Diva nhạc jazz nah youn-sun ôm trọn thế giới thông qua âm nhạc

Nữ ca sĩ nhạc jazz Nah Youn-sun hoạt động âm nhạc chủ yếu ở Pháp và châu Âu. Các ca khúc của cô được công chúng rộng rãi ngợi khen vì đã chuyển tải một cách sáng tạo truyền thống nhạc jazz Âu châu pha âm hưởng hoài nhớ phương Đông.



Xuất hiện trên sân khấu trong một bộ đầm giản dị, nữ ca sĩ nhẹ cúi đầu chào khán giả với một nụ cười có phần rụt rè. Cô hướng nhìn khán phòng trong chốc lát và nhắm mắt lại. Giọng hát của cô bắt đầu cất lên, nhẹ nhàng, gần như một lời thì thầm; tiếng đàn piano đệm cho cô cũng chậm rãi, đầy chú tâm. Tới những nốt cao cuối cùng, cô bắt đầu thể hiện kỹ thuật scat singing (1) làm khán giả hoàn toàn bị mê hoặc. Những ngón tay mảnh khảnh của cô thường diễn tả trạng thái trầm ngâm, tĩnh tại song đôi khi cô cũng bất ngờ phá vỡ sự thinh lặng của cả khán phòng với một vòng tay rộng mở cùng cảm xúc như muốn ôm trọn thế giới này hiển hiện trên gương mặt cô.

Dù hát với nhạc đệm từ piano hoặc bất kỳ nhạc cụ nào khác và hát với bất kỳ ngôn ngữ nào, biểu cảm của cô luôn chỉ hướng đến sự thành thực và tự nhiên chứ không hề có ý phóng đại. Khán giả đặc biệt ấn tượng với chất giọng của Nah Youn-sun khi cô hát các ca khúc dành cho trẻ em hoặc dân ca Hàn Quốc. Những lần ấy, sự cộng hưởng càng sâu sắc hơn đối với những người không phải gốc gác Hàn Quốc do họ hết sức chú tâm tới việc diva này quảng bá các giai điệu bản xứ của mình.

Thành công trong phòng thu và trên sân khấu

Album thứ 7 của cô, Same Girl, phát hành năm 2010, kết hợp với nhạc công guitar nổi tiếng thế giới người Thụy Điển Ulf Wakenius, đã thành công vang dội ở châu Âu. Hơn 100 nghìn bản được bán ra, đưa album lên vị trí đầu bảng xếp hạng đĩa nhạc jazz FNAC của Pháp, phát hành ổn định trong vòng 80 tuần liên tiếp. Album được trao giải đĩa vàng của Pháp (France’s Gold Disc Award) cũng như tiếp tục chiếm ngôi đầu trong các bảng xếp hạng nhạc jazz của Đức, Thụy Sỹ, Na Uy, Bỉ. Tháng 3 năm đó, trình diễn của cô tại nhà hát uy tín có 150 năm lịch sử Theatre du Chatelet ở Paris đã thu hút 2.500 khán giả mua vé. Cuối chương trình, cả khán phòng đã đứng dậy vỗ tay tán thưởng cô tới 15 phút không dứt.

Lento, album thứ 8 của Nah Youn-sun được phát hành đầu năm 2013, là album thứ hai liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng đĩa nhạc jazz của Pháp trên trang bán hàng online lớn nhất thế giới Amazon. Ngay sau đó, lịch của cô được xếp kín đến tháng 4 – 2014 với các buổi biểu diễn lớn ở Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Slovenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển. Trong giai đoạn ấy, có tháng cô biểu diễn trên sân khấu tới 17 buổi. Cô còn là Chủ tịch ban giám khảo cuộc thi Giọng hát jazz Shure Montreaux, thuộc festival nhạc jazz đình đám thế giới Montreaux Jazz Festival của Thụy Sỹ.

Đối với cô, tất cả những phản hồi tích cực và những sự công nhận của công chúng khiến cô cảm thấy mình như đang sống trong mơ nhưng thực sự, âm nhạc luôn chảy trong huyết mạch của cô từ tấm bé. Nah Youn-sun sinh năm 1969 trong một gia đình âm nhạc. Cha của cô, ông Nah Young-soo, từng là người đứng đầu Dàn hợp xướng quốc gia Hàn Quốc. Mẹ của cô, bà Kim Mi-jeong, là một diễn viên nhạc kịch. Cô nhận được giải Nhất trong một cuộc thi hát các ca khúc tiếng Pháp do Alliance Francaise Hàn Quốc tổ chức khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành ngôn ngữ và văn học Pháp.

Sau khi có tấm bằng đại học đầu tiên, Nah bắt đầu làm việc trong một nhóm phụ trách truyền thông của một tập đoàn kinh doanh lớn. Đây cũng là lúc cô nhận ra mong muốn khám phá và nuôi dưỡng tiềm năng âm nhạc của mình. 8 tháng sau, cô bỏ việc và bắt đầu thu âm trên kênh âm nhạc Line 1 của ca sĩ, người viết ca khúc nổi tiếng Hàn Quốc Kim Min-gi. Seon-nyeo là vai diễn đầu tiên trên sân khấu nhạc kịch của cô, một vai nữ chính, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của cô như một ca sĩ. Năm 1995, sau khi tham gia hai vở nhạc kịch khác, Nah quyết định đi Pháp để học thêm về âm nhạc. Việc lựa chọn nước Pháp có tác động lớn nhất đến sự nghiệp của cô sau này vì cô được khán thính giả nhạc jazz châu Âu biết đến nhiều hơn là ở Hàn Quốc. Nah được nhìn nhận như một hiện tượng trong thế giới nhạc jazz: số lượng album của cô được cho là “cần phải có” đối với người yêu jazz châu Âu tăng theo số lần phát hành đĩa nhạc mới của Nah. Khi nghe hết những lời ngợi khen này, cô ca sĩ đã ngoài 40 tuổi cười như một đứa trẻ: “Tôi chưa từng mong ước trở thành một ca sĩ nhạc Jazz nổi tiếng. Một cách may mắn, tôi tình cờ có một số công việc làm dành cho một ca sĩ nhạc jazz và khi cơ hội đến, tôi chỉ muốn làm tốt nhất có thể…”.


  Cả khán phòng nhà hát Châtelet chào đón Nah Youn-sun. Ảnh do Koreana cung cấp  

Tuy vậy, nhưng ai cũng có thể hiểu một cách đơn giản rằng, thành công của cô không chỉ đến như những may mắn tình cờ. Cô đã đăng ký theo học trường chuyên về nhạc jazz CIM (CIM Jazz School), một trong những học viện đào tạo về jazz lâu đời nhất châu Âu. Cô cũng theo học tại Viện Âm nhạc Quốc gia Beauvais (Pháp) và Nhạc viện của Nadia và Lili Boulanger (Pháp). Nhớ lại lúc đi học của mình, Nah ví von rằng, cô hấp thu nhạc jazz không khác nào miếng bọt biển hấp thu nước. Hiển nhiên, cô cũng vấp phải không ít thử thách khi muốn mở rộng chân trời âm nhạc của mình. “Khi bắt đầu học các kỹ thuật hát nhạc jazz tiêu chuẩn, tôi cảm thấy giọng của mình sẽ không bao giờ có thể đạt tới trình độ kỹ thuật cao. Cho đến khi các giáo viên cho tôi nghe vô cùng phong phú các kiểu cách hát jazz của những giọng ca hàng đầu châu Âu, tôi như được giải cứu khi nhận ra jazz có thể chấp chứa tất cả những cách thức thể hiện cũng như chất giọng khác biệt. Sau đó, tôi quyết định tìm cách nỗ lực theo con đường riêng của mình.”- Nah hồi tưởng. Cô cho rằng quyết định ở lại Paris như ngôi nhà thứ hai là một trong những quyết định đúng đắn nhất của cuộc đời cô. Đối với cô, Paris là một thành phố độc đáo, nơi thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới về dưới mái ấm của nó. “Có lần, vừa bước chân vào nhà một người bạn dự bữa tiệc tối, tôi đã nghe thấy những giai điệu âm nhạc Ấn Độ. Thức ăn được chuẩn bị theo một cuốn thực đơn món Thái trên bàn còn trà thì đặc và ngọt đúng kiểu châu Phi. Sau bữa tối, chúng tôi cùng nhảy múa theo các giai điệu âm nhạc vùng Trung Đông. Những trải nghiệm kiểu như vậy đã dạy cho tôi cách tiếp ứng với sự đa dạng” – Nah chân thành bày tỏ.

Với nền tảng âm nhạc được đào tạo tại CIM Jazz School, Nah muốn biến những ý tưởng âm nhạc của mình thành sự thực với nhóm biểu diễn có tên YSN 5tet. Cô nhớ lại: “Tôi đến tất cả các câu lạc bộ nhạc jazz nhỏ quanh thành phố và đưa cho họ băng thu âm demo của mình. Sau đó tôi gọi điện thoại hỏi xem họ có muốn tôi hát ở đó không. Tôi không ngại có ngày gọi đến vài cuộc”. Cô biết rằng ngay cả những ca sĩ, nhạc công jazz thành công nhất cũng đều từng trải qua thời kỳ ban đầu sống như “một nhân viên ăn lương của công ty”. Ai cũng phải hết sức nỗ lực tìm kiếm một phương tiện giúp bản thân có thể chia sẻ âm nhạc được với đông đảo hơn khán thính giả. Luôn ghi nhớ điều này trong tâm trí, Nah cho rằng cô cũng sẽ phải làm việc rất vất vả để sự hiện diện của cô được người hâm mộ nhạc jazz biết đến nhiều hơn.

Tự do với sự giản dị

Theo định nghĩa của riêng cô, việc trình diễn trên sân khấu là yếu tố quan trọng nhất trong thế giới âm nhạc của cô. “Tôi rèn luyện việc tự chuẩn bị cho mọi cuộc biểu diễn trên sân khấu và tôi tiếp tục rèn luyện mình ngay trong lúc biểu diễn. Tôi tự nhìn lại bản thân mình bằng cách nhớ từng khoảnh khắc trong cả buổi diễn và như vậy, tôi gần như luôn luôn tập luyện”. Đối với cô, việc trình diễn trên sân khấu đồng thời cấu thành nên kinh nghiệm chủ chốt trong việc giao tiếp với khán giả và theo cô, đây mới là trải nghiệm âm nhạc tuyệt đỉnh hơn cả. “Tôi nghĩ rằng mọi ca sĩ và nhạc công cần hai điều căn bản: những kỹ thuật bậc thày và sự kết giao cảm xúc với khán thính giả. Chắc chắn, sự hoàn hảo về kỹ thuật là đòi hỏi trước tiên. Nhưng khi anh/cô ta có được kỹ thuật rồi thì yếu tố quyết định nhất lại là liệu có thể xây dựng được một sự cộng hưởng cảm xúc với khán giả không, liệu có thể kết nối hiệu quả với khán giả theo một cách thức giàu ý nghĩa hay không – Nah khẳng định và tiếp tục bộc bạch – Cảm xúc luôn vượt qua các rào cản ngôn ngữ và mức độ của các kết giao cảm xúc này lại phụ thuộc vào sự trung thực và thẳng thắn của người biểu diễn âm nhạc. Khán thính giả ngay lập tức thấm thía được điều này. Khi đứng trên sân khấu, tôi có được một nguồn cảm xúc và năng lượng nhất định đến từ khán giả bên dưới…”.

Cho dù sự nghiệp âm nhạc của cô đã kéo dài qua hơn hai thập niên, Nah vẫn không ngừng tiếp tục thử thách các giới hạn và theo đuổi những thử nghiệm nghệ thuật của mình. Bởi vậy, cô có thể đo lường được khả năng thay đổi và tiến triển của bản thân. “Tôi thích thú với những thử nghiệm cho giọng hát. Việc tập luyện của tôi không ngày nào giống ngày nào. Đôi khi, một thanh âm mà trước đó, dường như giọng của mình không thể thể hiện được thì nay lại có thể. Đôi khi một âm mà tôi từng nghĩ nó không thuộc vào biên giới chất giọng của tôi thì nay lại ngược lại”.

Sự tự do mà cô ấy đang thụ hưởng lại được dựa trên nền tảng một phong cách sống giản dị mà cô hằng duy trì: “Tôi không sử dụng điện thoại và internet nhiều, phần vì tôi lười nhưng cũng là vì tôi muốn có một cuộc sống thật sự đơn giản. Theo một cách nào đó, cuộc sống nay đây mai đó của một ca sĩ lưu diễn như tôi cũng cho phép tôi dễ dàng duy trì sự đơn giản này. Một cái vali là đủ chứa cả cuộc đời tôi. Cách sống đơn giản này giúp tôi duy trì giọng hát chuẩn mực và nuôi dưỡng thế giới âm nhạc của riêng tôi”.

Một ca sĩ Hàn Quốc trên sân khấu toàn cầu

Trong Lento, album gần đây nhất, giọng hát của cô nổi bật bởi sự linh hoạt và kết hợp vô cùng khăng khít, ăn ý với các nhạc cụ đơn giản. Sự tinh túy trong giọng hát của cô như một ma lực hấp dẫn khán giả. Tất cả các bản thu âm đều là bản thu đơn (một lần liên tục chứ không phải được biên tập chắp nối từ nhiều bản thu – ND). Nah cho biết: “Tôi đã hiểu rằng, bản trình diễn đầu tiên luôn thể hiện sự tập trung cao độ nhất của cả ca sĩ lẫn nhạc công. Để có lần thử sức đầu tiên đó, tôi đã phải dành đến cả 200% bản thân cho nó. Đó cũng là lý do tại sao các buổi biểu diễn trực tiếp luôn là những sự truyền bá âm nhạc tuyệt vời nhất. Thực tế, tất cả các bài hát thu âm trong Lento đều không có sự tập dợt trước của phần nhạc cụ. Duy chỉ có bản ArirangMomento Magico là ngoại lệ. Bằng việc ghi âm ngay lần biểu diễn đầu tiên cho mỗi ca khúc, tôi muốn nắm bắt cái gọi là sự tức thời…”.

Âm nhạc nào cũng bay biến ngay sau đầu ngón tay chơi từng nốt nhạc của nhạc công cũng như lọt qua ốc tai khán giả mà không để lại dấu vết. Để thấm nhuần được nguồn năng lượng hữu hình mà cũng phù du cùng dư ảnh sau một chương trình biểu diễn trực tiếp, Nah không e ngại tự đương đầu với từng khoảnh khắc ngay trong cuộc chạm chán đầu tiên với âm nhạc, cô gắng nắm bắt cho được cảm nhận cả về sự thinh không và âm vang của từng thanh âm.

Là một người gốc Hàn Quốc chủ yếu hoạt động âm nhạc ở châu Âu, Nah đã định nghĩa về bản ngã của mình như thế nào? “Sự thực là tôi hoàn toàn chỉ học hỏi về âm nhạc ở Pháp. Kể từ khi tôi biểu diễn lần đầu tiên trên sân khấu ở Pháp, khán giả nơi đây đã chấp nhận tôi như là chính tôi, không hề có một định kiến rằng tôi từ đâu đến hay tôi từng làm gì trước đó. Nói ngắn gọn, khán giả Pháp không thấy tôi có gì khác so với bất cứ một ca sĩ người Pháp nào, tôi biết ơn họ về điều này”. Mặc dù vậy, cho dù trình diễn ở bất cứ đâu thì gốc gác là người Hàn Quốc của cô cũng không dễ bị lãng quên. Mọi người quan tâm đến cô cũng do bởi phần nào tò mò về một giọng hát jazz hiếm có đến từ châu Á. Nah nói: “Tôi nghĩ rằng cách mà chúng ta sử dụng giọng nói của mình thì không ai có thể học hỏi được vì đó là tài sản mà mỗi người được thừa hưởng riêng từ cha mẹ mình. Tương tự như vậy, việc tôi là người Hàn Quốc thực sự có ảnh hưởng đến âm nhạc của tôi, nhưng thật khó mà phân tích điều này cho thật cụ thể. Khi tôi hát tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Hàn, tôi đều tưởng tượng rằng tôi đang chơi với các nhạc cụ khác nhau. Nhưng cho dù với bất kỳ ngôn ngữ nào thì tôi vẫn luôn là Nah Youn-sun như vậy”.


 

Các album đã phát hành của cô đều thường có một số ca khúc tiếng Hàn, chẳng hạn như Nostalgia, Heart of Glass, Senoya Senoya, Arirang. Động cơ cho việc này, dù sao cũng là đôi chút cảm xúc có tính bài ngoại hoặc nói cách khác là yêu nước. Nah mỉm cười khi nghe người đối diện giả thiết như vậy và tiếp lời: “Các đồng nghiệp của tôi rất thích chơi bản Arirang. Điều lý thú là được chứng kiến các cách thức tiếp cận Arirang rất khác nhau của họ. Trong một chương trình biểu diễn, khán giả đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe tôi giới thiệu Arirang là một bài hát dân gian của Hàn Quốc, giai điệu của nó quen thuộc với mọi người dân Hàn Quốc và nó có đến hơn 8.000 phiên bản lời hát.”

Nữ ca sĩ nhạc jazz đầy quyến rũ khán giả này thú nhận rằng cô luôn bồn chồn trước mỗi lần bước ra sân khấu, cho dù cô có vẻ thích thú và phấn khích về sự nghiệp của mình trong cả cuộc trò chuyện của chúng tôi. Thành công và được vinh danh nhiều nhưng cô ấy chắc chắn không phải là người thích thể hiện cái tôi của mình trước công chúng. Những giấc mơ của Nah thật đơn giản: “Tôi muốn tiếp tục hoạt động âm nhạc như hiện tại. Tôi hy vọng tôi có thể có các buổi hòa nhạc, giọng hát của tôi cho phép tôi tiếp tục biểu diễn. Có lẽ, tôi ước mong rằng tôi có thể là một chút hy vọng cho các ca sĩ trẻ, chứng minh rằng một người với chất giọng như của tôi – không thể đi cùng jazz theo như lệ thường – thì vẫn có thể hát jazz”.

Nah nói thêm là cô cảm thấy thật may mắn vì tìm ra rất nhiều khía cạnh khác nhau của âm nhạc để thử nghiệm , điều đó khiến cuộc sống của cô thú vị hơn rất nhiều. Là một người viết phê bình âm nhạc, tôi không thể giúp đỡ mà chỉ có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tài năng và sự linh hoạt hết mực của Nah Youn-sun mà thôi.

THỤY AN dịch

(Nguồn: Jazz diva Nah Youn-sun embraces the world through music, Koreana Vol.27, No.3, Autumn, 2013)

______________

1. Scatsinging: kỹ thuật xử lý giọng khó nhất trong nhạc jazz, ca sĩ không hát theo lời nhạc mà dùng giọng của mình ứng biến với nhạc cụ đệm. Kỹ thuật này cho phép ca sĩ thể hiện hết âm vực của mình cũng như cách luyến láy của giọng nhưng đồng thời cũng bộc lộ khả năng điều phối cảm xúc và sự tinh tế của một nghệ sĩ khi hòa giọng cùng thanh âm của các nhạc cụ, đòi hỏi họ một sự trải nghiệm nghề nghiệp sâu sắc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : SEO JEONG MIN-GAP

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *