Định hướng chính trị, tư tưởng đối với hoạt động xuất bản ở nước ta hiện nay


Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta (sửa đổi, bổ sung năm 2011) được thông qua tại Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đồng thời, mục tiêu mà Đại hội XII đề ra là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Để thực hiện vai trò lãnh đạo và thể hiện sự vững mạnh của mình, đối với lĩnh vực xuất bản, Đảng lãnh đạo bằng cách định hướng chính trị, tư tưởng thông qua cương lĩnh, chiến lược, định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

Đảng định hướng chính trị, tư tưởng thông qua công tác cán bộ, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, thông qua kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đối với chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chính sách nhà nước. Thực trạng phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản Việt Nam thời gian qua khẳng định tính tất yếu, khách quan của vấn đề tăng cường định hướng chính trị, tư tưởng; đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Xuất bản

Công tác nghiên cứu, đề xuất chiến lược, quy hoạch ngành Xuất bản là công việc khó nhất đối với cơ quan tham mưu của Đảng về công tác xuất bản. Để làm tốt việc này, cán bộ phải nắm chắc hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng nói chung và lĩnh vực xuất bản nói riêng. Xuất bản là hoạt động đặc thù, thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng nên cần được định hướng chính trị, tư tưởng. Xuất bản cũng là hoạt động kinh tế, có thị trường và xuất bản phẩm cũng chính là hàng hóa. Nhiều vấn đề cần làm rõ như mối quan hệ giữa thực hiện chức năng tư tưởng với chức năng kinh doanh; tính đặc thù của hoạt động xuất bản; cơ chế quản lý hoạt động xuất bản; quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất bản đưa xuất bản vươn dần lên hiện đại; hoạt động quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong điều kiện hội nhập; các mô hình hoạt động của nhà xuất bản; vai trò, mức độ tham gia và cơ chế kiểm soát các thành phần kinh tế khác trong liên doanh, liên kết xuất bản; vấn đề cổ phần hóa và việc thực hiện chức năng tư tưởng văn hóa của hệ thống phát hành sách nhà nước…

Hiện nay, nhận thức về vị trí, tính chất, mục đích của hoạt động xuất bản chưa thống nhất. Vấn đề đặt ra khi tăng cường định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với xuất bản là làm thế nào để vừa thực hiện chức năng công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng lại vừa đảm bảo phát triển xuất bản như một ngành kinh tế đặc thù trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản cho thấy tác động của mặt trái cơ chế thị trường khiến nhiều người lúng túng khi xử lý những quan hệ trên trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Các cơ quan tham mưu, chỉ đạo của Đảng chưa làm rõ vai trò, vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản và chưa thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động này trong các tổ chức Đảng.

Chỉ thị số 42/CT-TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Luật Xuất bản đã xác định tính chất, mục đích của hoạt động xuất bản, tuy nhiên, một số cơ quan chỉ đạo, quản lý, đặc biệt cơ quan chủ quản nhận thức chưa đúng tầm về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản, coi đơn vị xuất bản như những cơ sở làm kinh tế đơn thuần, thiếu quan tâm đến chức năng giáo dục và hiệu quả chính trị, xã hội của hoạt động này. Một số ý kiến đề cao tính chất tư tưởng văn hóa của hoạt động xuất bản nhưng lại không đề xuất, thuyết phục được các cơ quan chức năng khác ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ để đảm bảo tính chất tư tưởng văn hóa thể hiện trong nội dung xuất bản phẩm. Từ nhận thức khác nhau nên nội dung, phương thức định hướng chính trị, tư tưởng cũng chưa thống nhất, các chính sách đối với xuất bản không nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Có những chính sách được kiến nghị nhiều năm vẫn không được xem xét, giải quyết. Do vậy, phải có giải pháp cân bằng mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản. Mối quan hệ đó chưa rõ ràng dẫn đến định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong quản lý hoạt động xuất bản chưa hiệu quả.

Hoat động xuất bản rất cần có sự định hướng về tư tưởng, chính trị

 Ảnh: Hồng Vân

Tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là rào cản về định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản. Mở rộng giao lưu quốc tế khó tránh khỏi sự phân hóa về tư tưởng. Các khuynh hướng tư tưởng khác nhau, đối ngược nhau sẽ xuất hiện dưới các hình thức rất tinh vi trong xuất bản phẩm, nhất là các quan điểm hạ thấp chức năng giáo dục chính trị, tư tưởng của sách, coi sách chỉ cung cấp tri thức đơn thuần phi chính trị, gián tiếp truyền bá hệ tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa, phổ biến những thông tin không có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Trong điều kiện đó, để bảo đảm thực hiện đúng cam kết trong quá trình hội nhập, ngăn chặn kịp thời và đẩy lùi mọi nguy cơ tác động xấu đến chính trị, tư tưởng trong nước là thách thức lớn đối với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật xuất bản. Xuất bản sẽ đặt trước hai thách thức lớn: bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu; tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Vì vậy, cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho bộ phận tham mưu, xây dựng các văn bản của Đảng liên quan lĩnh vực xuất bản, tinh thông nghiệp vụ, bám sát thực tiễn xuất bản trong nước, có tầm nhìn về xu hướng xuất bản ở khu vực và trên thế giới; sát sao trong công tác quản lý nhà nước về xuất bản, góp phần nâng cao hiệu quả văn bản chỉ đạo của Đảng. Từ đó, chất lượng và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sẽ phù hợp và điều chỉnh kịp thời thực tiễn phát triển của hoạt động xuất bản trong xu thế toàn cầu hóa thông tin, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành văn bản pháp luật trong hoạt động xuất bản

Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành các quy định của pháp luật do nhà nước ban hành là một nguyên tắc quan trọng trong quy trình xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do vậy, những người làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách cần nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng một cách có hệ thống. Một số cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật chưa nắm chắc sự chỉ đạo của Đảng liên quan lĩnh vực chuyên môn nên tỏ ra lúng túng khi triển khai công tác này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác thể chế hóa chưa mang tính chủ động.

Thực trạng này dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết trong quản lý. Luật Xuất bản năm 2012 đã bổ sung nhiều quy định nhằm ràng buộc chặt chẽ đối tác liên kết thực hiện các quy trình, thủ tục để cùng chịu trách nhiệm với nhà xuất bản về xuất bản phẩm liên kết. Tại Điều 23 quy định đối tác liên kết “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết xuất bản và xuất bản phẩm liên kết” mới nhằm ngăn chặn, quy trách nhiệm chứ chưa tạo điều kiện để nhà xuất bản giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác liên kết về vốn. Điều 7 Luật Xuất bản quy định nhà xuất bản được vay vốn ưu đãi nhưng trên thực tế họ chưa vay được vốn ưu đãi để đầu tư bản thảo trong kế hoạch trung hạn, dài hạn. Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà xuất bản được cấp 5 tỷ đồng để đảm bảo hoạt động nhưng hầu như chưa nhà xuất bản nào được cấp vốn đúng nghĩa theo Nghị định.

Vấn đề đặt ra là Đảng cần có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc để công tác thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về xuất bản thành pháp luật của Nhà nước được thực hiện bảo đảm về mặt thời gian, điều chỉnh kịp thời những bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động xuất bản và công tác xuất bản; cần quán triệt sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đường lối, quan điểm của Đảng về xuất bản.

Vai trò của Hội Xuất bản, Hiệp hội In chưa rõ nét trong hoạt động xuất bản, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của ngành. Mối quan hệ giữa tổ chức hội với cơ quan chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng và cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ. Vai trò để tập hợp, đoàn kết những người làm công tác xuất bản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên và tổ chức thành viên, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản chưa được thể hiện rõ, chưa hiệu quả.

Công tác cán bộ xuất bản

Quyết định số 75-QĐ/TW ngày 21-8-2007 của Ban Bí thư về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng lãnh đạo cơ quan xuất bản được xây dựng trên nguyên tắc Đảng thống nhất và trực tiếp lãnh đạo công tác xuất bản đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với xuất bản đã đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ xuất bản trong tình hình mới. Chất lượng đội ngũ lãnh đạo cơ quan xuất bản đã có những chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị. Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, Đảng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất bản cần được hiểu là tăng cường quản lý bằng hệ thống pháp luật về xuất bản, mọi chủ thể trong hoạt động xuất bản và công tác xuất bản đều phải tuân thủ pháp luật. Vì vậy, những quy định cụ thể, chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan xuất bản thể hiện trong văn bản của Đảng nên được thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản do Nhà nước ban hành.

Đội ngũ cán bộ xuất bản (lãnh đạo nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan chủ quản của nhà xuất bản, lãnh đạo cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản) có vai trò quan trọng trong việc đổi mới phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với xuất bản. Nhìn chung, đội ngũ này ở trung ương và địa phương có trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ ở địa phương cần được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị.

Những người làm xuất bản còn hạn chế về trình độ chính trị, nhất là biên tập viên tại các đơn vị liên kết xuất bản. Trong khi đó, có những thời điểm, sách liên kết xuất bản chiếm tới hơn 70% thị phần sách; những sai phạm về chính trị, tư tưởng lại tập trung chủ yếu ở dòng sách liên kết do sự kiểm duyệt thiếu chặt chẽ của nhà xuất bản, thậm chí phó mặc nội dung sách cho bên liên kết. Hơn nữa, ở các đơn vị liên kết xuất bản không tồn tại tổ chức Đảng. Điều đó cho thấy, Đảng cần phải có một chiến lược về công tác cán bộ trong tình hình mới, ngoài đối tượng cán bộ xuất bản tại các nhà xuất bản, cần quan tâm tới những người làm xuất bản tại các đơn vị liên kết xuất bản, nhất là với những chức danh biên tập viên và tổng biên tập, nhằm kịp thời định hướng chính trị, tư tưởng cho họ.

Các đơn vị đào tạo ở bậc đại học, sau đại học về xuất bản vẫn tuyển sinh thường niên nhưng lượng tuyển sinh chưa cao, con số sinh viên ra trường làm đúng nghề rất ít. Lượng tuyển mới của các đơn vị xuất bản hiện nay vẫn chủ yếu tuyển người học từ các ngành khác, là những người được đào tạo về một khoa học cơ bản nào đó, hoặc có ngoại ngữ tốt, hoặc học khối ngành kinh tế; nhưng rất ít, thậm chí không có tuyển dụng với ngành Chính trị học (nhất là ở các đơn vị liên kết xuất bản). Vấn đề đặt ra cần tăng cường tổ chức nhiều hơn nữa các lớp học ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ về chính trị cho cán bộ đang làm việc tại các đơn vị xuất bản, nhất là các đơn vị liên kết xuất bản.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với xuất bản

Công tác kiểm tra, giám sát chủ thể hoạt động xuất bản được thực hiện thông qua kiểm tra, giám sát việc chấp hành chỉ đạo, định hướng về nội dung thông tin của cơ quan xuất bản. Việc kiểm tra, giám sát của Đảng thông qua cấp ủy, tổ chức đảng tại cơ quan xuất bản, cấp ủy cấp trên trực tiếp và cơ quan chỉ đạo xuất bản. Cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản định hướng thông tin cho xuất bản trong công tác tuyên truyền. Việc chỉ đạo, định hướng thông tin xuất bản đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm được cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ quan xuất bản không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ sự chỉ đạo thông tin nhưng chưa bị xử lý một cách nghiêm khắc.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, Đảng giám sát hoạt động của cán bộ lãnh đạo cơ quan chủ quản xuất bản, cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản trong việc chỉ đạo thực hiện, phổ biến các quy định của Đảng về xuất bản; trong việc kiểm tra, theo dõi hoạt động của xuất bản; trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin cho xuất bản. Công tác này được thực hiện nghiêm túc nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn bởi nhiều lý do như năng lực, trình độ cán bộ; phát huy vai trò của cấp ủy trong việc giám sát người đứng đầu cơ quan còn hạn chế v.v… Đối với công tác xuất bản, công việc quan trọng là thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về xuất bản thành pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước về xuất bản. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng như hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát cần được triển khai quyết liệt hơn nữa; cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và cơ quan quản lý cấp trên của các cơ quan xuất bản. Tổ chức đảng ở cơ quan chủ quản xuất bản cần lựa chọn cán bộ lãnh đạo thuộc quyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu về xuất bản, theo dõi thường xuyên việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan xuất bản. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của cơ quan xuất bản cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cơ quan xuất bản, nhất là kiểm tra, giám sát về chế độ, sinh hoạt đảng, việc học tập các nghị quyết, phổ biến và thực hiện các quy chế, quy định của Đảng ở cơ quan xuất bản theo quy định của Đảng trên cơ sở nắm chắc tình hình, đánh giá đúng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng cơ quan xuất bản.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, ngày 25-8-2004.

2. Nguyễn Văn Tuấn, Sách điện tử và công nghệ tạo sách điện tử, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2008.

3. Nguyễn Anh Tú, Quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại

học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *