Đọc lịch sử văn hóa việt nam

Nếu coi Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh như cột mốc mở đầu của việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam một cách khoa học, có hệ thống thì đến nay, nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã đi được một chặng đường ngót 100 năm. Trên thực tế, phải đến những năm 90 của TK XX, cao trào nghiên cứu văn hóa, lịch sử văn hóa mới xuất hiện, phải kể đến các giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm (1997), Trần Quốc Vượng chủ biên (1997), Chu Xuân Diên (1999), gần hơn nữa là Lịch sử văn hóa Việt Nam của Huỳnh Công Bá (2008). Hơn nữa, những công trình lịch sử văn hóa thuộc các lĩnh vực như mỹ thuật, kiến trúc, âm nhạc, văn học… cũng đã tích lũy được một khối lượng tri thức khoa học hệ thống, tạo điều kiện để có thể bắt tay vào biên soạn những bộ lịch sử văn hóa chuyên biệt.


 

 

Trình độ phát triển của việc
nghiên cứu văn hóa đã có những bước tiến vượt bậc, trách nhiệm lịch sử của các
nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các cơ quan nghiên cứu văn hóa là phải hoàn
thành được một công trình lịch sử văn hóa vừa tổng kết được một cách toàn diện,
hệ thống thành quả của những người đi trước, vừa phản ánh được kết quả mới
trong một điều kiện lịch sử mới, thể hiện diện mạo chung cũng như mặt bằng
trình độ đạt được hiện nay của giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Công trình Lịch
sử văn hóa Việt Nam
là thành quả đầu tiên của công trình đồ sộ Lịch sử văn hóa
gồm 6 tập do Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì.
Cuốn sách không chỉ là kết quả của việc học hỏi, nghiên cứu trong 10 năm ròng
rã biên soạn của tập thể các tác giả, mà ở một mức độ nào đó còn có thể coi là
một hình ảnh thu nhỏ của quá trình xây dựng ngành lịch sử văn hóa.

Nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam đã có những khởi sắc, song bản thân công việc biên soạn lịch sử văn hóa lại tồn tại nhiều khó khăn, trong đó thử thách lớn nhất là phải thông thuộc một lượng lớn các công trình nghiên cứu văn hóa, đánh giá đúng những đóng góp, những tồn tại của các công trình đó. Không những thế, phải nắm được những mốc thời gian quan trọng cũng như mối liên hệ logic của những mốc thời gian đó, điều này yêu cầu các tác giả phải có một diện tri thức rộng, đồng thời có một tầm nhìn mang tính chiến lược, một thái độ khoa học khách quan không thiên kiến. Để có được một bộ lịch sử văn hóa đủ sức bao trùm, đồng thời không bị vụn vặt như một tập hợp của lịch sử các lĩnh vực chuyên biệt, phải tạo thành một hệ thống nhất quán là điều mà các tác giả công trình phải đối mặt. Cuốn sách này, với tư cách là một bộ giáo trình sau đại học, ngoài những chỗ khó kể trên, còn phải xử lý tốt mối quan hệ giữa tính tiên tiến, tính ổn định, tính sáng tạo mới mẻ, tính toàn diện, tính chuẩn xác cũng như tính sâu rộng, đặc biệt là mối quan hệ giữa cá tính khoa học của những người viết với tính khách quan của một bộ giáo trình nhằm hướng tới người học. Tất cả sẽ là những thử thách đối với chủ biên. Không giống với một bộ chuyên luận chỉ chú trọng tính sáng tạo, tác giả có thể phát huy tối đa kiến giải của bản thân mình; giáo trình đòi hỏi phải chú trọng tính nhuần nhuyễn gắn kết thông suốt, dẫn dắt độc giả du lãm vào thế giới khoa học theo một lộ trình mà các tác giả đã định ra. Trong khi đó tác giả, đặc biệt là chủ biên của một bộ giáo trình lại phải kiêm nhiệm nhiều vai trò. Do đó, tác phẩm còn thể hiện được độ sành sỏi, tay nghề của chủ biên. Với ý nghĩa đó, Lịch sử văn hóa Việt Nam có thể coi là một công trình ra đời trên cơ sở xác định một cách rõ ràng lập trường, góc độ nghiên cứu, từ đó xây dựng nên một diễn trình văn hóa Việt Nam sau một quá trình suy ngẫm thận trọng, lựa chọn một cách kỹ lưỡng.

Bộ sách này đã giới thiệu một cách căn bản nhất những khái niệm, phạm trù, vấn đề đã kiến tạo nên nền tảng của nghiên cứu văn hóa, lịch sử văn hóa Việt Nam như văn hóa, văn minh, văn hiến, văn vật, văn hóa Đại Việt, văn hóa cổ truyền, văn hóa truyền thống, truyền thống văn hóa… Cuốn sách vạch ra một diễn trình lịch sử văn hóa Việt Nam, từ đó dẫn dắt người học, người đọc nhận thức được những hiện tượng văn hóa tiêu biểu của các thời kỳ văn hóa khác nhau. Giới nghiên cứu lịch sử văn hóa đã tồn tại khá nhiều phương án phân kỳ văn hóa, Lịch sử văn hóa Việt Nam lần này bên cạnh việc kế thừa thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước, đồng thời còn đặc biệt quan tâm đến những mốc quan trọng của lịch sử văn hóa, nắm bắt trúng những mốc trọng điểm đó, kết hợp với ngữ cảnh lịch sử để đề xuất một phương án phân kỳ văn hóa với 4 thời kỳ: thời kỳ hình thành nền tảng của văn hóa Việt Nam (từ khoảng 6 – 7 TK trước công nguyên đến đầu công nguyên); thời kỳ tiền Đại Việt, Chăm pa, Phù Nam (thiên niên kỷ đầu công nguyên); thời kỳ văn hóa truyền thống trong quốc gia độc lập (từ năm 939 đến 1884); thời kỳ chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống sang văn hóa công nghiệp, hiện đại (từ năm 1884 đến nay), từ đó triển khai thành các nội dung cụ thể của công trình. Từng thời kỳ của văn hóa Việt Nam lần lượt được trình bày theo 3 phương diện của văn hóa: văn hóa vật chất (các nghề trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công, nghề buôn, ẩm thực, vận chuyển…), văn hóa xã hội (gia đình, dòng họ, làng xã, bản, đô thị, nhà nước…), văn hóa tinh thần (tư tưởng, ngôn ngữ, chữ viết, học tập, khoa cử, khoa học, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học…). Trong khuôn khổ nhất quán đó, cách trình bày cũng có những điều chỉnh một cách linh hoạt. Đây cũng chính là lý do tạo nên sự mạch lạc, thống nhất của cả diễn trình phát triển văn hóa Việt Nam trong đó diện mạo, đặc điểm cũng như những khác biệt của từng thời kỳ được bộc lộ khá rõ nét ngay từ những trang mục lục đầu tiên của cuốn sách. Đáng kể hơn, lần đầu tiên trong một công trình lịch sử văn hóa, văn hóa tộc người thiểu số được dành một dung lượng đáng kể, triển khai song hành, bám sát diễn trình văn hóa Việt Nam. Nhìn suốt dọc lịch sử, cái tên chung Đại Việt, Việt Nam tuy xuất hiện muộn, song các tộc người cùng chung lãnh thổ từ lâu đã có một sự giao lưu văn hóa vô cùng mật thiết. Lịch sử văn hóa Việt Nam chính là sáng tạo chung từ trong quá khứ lâu đời của cộng đồng các tộc người anh em. Bộ Lịch sử văn hóa Việt Nam không phải chỉ là lịch sử văn hóa của người Việt, mà là một bộ lịch sử văn hóa của tộc người chủ thể – người Việt cùng các tộc người thiểu số.


 Xếp chữ trong lễ hội Phủ Gióng. Ảnh Thu Phương  

Cuốn sách cũng đã làm nổi bật được văn hóa Việt trong mắt các nhà nghiên cứu. Hầu hết những thành tựu chủ yếu của các nhà văn hóa học Việt Nam đều đã được quan tâm chú ý, không chỉ đối với những nhà nghiên cứu lão thành, mà còn cập nhật một cách ưu ái với cả thế hệ nghiên cứu sau này. Có thể nói, với lượng tư liệu được tập hợp phong phú, cộng thêm kinh nghiệm được đúc rút qua 5000 trang bản thảo của công trình Lịch sử văn hóa Việt Nam với khá nhiều gợi dẫn như những biển chỉ đường cho người đọc. Ngoài ra, thái độ cẩn trọng đối với sử liệu cũng là một điểm đặc biệt làm nên giá trị của cuốn sách. Các chú thích của sách đều vô cùng nghiêm cẩn, đồng thời đính chính một số những nhầm lẫn vô tình trước đây của giới nghiên cứu. Những điểm này nghe qua thì bình thường, nhưng làm được vô cùng khó, những ai chưa từng lặn ngụp trong đại dương tư liệu mênh mông bề bộn khó lòng có thể thấu hiểu được.

Cuốn sách cũng gửi gắm những nhận thức, lĩnh hội của bản thân các tác giả, đặc biệt là chủ biên của cuốn sách này trong quá trình nghiên cứu văn hóa học. Phương án phân kỳ văn hóa Việt Nam, cách lựa chọn các tài liệu trong nghiên cứu văn hóa cũng như việc cân nhắc để đưa ra một hệ thống các chương mục trong cuốn sách…, đều là kết quả của việc tích lũy trong suốt quá trình học hỏi, nghiên cứu của các tác giả. Các vấn đề như vị trí của Triệu Đà trong lịch sử văn hóa Việt Nam, ẩm thực nói chung, ẩm thực Hà Nội nói riêng từ truyền thống đến những biến đổi thời Pháp thuộc, xiếc Việt Nam, những sự kiện hậu trường không kém phần ly kỳ hồi hộp, giao thông Đại Việt, sự tác động hầu như trực tiếp đến việc hình thành tâm lý bất an, cảm xúc tha hương tống biệt trong thơ ca cổ… cũng sẽ là những điều tâm đắc của các tác giả được gửi gắm vào cuốn sách này. Có thể thấy, cảm nhận cá nhân không bị chìm khuất bởi những sự kiện lịch sử lạnh lùng mà luôn xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách. Lịch sử nói chung, lịch sử văn hóa nói riêng nên là như vậy. Một bộ lịch sử không nên là thi thể trên bàn phẫu thuật, cũng không nên là xác ướp trong bảo tàng, mà nên là một sinh thể sống động, cùng hơi thở, cùng số phận với chúng ta. Bởi xét cho cùng, lịch sử luôn là cuộc đối thoại không bao giờ kết thúc giữa hôm nay và quá khứ mà rồi đây, các thế hệ tiếp sau sẽ không ngừng viết tiếp những bộ Lịch sử văn hóa Việt Nam của họ.

Tất nhiên, không thể có một công trình khoa học hoàn mỹ, như chính các tác giả đã nói rằng rất hiếm có ngọc không vết, công trình này cũng vậy. Có những điểm không nhất quán, không bao quát hết tình hình chung của làng xã Việt Nam với khoảng 30% số làng không thuộc trường hợp nhất xã nhất thôn. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, Lịch sử văn hóa Việt Nam vẫn có độ gắn kết, nghiêm túc, công phu, nhiều mới mẻ. Đây thực sự là một tài liệu tham khảo mang tính xã hội hóa cao độ, hướng tới đông đảo người đọc không chỉ giới hạn trong phạm vi học viện KHXH. Đồng thời, chủ biên của giáo trình, Nguyễn Xuân Kính, cũng là người có ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu KHXH Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016

Tác giả : BÙI THỊ THIÊN THAI

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *