Nghệ An là tỉnh nằm ở vùng Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp nước Lào, phía Đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 16.490 km2 được chia làm 3 vùng miền: vùng miền núi trung du, đồng bằng và ven biển, với số dân gần 3 triệu người, gồm 6 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ mú, Ơ đu. Có 21 huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay toàn tỉnh có 431/480 xã, phường, thị trấn; có 5.888 thôn, bản, tổ dân phố; có hơn 2000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, ngành văn hóa – thể thao tỉnh Nghệ An đã bám sát nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện tiêu chí số 06 và 16 với lồng ghép tuyên truyền thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm được củng cố, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, từng bước đạt chuẩn theo quy định. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, phát triển góp phần quan trọng thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Riêng ngành văn hóa – thể thao từ các nguồn đã in ấn pa nô, áp phích trên 2000 tờ, tổ chức 2 cuộc thi sân khấu hóa về Chung tay xây dựng nông thôn mới từ cơ sở đến tỉnh, cổ động bằng loa máy trên 500 buổi, tổ chức 6 chuyên đề ảnh về xây dựng nông thôn mới, tham gia giảng bài cho cơ sở trên 200 buổi… Công tác phối hợp triển khai giữa các sở, ban ngành đoàn thể xã hội được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc, triển khai có hiệu quả phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, thông qua việc triển khai Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 03-3-2017 của UBND tỉnh Nghệ An. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Về tiêu chí số 06: Tỉnh Nghệ An đã bám sát nội dung tiêu chí quy định căn cứ theo Thông tư số 12/2010/TT/BVHTTDL ngày 22-12-2010; Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30-5-2014 và Hướng dẫn số 747/HD – BVHTTDL ngày 28-02-2017 của Bộ VHTTDL thực hiện tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở VHTT đã ban hành Hướng dẫn số 586/HD-SVHTT ngày 31-3-2017 về thực hiện tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, 100% các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; số lượng Trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL có 223/431 xã, đạt tỷ lệ 51,7%; số lượng nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL có 4.128/5.888, đạt tỷ lệ 71%; các thiết chế văn hóa, thể thao phát huy tính năng phục vụ nhân dân thường xuyên thu hút trên 52,3% người dân thuộc nhiều lứa tuổi đến tham gia các hoạt động. 273 xã được đầu tư hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa, sân vận động (trong đó 179 nhà văn hóa, 94 sân vận động). Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho cấp xã giai đoạn từ 2006-2017 là 96,859 tỷ đồng; các nguồn lực khác huy động của nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn ước tính trên 5.000 tỷ đồng.
Về tiêu chí số 16: Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai sâu rộng và đạt những kết quả quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tiêu chí số 16 về văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở VHTT đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương, cơ sở đã nghiêm túc thực hiện đăng ký, bình xét, đề nghị công nhận, công nhận lại các danh hiệu theo quy định tại các Thông tư của Bộ VHTTDL. Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và xét, công nhận mới, công nhận lại danh hiệu, để làm cơ sở giúp Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh thẩm định, đánh giá, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh đến năm 2017 có 662,002/793,361 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 83,4%; 4.025/5.888 làng, thôn, bản đạt danh hiệu Làng văn hóa, Thôn văn hóa, Bản văn hóa, đạt tỷ lệ 64%; có 181 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; Nam Đàn sẽ là huyện thứ 3 của cả tỉnh được công nhận là huyện nông thôn mới năm 2018; số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa có 1.424 đơn vị, đạt tỷ lệ 70%; có 32,3% số dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; có 52% số dân tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ và 100% làng, thôn, bản xây dựng hương ước, quy ước.
Qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, đã có nhiều mô hình tiêu biểu trong việc thực hiện tiêu chí 06 và 16 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điển hình là mô hình xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ: thiết chế văn hóa thể thao thôn, xóm có 15/15 nhà văn hóa đạt chuẩn quy định của Bộ VHTTDL với nội thất, khánh tiết nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp; khu thể thao có bờ bao khung cầu môn sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông đầy đủ và hệ thống cây xanh… (khuôn viên nhà văn hóa – khu thể thao thôn, xóm có diện tích trên 5.000m2) và 15/15 thôn, xóm đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tỉnh Nghệ An còn có một số hạn chế, vướng mắc cần phải được khắc phục trong thời gian tới:
Một số địa phương, đặc biệt các huyện miền núi cao như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu và khu vực thị xã, thành phố, quỹ đất quy hoạch xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp; cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao chưa được ban hành cụ thể. Số lượng trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL còn thấp so với yêu cầu. Tình trạng nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản còn sử dụng sai mục đích, thiếu hiệu quả. Trang thiết bị phục vụ các hoạt động trong các thiết chế văn hóa, thể thao còn nghèo nàn, hình thức sinh hoạt chưa phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt cho nhân dân.
Chất lượng gia đình văn hóa: khu dân cư văn hóa ở một số địa phương chưa đảm bảo, công tác tuyên truyền chưa thực hiện thường xuyên, công tác đăng ký và bình xét công nhận danh hiệu văn hóa thực hiện thiếu chặt chẽ, còn mang tính hình thức; tổ chức biểu dương chưa kịp thời; trường hợp sinh con thứ 3 và bạo lực gia đình ở một số cơ sở có chiều hướng gia tăng. Một số làng, bản, tổ dân phố văn hóa chất lượng chưa bền vững, cảnh quan môi trường chưa đảm bảo, tình trạng mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự an toàn giao thông… Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại một số khu dân cư thực hiện chưa nghiêm túc.
Nhận thức nội dung chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác phối hợp, lồng ghép phong trào của các cấp, các ngành đôi lúc chưa chặt chẽ; cơ chế chính sách đầu tư hỗ trợ còn dàn trải và hạn chế; các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời và một số hướng dẫn của Bộ, ngành chức năng chưa sát thực tế, nội dung còn chồng chéo, gây khó khăn cho cơ sở triển khai thực hiện.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn yếu về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, chưa nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo, thụ động trong việc triển khai, hướng dẫn các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho nhân dân; công tác rà soát, kiểm tra, công nhận giữ vững các danh hiệu văn hóa của một số địa phương chưa thường xuyên, gây khó khăn trong công tác thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn còn bất cập; thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn còn hạn chế.
Sau gần 10 năm chỉ đạo, triển khai, thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa nông thôn tỉnh Nghệ An, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cơ bản sau:
Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa về tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nội dung xây dựng đời sống văn hóa cần quán triệt tới các cấp, các ngành, nhất là người dân, để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tác dụng to lớn của Chương trình trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo động lực cho mọi tầng lớp nhân dân tự giác, tích cực hưởng ứng tham gia.
Khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực, tự quản và sáng tạo của nhân dân trong việc phát triển công tác xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; khuyến khích mọi người dân tham gia hoạt động sáng tạo, truyền bá và hưởng thụ các giá trị văn hóa; huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa nói chung và cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở nói riêng; ưu tiên tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn, yêu nghề, có trách nhiệm với phong trào, biết khai thác khả năng sáng tạo văn hóa quần chúng trong nhân dân.
Coi trọng sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, lồng ghép thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh với chương xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên bám sát phong trào, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để công tác xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An được phát triển bền vững, trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung triển khai thực hiện tiêu chí số 06 và 16 theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; gắn thực hiện tiêu chí số 06 và 16 của bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn. Thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường thực hiện công tác xã hội hóa nhằm đẩy mạnh việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở.
Tác giả: Nguyễn Tất Hào
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%