Điều tra trong hoạt động báo chí là một thể loại thường được báo chí sử dụng với tư cách vừa là một bài báo hoàn chỉnh, vừa là một sản phẩm thông tin mang tính xã hội cao. Trong xã hội thông tin, mặc dù con người ngày càng có nhiều kênh khác nhau để tìm kiếm, khai thác, cập nhật thông tin trong từng giờ, từng phút, nhưng báo chí và đặc biệt là điều tra báo chí vẫn là một kênh thông tin rất quan trọng để con người biết được những vấn đề đang xảy ra ở những lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
1. Điều tra báo chí trong bối cảnh mới
Mặc dù điều tra báo chí có thể được thực hiện bằng cách tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp, nhưng nó được trình bày thông qua một con người hoặc một nhóm người cụ thể nên luôn luôn mang theo yếu tố chủ quan của chủ thể viết điều tra.
Hàng loạt các sự kiện nóng bỏng về vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội, văn minh đô thị thời hội nhập, giáo dục đào tạo, đền bù đất đai và giải phóng mặt bằng… đã gây ra rất nhiều bức xúc, những tranh cãi hoặc bất bình của một bộ phận dân cư. Chính trong các lĩnh vực gai góc, phức tạp và nhạy cảm đó, các tác giả điều tra báo chí phải là lực lượng tiên phong, xung kích không sợ khó khăn, nguy hiểm để phát hiện ra những mâu thuẫn, những bất đồng trong xã hội.
Với động cơ đúng đắn, tinh thần tỉnh táo, tư duy sắc sảo và kỹ năng thể hiện chuẩn xác, tác giả bài điều tra báo chí có thể trao đổi, cảnh báo hoặc phê phán, phản biện, phản hồi, chia sẻ, khen hoặc chê, khẳng định hoặc phủ định góp phần biến những điều bất cập trong xã hội trở thành những sáng tạo của con người theo những giá trị nhân văn.
Nhà báo viết điều tra muốn trở thành người của công chúng, người của lương tri, lương tâm cần phải biết cách chọn đề tài phù hợp, chọn cách tiếp cận độc đáo, phát hiện ra vấn đề đúng lúc, chấp nhận sự đan xen, đa chiều, thậm chí bất đồng hoặc xung đột. Những phóng viên điều tra báo chí không thể dựa vào những nguồn tin thiếu chính xác, không thể áp dụng lối suy luận, tưởng tượng phán xét chủ quan để kết tội người khác. Ngược lại các phóng viên điều tra phải là những người có cách nhìn nhận khách quan, toàn diện, có tính khoa học và có chuyên môn cao, biết cách thu thập thông tin tư liệu đúng bài bản, có sự kết hợp giữa nhà báo và nhà văn hóa.
Hình thành ý tưởng mới là một trong những yêu cầu quan trọng của điều tra báo chí, mà ý tưởng mới thường được xây dựng từ những sự bất đồng trong suy nghĩ và từ trong thực tế tiếp xúc với những ý tưởng khác nhau. Phóng viên điều tra nhờ có phương pháp tư duy, đánh gia đa chiều, đa góc cạnh mà đã biết lựa chọn những vấn đề thực sự có sức hấp dẫn và đáng đeo đuổi, phản ánh. Họ có thể phát hiện ra các vấn đề rất sớm vì không câu nệ vào cách nhình nhận theo khuôn mẫu của thói quen trong quá khứ hoặc vượt qua những giới hạn của bệnh nghề nghiệp chi phối. Cái đích mà các phóng viên điều tra báo chí hướng đến chính là thực tiễn sinh động, là sự phát triển ổn định của đất nước, là cuộc sống của nhân dân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điều tra trong hoạt động báo chí cần được triển khai, xem xét theo luật báo chí, nhưng cách trình bày, tiếp cận cần phải thực hiện đa chiều theo quan điểm cởi mở, phóng khoáng, trung thực với những ý tưởng mới.
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một thời cơ cho các quốc gia cùng phát triển. Mặc dù ở đó bao hàm cả những thách thức và qui luật phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, dân tộc nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng trong một phần tư thế kỷ qua, các nền văn hóa đã xích lại gần nhau và thông qua nhiều hình thức giao lưu trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật… mà văn hóa các dân tộc đã được biến đổi theo hướng đa dạng và phong phú. Nhưng cũng chính trong trào lưu phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử đó mà mỗi một quốc gia, dân tộc phải lựa chọn những nội dung phù hợp, xác định lộ trình xác đáng, tìm cách tiếp cận hiệu quả để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa nông thôn với thành thị. Quá trình xã hội hóa, quốc tế hóa và toàn cầu hóa giúp cho nguồn thông tin và tri thức nhân loại tác động, lan tỏa và ảnh hưởng đến các quốc gia nhanh chóng hơn rất nhiều và tình trạng liên quan, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc. Mối quan hệ quốc tế bao gồm vừa hợp tác, vừa cạnh tranh khốc liệt trên tất cả các mặt: môi trường, thị trường, nhân lực, khoa học công nghệ, tài chính ngân hàng, thông tin, văn hóa xã hội…
Mọi người đều nhận thấy luật pháp, kỷ cương là nền tảng tạo nên sự thống nhất và đồng thuận giữa các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển, nhưng trong bối cảnh ngày nay ai cũng cho rằng sự tự do, dân chủ là rất cần thiết, không thể thiếu được. Dân chủ hóa về chính trị trở thành xu thế thhời đại làm cho giá trị cá nhân với giá trị xã hội và giá trị toàn cầu trở nên gần gũi.
Chính trào lưu dân chủ đã tạo đà cho sự phát triển trên cơ sở nâng cao sức cạnh tranh của mỗi dân tộc và cũng nhờ quá trình dân chủ hóa mà nhiều tư tưởng đã xuất hiện, nhiều mô hình kinh tế mới đã ra đời.
Thông thường, những nhân tố mới vừa được hình thành rất cần đến sự phản biện xã hội để nó tiếp tục phát triển. Nếu hoạt động phản biện được đề cao, nếu các phóng viên điều tra báo chí là một đội ngũ đông đảo, tỉnh táo, có trách nhiệm xã hội và có tinh thần dũng cảm, dám chấp nhận mạo hiểm và có khả năng tư duy không theo lối mòn sẽ tạo ra những tác phẩm báo chí điều tra thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, tạo ra dư luận xã hội mang tính phản biện tích cực.
Điều tra báo chí là một vũ khí sắc bén đấu tranh cho lẽ phải, cho tiến bộ, xây dựng môi trường văn hóa mới, làm rõ những điều chưa sáng tỏ, phê phán những cái sai lầm, viển vông, mù quáng, không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội nước nhà. Những sự kiện và vấn đề nóng bỏng được xã hội quan tâm khi được các phóng viên điều tra báo chí nêu ra kịp thời, giải quyết triệt để góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo ra sự đồng thuận cao và ổn định trong xã hội sẽ có một uy tín sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ngược lại, nếu có tác giả nào của điều tra báo chí viết theo ý muốn chủ quan, dựng nên những câu chuyện ly kỳ nhưng sai sự thật cũng sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho cộng đồng xã hội.
Thế giới có nhiều người nói đến quyền lực của báo chí và họ thường hiểu rằng quyền lực báo chí nằm trong tay nhà báo và cây bút của họ, nhưng thực ra họ đã sai lầm vì tự bản thân báo chí hoàn toàn không có quyền lực mà quyền lực đó là thuộc về nhân dân, thuộc về công chúng báo chí khi mà họ đã đặt trọn niềm tin vào một tờ báo nào đó.
Để cho nhà báo nói chung và đặc biệt là các phóng viên điều tra báo chí có thể phát huy hết tài năng của mình rất cần có một cơ chế quyền lực đủ mạnh. Cơ chế bảo đảm cho nhà báo tự do tác nghiệp, cơ chế bảo vệ nhà báo trong khi tác nghiệp và sau khi tác nghiệp đã có nhưng cần được bổ sung cụ thể hơn nữa và thực thi hữu hiệu hơn nữa. Cũng rất cần một cơ chế giám sát báo chí, cơ chế kiểm soát quyền lực báo chí. Bởi vì những cơ chế này không chỉ tạo ra sự tập trung, thống nhất về mặt thông tin mà nó còn giúp cho các nhà báo đi đúng quỹ đạo của mình, không bị chệch hướng. Nhưng để tạo ra được sự hấp dẫn, thuyết phục trong dân chúng, làm cho họ tin và làm theo những điều báo chí định hướng cần phải thường xuyên xây dựng trách nhiệm nhà báo, trách nhiệm công dân. Nhà báo phải có lương tâm trong sáng và kỹ năng nghề nghiệp điêu luyện mới có thể đồng cảm, giao hòa với nguyện vọng của người dân, mới tạo nên được sự hiểu biết, tin cậy và ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội.
2. Văn hóa điều tra báo chí, những tiêu chí cơ bản
Rất nhiều người đã nhấn mạnh đến yếu tố tâm – tầm – tài của một nhà báo nói chung, nhưng đối với một loại hình báo chí hoặc một lĩnh vực cụ thể của báo chí thì đòi hỏi về tâm – tầm – tài đó lại có những tiêu chí khác nhau.
Các phóng viên viết điều tra trên báo chí thời nào cũng được xã hội quan tâm đặc biệt, bởi vì những tác phẩm của họ luôn luôn đề cập đến những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của đông đảo công chúng về mặt văn hóa vật chất hoặc văn hóa tinh thần.
Quốc gia nào cũng có những tiêu chí cụ thể và khắt khe yêu cầu các phóng viên điều tra phải tuân thủ. Mặc dù ở các quốc gia khác nhau và trong những điều kiện lịch sử khác nhau thì mỗi quốc gia đề ra những tiêu chí khác nhau, nhưng cái chung nhất, cái phổ biến nhất là tiêu chí khách quan, chân thực. Đó là một đòi hỏi đúng đắn và chính đáng, là một nguyên tắc hàng đầu đối với các tác phẩm báo chí điều tra.
Trên thực tế hoạt động báo chí điều tra, tính khách quan chân thực chỉ là đích hướng tới, mang tính tương đối, bởi vì để đạt tới sự toàn diện, đầy đủ, khách quan chân thực 100% là vô cùng khó khăn, nhất là đối với những tác phẩm báo chí điều tra qua thư bạn đọc, qua phản ánh của người dân hoặc qua phỏng vấn.
Trong một thế giới phẳng ngày nay, xã hội đòi hỏi các phóng viên điều tra báo chí phải vươn tới tính khách quan chân thực và tính sáng tạo, nhân văn mà tổng hợp tất cả những tiêu chí đó chính là một phong cách văn hóa điều tra trong hoạt động báo chí.
Người làm báo nào cũng mong muốn những thông tin mình đưa ra được công chúng đón nhận một cách nhiệt liệt và đó chính là biểu hiện độ tín nhiệm của người dân đối với báo chí nói chung hoặc một nhà báo nào đó nói riêng. Công chúng ở đâu cũng có niềm tin vào báo chí và sự hy vọng vào những nhà báo công tâm phản ánh đúng đắn và kịp thời những vấn đề bức xúc trong xã hội.
Trên thực tế, không phải bài báo điều tra nào cũng giành được sự tín nhiệm của công chúng. Những bài điều tra không khách quan khoa học như những bài viết về việc tẩy trắng trứng gà bằng axit ở Đông Anh, Hà Nội hoặc bài viết “ăn bưởi gây ung thư” đã làm thiệt hại đến quyền lợi của nhiều người và quần chúng, đã thể hiện sự bất tín nhiệm với tác giả những bài báo đó.
Văn hóa điều tra trong hoạt động báo chí đòi hỏi các nhà báo phải không ngừng học tập về chuyên môn, rèn luyện về đạo đức để trở thành một nhà báo không chỉ nắm vững lý thuyết mà phải có một kiến thức thực tế và một phông văn hóa sâu rộng. Một nhà báo giỏi phải là một nhà văn hóa uyên thâm vừa thể hiện tính kiên quyết đấu tranh với những điều lệch lạc, sai trái để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ sự thật, lẽ phải và lương tri, vừa phải có tầm nhìn xa, sự bao dung, nhân ái. Chỉ khi nào phóng viên hoạt động điều tra báo chí đạt tới sự đúng đắn về thời điểm, thông tin, sự kiện, về đối tượng, mức độ, phạm vi đề cập thì bài báo đó mới mang tính chất khoa học và nhân văn sâu sắc.
Văn hóa điều tra báo chí luôn luôn thống nhất với tính đảng và đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Chính vì lẽ đó mà phóng sự điều tra báo chí không bao giờ đồng hành cùng sự cường điệu, lệch lạc, phiến diện, không bao giờ chấp nhận cách viết hời hợt, phi thực tế, thiếu trung thực. Cách tiếp cận và trình bày mang tính chất chủ quan và vụ lợi là xa lạ với hoạt động điều tra báo chí của chúng ta.
Hiện nay, trong mỗi tờ báo có một đối tượng bạn đọc khác nhau và có một tầm ảnh hưởng khác nhau nhưng hầu như báo nào cũng hết sức quan tâm đến tìm kiếm, hình thành những ý tưởng mới để không ngừng mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng của mình. Sức sống của một tờ báo chính là ở trong nhân dân. Văn hóa điều tra báo chí sẽ góp phần quan trọng cho việc định hướng và lựa chọn ý tưởng mới của phóng viên. Những giá trị văn hóa sẽ giúp cho nhà báo biết cách từ chối và cự tuyệt với những ý tưởng mới không phù hợp với tình hình thực tế, truyền thống văn hóa dân tộc và nguyện vọng của nhân dân.
Các phóng viên điều tra báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, hơn lúc nào hết cần phải tập trung trí tuệ và tài năng của mình để giải quyết thỏa đáng các mối quan hệ giữa quốc gia và quốc tế, giữa tập thể và cá nhân, giữa trách nhiệm và quyền lợi để làm sao mỗi một bài báo của mình và thậm chí mỗi một câu chữ trên mặt báo của mình đều đem lại lợi ích cho nhân dân, cho tổ quốc, đều tuân theo những chuẩn mực của văn hóa và pháp luật, tập trung hướng tới những giá trị nhân văn cao cả và đề cao đạo đức, lương tâm, đánh thức lương tri con người.
Chỉ những bài báo được viết với một động cơ đúng đắn vì dân vì nước, viết với tinh thần khoan dung, chia sẻ, giúp đỡ, đồng cảm với nhân dân mới có sức sống lâu dài và được công chúng đón nhận nhiệt thành. Những bài báo dạng “thánh vật sông Tô Lịch” hoặc “thành tích của Công ty Vedan trong bảo vệ môi trường” là những bài báo đi ngược lại với thực tế, thiếu tính khách quan.
Điều tra trong hoạt động báo chí là một việc làm mang tính chất nhân văn cao cả, bởi vì mục đích của điều tra báo chí không phải để vạch ra tội lỗi, kết tội người vi phạm hoặc bôi nhọ, phê phán mà là một hoạt động đặc thù có chức năng cảnh báo, tư vấn và chia sẻ nguồn thông tin, trên cơ sở đó tìm ra những giải pháp phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Điều tra báo chí có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, cảnh báo, định hướng các vấn đề xã hội, mà những vấn đề đó có thể luật pháp chưa can thiệp tới. Các tác phẩm điều tra báo chí xuất sắc là những ví dụ sinh động khẳng định mối quan hệ khăn khít giữa nhà báo – tòa báo – quốc gia – dân tộc. Trong hệ thống liên hoàn đó, nhà báo và tòa báo có trách nhiệm bảo vệ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bảo vệ nền văn hóa dân tộc và bảo vệ quyền con người cùng những giá trị nhân văn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 312, tháng 6-2010
Tác giả : Phạm Ngọc Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam