Đi tìm ý nghĩa hình tượng “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”


Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”, từ ngày 18-1 đến 3-8-2022, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Chuyên đề trưng bày, giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc, với hơn 30 hiện vật cùng các tài liệu, hình ảnh chọn lọc trải dài trên 2.000 năm trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Từ xa xưa, hình tượng hổ đã đồng hành và gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người Việt; theo tiến trình thời gian, cùng sự phát triển, ảnh hưởng của văn hóa, tâm linh, tôn giáo, mà đặc điểm tạo hình, phong cách biểu đạt, cũng như nghệ thuật ứng dụng và ý nghĩa biểu tượng của linh vật này qua mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt rõ nét.

Để khái quát một cách trọn vẹn, đồng thời làm nổi bật giá trị, quy luật và nguồn gốc, diễn biến của hình tượng hổ, chuyên đề trưng bày thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình, bao gồm 3 phần chính:

Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn: Hình ảnh hổ vừa mang tính tả thực vừa mang tính ước lệ, có liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, cùng tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Ngoài những hình tượng hổ trang trí bằng họa tiết chìm, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng tròn như: bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động trên nắp thạp đồng Vạn Thắng (Cẩm Xuyên, Phú Thọ), tượng hổ kết hợp với rắn, voi trên chuôi dao găm Đông Sơn khai quật tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ An),…

Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên: Hình tượng hổ thời kỳ này mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, gắn với các quan niệm về Tứ tượng hay còn gọi là Tứ linh, Tứ Thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (phương Nam), Huyền Vũ (phương Bắc). Về tạo hình thẩm mỹ, chú trọng vào sự hài hòa, uyển chuyển, kết hợp với các biểu tượng mang tính chất thánh, thiêng hóa thể hiện niềm tin và sự tôn kính tuyệt đối.

Tranh Ngũ hổ Hàng Trống

 

Hổ trong nghệ thuật thế kỷ X – XX: Hình tượng hổ xuyên suốt trong giai đoạn thế kỷ này được khắc họa phong phú, đa dạng từ thể loại, chất liệu cho đến phong cách tạo hình, ý nghĩa biểu đạt. Tượng hổ ở thế kỷ XIII – XVIII, xuất hiện từ thời Trần (1225-1400) với tạo hình khỏe khoắn, sinh động, được coi như là linh thú trấn yểm, canh gác, bảo vệ các khu lăng mộ,…. Hổ trong nghệ thuật gốm, xuất hiện từ khá sớm và trở thành đề tài trang trí được ưa chuộng, có tạo hình khác biệt, mang dấu ấn độc đáo riêng. Hình tượng hổ thế kỷ XVI – XVIII, thể hiện sự gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, được các nghệ nhân dân gian truyền thống lựa chọn làm chủ đề điêu khắc tại những ngôi đình cổ nổi tiếng như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ),…

Hổ còn xuất hiện trong tranh dân gian Hàng Trống, với bức tranh Ngũ hổ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thường được trưng bày nơi không gian tín ngưỡng, thờ phụng. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu, kết hợp cùng đường nét và cách tạo hình mang tính ước lệ cao, các hình khối sắp xếp nổi bật, bố cục hài hòa, họa tiết trang trí tinh tế như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú,… đã tạo nên tổng thể đặc trưng vừa rực rỡ, vừa tương phản, gần gũi mà cũng rất uy nghiêm của tranh Hàng Trống.

Vào thế kỷ XIX – XX, hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn được thể hiện đặc sắc, đa dạng từ cung đình đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Tiêu biểu như bộ sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đề tài hổ được sử dụng khá nhiều với ý nghĩa cát tường, chúc phúc, trừ tai,…

Thông qua hoạt động trưng bày, Ban Tổ chức mong muốn cung cấp nguồn tài liệu, sưu tập hiện vật quý giá, giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của hình tượng hổ, một trong những linh vật quan trọng, góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi), gắn liền với các giai đoạn lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

MINH HẰNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *