LTS: Nhằm tạo sự chuyển biến căn bản cả về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức hoạt động để các bảo tàng bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội, thực sự trở thành trung tâm giáo dục thường xuyên về truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; đủ sức hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch, ngày 24-12- 2018, Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch đã được Bộ VHTTDL phê duyệt.
Đề án khẳng định các nhiệm vụ trọng tâm: đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng để khắc phục tình trạng trùng lặp giữa các bảo tàng và sự khô cứng, thiếu hấp dẫn của các trưng bày hiện tại; đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng công chúng; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng.
Việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm ấy là nhằm mục tiêu cụ thể đến năm 2021: các bảo tàng đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; số lượng khách tham quan bảo tàng hằng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển khách tham quan là học sinh, sinh viên; đội ngũ viên chức, người lao động của các bảo tàng được nâng cao về kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ để đem tới sự hài lòng đối với khách tham quan.
Để góp phần nghiên cứu và truyền thông về quá trình hiện thực hóa Đề án trong thực tiễn xã hội, trong số này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đăng tải chùm bài với chủ đề hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch, hy vọng nhận được sự quan tâm trao đổi của các tác giả và bạn đọc.
Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch có thời gian triển khai từ 2019- 2021; đối tượng là 126 bảo tàng công lập nhấn mạnh vào ba mục tiêu cụ thể: Các bảo tàng tập trung nâng cao chất lượng công tác trưng bày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, dịch vụ phục vụ khách tham quan và tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Số lượng khách tham quan bảo tàng hằng năm tăng bình quân 10%, trong đó ưu tiên phát triển đối tượng khách là học sinh, sinh viên; đội ngũ viên chức, người lao động của các bảo tàng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ… Đối chiếu thực tiễn, có thể nhận thấy, ba mục tiêu mà đề án đề ra hoàn toàn đúng hướng, phù hợp với tình hình phát triển của các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay.
Vài năm trở lại đây, hệ thống các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng công lập, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện cả về nhận thức và mô hình hoạt động để thích ứng với thời kỳ công nghệ thông tin và toàn cầu hóa.
Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động
Nhiệm vụ của bảo tàng rất đa dạng (sưu tầm, bảo quản, kiểm kê, trưng bày, giáo dục…) Tuy nhiên, dưới con mắt của công chúng, trưng bày dường như là hoạt động nổi bật nhất của các bảo tàng. Do vậy, việc đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các bảo tàng trong việc biến các ý tưởng thành các trưng bày là rất quan trọng. Các bảo tàng cần có lộ trình khoa học, sáng tạo, để việc trưng bày trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của công chúng, thông qua danh mục các chủ đề trưng bày được xây dựng, qua việc sáng tạo các ý tưởng trưng bày mới lạ, hấp dẫn. Các ý tưởng trưng bày này được hình thành trên cơ sở nghiên cứu hoặc từ ảnh hưởng của định hướng thị trường. Trên cơ sở thăm dò, khảo sát của các bảo tàng về sự quan tâm hay nhu cầu của công chúng.
Trong một vài năm trở lại đây, các bảo tàng đã tích cực nghiên cứu và đưa vào triển khai nhiều chương trình với hàng loạt sự kiện, hoạt động tương tác tạo nên hiệu ứng xã hội tích cực. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh những phần nội dung cố định, còn thường xuyên tổ chức những triển lãm các chuyên đề, đặc biệt liên quan đến phụ nữ, theo nhiều hình thức thể hiện với sự góp mặt của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, các tổ chức văn hóa, cán bộ bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức những triển lãm chuyên đề phản ánh cuộc sống đương đại, thể hiện tiếng nói của cộng đồng. Hoạt động giao lưu văn hóa đã giúp bảo tàng có một đời sống mở, sống động hơn. Bên cạnh các trưng bày sự kiện, bảo tàng những hoạt động nghệ thuật đặc sắc lôi cuốn khách du lịch như chương trình Âm sắc Việt Nam, các buổi giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật của Việt Nam như hầu đồng, ca trù, xẩm, chầu văn, trình diễn nhạc cụ dân tộc… Ngoài ra, bảo tàng luôn tổ chức các triển lãm, các hoạt động nhân dịp những ngày lễ lớn của dân tộc, tạo sân chơi thú vị cho học sinh, sinh viên… Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bên cạnh phần nội dung cố định, còn thường xuyên đưa triển lãm đến các trường tiểu học, trung học, đại học, doanh trại quân đội, vùng sâu, vùng xa…; tổ chức cho thanh niên giao lưu với cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam để chia sẻ, động viên…; phối hợp với nhiều tổ chức hòa bình, hữu nghị quốc tế tổ chức triển lãm lưu động ở nước ngoài, giúp bạn bè quốc tế hiểu về đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Đặc biệt, các bảo tàng hiện nay đã quan tâm nhiều tới hoạt động tương tác. Những trò chơi dân gian, nghề thủ công, làn điệu dân ca, tri thức bản địa… đã được khai thác tối đa, đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn đối với du khách. Điển hình cho thành công này phải kể đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngoài khu trưng bày trong sảnh, phía ngoài các khu nhà truyền thống còn có không gian để khách tham gia đi cà kheo, nhảy bao, đi cầu khỉ, xem múa rối nước, múa sạp, chơi ô ăn quan… Như vậy, các bảo tàng đang dần khắc phục tình trạng tổ chức trưng bày theo cái mình có và mình muốn, mà đã tập trung vào tìm hiểu, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách tham quan. Chính sự quan tâm tới góc khám phá của du khách đã tạo nên sinh khí hoàn toàn khác cho các bảo tàng hiện nay so với vài thập kỷ trước.
Bước sang TK XXI, nhu cầu thấu hiểu, tận hưởng văn hóa của công chúng ngày càng cao, đa dạng đã đặt ra những thách thức mới cho các trưng bày trong bảo tàng. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn hiện vật, khách tham quan còn mong muốn được trải nghiệm những câu chuyện gắn với hiện vật mà bảo tàng đang nắm giữ; có cơ hội tham gia trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân với bảo tàng.
Vì thế, các bảo tàng trong cả nước, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… đã áp dụng công nghệ mới vào hoạt động như đưa máy tính và các thiết bị nghe nhìn vào các gian trưng bày để làm tăng tính hấp dẫn của nội dung trưng bày. Ví như, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã dành ba ngày là từ 1 đến 3-6-2018, để giới thiệu về công nghệ sử dụng trong trưng bày và thuyết minh ở bảo tàng, đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị của công nghệ thuyết minh tự động và 3D thực tế ảo.
Có thể thấy, công nghệ thuyết minh tự động đóng vai trò như một hướng dẫn viên điện tử với các ngôn ngữ khác nhau, kết hợp với các thiết bị hiện đại cung cấp những hình ảnh chi tiết, chính xác về những công trình, di tích phức tạp, mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho khách tham quan. Hệ thống thuyết minh đa ngữ sẽ giúp khắc phục được việc các hướng dẫn viên nước ngoài thuyết minh sai lệch lịch sử Việt Nam.
Nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ viên chức, người lao động của các bảo tàng là vấn đề quan trọng
Trước hết, đó là sự nhận thức đúng đắn về sự phát triển và tồn tại của bảo tàng. Trên cơ sở đó, các bảo tàng tập trung bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần phục vụ, thái độ ứng xử… để tạo nên một môi trường văn hóa văn minh lịch sự, thân thiện với du khách. Khởi đầu của việc đổi mới là về hướng dẫn – thuyết minh. Đội ngũ này cần được tạo mọi điều kiện để học tập, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu di sản của mọi đối tượng khách tham quan. Hằng năm, các bảo tàng thường tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do các chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy; trao đổi, đào tạo kinh nghiệm trong phát triển bảo tàng với các nước có quan hệ hợp tác. Đối với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các nước rất được coi trọng. Trong năm 2018, bảo tàng đã phối hợp với Bảo tàng quốc gia Úc tổ chức chương trình tập huấn về công tác trưng bày và truyền thông bảo tàng, đã góp phần nâng cao chuyên môn của mỗi nhân viên, cán bộ của bảo tàng, đồng thời góp sức vào công cuộc đổi mới, phát triển bảo tàng Việt Nam thời kỳ mới.
Thúc đẩy phát triển du lịch bảo tàng
Từ thực tiễn đổi mới và phát triển, ở những mức độ khác nhau, nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, trực tiếp góp phần vào phát triển ngành du lịch. Nhiều năm qua, mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh đều thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan. Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đắk Lắk… cùng nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh khác cũng tự vươn lên để trở thành điểm đến thường xuyên trong các tuyến du lịch của du khách. Trên bình diện quốc tế, trong các năm 2013, 2014, bảo tàng ở Việt Nam đã được trang web có uy tín về du lịch Trip Advisor bình chọn vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh năm 2013 đứng thứ 5, năm 2014 đứng thứ 11, năm 2018 được vinh danh trong top 10 những bảo tàng được khách bình chọn tốt nhất trên thế giới và là đại diện châu Á duy nhất góp mặt; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2013 đứng thứ 6, năm 2014 đứng thứ 4; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam năm 2013 đứng thứ 11, năm 2014 đứng thứ 6…
Đối với hoạt động du lịch, hiện nay một số bảo tàng cũng đã rất chủ động trong việc tìm kiếm nguồn khách bên cạnh lượng khách tự do đến tham quan bảo tàng. Theo bà Nguyễn Bích Vân, hiện nay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang liên kết, hợp tác với nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước như Công ty du lịch Phượng Hoàng, EXO travel, Buffalo… để đưa khách đến bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng cũng chủ động thông tin về lịch trình xe ra vào trung tâm Hà Nội tới các công ty du lịch, nhà xe ở một số địa phương để họ chủ động sắp xếp lịch đưa đón khách đến bảo tàng. Từ khi có liên kết với các công ty du lịch, hãng lữ hành, số lượng khách đến bảo tàng tăng lên so với trước. Từ những kết quả đạt được, bảo tàng đã đăng ký với Hội LHPNVN, lượng khách đến bảo tàng sẽ đạt chỉ tiêu tăng 10% so với năm trước.
Bên cạnh việc các bảo tàng tự tìm kiếm nguồn khách và tổ chức các tour du lịch, Bộ VHTTDL cũng có nhiều hoạt động nhằm liên kết các bảo tàng cùng phát triển. Cụ thể, từ đầu năm 2018, Tổng cục Du lịch và các bảo tàng trực thuộc Bộ VHTTDL đã triển khai thử nghiệm các tour: lịch sử Việt Nam – khám phá từ lòng đất, Lịch sử Việt Nam – bình minh trên các dòng sông; kết nối Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tham quan phố cổ, nhà cổ Mã Mây, đền Bạch Mã và thưởng thức ẩm thực đường phố.
Tiếp đó là tour mỹ thuật Việt – kho báu trong lòng Hà Nội và Làng quê Việt Nam – một góc nhìn với hành trình tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – show tâm hồn làng Việt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nhà hát Múa rối Việt Nam…
Từ những kết quả đạt được về lượng khách đến, những mô hình bảo tàng điển hình về khai thác phát triển du lịch, có thể thấy, các bảo tàng muốn phát triển du lịch, tăng thêm nguồn thu, ngoài sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL về chính sách, tài chính, cần tự thân vận động trong việc tổ chức các hoạt động hấp dẫn, nhanh nhạy trong việc liên kết hợp tác với các công ty du lịch, hãng lữ hành để tìm kiếm thêm nguồn khách.
Mạng lưới các bảo tàng đã có sự chỉ đạo thống nhất trong phạm vi cả nước. Trong đó, mỗi bảo tàng đang ngày càng tự hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, năng lực phục vụ, về đổi mới các phương thức hoạt động. Vì lẽ đó, nội dung, hình thức, nghệ thuật trưng bày ở nhiều bảo tàng từng bước được nâng cao phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ, trình độ nhận thức của công chúng. Bên cạnh việc bảo tồn, lưu giữ những hiện vật đã có, việc sưu tầm, bổ sung tư liệu, đổi mới cách trình bày, sắp xếp, cách thuyết minh, các hoạt động tương tác giữa khách tham quan với những hoạt động của bảo tàng là những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm.
Tác giả: Nguyễn Thị Lõn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?