Du lịch mùa mưa Đà Lạt


Mùa mưa đã về phố núi. Nhắc đến mưa – mưa Đà Lạt, tôi nghĩ đến du lịch Đà Lạt mùa mưa. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng“Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, khi nói về hạn chế của ngành Du lịch đã nêu: “Thiếu các sản phẩm mới, độc đáo; chưa có các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, du lịch mùa mưa”…

Đặc trưng mưa Đà Lạt

Phố núi sương mờ Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng khá nhiều “đặc sản”. Trong đó, không thể không nhắc đến mưa. Bởi mưa Đà Lạt có đặc trưng rất riêng: không hối hả, ầm ào, bất chợt đến rồi bất chợt tạnh ngưng như mưa ở Sài Gòn; cũng chẳng giống cái miên man của mưa Hà Nội trầm tư, sâu lắng trên phố cổ rêu phong; càng không giống mưa trên đất cố đô Huế dầm dề, ướt át… Mưa Đà Lạt nhẹ nhàng, rả rích, miên man khiến con người ta chợt có cảm giác buồn man mác; muốn tìm kiếm nhau hay gợi nhớ da diết về một hoài niệm xa xưa nào đó của đời người.

Những ai nhạy cảm, đa tình thì cho rằng mưa Đà Lạt buồn, mưa gắn với hoài niệm, trong âm điệu mưa dường như có nỗi niềm riêng? Đặc biệt, những ai đã từng sống, gắn bó nơi thành phố này, mỗi khi đi xa, hay sống xa Đà Lạt, nhớ về Đà Lạt mới hiểu hết sự lắng đọng của giai điệu mưa Đà Lạt mỗi chiều giăng ngang mái phố rêu mờ. Và, nhớ mưa đến da diết như nhớ người yêu khắc khoải lòng! Cho nên, mới có câu chuyện một chàng nhạc sĩ trẻ rời xa phố núi sương mờ, định cư nơi trời Âu xứ lạ, nhớ về Đà Lạt, nhớ về người con gái ngày xưa với bao nhiêu kỷ niệm để rồi chợt vỡ òa cảm xúc, loang ra thành những giai điệu tha thiết, tình tứ, ngọt ngào:

“Đà Lạt bây giờ trời đã mưa chưa?

Cho cô gái ngồi thêu bên cửa”…

Đã có hàng chục ca khúc trữ tình, hàng trăm bài thơ hay viết về Đà Lạt phần lớn đều gắn với mưa, với nỗi nhớ, với hoài niệm rất lãng mạn! Rõ ràng, mưa Đà Lạt rất tự nhiên trở thành “đặc sản của tâm hồn”.

Còn đối với những ai thực tế hơn, lại thấy mưa Đà Lạt cũng lắm nỗi “phiền phức”, làm người ta khó chịu mỗi khi phải di chuyển dưới những cơn mưa giăng giăng ướt át, lạnh lùng…

Nói vậy để thấy, cảm nhận mưa Đà Lạt phải bằng cảm xúc, bằng lăng kính của những tâm hồn hết sức nhạy cảm, tinh tế và phải là những con người thực sự hiểu Đà Lạt, yêu Đà Lạt.

Mưa – sản phẩm du lịch Đà Lạt

Thực tế trong một năm, Đà Lạt có nhiều tháng mưa hơn tháng nắng. Nói công bằng thì người ta thường yêu mùa nắng hơn; ít người yêu sự trầm buồn, quạnh quẽ, rả rích… mỗi khi mùa mưa về. Song khi đã không thay đổi được thời tiết, khí hậu… hoàn toàn có thể biến mưa thành sản phẩm du lịch đặc thù.

Ở đời, sự ưu ái của thiên nhiên đôi khi vô tình “gây khó” cho một số lĩnh vực, một số ngành nghề vốn không thuận theo tự nhiên, ví như ngành Du lịch. Trước nay, Đà Lạt dường như bỏ ngỏ du lịch ban đêm và “du lịch mùa mưa”. Trong khi đó, nhiều khu, điểm du lịch ở một số thành phố khác của nước ta như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc… du lịch ban đêm đã và đang là mô hình thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngành Du lịch và ngân sách các địa phương.

Từ sự trăn trở này và để tạo ra một sản phẩm đặc biệt của Đà Lạt dành cho khách du lịch bốn phương, mùa hè năm 2014, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã tổ chức “Lễ hội Mưa Đà Lạt”. Đây là một trong những lễ hội mùa hè ấn tượng lần đầu tiên được tổ chức nhằm biến mưa thành sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách. Chủ đề xuyên suốt toàn bộ Lễ hội đều gắn với mưa; gồm 5 chương trình đặc sắc: “Không gian cà phê đợi mưa”, “Triển lãm ảnh nghệ thuật Mưa Đà Lạt”, “Con đường Mưa Romace Palace”, “Trình diễn thời trang Catwalk Mưa Đà Lạt”, Chương trình nghệ thuật “Con mưa mùa hạ” diễn ra  từ ngày 7-10/8/2014.

Chương trình được chuẩn bị chu đáo, tâm huyết và thu hút đông đảo khách du lịch đến xem và cổ vũ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do những ngày diễn ra Lễ hội (dù đang mùa mưa), Đà Lạt lại bất chợt… tạnh ráo. Do đó, Lễ hội thiếu chất xúc tác cần thiết: mưa.

Có lẽ từ “sự cố” ngoài dự đoán này, nhiều năm qua, du lịch ban đêm Đà Lạt đành lỗi hẹn. Mãi đến giữa tháng 5/2020, để kích cầu du lịch sau một thời gian “ngủ đông” vì đại dịch COVID – 19, Sở VHTTDL Lâm Đồng và UBND TPĐà Lạt đã quan tâm chỉ đạo, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt đầu tư hơn 5 tỷ đồng trang bị, thiết kế, nâng cấp hệ thống đèn chiếu sáng, cơ sở vật chất và liên kết với một số đơn vị đưa Vườn hoa Đà Lạt vào hoạt động phục vụ khách du lịch vào ban đêm. Hoạt động của Vườn hoa đang phát triển khá tốt, thu hút đông đảo khách thập phương thì đại dịch COVID – 19 tái bùng phát…

Xác định, “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” trong nền kinh tế của nước ta, đặc biệt, chú trọng việc khai thác, phát triển kinh tế ban đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về “Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong Đề án này, Chính phủ chỉ đạo chọn một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc tổ chức điểm để nhân rộng…

Thiết nghĩ, khi đại dịch COVID – 19 được khống chế, nếu du lịch ban đêm và du lịch mùa mưa Đà Lạt được đầu tư bài bản, chu đáo và đi vào hoạt động, sẽ mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng và triển vọng. Du lịch khi đó thực sự sẽ trở thành điểm tựa của tỉnh Lâm Đồng.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *