Hệ thống mẫu trong đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc bao gồm các khuôn hát, múa, nhạc, nói, diễn. Trong đó, dạy diễn vai mẫu được xem là khâu quan trọng nhất vì vai mẫu là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Vai mẫu là những nhân vật tiêu biểu trong một số tích diễn của sân khấu truyền thống, được các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo, thể hiện, đạt đến độ chuẩn mực, được xem là khuôn mẫu nghệ thuật. Thông qua việc học và biểu diễn thuần thục một số vai mẫu, người học có được số vốn nghề cơ bản và bước đầu nắm bắt được kỹ năng nghề nghiệp.
Do những đặc thù nghề nghiệp nên việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường nghệ thuật nói chung, sân khấu kịch hát nói riêng có những khác biệt nhất định so với nhiều chuyên ngành đào tạo. Nếu sinh viên ở một số trường chuyên nghiệp chỉ cần học tốt kiến thức trong giáo trình và thực hành đúng bài bản là có thể đạt được kết quả khả quan thì đối với sinh viên nghệ thuật, đó mới chỉ là bước đầu. Một sinh viên nghệ thuật chỉ có thể trưởng thành khi biết kết hợp giữa học tập, nghiên cứu và phát huy sự sáng tạo.
Với công tác giảng dạy cũng vậy, một buổi lên lớp chỉ thực sự bổ ích cho sinh viên khi bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm, thành tựu nghệ thuật, giảng viên còn phải được trang bị đầy đủ phương tiện giảng dạy và minh chứng thuyết phục. Giáo trình, thông tin, tư liệu phục vụ cho đào tạo nghệ thuật đòi hỏi phải có sự kế thừa và thường xuyên cập nhật. Bởi vậy, ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào hoạt động đào tạo để đổi mới phương pháp giảng dạy là hết sức cần thiết.
Những năm qua, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo đã trở thành phổ biến trong các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Riêng với khu vực đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc, hoạt động này còn có phần bỏ ngỏ. Một số người quen với cách nghĩ đào tạo nhạc công, diễn viên kịch hát dân tộc chỉ có thể theo cách truyền ngón, truyền nghề trực tiếp; một số khác thì ngại thay đổi nên hàng chục năm qua, dạy mẫu và vai mẫu trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp dường như vẫn chỉ dừng lại ở lối truyền nghề nghệ nhân, trực tiếp.
Trên thực tế, được gọi là mẫu nhưng bản chất của tất cả các loại mẫu trong sân khấu truyền thống lại có tính phi mẫu. Bởi lẽ mỗi loại mẫu hay vai mẫu trong các gánh hát xưa cũng là một hiện tượng văn hóa dân gian đều mang trong nó tính chất dị bản, truyền khẩu… Hơn nữa, chất lượng nghệ thuật còn phụ thuộc vào tố chất, tài năng của mỗi nghệ sĩ. Cùng học thầy về một bản nhạc, một vai mẫu nhưng mỗi nhạc công, diễn viên lại có những cách biểu diễn khác nhau tùy thuộc vào hình thể, năng khiếu bẩm sinh, sự khổ luyện, sáng tạo của mỗi người. Do đó, mẫu cũng như vai mẫu luôn có tính động và mở. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa vùng miền cũng góp phần làm nên nét đặc sắc nghệ thuật ở mỗi địa phương. Cùng là nghệ thuật tuồng nhưng lại hình thành nên ba phong cách tuồng Nam, tuồng Bắc, tuồng Trung và nghệ thuật chèo cũng phân định ra thành chèo tứ chiếng. Như vậy, có thể nói sự chuẩn mực của mẫu cũng như vai mẫu trong sân khấu kịch hát truyền thống chỉ mang tính tương đối và luôn có sự biến đổi.
Xưa kia, truyền vai mẫu chủ yếu diễn ra trong phạm vi phường trò, gánh hát nên được tiến hành theo cách thày dạy đến đâu, trò bắt chước theo đến đó. Phương pháp truyền nghề này đã trở thành phổ biến trong dân gian và còn lưu truyền đến tận hôm nay. Ưu điểm là trong thời gian ngắn, người học có thể nắm bắt được một số kỹ năng và tham gia biểu diễn kiếm sống. Sự trao truyền qua các thế hệ đã góp phần không nhỏ vào việc bảo lưu nhiều khuôn mẫu nghệ thuật.
Ngày nay, đa số cơ sở đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc từ trung ương đến địa phương vẫn đang sử dụng phương pháp truyền nghề trên để đào tạo diễn viên và nhạc công. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, phương pháp này cũng có một số hạn chế nhất định.
Vì dạy và học theo cách truyền nghề nghệ nhân, nên học trò thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ người thày của mình. Tùy vào năng lực cá nhân và hoàn cảnh, mỗi người thày có thể có nhận thức và trình độ nghệ thuật khác nhau. Từ đó dẫn đến hệ quả là mỗi thày có thể dạy và lý giải theo cách riêng của mình. Đó là chưa kể đến sự khác nhau giữa các nghệ nhân tứ chiếng. Thực tế trên không chỉ gây bất cập cho việc xây dựng giáo trình chung, mà còn tạo ra sự áp đặt nghệ thuật đối với người học.
Trong suốt thời gian dài độc quyền dạy một số vai mẫu khiến cho người thày dễ nảy sinh tâm lý tự bằng lòng, lười sáng tạo và bảo thủ theo kiểu làm thày mỗi người một môn, mỗi người một khoa. Thậm chí có người còn ngộ nhận chỉ có vai mẫu mà họ được học từ nghệ nhân A hay nghệ nhân B mới chuẩn, còn bản diễn khác là không chuẩn.
Về phía học sinh, sinh viên, vì phải cố gắng bắt chước và trả bài theo đúng những gì thày dạy nên nhiều em không phát huy được khả năng sáng tạo, dễ trở thành thợ diễn. Mặt khác, nếu muốn tham khảo một thày cô nào đó thì lại nảy sinh tâm lý e ngại.
Thực tế cho thấy, với cách truyền nghề nghệ nhân, chất lượng chuyên môn của sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và lòng nhiệt tình của thày cô. Nếu thày cô là người giỏi cả lý thuyết và thực hành, luôn biết khơi nguồn sáng tạo cho sinh viên thì chất lượng đào tạo được đảm bảo rõ rệt. Điều đáng buồn hiện nay là số giảng viên đạt được cả hai tiêu chuẩn vừa có thành tựu nghệ thuật, vừa có học vị và trình độ lý luận còn khá khiêm tốn.
Trong quá khứ, không ít thày cô là nghệ nhân, nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật thường xuyên tham gia giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Những người này có thể chưa có học vị, nhưng có nhiều thành tựu chuyên môn và tâm huyết với nghề. Họ sẵn sàng đem hết vốn nghề, kinh nghiệm để truyền dạy cho hậu thế và đã đạt được những thành công rất đáng trân trọng.
Hiện nay, có những nghệ sĩ giỏi, cơ sở đào tạo muốn mời họ tham gia giảng dạy, nhưng vì tiền thù lao quá thấp và vì nhiều lý do khác nên không mấy người mặn mà với đào tạo. Trong khi đó, phần lớn giảng viên đang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luôn nhiệt tình, có học vị và trình độ sư phạm, nhưng khả năng chuyên môn và thành tựu nghệ thuật lại chưa thực sự ở vị trí đỉnh cao. Vẫn biết rằng trong đào tạo, người có có nhiều thành tựu chưa chắc đã là thày giỏi, nhưng riêng lĩnh vực nghệ thuật đây là vấn đề hết sức tế nhị.
Bên cạnh đó, nhiều vở diễn truyền thống cũng như vai diễn mẫu mực của các nghệ sĩ hôm nay cần được xem là di sản văn hóa, được bảo lưu để các thế hệ đi sau có thể học hỏi, kế thừa. Nhưng hiện tại, công tác bảo tồn dường như vẫn chưa tính đến những giá trị này hoặc có làm thì cũng dở dang khiến không ít di sản sân khấu đã và đang lặng lẽ ra đi cùng thời gian.
Từ thực trạng trên, để góp phần tháo gỡ những bất cập về đội ngũ giảng viên và nâng cao chất lượng đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc, năm 2013, chúng tôi đã triển khai hướng nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy vai mẫu cho diễn viên kịch hát dân tộc. Đây là phương pháp được thực hiện trên cơ sở kế thừa phương pháp giảng dạy truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành phần ghi hình vai mẫu trong nghệ thuật chèo và bắt đầu đưa vào phục vụ công tác giảng dạy ở khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
Nội dung chính của phương pháp này là ngoài kiến thức lý luận và khả năng chuyên môn, mỗi giảng viên lên lớp cho một vai mẫu cần phải được trang bị ít nhất từ 3 – 5 đĩa hình. Những đĩa hình này ghi hình các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi cùng diễn vai mẫu đó (trong đó có thể có cả đĩa ghi hình vai mẫu do chính giảng viên đó biểu diễn). Sân khấu, phòng học có màn hình, đầu video hoặc máy chiếu (projector), hệ thống âm thanh, băng, đĩa hình hoặc USB chứa nội dung giảng dạy (các vai mẫu, trích đoạn mẫu). Đĩa ghi hình các nghệ sĩ biểu diễn vai mẫu phải có hai phần: phần ghi toàn cảnh và phần ghi đặc tả nét mặt, động tác… Các bước giảng dạy gồm sáu bước cơ bản: phân tích nhân vật, xem biểu diễn, thảo luận, sinh viên tự học, làm việc trên lớp và báo cáo vai diễn. Giảng viên phân tích nhân vật trên phương diện lý thuyết. Sau khi phân tích nhân vật (vai mẫu), giảng viên cho sinh viên xem các vai mẫu. Giảng viên và sinh viên cùng thảo luận, trao đổi về những vấn đề liên quan. Nếu cần giảng viên có thể minh họa, thị phạm. Sau buổi làm việc trên lớp, giảng viên chia sinh viên theo nhóm, cung cấp các đĩa hình để sinh viên tự tổ chức xem và tập luyện. Sau các buổi tập luyện theo nhóm, giảng viên bố trí thời gian lên lớp để kiểm tra, bổ sung, góp ý kiến và chỉnh sửa cho sinh viên. Vai mẫu mà sinh viên báo cáo sẽ là thành quả của việc tự nghiên cứu, tập luyện, chắt lọc, sáng tạo và những góp ý, hướng dẫn của giảng viên. Vai diễn của sinh viên có thể giống, hoặc không tuyệt đối giống với các vai mẫu đã có, nhưng điều quan trọng là sinh viên phải nắm được phương pháp nghệ thuật và biết phát huy sáng tạo.
Với phương pháp trên, giảng viên không nhất thiết phải là người có thành tựu nghệ thuật cao, thậm chí một giảng viên có thể tham gia giảng dạy nhiều vai mẫu. Nhà trường có thể khắc phục vấn đề giảng viên bằng cách tuyển dụng những sinh viên giỏi để bổ sung, nâng cao kiến thức lý luận và chuyên môn, từng bước thay thế lối truyền nghề nghệ nhân. Đồng thời, phương pháp này cũng sẽ giảm bớt thời gian lên lớp cho cả giảng viên và sinh viên. Giảng viên không phải thị phạm quá nhiều còn sinh viên được chủ động trong học tập. Quá trình học đòi hỏi sinh viên phải tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn những mô hình, động tác biểu diễn phù hợp nhất cho mình. Sinh viên được thoải mái về tâm lý, tư tưởng, được tự do sáng tạo. Sự kết hợp giữa kế thừa truyền thống và công nghệ hiện đại sẽ tạo ra một môi trường đào tạo tích cực, giúp cho giảng viên và sinh viên chủ động, tự tin trong giảng dạy và học tập. Những vấn đề như nhận xét, đánh giá và chấm thi cho sinh viên cũng công bằng và khách quan hơn. Phương pháp này cũng đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay về chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nói chung và giảng dạy vai mẫu nói riêng cho sinh viên các trường nghệ thuật là sự đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, sự chủ động sáng tạo của người học, tạo điều kiện để người học sớm thành công trên bước đường nghệ thuật.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014
Tác giả : Đinh Quang Trung
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại