Những con số ấn tượng
Tổng cục Thống kê cho biết: Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. Khách quốc tế đến nước ta năm 2019 ước tính đạt 18.008.600 lượt người, tăng 16,2% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 14.377.500 lượt người, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,2%; khách đến bằng đường bộ đạt 3.367.000 lượt người, chiếm 18,7% và tăng 20,4%; bằng đường biển đạt 264.1000 lượt người, chiếm 1,5% và tăng 22,7%. Khách quốc tế đến từ châu Á đạt 14.386.300 lượt người, chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2.168.200 lượt người, tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 973.800 lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432.400 lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2% (1).
Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch nội địa năm 2019 ước đạt 85 triệu lượt khách, trong đó có 43,5 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018 (2).
Cầu Vàng, khu du lịch Bà Nà, Đà Nẵng – Ảnh: Hải Ngọc
Hà Nội là một điển hình về thành công trong phát triển du lịch. Sở Du lịch Hà Nội cho biết: năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 28.945.000 lượt khách, tăng 10% so với năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 7.025.000 lượt khách, tăng 17,0% so với năm trước, cụ thể: khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 4.931.550 lượt khách, tăng 14,2% so với năm 2018. Trong khi đó, khách du lịch nội địa ước đạt 21.920.000 lượt khách, tăng 8% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 103.807 tỷ đồng, tăng 34,0% so với năm trước.
Thủ đô Hà Nội ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao: Hà Nội được bình chọn xếp thứ 12/25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018; là một trong 2 thành phố của Việt Nam lọt top hot nhất thế giới 2018 về lượng phòng du khách đặt trước và được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới đề cử là 1 trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”. Năm 2019 Hà Nội tiếp tục là 1/19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2019”. Du lịch hà Nội đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Bài học thành công
Sự thành công của du lịch Việt trong những năm gần đây là kết quả hội tụ của hàng loạt chính sách và nỗ lực của các cấp, ngành, vĩ mô và vi mô, trong đó phải kể đến sự nỗ lực và năng động của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
Sự khai thông về nhận thức và hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý là động lực tích cực nhất cho du lịch phát triển, với 2 điểm nhấn nổi bật là: Luật Du lịch 2017 mở ra một hành lang thông thoáng đối với ngành du lịch Việt Nam. Đồng thời, ngành du lịch được tiếp sức bởi Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với các đề án: Cơ cấu lại ngành du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Nâng cao hiệu quả trong quảng bá, xúc tiến du lịch… Với việc Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8 trong tháng 11-2019 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, kỳ vọng thời gian tới, du lịch Việt Nam sẽ có thêm những động lực mới từ những cải thiện trong quy định miễn thị thực và cấp thị thực tại cửa khẩu, kéo dài thời hạn lưu trú của Việt Nam, nhất là mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu được cấp thị thực điện tử; cải tiến các thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu; miễn thị thực đơn phương cho các thị trường hiện đang được áp dụng chính sách này, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương từng bước tương đồng với thông lệ quốc tế, để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế.
Sự tham gia của các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào phát triển hạ tầng ngành du lịch, với nhiều dự án có quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao và mở mới các đường bay thẳng, giá rẻ, được đưa vào sử dụng làm tăng thêm nội lực kết nối của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ du khách, tạo ra tác động lan tỏa, định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam. Các khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế đã nâng tầm thương hiệu du lịch Việt và tạo sức cạnh tranh với nhiều thương hiệu du lịch trong khu vực.
Đặc biệt, việc cung cấp thông tin du lịch qua những website thông tin chính thống cũng có vai trò quan trọng cho thành công của du lịch Việt. Công tác xúc tiến du lịch được triển khai bền bỉ và chuyên nghiệp đã thực sự định hình và tô nhấn hình ảnh trong con mắt du khách trong và ngoài nước. Nhiều điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam được xếp hạng hàng đầu thế giới bởi các hãng truyền thông lớn, hay những chuyên trang và mạng tư vấn, đánh giá về điểm đến du lịch có uy tín như TripAdvisor, Telegraph… Chính vẻ đẹp thiên nhiên, con người thân thiện và nền chính trị ổn định, an ninh đảm bảo là những thuận lợi cho phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình thế giới.
Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình – Ảnh: Minh Đức
Những thành công trong ngành du lịch cho phép chúng ta rút ra những bài học về giải quyết nhiều mối quan hệ liên ngành và hài hòa lợi ích giữa các đối tác có liên quan; vai trò của chính quyền địa phương trong tầm nhìn về quy hoạch và phát triển hạ tầng, cùng với sự chủ động xây dựng những chính sách đúng đắn, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược với một loạt dự án lớn định vị nên hình ảnh, nên sản phẩm và nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Đó còn là bài học về sự cân bằng và hài hòa lợi ích trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa, vận động cộng đồng dân cư thực hiện những chính sách của chính quyền và tạo ra sự hưởng lợi cho người dân địa phương.
Thực tế cũng cho thấy, để du lịch thực sự cất cánh, các cấp, ngành và địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp mang tầm quốc gia, liên vùng và mang đậm bản sắc địa phương với chất lượng cao, tích hợp nhiều tiện ích, trải nghiệm thú vị hơn cho du khách. Theo đó, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực, như văn hóa, ẩm thực, phong tục, tập quán sinh hoạt cuộc sống cư dân bản địa, nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương cần nâng cao năng lực quản lý hướng dẫn, tổ chức khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương, giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cộng đồng dân cư được tham gia bàn bạc ngay từ đầu về các chủ trương, kế hoạch, cũng như trong quá trình triển khai, thực hiện, giám sát và hưởng lợi từ những hoạt động này; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng đến vấn đề bảo vệ, bảo tồn tài nguyên. Cần tăng cường giáo dục kỹ năng tổ chức công việc đón tiếp ứng xử với khách; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như kiến trúc nhà ở, trang phục; giữ gìn bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự cho khách du lịch, nghiên cứu sưu tầm truyền thống văn hóa dân tộc đưa vào phục vụ khách du lịch; ưu đãi về chính sách nhằm thu hút các công ty lữ hành khai thác và liên kết nhiều tour du lịch, đồng thời, đa dạng hóa loại hình dịch vụ như: các hoạt động dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất/canh tác nông nghiệp; tham quan phong cảnh, con người, văn hóa và lối sống của người dân… để giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật và khám phá những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, nếp sống của người dân bản địa.
Các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành cần quan tâm xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch, xây dựng ấn phẩm quảng bá tuyên truyền, tham gia hỗ trợ nhà dân hoàn thiện nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách; xây dựng những sản phẩm du lịch với những yếu tố độc đáo… Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu rộng rãi loại hình và sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet. Đồng thời, xiết chặt hơn các quy định và yêu cầu thực hiện du lịch có trách nhiệm, hỗ trợ cho người bản địa và coi trọng bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và tiêu thụ các sản phẩm do người dân địa phương làm ra; đào tạo và tăng cường sử dụng nhân lực địa phương; khuyến khích và tổ chức cho cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch với tư cách là nhà tổ chức, người hưởng thụ, người chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường…
Du lịch là một ngành kinh tế liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, muốn phát triển du lịch phải có sự phối hợp chung để tạo nên sự bứt phá cả trước mắt, cũng như lâu dài.
_________________
1. gso.gov.vn
2. vietnamtourism.gov.vn
Tác giả: Nguyễn Minh Phong
Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?