Nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), chúng ta thường liên tưởng đến một thành phố trẻ, sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng. Những năm 2000, sân khấu kịch nói nổi lên như một hiện tượng mới, góp phần làm phong phú đời sống xã hội, tinh thần của người dân. Kịch nói thành phố đã có bước phát triển đáng kể và chiếm một vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành sân khấu nói riêng, nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam nói chung. Xuất phát từ chính những quan sát thực tế, tác giả bước đầu phác thảo về diện mạo đa dạng của sân khấu kịch TP.HCM những năm 2000.
1. Khái quát chung về sân khấu kịch TP.HCM
Kịch nói là một thể loại sân khấu ngoại sinh du nhập vào Việt Nam những năm đầu TK XX. Về lịch sử hình thành, kịch có thời gian tồn tại ngắn hơn so với các thể loại truyền thống khác của Việt Nam như chèo, tuồng. Ở Nam Bộ, theo tác giả Nguyễn Văn Thành trích từ những ghi chép của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “ngay từ 1863 tại Sài Gòn đã xuất hiện những buổi trình diễn của các gánh hát người Tây từ chính quốc sang để phục vụ chủ yếu cho Tây thuộc địa xem, nhân đó mà những người Việt Nam làm việc cho Tây cũng được tiếp xúc với những hình thức trình diễn lạ mắt là ca – múa và cả kịch nói” (1). Như vậy, bước đầu, kịch nói đã được giới thiệu nhưng chỉ giới hạn ở một bộ phận nhỏ công chúng phương Nam. Khi xu hướng Âu hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở các đô thị lớn, đặc biệt như Sài Gòn, nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người dân cũng bắt đầu thay đổi. Song song đó, cùng với hệ thống những trường Pháp – Việt đưa vào chương trình giảng dạy tác phẩm nổi tiếng của một số tác gia tiêu biểu thế giới như: Molier, Corneille…, kịch đã bắt đầu thâm nhập một cách sâu rộng hơn và được tầng lớp thanh thiếu niên yêu thích. Sau năm 1954, một số đoàn nghệ thuật tư nhân hình thành ở Nam Bộ. Các đoàn này kết hợp trình diễn ca nhạc xen kẽ biểu diễn kịch nói. Ở các chiến khu, các đoàn văn công giải phóng cũng tổ chức diễn kịch cho đồng bào và chiến sĩ thưởng thức. Vì vậy, khán giả Nam Bộ cũng dần dần quen thuộc hơn với thể loại kịch. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách toàn diện sân khấu kịch nói từ khi xuất hiện cho đến đầu năm 1975 chỉ là những hoạt động mang tính chất lẻ tẻ. Miền Nam chưa được giải phóng, giành độc lập, đất nước chưa thống nhất nên nghệ thuật không có điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, kịch nói khó có thể cạnh tranh với người anh em cải lương.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước độc lập, Tổ quốc thống nhất, đã mở ra một kỷ nguyên mới, đem lại những thay đổi toàn diện, to lớn cho hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà. Sân khấu kịch ở TP.HCM có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, có chất lượng, thể hiện sắc thái riêng. Các đoàn kịch chuyên nghiệp do Nhà nước quản lý được thành lập (như Đoàn kịch nói Nam Bộ sau này là Đoàn kịch Cửu Long Giang; Đoàn Kịch Trẻ), đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu, đào tạo bài bản đúng chuyên môn, tác phẩm hay, có chọn lọc đầu tư, kịch nói đã thực sự trở thành thể loại có sức hấp dẫn lớn, thu hút số lượng đông đảo công chúng. Bên cạnh đó, các đoàn kịch tư nhân (như Đoàn kịch Kim Cương; Đoàn kịch Bông Hồng) cũng đi vào quy trình chuyên nghiệp hóa, chất lượng biểu diễn tăng lên đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Chỉ trong vòng 10 năm (1975-1985), kịch nói đã khẳng định vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của thành phố. Người thành thị xem kịch như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.
Vở kịch Cần có ai đó để yêu thương của Sân khấu Idecaf – Ảnh: tư liệu
Nghệ thuật không nằm ngoài mà luôn gắn bó với kinh tế, xã hội. Đây là một quy luật tất yếu khách quan và sân khấu kịch thành phố cũng chịu tác động từ các yếu tố trên. Giai đoạn từ 1985 đến nay, kịch nói đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, nền kinh tế thị trường xuất hiện, sự phát triển khoa học công nghệ, quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới diễn ra nhanh chóng, xu hướng thẩm mĩ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng thay đổi…, tạo ra những bước ngoặt cho kịch nói. Một trong những vấn đề nổi bật nhất, tạo nên nét riêng cho sân khấu kịch thành phố là quá trình xã hội hóa. Số lượng các đoàn kịch do nhà nước bao cấp, quản lý đã thu hẹp lại một cách đáng kể (2), thay vào đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các sân khấu kịch tư nhân, mà người đầu tư có thể là các văn nghệ sĩ hoặc công ty giải trí, tổ chức sự kiện. Chính sự có mặt của các cá nhân, tổ chức này với phương thức hoạt động tính đến hiệu quả kinh doanh thương mại, tính đại chúng, đã mang đến cho sân khấu kịch một bộ mặt mới, bao gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau. Cho đến thời điểm hiện nay, kịch nói vẫn duy trì và tồn tại được ở TP.HCM trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, điện ảnh. Công chúng có nhu cầu giải trí hay yêu thích bộ môn kịch vẫn có thể tìm đến, hòa mình vào những phút giây vui, buồn, những cảm xúc yêu, ghét hoặc khóc, cười cùng nhân vật dưới ánh đèn sân khấu huyền ảo.
2. Những phương diện đa dạng của sân khấu kịch TP.HCM
Đa dạng về thể loại và đề tài
Từ năm 1986, khi Đại hội Đảng lần VI mở ra một thời kỳ mới, đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, cơ chế tập trung bao cấp xóa bỏ, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng nhiều hình thức sở hữu… đã tác động, góp phần không nhỏ cho sự chuyển biến lớn của sân khấu kịch ở thành phố. Nếu trước đây, kịch về mặt thể loại chủ yếu chỉ là chính kịch hay hài kịch thì từ khi có sự xuất hiện của các sân khấu kịch tư nhân, kịch thành phố trở nên đa dạng hơn. Xuất phát từ thị hiếu của công chúng cũng như đáp ứng yêu cầu hiệu quả kinh doanh, một loạt thể loại mới đã hình thành và ngày càng phát triển mạnh như: kịch kinh dị, kịch tâm lý – xã hội, kịch hài – tâm lý xã hội. Vở diễn Người vợ ma của sân khấu kịch Hồng Vân xem như tiếng nổ khơi mào cho cả một trào lưu diễn, xem kịch kinh dị của nghệ sĩ và công chúng ở thành phố. Đến nay, kịch kinh dị là một món ăn quen thuộc, khá được ưa chuộng với khán giả, đặc biệt là với giới trẻ. Trong kịch mục của các sân khấu kịch như: Hồng Vân, Thế giới Trẻ, Sài Gòn, kịch kinh dị chiếm một nửa trong tổng số lượng các vở diễn. Lầu hoang, Kỳ nghỉ kinh hoàng, Quả tim máu, Bóng ma trong giường cưới, Người vợ ma phần 1,2,3, Căn hộ 404, Ảnh ảo… đều có số lượng vé bán chạy, thu hút một lượng không nhỏ khán giả đến xem.
Bên cạnh kịch kinh dị, tâm lý – xã hội và hài – tâm lý xã hội là hai thể loại mới gây sự chú ý cũng như giành được nhiều thiện cảm. Nếu như kịch kinh dị đi sâu vào khai thác các yếu tố kinh dị và kết thúc luôn tạo bất ngờ thì ở tâm lý – xã hội, toàn bộ mạch kịch tập trung miêu tả số phận con người với diễn biến nội tâm phức tạp, đa dạng. Người xem có thể thấy bóng dáng cuộc đời thực phản chiếu lại trên sân khấu. Đối với hài – tâm lý xã hội, vẫn là câu chuyện diễn ra trong đời sống hằng ngày, với đầy đủ cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, nhưng cách kể mang màu sắc lạc quan, tươi sáng, hóm hỉnh, vui vẻ. Cái hài xuất hiện ở mức độ đủ để tạo tiếng cười sảng khoái, giảm bớt không khí nặng nề, căng thẳng cho câu chuyện được thể hiện. Màu của tình yêu, Nửa đời ngơ ngác của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Cần có ai đó để yêu thương, Tía ơi má dzìa ở Idecaf là những vở diễn gần đây theo hai xu hướng này.
Một thể loại mới đang trên đường thể nghiệm và cũng đã bắt đầu thu hút một bộ phận khán giả trẻ, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên, đó chính là nhạc kịch. Nhạc kịch có nguồn gốc xuất xứ từ châu Âu và đối với khán giả phương Tây thì đã quá quen thuộc. Nhưng ở Việt Nam, thể loại này còn rất xa lạ và mới mẻ. Nhạc kịch trên sân khấu kịch nói thành phố là một sự sáng tạo linh hoạt, trong đó yếu tố chủ đạo vẫn là đối thoại, kèm theo đó là phần âm nhạc. Có những lớp diễn hay tình huống phản ánh một nội dung nào đó, nhân vật sẽ hát thay cho thoại. Những bài hát được sáng tác riêng cho phù hợp với từng vở kịch. Sân khấu Idecaf là đơn vị tiên phong xây dựng thể loại nhạc kịch với các vở tiêu biểu như: Tin ở hoa hồng, Trái tim nhảy múa, Ngàn năm tình sử, Tình yêu không thiên đường…
Không chỉ đa dạng về các thể loại dành cho người lớn, một số sân khấu kịch TP.HCM còn có kịch thiếu nhi dành cho đối tượng trẻ em. Với hàng loạt các vở diễn nằm trong chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa, sân khấu Idecaf đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của một bộ phận công chúng nhỏ tuổi nơi đây. Thành công của Idecaf đã mở đường cho một số sân khấu khác tiếp nối.
Để tồn tại trong guồng máy cạnh tranh với rất nhiều loại hình nghệ thuật đang thu hút sự quan tâm đáng kể của công chúng, sân khấu kịch nói thành phố đã có những biến đổi linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh thực tế. Sự đa dạng về đề tài là một yếu tố chiếm lĩnh vai trò quan trọng. Nhắc đến kịch, chúng ta thường nghĩ đến sự phản ánh đời sống xã hội hằng ngày, vì vậy xoay quanh những vấn đề quen thuộc, gắn bó với mỗi người như: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình bạn, tình đồng chí – đồng đội. Đó có thể xem là những nội dung mang tính chất truyền thống. Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, toàn cầu hóa, giao lưu mở rộng giữa các quốc gia trên thế giới, con người có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với các thông tin mới mang tính thời sự. Khán giả Việt cũng có nhiều mối quan tâm hơn trước đây, dẫn đến nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng thay đổi không ít. Họ không còn mặn mà khi xem kịch mà nội dung là những điều đã được nghe, nhắc đến rất nhiều lần. Một vở kịch để sáng đèn liên tục ở các sân khấu cần có tính xã hội nóng bỏng. Nắm bắt được tâm lý chung của công chúng hiện nay, một loạt các sân khấu đã triển khai xây dựng vở diễn bám sát những thực tế đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Đề tài về đồng tính, chuyển giới, showbiz, quan hệ tình – tiền giữa “chân dài” và đại gia, về sự giàu lên nhanh chóng của một số người từ việc mua bán đất… được một số sân khấu như Thế giới Trẻ, Idecaf, Hồng Vân khai thác. Các suất diễn sáng đèn, doanh thu ổn định minh chứng cho sự thành công khi mạnh dạn chọn những vấn đề mới xuất phát từ nhu cầu thực tế của người xem. Bên cạnh đề tài có tính thị trường, thương mại phục vụ số đông đại chúng, khai thác, chọn những câu truyện, nhân vật có thật trong lịch sử để xây dựng vở diễn là một nét thú vị ở sân khấu kịch nói thành phố. Nếu như khán giả xem kịch miền Bắc đã quá quen thuộc với đề tài lịch sử thì ở phía Nam, đa số người yêu thích bộ môn này vẫn cảm thấy còn nhiều mới mẻ. Cái mới bao giờ cũng có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Trần Quốc Toản của sân khấu Idecaf thu hút đông đảo cả khán giả người lớn và trẻ em khi trình diễn. Từ truyền thống đến hiện đại, từ những vấn đề của quá khứ đến những nội dung đang hoặc vừa mới diễn ra còn độ nóng trong đời sống xã hội, có thể nói, các sân khấu kịch nói thành phố đang sở hữu mảng đề tài khá đa dạng.
Đa dạng về phong cách
Khi nhắc về kịch miền Bắc, khán giả và giới chuyên môn thường đưa ra ý kiến: kịch miền Bắc có phong cách hàn lâm, chính luận. Dù là hài kịch thì tiếng cười cũng thâm thúy, sâu sắc. Xuất phát từ quan điểm trên nên khi xem kịch miền Nam, không ít người cho rằng kịch nói ở đây mang tính bình dân, đại trà, thuần túy giải trí. Nhận định này không hẳn đã sai nhưng thực sự chưa chính xác trong bối cảnh thực tế đang diễn ra. Sân khấu kịch TP.HCM ở thời điểm hiện tại đã có sự phân định ngầm, tuy chưa chính thức nhưng với những ai quan tâm, yêu và thường xuyên xem kịch đều nắm bắt được phong cách riêng của các sân khấu. Công chúng của bộ môn kịch ngày nay khá đa dạng, trình độ thưởng thức nghệ thuật cũng bắt đầu ở mức độ cao hơn. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đã phần nào giúp người xem có những kiến thức cơ bản về các loại hình nghệ thuật. Thêm vào đó, kinh tế thị trường sẽ dẫn đến sự cạnh tranh. Vì vậy, để tồn tại được và khán giả không quay lưng, người quản lý và chủ đầu tư ở các sân khấu kịch tại thành phố buộc phải nghĩ đến việc định hình phong cách riêng. Phong cách riêng này chính là thương hiệu làm nên sự độc đáo, lôi kéo người xem đến với sân khấu của họ. Bước đầu tuy còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhưng đến nay, một số sân khấu kịch đi đầu trong quá trình xã hội hóa đều thành công khi xác lập được vị trí, thương hiệu trong lòng công chúng ái mộ: Idecaf với màu sắc tươi vui hóm hỉnh, hài hước, nhẹ nhàng; Hoàng Thái Thanh trung thành với tiêu chí chính kịch truyền thống, hòa cảm, suy ngẫm; Thế giới Trẻ năng động, trẻ trung, mới mẻ; Nhà hát sân khấu nhỏ chọn sự thể nghiệm; Hồng Vân và Sài Gòn thiên về cảm giác mạnh, hài hước cho người xem (kịch kinh dị).
Khi xây dựng các phong cách đa dạng này, trên thực tế, một số sân khấu kịch đã có sự tiếp thu lý luận kịch ở phương Tây. Ví dụ, sân khấu Hoàng Thái Thanh, rất gần với sân khấu hòa cảm của Aristotle. Khán giả khóc, cười theo từng lớp diễn, tìm được sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật. Đối với sự thể nghiệm của Nhà hát sân khấu nhỏ, chúng ta lại thấy bóng dáng phương pháp gián cách của Becton Bretch ở một số vở diễn. Dư luận quần chúng, Tâm sự Ngọc Hân, Diễn kịch một mình bước đầu áp dụng thủ pháp này. Khán giả xem kịch nhưng không theo kiểu hòa cảm, nhập thân mà theo cách là một người đứng bên ngoài theo dõi, chiêm nghiệm, suy ngẫm và tự rút ra bài học, giá trị cho bản thân khi kết thúc vở diễn, như GS. TS. Đình Quang đã viết: “ Cần để họ mang theo vào phòng khán giả đầy đủ sự minh mẫn và những hiểu biết của họ, để họ có thể tỉnh táo mà theo dõi một cách sáng suốt những gì sắp xảy ra ở sân khấu, đánh giá nhận xét nó, tự rút ra những kết luận bổ ích” (3). Vì vậy, khi quan niệm kịch ở miền Nam đơn thuần chỉ có tính giải trí, bình dân dường như nhận định này có phần chủ quan, phiến diện và chưa sát với thực tế.
Đa dạng về đội ngũ nghệ sĩ
Một đặc điểm nổi bật và khá mới lạ ở các sân khấu kịch thành phố, đó là đội ngũ nghệ sĩ – những người tham gia sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho khán giả. Ngoài những biên kịch chuyên nghiệp, hiện nay, một số sân khấu đã bổ sung nguồn lực là những người có khả năng viết, sáng tác kịch bản. Họ có thể là diễn viên, đạo diễn sân khấu, điện ảnh; là nhà văn, nhà báo hay các cây bút trẻ đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ văn học nghệ thuật tại thành phố. Tổng hợp nhiều nguồn trở thành một điều kiện thuận lợi giúp mảng đề tài, nội dung kịch phong phú hơn. Tuy nhiên, đối với trường hợp không xuất phát từ trường lớp và được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, chỉ dựa vào năng khiếu, đôi lúc khó tránh khỏi thiếu sót, sơ suất. Vì mỗi loại hình, thể loại nghệ thuật đều có đặc trưng riêng. Đến lúc này, vai trò của người đạo diễn sẽ phát huy tối đa. Họ sẽ phải có hướng xử lý, điều chỉnh sao cho phù hợp để kịch vẫn là kịch theo đúng tính chất của nó.
Một vở diễn hay, có sức hút lớn đối với người xem thì thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ diễn viên. So với các sân khấu kịch phía Bắc, sân khấu kịch phương Nam có lẽ đa dạng hơn về thành phần diễn viên. Họ tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau: có thể là diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh, cải lương, người mẫu, người dẫn chương trình. Bước đầu chỉ là cuộc dạo chơi, thử sức ở một lĩnh vực mới nhưng dần dần có rất nhiều người đã thành công ngoài mong đợi, được khán giả và giới chuyên môn đón nhận, một số còn vụt sáng trở thành ngôi sao, cái tên bảo chứng cho doanh thu các phòng vé, như: Hồng Ánh, Trịnh Kim Chi, Lan Phương, Khương Ngọc, Mỹ Duyên, Quý Bình, Hữu Quốc… Sự tham gia của nhiều gương mặt đến từ các bộ môn nghệ thuật khác thực chất cũng xuất phát từ tâm lý nhạy bén, nắm bắt nhanh suy nghĩ, thị hiếu của công chúng từ phía nhà sản xuất – đầu tư của các sân khấu. Khán giả miền Nam vốn có truyền thống hâm mộ nghệ sĩ, họ quan tâm sâu sát đến nhân vật mà họ yêu mến. Bản thân những nghệ sĩ này ít nhiều đã tạo dựng được tên tuổi ở một lĩnh vực nghệ thuật. Khi họ tham gia vào hoạt động, sự kiện nào đó, người hâm mộ sẽ cùng đồng hành. Trong quá trình theo chân, gắn bó với thần tượng của mình, số khán giả này dần dần và chính thức trở thành công chúng thực sự của bộ môn kịch nói.
Từ những nét phác thảo đã trình bày, chúng ta có thể phần nào hình dung diện mạo đa dạng của sân khấu kịch TP.HCM. Sự đa dạng này xuất phát từ tác động của cơ chế thị trường, tất nhiên sẽ bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Chí Bền đã viết: “Khi bước vào cơ chế thị trường, các hoạt động văn hóa nghệ thuật lại vừa sôi động, phong phú nhưng cũng lại vừa hội đủ các cung bậc tốt xấu khác nhau; nhiều khuynh hướng đan xen” (4). Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận được, đó là sân khấu kịch đã mang đến nhiều màu sắc, sắc thái khác nhau, góp phần làm cho bộ mặt sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch nói riêng trở nên phong phú hơn ở giai đoạn phải đối diện với nhiều thử thách. Việc duy trì kịch nói, để các vở kịch thường xuyên đỏ đèn ở thành phố cho đến ngày nay cũng là một thành quả đáng ghi nhận. Ngoài ra, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, đời sống tinh thần của người dân ở một đô thị lớn, được xem như đi đầu của cả nước về sự phát triển, sẽ đầy đủ, trọn vẹn hơn khi có sự tồn tại của các sân khấu kịch nói.
_______________
1. Nguyễn Văn Thành, Kịch nói thành phố Hồ Chí Minh một chặng đường lịch sử, Nxb Sân khấu, Hà Nội 2008, tr.33-34.
2. Ở TP.HCM hiện nay chỉ còn: Nhà hát Kịch thành phố do Sở VHTT quản lý; Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ trực thuộc Hội Sân khấu thành phố quản lý.
3. Đình Quang, Về sân khấu nước ngoài, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.568.
4. Nguyễn Chí Bền, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr.51.
Tác giả: Ngô Anh Đào
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn