Định hướng phát triển kỹ năng đọc cho sinh viên Việt Nam


Kỹ năng đọc là kỹ năng nền tảng của sinh
viên nhằm đảm bảo hiệu quả học tập, nghiên
cứu trong trường đại học. Bài viết phân tích 3
nguyên nhân sinh viên Việt Nam cần được trang
bị kỹ năng này để nâng cao chất lượng đào tạo
của giáo dục đại học là: sự thay đổi phương
pháp học tập từ phổ thông sang bậc đại học;
tài liệu xuất bản bằng tiếng Anh trở nên phổ
biến; tác động của công nghệ với ngành Xuất
bản và thói quen đọc sách. Đồng thời, bài viết
đưa ra một số định hướng nhằm thúc đẩy thói
quen đọc sách và kỹ năng đọc của sinh viên.

Trong giáo dục đại học, việc sinh viên “đọc” và “có kỹ năng đọc” là những yêu cầu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo.

Sự thay đổi phương pháp học tập từ phổ thông sang bậc đại học

Đổi mới phương pháp dạy – học, phát triển phương pháp học tập tích cực là vấn đề trọng tâm trong giáo dục đại học. Trong môi trường đại học, sinh viên được tự do thể hiện bản lĩnh thông qua việc làm chủ bản thân, làm chủ việc học và kết quả học tập phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động của sinh viên. Học tập chủ động là một yêu cầu quan trọng đảm bảo chất lượng của đào tạo đại học và “Phương pháp ghi chép và đọc sách phục vụ học tập và nghiên cứu của sinh viên – là một trong những vấn đề quyết định rất lớn đến chất lượng học tập, nghiên cứu và công tác sau này” (1). Tuy nhiên, kỹ năng học tập mà sinh viên học được ở trường trung học thường không đủ để đáp ứng các yêu cầu thực tế khi vào đại học vì chương trình đào tạo đại học đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn, nguồn tài liệu cũng đa dạng và phong phú hơn so với trung học (2). Những yêu cầu ngày càng cao đối với phương pháp học tập gây khó khăn cho sinh viên khi họ chưa được trang bị kỹ năng đọc tốt đặc biệt là kỹ năng đọc học thuật ở những bậc học dưới.

Tọa đàm Thanh niên với văn hóa đọc tại Thư viện Quốc gia Việt Nam 

Ảnh: Hồng Vân

Một số nghiên cứu về thực trạng đọc sách của sinh viên cho thấy, việc đọc sách của sinh viên Việt Nam còn hạn chế. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sách và Hành động thực hiện năm 2019, 91% sinh viên được hỏi nhận thức được đọc sách có vai trò quan trọng hoặc rất quan trọng nhưng có tới 50% cho biết họ chỉ đọc từ 1-5 quyển sách/năm, với 521 học sinh và 497 sinh viên.

Bên cạnh đó, việc đọc của sinh viên nếu không có kỹ năng hay phương pháp phù hợp sẽ không thể mang lại hiệu quả cao. Sinh viên đều “biết đọc” tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có kỹ năng đọc và có thể hiểu đúng được những nội dung trong tài liệu, đặc biệt là tài liệu chuyên môn. Sự phát triển kỹ năng đọc cùng với thói quen đọc sách không chỉ giúp ích cho sinh viên trong thời gian học tập ở bậc đại học mà nó là điều kiện cơ bản để giúp sinh viên “học tập suốt đời” – một năng lực quan trọng khi sống trong xã hội luôn biến đổi dưới sự tác động mạnh mẽ của công nghệ.

Tài liệu xuất bản bằng tiếng Anh trở nên phổ biến

Khối lượng tài liệu gia tăng không ngừng cùng với đó là sự đa dạng về nội dung, ngôn ngữ, loại hình tài liệu và phương thức xuất bản. Với sinh viên đại học, việc đọc các tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh đã trở thành một yêu cầu thường xuyên và phổ biến.

Tuy nhiên, đây là một thách thức đối với sinh viên Việt Nam do thực tế, sinh viên còn yếu kém trong việc học ngoại ngữ. Số liệu thống kê kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (đối tượng đầu vào của các trường đại học) của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 3 năm gần đây cho biết: năm 2018, tỷ lệ thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh của kỳ thi này dưới 5 điểm là 78,22% (637.335 thí sinh/814.779 thí sinh) (3); năm 2019, là 68,74% (542.666 thí sinh/ 789.435 thí sinh) (4); năm 2020, là 63,13% (472.990 thí sinh/ 749.285 thí sinh) (5). Và tiếng Anh, nhiều năm đều là môn có điểm trung bình dưới 5,0 – thấp nhất trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông; điểm có số thí sinh đạt nhiều nhất là điểm 3,0 tới 3,4. Khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế là một rào cản đối với việc đọc, bên cạnh đó, sự khác biệt trong ngôn ngữ và cách sử dụng các kỹ thuật viết đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh tốt. Vì vậy, việc được trang bị kỹ năng đọc đặc biệt là kỹ năng đọc bằng tiếng Anh cho sinh viên trở thành một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tác động của công nghệ với ngành Xuất bản và thói quen đọc sách

Sau xuất hiện mang tính lịch sử trong ngành Xuất bản của máy in Gutenberg những năm 40, 50 của TK XV thì công nghệ thông tin với máy tính, internet và các thiết bị thông minh trong khoảng 20 năm trở lại đây đã tạo nên một cuộc cách mạng mới. Xuất bản phẩm điện tử với các thiết bị đọc đa dạng, tiện lợi như máy tính bảng, máy đọc sách Kindle… hay đơn giản hơn là điện thoại thông minh đang ngày càng trở nên phổ biến và được xem là xu thế phát triển tất yếu.

Giới trẻ ngày nay cũng đã thay đổi thói quen từ đọc sách in sang đọc sách điện tử. Đọc sách trên các thiết bị hiện đại có nhiều ưu điểm đó là giúp giảm không gian lưu trữ và tiện lợi khi bạn có thể mang theo nhiều quyển sách trong một thiết bị nhỏ gọn; tăng khả năng tương tác giữa người đọc và tài liệu, giúp bạn có nhiều lựa chọn hơn khi đọc sách, tiết kiệm chi phí khi giá bán sách điện tử thấp hơn giá sách in. Tuy nhiên, hình thức đọc mới này cũng có một số hạn chế cơ bản như: người đọc dễ bị xao lãng trong quá trình đọc sách; giảm cảm giác đối với việc đọc và giảm ghi nhớ với nội dung đọc; việc sử dụng các phương tiện thiết bị điện tử lâu dài có thể gây ra ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người đọc.

Bên cạnh đó, việc xuất bản một cách tự do của các tác giả trong môi trường mạng cũng đòi hỏi người đọc phải có năng lực tốt trong việc đánh giá, thẩm định nội dung thông tin. Nhiều người do thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ, các trang tin điện tử và mạng xã hội mà họ đã hình thành một thói quen đọc nguy hại đó là “đọc lướt” tất cả các sách mà họ đọc, dù rằng những tài liệu này cần kỹ thuật đọc sâu, đọc thật kỹ để suy ngẫm nội dung tài liệu.

Định hướng phát triển kỹ năng đọc của sinh viên

Xây dựng và triển khai khóa học dạy kỹ năng đọc cho sinh viên

“Sự thành công ở bậc học đại học chủ yếu phụ thuộc vào những khả năng có trước khi sinh viên nhập học trong đó bao gồm việc thành thạo các kỹ năng học thuật cơ bản” (6). “Những kỹ năng này gồm có: kỹ năng đọc, viết, tư duy phản biện, thuyết trình và kỹ năng truyền thông” (7). “Mặc dù những kỹ năng này là quan trọng nhưng giảng viên đại học không dạy cho sinh viên vì họ mặc định sinh viên đều đã được trang bị những kỹ năng này ở bậc học phổ thông hoặc ở một chương trình khác trong trường đại học” (8). Chính vì vậy, một khóa học để trang bị cho sinh viên kỹ năng đọc tài liệu học thuật là cần thiết để giúp sinh viên có thể làm chủ được việc đọc, đọc hiệu quả với một khối lượng tài liệu lớn, lấp đầy những lỗ hổng trong phương pháp học tập khi chuyển tiếp từ phổ thông lên đại học.

Những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh đều cho thấy sự quan tâm của các trường đại học trong việc phát triển kỹ năng đọc cho sinh viên. Đơn cử, Đại học Dartmouth của Hoa Kỳ, Đại học Edinbugh và Đại học Oxford của Anh khi tìm kiếm thông tin trên trang web của trường đều có các bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách trong trường đại học và chỉ dẫn một số kỹ năng đọc sách sinh viên cần có hoặc gợi ý một số sách nên đọc theo các chủ đề/ngành học.

Tại Việt Nam, các cơ sở đào tạo đại học cần đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kỹ năng đọc của sinh viên vì so với các nước phát triển, sinh viên Việt Nam ít có thói quen đọc sách và hạn chế về kỹ năng đọc sách hiệu quả. Việc thiết kế và triển khai khóa dạy kỹ năng đọc hiệu quả là cần thiết, phải được coi là một môn chính khóa và bắt buộc đối với sinh viên khi họ bước chân vào giảng đường đại học.

Nâng cao vai trò của giảng viên trong việc phát triển kỹ năng đọc sách cho sinh viên

“Phần lớn sinh viên không đọc tài liệu trước khi đến lớp, lý do sinh viên không đọc trước tài liệu là vì họ cho rằng giảng viên sẽ trình bày các thông tin quan trọng ngay trong lớp và vì họ không đọc nhiều ở trường tiểu học và trung học nên không coi việc đọc là việc quan trọng” (9). Nếu vẫn duy trì phương pháp dạy học cũ “thầy giảng trò chép” thì khó có thể khuyến khích hình thành thói quen và phát triển kỹ năng đọc sách. Giảng viên đại học phải là người dẫn dắt, hướng dẫn phương pháp học tập – nghiên cứu khoa học cho sinh viên để họ có thể chủ động chiếm lĩnh tri thức, phát triển kỹ năng để hình thành các năng lực cụ thể.

Hiện nay, trong đề cương chi tiết cho mỗi học phần, giảng viên phải đưa ra danh mục tài liệu tham khảo cùng yêu cầu đọc tài liệu trước mỗi giờ lên lớp. Tuy nhiên, những hoạt động này chủ yếu mới dừng ở việc “giao nhiệm vụ” chứ chưa thực sự kiểm tra được việc đọc và hiệu quả đọc tài liệu của sinh viên. Giảng viên cần làm rõ với sinh viên “đọc cái gì”, “đọc để thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào” và có những phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp để sinh viên thực sự đọc tài liệu. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi giảng viên phải có nhiều thay đổi trong việc thiết kế bài giảng, phương pháp giảng dạy, tổ chức và điều khiển lớp học – những thách thức lớn đối với giảng viên khi chế độ đãi ngộ ít thay đổi mà những đòi hỏi về mặt chuyên môn đặt ra ngày càng cao.

Nâng cao chất lượng của thư viện đại học

Thư viện được coi là bộ mặt của trường đại học, là một tiêu chuẩn quan trọng để kiểm định chất lượng và xếp hạng trường đại học. Theo giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, dù có một đội ngũ giảng viên với học vị tiến sĩ, mà không có hỗ trợ của thư viện hay cơ sở vật chất thì cũng không thể nào nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với đội ngũ giảng viên và nội dung chương trình giảng dạy, thư viện được xem là yếu tố quyết định trực tiếp tới chất lượng đào tạo đại học.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, thư viện đại học Việt Nam nhận được sự quan tâm và có những bước phát triển đáng kể. Vai trò của thư viện trong trường đại học đã được nhận thức đúng đắn hơn, thư viện được đầu tư nhằm cung cấp học liệu và hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu trong nhà trường. Trong Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ban hành ngày 26-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ở các trường, hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các trường trên cùng địa bàn, cùng một vùng và trên phạm vi toàn quốc; thiết lập mạng thông tin toàn cầu và mở rộng giao lưu quốc tế cho tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước; quy hoạch, sắp xếp lại công tác xuất bản giáo trình, sách và tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là thư viện đại học Việt Nam chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển của trường đại học. Hiện nay, kinh phí đầu tư công cho giáo dục đại học tại Việt Nam rất hạn chế. Đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm khoảng 12% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo; nguồn kinh phí chủ yếu chi cho nhân sự chứ chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết dạy học, nghiên cứu và đầu tư cho các phòng thí nghiệm (10). Chính vì vậy, đầu tư cho thư viện cũng rất hạn chế. Hệ thống thư viện đại học nước ta vẫn còn tồn tại những vấn đề lớn đó là tài nguyên thông tin chưa đủ phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học tập của nhà trường; cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa được đầu tư tương xứng với vai trò của thư viện; thư viện chưa thu hút được đông đảo sinh viên sử dụng.

Để phát triển kỹ năng đọc cho sinh viên, thư viện cần thể hiện sự chủ động, tích cực hơn với vai trò là trung tâm tri thức, văn hóa. Người làm thư viện chính là các chuyên gia về chuyên môn trong đào tạo kỹ năng đọc sách. Họ là người làm chủ các kỹ năng đọc và có khả năng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên trong quá trình sinh viên đọc sách. Người làm thư viện cũng là người tiếp xúc thường xuyên, gần gũi với sinh viên trong lúc họ tìm kiếm, đọc tài liệu, vì vậy thuận lợi hơn trong tương tác với sinh viên. Bên cạnh đó, nguồn học liệu phong phú cùng không gian thư viện chính là cơ sở để sinh viên phát triển thói quen và kỹ năng đọc sách.

Để thư viện đại học thực hiện được chức năng này và khẳng định vai trò của mình đối với đời sống học tập của sinh viên, cần tập trung phát triển những vấn đề sau:

Thứ nhất, đầu tư cho phát triển học liệu, tận dụng tài nguyên học liệu mở, tránh tình trạng sử dụng tài liệu quá cũ hoặc thiếu tài liệu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thư viện số và các bộ sưu tập số để phù hợp với thị hiếu của sinh viên khi nhu cầu sử dụng tài liệu online ngày càng tăng.

Thứ hai, đầu tư xây dựng không gian đọc thu hút sinh viên. Với sinh viên, việc được sử dụng một không gian hiện đại và thoải mái để đọc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng thư viện. Sinh viên hiện nay chú trọng tới “không gian đọc” – “không gian thư viện” thay vì chỉ quan tâm tới thư viện như một nơi để mượn tài liệu.

Thứ ba, đổi mới và đa dạng hóa các dịch vụ của thư viện nhằm hỗ trợ sinh viên trong việc đọc tài liệu hiệu quả. Hoạt động của các thư viện phải thực hiện theo phương châm “lấy bạn đọc làm trung tâm” và phát triển các sản phẩm – dịch vụ hướng theo nhu cầu của người sử dụng. Thư viện cũng cần phát triển nhiều kênh thông tin để quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm – dịch vụ của mình.

Kết luận

Giáo dục đại học ngày một phát triển, các cơ sở đào tạo đại học xuất hiện ngày càng nhiều và số lượng sinh viên cũng tăng nhanh chóng trong khi chất lượng đào tạo còn hạn chế đang đặt ra nhiều bài toán cho người làm công tác quản lý cũng như đội ngũ giảng viên với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc đọc đối với việc phát triển tư duy và tri thức của mỗi người. Có kỹ năng đọc tốt là một yêu cầu tất yếu đối với sinh viên bởi kỹ năng này sẽ là nền tảng cho rất nhiều kỹ năng khác như viết, tư duy, phản biện… và là công cụ giúp con người thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển kỹ năng đọc trong học sinh – sinh viên còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, cần nâng cao ý thức và hành động của sinh viên đối với việc phát triển kỹ năng đọc và văn hóa đọc. Nhà trường, giảng viên cùng các bộ phận chức năng đặc biệt là thư viện phải đóng vai trò chủ lực thúc đẩy sự thay đổi này (11).

__________________

1. Phan Bích Ngọc, Đọc sách và ghi chép – một phương pháp quan trọng trong quá trình nhận thức của sinh viên đại học, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, 2010, tr.47-50.

2, 9. John Vũ, Khởi hành, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2015.

3. Tuệ Nguyễn, Điểm thi PTTH quốc gia 2018: Môn tiếng Anh, lịch sử thếp kỷ lục, thanhnien.vn, 12-7-2018.

4. Tuệ Nguyễn, Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019: vì sao điểm môn tiếng Anh tiếp tục gây thất vọng, thanhnien.vn, 14-7-2019.

5. Tuệ Nguyễn, Điểm thi tốt nghiệp THPT: Lịch sử và tiếng Anh tiếp tục đội sổ, thanhnien.vn, 27-8-2020.

6, 7, 8. Hermida Julian, The Importance of Teaching Academic Reading Skills in First-Year University Courses (Tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng đọc học thuật trong năm đầu đại học), Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu và Tổng quan, 2009, số 3, tr.20-30,

10. Đinh Thị Nga, Đầu tư của nhà nước cho giáo dục và đào tạo: thực trạng và một số đề xuất, tapchitaichinh.vn, 29-10-2017.

11. Bài báo là kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM trong khuôn khổ Đề tài mã số T2020-15.

Tác giả: Ths Mai Mỹ Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *