướng tá, công thần, nhân vật lịch sử gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn ở xứ Thanh phân bố dàn trải trên một không gian khá rộng từ vùng núi đến trung du, đồng bằng và có trường hợp bắt gặp ở ven biển, trong đó mật độ tập trung hơn cả là khu vực vùng núi phía tây xứ Thanh, là vùng địa bàn hoạt động chính của quân đội Lam Sơn trong khoảng những năm 1418 – 1423 và xung quanh khu vực Lam Sơn ngày nay. Xét theo tiêu chí là các nhân vật lịch sử có thật, có thể điểm qua một số di tích trọng điểm:

Huyện Ngọc Lặc: có đền Tép thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, đền Mỹ Lâm ở xã Minh Tiến thờ tam quốc công Đinh Liệt, Đinh Bồ, Đinh Lễ, đền Phạm Cuống ở xã Vân Am.

Huyện Thọ Xuân: đền thờ Lê Văn An ở xã Thọ Lâm, đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm ở Thọ Diên, đền thờ Lê Sao ở Xuân Thiên, đình làng Hương Nhượng ở xã Thọ Hải thờ Lê Khả Lãng, quần thể đền thờ và lăng mộ Lê Văn Linh xã Thọ Hải, lăng Đỗ Đại ở xã Thọ Lâm, đền thờ Trần Lựu ở Xuân Bái, 2 vị công thần Lê Lai, Nguyễn Trãi được thờ trong đền Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam.

Huyện Thường Xuân: di tích hội thề Lũng Nhai thờ 18 vị khai quốc công thần và Lê Lợi.

Huyện Triệu Sơn: đền thờ Thái úy Khang quốc công Lê Lộng ở xã Thọ Vực, đền thờ khai quốc công thần Lê Lôi ở xã Tân Ninh.

Huyện Nông Cống: đền thờ khai quốc công thần Đỗ Bí ở xã Minh Nghĩa, đền thờ Đinh Liệt ở xã Trung Chính, đền thờ khai quốc công thần Vũ Uy ở làng Ngọc Uyên (Tân Phúc), đền thờ cha con Lê Hiểm, Lê Hiêu ở xã Tân Phúc, đền thờ cha con khai quốc công thần Lê Lai ở xã Trung Ý, đền thờ Nguyễn Chích (căn cứ Hoằng Nghiêu) ở xã Hoàng Sơn.

Huyện Như Xuân: đền thờ Lê Thành, nhân vật lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn người dân tộc Thổ ở xã Yên Lễ.

Huyện Thiệu Hóa: đền thờ Đinh Lễ ở thị trấn Vạn Hà, quần thể đền thờ và lăng mộ Trần Lựu ở xã Thiệu Quang.

Huyện Hoằng Hóa: đền An Lạc thờ cha con Lê Lai ở xã Hoằng Hải, đền thờ Phạm Cuống, Phạm Vấn ở xã Hoằng Trường.

Huyện Hà Trung: đình Gia Miêu thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẩn là nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn.

Huyện Quảng Xương: đền thờ Thái Bảo Đông quận công Nguyễn Thiện ở xã Quảng Trường.

Huyện Tĩnh Gia: đền thờ cha con Trương Lôi, Trương Chiến ở xã Hải Hòa.

Huyện Vĩnh Lộc: đền thờ Thái úy Trịnh Khả xã Vĩnh Hòa.

Huyện Yên Định: cụm đền thờ và lăng mộ Lê Sát xã Định Hải.

Huyện Đông Sơn: đền thờ Nguyễn Chích ở Đông Ninh, đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn ở Đông Yên, nhà thờ họ Đàm Lê và đình Phương Chính ở Đông Lĩnh thờ các quận công họ Đàm, đền thờ Trịnh Khắc Phục ở xã Đông Minh.

Thành phố Thanh Hóa: đền thờ Trang quốc công Lê Thành xã Đông Cương, đền thờ Nguyễn Chích phường Trường Thi.

Các di tích khác

So với các di tích phụng thờ nhân vật lịch sử là tướng lĩnh, công thần, quan binh của khởi nghĩa Lam Sơn, những di tích thờ nữ nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa có phần khiêm tốn hơn. Trong số này phần nhiều là các di tích thờ những người phụ nữ vô danh, được nhân dân thiêng hóa gắn liền với bước tiến của khởi nghĩa Lam Sơn và cá nhân người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Các nhân vật được huyền thoại hóa phổ biến như: thần cáo trắng (Hồ Ly phu nhân), Hoa Nương, Hồng Nương, Trịnh Uyển công chúa, Trịnh Bạch phu nhân, Quốc mẫu… được nhân dân khoác lên mình tấm áo lịch sử bằng các giai thoại, thần tích điển hình phổ biến như: giúp sức, báo mộng, cứu cho Lê Lợi thoát giặc, sau này được nhà Lê biết ơn và cho phép nhân dân thờ phụng. Xét theo tiêu chí thần được thờ là những nhân vật lịch sử có thật, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn thì không đáng kể, trong số này, chỉ có hai nhân vật tiêu biểu được thờ là hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần và thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, cả hai đều là vợ của Lê Lợi.

Thanh Hóa có hai điểm thờ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần ở làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa và làng Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân); đền thần phi quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ là di tích phụng thờ người vợ cả của Lê Lợi, thuộc xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, là di tích mới được trùng tu, tôn tạo lại trên dấu vết khu mộ cũ. Bên trong đền thờ vừa được tôn tạo, thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ được thờ phía trong hậu cung, ngoài ra, di tích còn phối thờ nhiều vị công thần khởi nghĩa Lam Sơn như Lê Lai, Nguyễn Trãi, Lê Văn An, Lê Văn Linh, cùng các vị công thần khác thuộc cả hàng văn và hàng võ…

Có thể thấy, hệ thống các di tích thờ phụng các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, nhiều thành phần và dàn trải trên một vùng địa bàn rộng khắp từ vùng núi phía tây tỉnh Thanh Hóa xuống đến các huyện đồng bằng và một số vùng ven biển. Việc mật tập các điểm thờ cho thấy mức độ lan tỏa của tín ngưỡng và xác lập ổn định trong tâm thức văn hóa của cộng đồng.

2. Công tác bảo tồn, phát huy di tích giai đoạn hiện nay

Trong những năm qua, việc nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê di tích về khởi nghĩa Lam Sơn được cấp ban ngành của tỉnh đặc biệt chú trọng. Năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với khu Lam Sơn – Lam Kinh của Thanh Hóa. Phục vụ cho việc xếp hạng, Ban quản lý khu Di tích Lam Kinh đã nghiên cứu, sưu tầm và khảo tả các di tích trọng điểm khu vực điện miếu Lam Kinh và nhiều di tích vệ tinh, thống kê sơ bộ danh mục 83 điểm thờ tướng lĩnh và người có công trong khởi nghĩa Lam Sơn tại Thanh Hóa. Để phục vụ công tác khai thác khu di tích Lam Kinh đạt hiệu quả, việc khôi phục một số các di tích vệ tinh cũng như trùng tu những di tích vùng lõi khu vực Lam Kinh được tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Các di tích vệ tinh như: đền Tép (Ngọc Lặc), đền thờ Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Sao, Lê Khả Lãng, đền Lê Thái Tổ, đền Ngọc Lan (khu vực huyện Thọ Xuân), đền Trương Lôi – Trương Chiến (Tĩnh Gia), Thái miếu nhà Hậu Lê (thành phố Thanh Hóa), đền Trịnh Khắc Phục, đền thờ Nguyễn Chích (Đông Sơn)… được chính quyền, nhân dân cũng như các dòng họ đầu tư, hưng công tu sửa, tôn tạo. Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích, nghiên cứu xây dựng lý lịch và lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa triển khai. Việc tổ chức các hội thảo khoa học như: hội thảo về hội thề Lũng Nhai năm 2013, hội thảo về hoàng hậu Bạch Ngọc, hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ… được Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, Sở VHTTDL Thanh Hóa tiến hành trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, ngoài di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh mang tính chất biểu tượng được đầu tư trọng tâm, tương xứng, tại một số di tích khác như: đền thờ Trịnh Khả (Vĩnh Hòa, Vĩnh Lộc), đền Trương Lôi, Trương Chiến (Hải Hòa, Tĩnh Gia), đền thờ Đỗ Bí ở Nông Cống, đền thờ Lê Sao, đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, đền thờ công thần Lê Văn Linh, Lê Khả Lãng, đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm ở Thọ Xuân, đền thờ Trịnh Khắc Phục ở Đông Sơn… đang xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tượng trùng tu sai nguyên tắc, không khoa học, có dấu hiệu làm biến dạng tính nguyên mẫu, chân xác của di tích tương đối phổ biến. Hiện tượng mất di vật, tài liệu gốc liên quan đến di tích xảy ra ở một số di tích đã làm giảm giá trị lịch sử, văn hóa của di sản. Các di vật như sắc phong, gia phả, đồ thờ không được coi giữ cẩn thận, chủ yếu tại các di tích làng xã quản lý. Hoạt động dân sinh xâm lấn không gian tồn tại của di tích, chồng lấn với đời sống sinh hoạt gây mất mỹ quan, tính thiêng của nơi thờ tự. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy hệ thống di tích vừa là yêu cầu vừa là đòi hỏi mang tính cấp bách giai đoạn hiện nay. Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Có kế hoạch điều tra, khảo sát hiện trạng tồn tại cũng như giá trị của hệ thống di sản, di tích phụng thờ các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn tỉnh một cách tổng thể, toàn diện. Trên cơ sở đó lập cơ sở dữ liệu về danh mục các điểm thờ, hiện trạng di tích.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích nghệ nhân, nhà nghiên cứu, cộng đồng dân cư tăng cường công tác sưu tầm nghiên cứu, bổ sung tư liệu, tài liệu và phục dựng, tái hiện các nghi lễ, phong tục, lễ hội gắn với tôn vinh, tưởng niệm và phụng thờ những nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn.

Tăng cường đổi mới công tác phân cấp quản lý, đảm bảo tính hiệu quả. Để công tác phối hợp quản lý đồng bộ, nên có quy chế quy định rõ nhà nước, cụ thể là Sở VHTTDL, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa tỉnh chịu trách nhiệm quản lý về chuyên môn, chuyên ngành; chính quyền địa phương cấp xã và dòng họ quản lý trông coi.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành cần đổi mới công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công, giám sát và nghiệm thu công trình trùng tu, tôn tạo di tích. Thực hiện định dạng giá trị di sản trước khi tiến hành trùng tu, tôn tạo.

Chính quyền địa phương tại điểm có di tích cần gắn kết với dòng họ, tư nhân trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nghiêm cấm các hành vi tự ý thay đổi không gian thờ cúng, mở rộng, cơi nới nơi thờ cúng hoặc bổ sung, đưa vào các hình thức thờ cúng không phù hợp.

Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho đối tượng cán bộ cấp xã về công tác kiểm kê, sưu tầm, tuyên truyền, phát huy tác dụng di tích trong đời sống cộng đồng cư dân. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn tại cộng đồng cư dân nơi có di tích, di sản khởi nghĩa Lam Sơn.

Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng, kịp thời về giá trị các di sản, di tích phụng thờ nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn. Gắn việc bảo tồn với công tác giáo dục thế hệ trẻ tại địa bàn dân cư.

Hệ thống di tích phụng thờ nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, thể hiện truyền thống lịch sử văn hóa và tự hào của cộng đồng cư dân bản địa. Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hữu hiệu đối với hệ thống di sản, di tích này là vấn đề cấp bách.

______________

1. Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu Lam Sơn – Lam Kinh, Thanh Hóa, Lý lịch di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh huyện Thọ Xuân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 – 2017

Tác giả : HÀ ĐÌNH HÙNG

Wiki : https://www.wikiwand.com/vi/Tr%E1%BA%A7n_L%E1%BB%B1u

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *