1. Nghệ nhân quan họ
Đây là cụm từ được dùng trong vài thập kỷ trở lại đây dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và đã được ghi trong Luật Di sản văn hóa cùng nhiều văn bản chính thức khác của Nhà nước, đồng thời cũng được dùng phổ biến trong đời sống xã hội. Còn trong đời sống dân gian xưa, người quan họ gọi họ là anh Hai – chị Hai, anh Ba – chị Ba… hoặc gọi một cách nôm na nhưng cũng đầy trân trọng là các liền anh, liền chị quan họ với những tiêu chí riêng để có thể được thừa nhận, tuy không thành văn nhưng hết sức chặt chẽ và về cơ bản là nhất quán từ trong truyền thống.
Các tiêu chí đó là: người hát phải là thành viên chính thức của một bọn chơi quan họ (ngày nay là đội quan họ hoặc câu lạc bộ quan họ); người hát phải đủ bản lĩnh và trình độ tham gia vào các cuộc hát ở mọi hình thức ca hát quan họ; người hát quan họ phải được chính dân làng và bạn hát vùng quan họ gọi là anh Hai – chị Hai, anh Ba – chị Ba, anh Tư – chị Tư, anh Năm – chị Năm,….và có khả năng truyền dạy quan họ cho các thế hệ sau (dân gian vùng quan họ gọi là các “em bé”). Người nghệ nhân quan họ, ngoài các tiêu chí kể trên họ còn được phân loại thành các thang bậc, trình độ khác nhau trong sinh hoạt văn hóa quan họ mà ở đó trình độ về ca hát là quan trọng nhất.
Đối với việc bảo tồn và phát huy dân ca quan họ thì người nghệ nhân quan họ luôn có vị trí, vai trò là trung tâm, hạt nhân cốt lõi, đúng như cách gọi để tôn vinh mà tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc đã dành cho họ – “Báu vật nhân văn sống”. Tất nhiên, đây là danh xưng để tôn vinh chung cho người nghệ nhân ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chứ không chỉ là dành riêng cho quan họ.
Nhân dịp đón xuân Kỷ Hợi, trong khuôn khổ của một bài viết, chúng tôi chỉ trình bày đôi điều suy nghĩ của cá nhân về người nghệ nhân quan họ xưa và nay trong hành trình mà họ đi từ quá khứ cổ truyền đến đương đại, để hy vọng cung cấp một thông tin nào đó, một khía cạnh nào đó cho những người quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy dân ca quan họ với tư cách là một loại hình dân ca độc đáo của dân tộc, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Về người nghệ nhân quan họ xưa
Là người đã nhiều năm gắn bó với quan họ và từ thực tế điền dã, chúng tôi nhận biết, trong bản thân đội ngũ nghệ nhân quan họ, tùy thuộc vào năng khiếu và quá trình hoạt động sáng tạo của họ đã hình thành một số thang bậc về trình độ ca hát. Điều này được thể hiện rất rõ trong các sinh hoạt ca hát quan họ vào các dịp lễ – tết – hội và đặc biệt là tại các cuộc thi ca hát. Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu về quan họ thì có thể chia trình độ ca hát này làm ba thang bậc:
Một là, bộ phận chiếm số đông hơn cả thường ở trình độ nói như người quan họ là “ca đủ lối, đủ câu” hoặc “không thua một lối, không kém một câu”.
Hai là, một số liền anh, liền chị đạt đến mức “đặt câu, bẻ giọng” hoặc có giọng hát “vang, rền, nền, nẩy” đứng vào hàng những con chim đầu đàn của một làng, một cụm làng trong sinh hoạt quan họ.
Ba là, một số rất ít, vài ba bốn người ở một làng có những cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật ca hát quan họ, được toàn vùng quan họ suy tôn, nổi tiếng một thời.
Với thang bậc thứ nhất, “ca đủ lối, đủ câu”có nghĩa là người nghệ nhân đã ở trình độ thuộc hết các lối giao du quan họ (mà trong đó ca hát chỉ là một mặt cơ bản) và có thể hát trên 200 bài ca quan họ không những có phần lời khác nhau mà còn có nhạc điệu khác nhau. Chẳng hạn trong số đó có 36 giọng lề lối (bài ca quan họ cổ) và còn lại là các bài ca giọng Vặt. Theo thống kê của giới nghiên cứu âm nhạc, cho đến nay số lượng bài ca quan họ theo các giọng đã ký âm được khoảng trên 200 bài thì tương ứng với nó chỉ cần mỗi bài thêm một bản có phần lời ca đối lại thì kho tàng quan họ của toàn vùng đã lên tới trên 400 bài. Với khối lượng như vậy mà người nghệ nhân đảm đương được 50% thì đã là một điều đáng khâm phục.
Với thang bậc thứ hai, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ có tài “đặt câu bẻ giọng” mà còn phải có giọng hát đảm bảo “vang, rền, nền, nẩy”, tức là đã vươn tới khả năng không chỉ hát rất hay, rất bài bản, có kỹ thuật (tất nhiên là theo tiêu chuẩn dân gian chứ không phải là cách thức đánh giá theo tiêu chuẩn nhạc viện) mà còn phải có khả năng sáng tác các bài ca mới, nghĩa là lao động nghệ thuật đã đạt trình độ sáng tạo chứ không còn là sao chép, bảo tồn như vốn có. Vậy là đến một giai đoạn nhất định của sự phát lộ tài năng ở người nghệ nhân đã hội đủ hai vai trò: vừa là nghệ nhân biểu diễn thành thục vốn dân ca truyền thống vừa là người nghệ nhân sáng tạo. Hoạt động nghệ thuật của đội ngũ này bởi vậy chính là cơ sở đầy đủ nhất cho quá trình vừa bảo lưu vừa phát triển dân ca quan họ mọi thời kỳ.
Với thang bậc thứ ba dùng để chỉ những “quan họ cựu” có trình độ xuất sắc, nổi bật và vượt xa những nghệ nhân thông thường, sớm giữ vị trí có tính chất đầu đàn, là tấm gương mẫu mực cho những lớp quan họ sau. Ở Viêm Xá và một số làng quan họ tiêu biểu khác, dễ nhận thấy nét chênh lệch tài năng giữa đội ngũ nghệ nhân thông thường (thang bậc 1, 2) với đội ngũ xuất sắc này. Nhìn vào thực tiễn hoạt động quan họ, chúng tôi thấy nếu như việc thể hiện tài năng của các nghệ nhân thông thường chủ yếu thông qua trình độ ca hát và một số có thể sáng tác, thì ở nghệ nhân xuất sắc tài năng là rất toàn diện. Với đội ngũ này có thể nói toàn bộ những tinh hoa của nền văn hóa quan họ đều hội tụ ở họ. Họ là kho tàng lưu giữ các bài ca quan họ đồng thời là những tấm gương mẫu mực, thuần thục trong các sinh hoạt văn hóa quan họ, như giao tiếp, lề lối, phong tục… đặc biệt là nghệ thuật diễn xướngHọ là những người biết và có khả năng làm giàu cho ca hát quan họ từ việc vận dụng những tinh hoa của các loại hình dân ca dân gian khác vào quan họ. Và cuối cùng là một phẩm chất quan trọng nhất, ấy là tinh thần gắn bó suốt đời với quan họ, đắm đuối và hết mình vì quan họ. Có thể nói với các nghệ nhân này, quan họ là máu thịt của họ, là toàn bộ niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời họ. Có lẽ bởi thế, do tất cả những gì hội tụ ở họ đã góp phần cơ bản làm nên và duy trì hẳn một phong cách, một lối sinh hoạt quan họ riêng cho những làng quan họ cổ. Mỗi làng quan họ cổ (khoảng 27 làng trong tổng số 49 làng quan họ) đều có một đội ngũ xuất sắc tinh hoa như vậy nên ngoài cái chung, ta lại nhận thấy cái riêng của mỗi làng. Chẳng hạn như một nhận xét khá sắc sảo tinh tế về cái riêng của các làng: người ta có thể tìm thấy sự bay bướm, tài hoa trong ca hát của quan họ Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh); sự mềm mại, ngọt ngào, thanh nhã trong ca hát của quan họ Đống Cao (huyện Tiên Du); sự mộc mạc, lề lối, mực thước trong ca hát của quan họ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh). Nhưng đúng là tinh thì khó đa nên mỗi làng quan họ cổ thường chỉ có được vài ba người ở thang bậc thứ ba, thậm chí có làng lên tới năm bảy chục nghệ nhân mà không có nổi một người. Theo thống kê thì cho đến thập kỷ 70 TK XX toàn vùng quan họ chỉ còn khoảng ngót 100 nghệ nhân thuộc thang bậc trình độ ca xướng này. Ở Viêm Xá trong TK XX cũng chỉ có vài ba người mà tiêu biểu trong số đó là cụ Bánh (mẹ) và cụ Tập của thập niên nửa đầu TK XX. Về những năng lực văn nghệ đặc biệt của các cụ, có tài liệu nghiên cứu đã viết: “Cụ Bánh (mẹ) không những thuộc toàn bộ văn lời ca của những tích chèo Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Lưu Bình Dương Lễ, thuộc tất cả các bài ca nhà tơ hát ở đình Diềm, mà còn thuộc hàng nghìn câu về kể hạnh, về hát đưa tang, hát tích nhà Phật, đặc biệt là còn thuộc lòng rất nhiều truyện Nôm “kể hằng tháng không hết”. Với truyện Kiều cụ có thể đọc xuôi đọc ngược…” và cụ cũng diễn rất tài những tích truyện ấy. Còn cụ Tập “có thể hát nhiều điệu xẩm, vừa hát vừa gõ nhịp bằng tay, vừa “kéo hồ, nhị đệm” bằng cách phát âm miệng”. Với một trí tuệ như vậy, việc lĩnh hội và ghi nhớ một hai trăm câu quan họ là điều hoàn toàn có thể.
3. Về người nghệ nhân quan họ hiện nay
Các thang bậc trình độ của người nghệ nhân quan họ truyền thống đến nay cũng có thay đổi (trên một phương diện nào đó, thậm chí là nhiều thay đổi), chẳng hạn, đối với người hát có trình độ “ca đủ lối, đủ câu” (hoặc nói như một số làng quan họ “không thua một lối, không kém một câu”) thì hiện nay ở Viêm Xá và các làng kết nghĩa với Viêm Xá đã thưa hơn rất nhiều so với trước Cách mạng tháng Tám và ngay cả những người được xếp vào hàng ngũ này thì về đại thể cũng là trên danh nghĩa lý thuyết, vì có tình trạng nhiều bài nghệ nhân chỉ nhớ khi có ai nhắc lại hoặc hát “mào đầu” vài câu. Điều đáng chú ý ở đây là nếu với trình độ “thuộc” như vậy thì khi vận dụng vào cuộc hát, nhất lại là hát thi sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Có lẽ vì vậy mà một trong những tiêu chuẩn rất quan trọng luôn đặt ra cho người nghệ nhân là phải “chóng thuộc, nhớ lâu, bắt chước giỏi”. Mặt khác, về thời gian, để có thể đạt trình độ “đủ lối, đủ câu”, người nghệ nhân Viêm Xá thường rèn luyện ít nhất khoảng 10 năm (từ 13 – 14 tuổi đến 23 – 24 tuổi). Ví dụ: cụ Thị – một cụ Thượng của làng Viêm Xá (nay đã mất) kể rằng cụ học hát từ năm 14 – 15 tuổi đến ngoài 30 tuổi vẫn không thuộc được trên 100 bài. Cụ nói: “Thuộc là một chuyện nhưng lúc hát còn ngân nga, nhấn nhá nữa chứ, phải thuộc lắm mới thế được”.
Với trình độ “đặt câu bẻ giọng” và có giọng hát “vang – rền – nền – nảy” thì nghĩa là vừa phải có trình độ sáng tác các bài ca mới, (kể cả bài “độc”) vừa phải có trình độ ca hát đạt tiêu chuẩn theo những yêu cầu của âm nhạc dù là âm nhạc dân gian. Đạt đến trình độ này vào những năm cuối TK XX, đầu TK XXI ở Viêm Xá có các nghệ nhân Nguyễn Thị Các, Ngô Thị Lịch, Nguyễn Thị Nhi, Ngô Thị Trạch… Còn các nghệ nhân trong khoảng 10 năm trở lại đây đang bộc lộ xu hướng ngại học các bài quan họ quá cổ vốn có tiết tấu, giai điệu chậm, dài dòng lại khó thuộc (các bài quan họ cổ rất nhiều hư từ, luyến láy). Các nghệ nhân ở tuổi đang sung sức, hát nhiều như Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Đức Nhận, Nguyễn Nam Phương… đã ở trình độ ngấp nghé “đặt câu, bẻ giọng” thì thường có tâm lý là vừa muốn giữ gìn học hỏi vốn cổ vừa muốn cách tân thật nhiều để có thể phù hợp với các đối tượng thưởng thức trẻ và thỏa mãn ngay chính xu hướng sở thích của mình. Cho nên trong những năm gần đây trong các cuộc thi do Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh tổ chức có hiện tượng nghệ nhân Viêm Xá tham gia hát thi cả hai hình thức: Hát đối đáp (truyền thống) và hát quan họ mới (lời mới có nhạc đệm). Nhìn chung xu hướng đẩy nhanh tiết tấu, giảm bớt hư từ, luyến láy khi hát có thể dẫn tới khả năng mai một nhanh các làn điệu quan họ cổ (hiện tượng này có nguyên nhân rất quan trọng từ ảnh hưởng của nhịp sống công nghiệp và kinh tế thị trường). Ví dụ, ông Nguyễn Đức Ba là người sáng tác quan họ của đội quan họ Viêm Xá nói, chỉ một câu thơ theo điệu Còn duyên: “đến hôm mùng sáu tháng Hai thì về” người ta có hai cách hát. Cách thứ nhất, với người giỏi hát vẫn biết luyến láy thì hát: “đến hôm là hôm mùng sáu… tháng Hai chứ hai thì về”. Người hát sẽ luyến láy ở khoảng giữa chữ “sáu” với chữ “tháng”. Cách thứ hai là người hát không biết hoặc ngại luyến láy thì thay bằng lời là: “đến hôm là hôm mùng sáu sáu tháng Hai chứ hai thì về”. Cách hai sẽ hát với tiết tấu nhanh hơn, là một dạng hát “tắt”.
Về nghệ thuật sáng tác dân ca lâu nay giới nghiên cứu thường quan tâm đến phương thức ứng tác ngay trong quá trình diễn xướng của dân ca và coi đây là phương thức sáng tạo chủ đạo của mọi loại dân ca. Theo kết quả nghiên cứu mà tác giả Trần Linh Quý thì không hẳn là như vậy khi ông lập bảng đối chiếu so sánh giữa hát đối trong ví, trống quân, ghẹo… là những dân ca mà quá trình sáng tác chủ yếu là nghệ thuật ứng tác. Với hát đối quan họ là loại hình dân ca mà phương thức sáng tác không phải chỉ sử dụng nghệ thuật ứng tác và kết quả là quan họ còn sử dụng phương thức sáng tác ngoài quá trình diễn xướng, tức là không sáng tác ngay trong cuộc hát (diễn xướng). Bằng phương thức sáng tác này, sau mỗi mùa hội thi quan họ, nghệ nhân các làng quan họ vùng kinh Bắc lại bổ sung vào kho tàng dân ca của mình nhiều ca khúc quan họ mới. Và để minh chứng cho điều đó, tác giả Trần Linh Quý đã nêu một ví dụ điển hình về nghệ nhân danh tiếng một thời vùng quan họ là cụ Tư La làng Thị Cầu (đã mất). Nhiều bài hát của cụ Tư La (có bài hát sáng tác trước năm 1945) như: Lỡ duyên Chức Nữ – Ngưu Lang, Gọi đò, Con chim thước, Chè mạn hảo, Còn giời (trời) còn nước còn non… và đến nay đã được các làng xếp vào hàng những bài quan họ cổ truyền mẫu mực. Những bài hát quan họ này đã được nhạc sĩ Hồng Thao ký âm cả nhạc và lời để công bố rộng rãi. Cùng với cụ Tư La còn nhiều nghệ nhân khác như cụ Cả Vịnh (làng Y Na) sáng tác bài Bốn mùa, cụ Sáu Tương (làng Y Na) sáng tác bài Đêm qua nhớ bạn… đều theo phương thức sáng tác ngoài quá trình diễn xướng. Và sau khi phân tích, chứng minh tác giả Trần Linh Quý đi đến nhận định rằng: “Sự xuất hiện của phương thức sáng tác ngoài quá trình diễn xướng trong quan họ là sản phẩm tất yếu ở giai đoạn cao của dân ca, là sự xuất hiện một cách hoàn chỉnh nhất, có giá trị, mở đầu cho sự xuất hiện một phương thức sáng tác tự do trong dân ca, rất gần với phương thức sáng tác của những người sáng tác ca khúc hiện đại trong những liên hệ tiếp nối, phát triển”.
Trở lại, đối chiếu với vấn đề sáng tác nghệ thuật của các nghệ nhân quan họ hiện nay, chúng tôi nhận thấy những kết quả nghiên cứu của tác giả Trần Linh Quý và nhóm tác giả là chính xác vì ở Viêm Xá cũng như hầu hết các làng quan họ hiệu nay phần lớn các sáng tác quan họ mới được ra đời từ phương thức sáng tác ngoài quá trình diễn xướng và sau đó được đưa trở lại các hoạt động diễn xướng như một sự bổ sung, làm mới nội dung và nghệ thuật quan họ. Sở dĩ hiện nay có xu hướng sáng tác thiên mạnh về phương thức này, theo chúng tôi còn là do sự ảnh hưởng của âm nhạc Tây phương hiện đại và cũng do trình độ học vấn của người sáng tác đã cao hơn rất nhiều so với các nghệ nhân xưa. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng cùng với phương thức sáng tác ngoài quá trình diễn xướng thì phương thức ứng tác ngay tại chỗ rất cần thiết cho việc gìn giữ một truyền thống, giữ gìn một năng lực “xuất khẩu thành thơ” của mỗi cuộc chơi quan họ đối đáp. Hơn thế nữa ứng tác còn tạo nên sự ganh đua về tài năng và tăng tính hấp dẫn của cuộc chơi quan họ. Như vậy, câu chuyện về trình độ “đặt câu, bẻ giọng” của những sáng tạo quan họ truyền thống đã và sẽ còn nhắc nhở người chơi quan họ hôm nay về sự cần thiết phải kết hợp hài hòa giữa hai phương thức sáng tác quan họ để làm sao vừa đưa quan họ lên một trình độ mới mà vẫn giữ được chất dân ca – dân gian ngàn đời của nó. Về hoạt động sáng tác hiện nay ở Viêm Xá cũng như nhiều làng quan họ khác không có nhiều. Trong đội quan họ làng Viêm Xá có nghệ nhân Nguyễn Đức Ba là người có những sáng tác đặt lời cho quan họ trong khoảng từ 1995 trở lại đây dựa vào những làn điệu quan họ đã có sẵn từ trong truyền thống. Các nghệ nhân khác, có một vài người trong quá trình chơi quan họ, chủ yếu là trong hát canh, hát đối cũng có “tu chỉnh” lời của những bài quan họ có sẵn. Phần lớn những bài ca quan họ hiện nay hát ở vùng quan họ đều được lấy từ những công trình sưu tầm quan họ của các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ như Hồng Thao, Trần Linh Quý, Lưu Hữu Phước, Đức Miêng, Trần Chính, Lê Danh Khiêm… Trong đó có nhiều bài được sưu tầm từ chính các nghệ nhân thế hệ trước 1945 đến khoảng những năm cuối TK XX ở Viêm Xá, các làng kết nghĩa với Viêm Xá như Bịu, Đống Cao và ở các làng quan họ khác trong vùng. Như vậy, cũng có thể thấy hoạt động sáng tạo quan họ của các nghệ nhân từ đầu TK XX đến nay dường như đã “động chạm” đến một đặc trưng quan trọng của sáng tác dân gian là sự khuyết danh khi mà dần dần các sáng tác quan họ có tên tác giả là những cá nhân cụ thể đã tăng lên rõ rệt.
Còn ở thang bậc trình độ xuất sắc nổi bật vượt xa các nghệ nhân truyền thống và được dân gian một số nơi gọi là “quan họ cựu” thì qua khảo sát, điều tra chúng tôi nhận thấy trong khoảng 30 năm trở lại đây, kể cả giai đoạn đỉnh điểm phục hưng quan họ (từ 1990 đến nay) ở Viêm Xá và các làng khác chưa thấy có thêm một nghệ nhân nào đạt trình độ như các cụ Bánh, cụ Tập, cụ Hừu, cụ Ruộng của những năm đầu TK XX mà chúng tôi đã có dịp trình bày ở trên. Trong số các nghệ nhân và cũng là thành viên đội quan họ làng Viêm Xá thì cho đến gần đây chỉ còn cụ Ngô Thị Nhi (93 tuổi) là người duy nhất thuộc trên 100 bài hát quan họ cổ. Hiện, cụ Nhi là một trong 7 nghệ nhân của làng đã được tỉnh công nhân là nghệ nhân cấp tỉnh và là một trong 4 người (gồm các nghệ nhân: Ngô Thị Nhi, Nguyễn Thị Bàn, Trần Thị Phụng, Ngô Thị Lịch) đã được Bộ VHTTDL xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Hiện nay ở các làng quan họ, kể cả Viêm Xá đang có một xu hướng có thể dẫn tới sự mai một nhanh những làn điệu quan họ ở chỗ: các liền anh, liền chị lớp trẻ rất ngại học hát những bài quan họ cổ, nhất là những giọng lề lối. Họ có chung một sở thích là chọn học những bài có giai điệu đẹp, dễ hát, dễ hấp dẫn người nghe như: Người ơi người ở đừng về, Cây trúc xinh, Trái núi thiên thai, Vào chùa, Con ếch, Ngồi tựa song đào, Còn duyên kẻ đón người đưa… tình hình như vậy thì việc bảo lưu, duy trì các tiêu chí, thang bậc trình độ của các nghệ nhân trong tương lai sẽ là một công việc không dễ ràng đối với cả các cơ quan chức năng và bản thân người trong cuộc ở các làng quan họ.
4. Cần làm tất cả những gì có thể để tôn vinh các nghệ nhân quan họ
Không phải chỉ chúng ta mà UNESCO và cả nhân loại tiến bộ đã khẳng định các nghệ nhân dân gian là “báu vật nhân văn sống” cần phải được tôn trọng, gìn giữ, phát huy. Họ là bảo tàng sống về vốn liếng những di sản văn hóa dân tộc. Nhưng họ là những con người chứ không phải là các “di tích”, nên họ có thể ra đi rất nhanh, rất chóng vánh và mang theo tất cả…
Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua khen thưởng, trong đó quy định rõ là Nhà nước khuyến khích và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân dân gian, cụ thể hơn còn đặt ra các danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Chỉ tiếc là nhiều cơ quan quản lý văn hóa đã quá chậm trễ để rất nhiều nghệ nhân danh tiếng đã phải ra đi trong sự băn khoăn nuối tiếc của toàn thể xã hội mà lẽ ra họ đã có thể được tôn vinh.
Cần phải có kế hoạch làm thường xuyên, lâu dài việc thu thập một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nguồn tư liệu vô giá từ các nghệ nhân để qua đó “dựng lại”, chí ít là diện mạo của đời sống sinh hoạt văn hóa quan họ Kinh Bắc hơn một thế kỷ qua. Nguồn tư liệu và diện mạo ấy sẽ là căn cứ quan trọng để cho con cháu chúng ta học hỏi, bảo tồn và phát huy di sản quan họ. Giới nghiên cứu chúng ta có một bài học lịch sử lớn là suốt cả TK XIX thế hệ trước đã không để lại cho đời sau một tư liệu thành văn nào về sinh hoạt văn hóa quan họ đương thời. Và khiếm khuyết đó đã làm cho việc nghiên cứu lịch sử quan họ của chúng ta bị đứt đoạn.
Sẽ là rất thật, trong xu thế hội nhập và mở cửa hiện nay, khi mà truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc có thể bị mai một thậm chí là đánh mất thì sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ các nghệ nhân đã trở thành một giải pháp quan trọng, một “cứu cánh” có ý nghĩa hết sức thời sự và quan thiết. Bởi đơn giản là: chủ thể chính yếu, căn cốt của những sinh hoạt văn hóa quan họ làng chính là những nghệ nhân quan họ. Họ là tác giả chính cùng với người dân sở tại đã làm nên dân ca quan họ – một di sản văn hóa phi vật thể đã ở tầm nhân loại thông qua những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đầy tính sáng tạo và độc đáo của mình.
_______________
1. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Quan họ – nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.414, 415.
Tác giả: Trần Minh Chính
Nguồn: Tạp chí VHNT số 416, tháng 2-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%