/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}
LTS: Lần đầu tiên, một festival mỹ thuật dành cho các nghệ sĩ sáng tác tuổi từ 18 đến 35 trên toàn quốc, không phân biệt nghề nghiệp, miễn là có các phác thảo hoặc ảnh chụp tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật duyệt qua vòng loại, được Bộ VHTTDL tổ chức, đơn vị thực hiện là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Được tuyển chọn từ hơn 900 hồ sơ tham dự của 479 tác giả đến từ 44/63 tỉnh, thành, 155 tác phẩm đã được chọn trưng bày tại festival, từ 28-11 đến 9-12-2011. Chất lượng nghệ thuật và cách thức tổ chức festival này được giới mỹ thuật và công chúng quan tâm chờ đợi, hi vọng gặp được một không khí sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng thực tế, chất lượng của festival đặt ra câu hỏi lớn về mục đích tổ chức sự kiện này, có thực là vì sự phát triển của mỹ thuật trẻ hay không và thế nào là trẻ trong sáng tạo nghệ thuật.
Không chỉ khi Festival Mỹ thuật trẻ diễn ra, mà suốt một thời gian dài, thậm chí rất dài, có thể đến gần một thập kỷ. những người quan tâm đến mỹ thuật nói chung và trong giới nói riêng đều hình dung được ngày càng rõ về một cái bánh được chia làm vài phần riêng trong lĩnh vực này. Nhưng những miếng bánh này lại không có nhân giống nhau, mùi vị cũng khác nhau và đương nhiên cách thưởng thức chúng cũng khác nhau. Nếu quả vậy, thì ít nhiều đã có vấn đề và nghịch lý trong đó. Với thời điểm hiện tại, giữa những miếng bánh này là các giới hạn dường như không thể khắc phục .
Festival này là một sản phẩm có bản sắc không lẫn đi đâu được của các tổ chức mỹ thuật chính thống (cục, hội, trường). Dù có thay tên đổi họ hay làm dưới hình thức nào đi nữa, những festival kiểu như thế này đều là phiên bản của triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Chưa cần tính đến những triển lãm và hoạt động nhỏ lẻ, chỉ cần điểm danh những sự kiện có sự đầu tư và quy mô như các triển lãm chuyên ngành, chuyên đề, các giải thưởng mỹ thuật khu vực… hay rất gần đây là biennale mỹ thuật trẻ TP.HCM (1), có thể nói, tất cả đồng dạng về cơ cấu và tính chất.
Người ta băn khoăn rằng festival lần này sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng khi nó chính thức có buổi phát động và sau đó là danh sách thành phần Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) (2) thì có thể nói rằng: festival mỹ thuật trẻ 2011 sẽ là một kịch bản rất ổn định. Ngay từ đầu, đương nhiên người ta phải ý thức đi tìm nhân sự tương thích với chủ trương cũng như cơ cấu vận hành của festival. Sự lạc lõng và bất lực của Như Huy cùng Trần Hậu Yên Thế giữa những thành phần còn lại của HĐNT là điều dễ hiểu. Nếu thực sự xuất phát từ mong muốn thấy được từ festival những tìm tòi khám phá, thể nghiệm mới mẻ trong nghệ thuật ngày nay thì ngay từ đầu, ban tổ chức (BTC) hẳn đã có một cách lựa chọn HĐNT khác. Mỹ thuật ngày nay đã đi quá xa với khái niệm tranh – tượng. Nó phức tạp vì duy mỹ không còn quan trọng nhưng không có nghĩa là phi thẩm mỹ. Nó phức tạp vì là tiếng nói đa chiều, phản ánh muôn mặt những vấn đề trong cuộc sống, những phản kháng… nhưng không phải chỉ là đi tìm hình thức cho những gào thét là xong việc. Ngoài Như Huy và Trần Hậu Yên Thế, những vị còn lại đều chưa tương xứng với vai của một thành viên HĐNT có phẩm chất, am hiểu, nắm bắt được những tính chất và diễn biến của nghệ thuật đương đại hôm nay.
Ngay từ đầu, với việc “cố thủ” trong cấu trúc và cách làm tựa như triển lãm mỹ thuật toàn quốc, BTC không thể có mong muốn nào cho những không khí sáng tạo mới mẻ. Cái chắc chắn họ có thể nắm bắt được chỉ là những sự thật hiển nhiên và cứng nhắc: sẽ có những người tham gia với độ tuổi dưới 35 nhưng điều này đương nhiên không có gì đảm bảo để festival sẽ thực sự trẻ với đột phá sáng tạo mới mẻ.
Các hình thức tác phẩm có mặt tại festival: hội họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, video art, và điều đó cũng trả lời luôn rằng nó chỉ đảm bảo về hình thức. Phải nói thêm, việc liệt kê những hình thức là rất hình thức, nó vừa thiếu lại vừa thừa. Ví dụ, với những liệt kê như vậy họ đã khai tử với những ai có ý định tham gia với tác phẩm là nhiếp ảnh (photography).
Nhưng với festival này, BTC đã làm được một điều là khắc họa rõ nét và chân thật về bộ mặt chung của mỹ thuật Việt Nam chứ không riêng gì mỹ thuật của bộ phận những người sáng tác trẻ. Bộ mặt ấy phản ánh một mặt bằng thẩm mỹ còn thấp ở mọi góc cạnh. Sẽ có không ít người nói rằng, đây không thể đại diện cho mỹ thuật trẻ vì nó chỉ là một hoạt động trong khi còn rất nhiều thành phần khác với những hoạt động khác. Nhưng chúng ta lại phải thừa nhận rằng những thứ khác đó chỉ nằm trong một miếng bánh quá bé, còn cái bộ mặt chung thì nằm trong một miếng bánh to nhất, tốn diện tích nhất và chính thống.
Ngay cả khi họ quyết định sẽ thực hiện festival theo một cấu trúc như vậy, mọi thứ vẫn có thể làm khá hơn đôi chút chứ không đến mức tệ như thực tế. Một điều rõ như ban ngày là Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) có quá nhiều bất cập đối với việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật nói chung. Vậy tại sao không thể có lựa chọn khác? Nếu không có điều kiện tốt về không gian, liệu có nhất thiết phải cố trưng bày quá nhiều tác phẩm như vậy không? Nhất là có những tác giả có thể lọt đến hai tác phẩm được vào vòng này là một điều lãng phí trong bối cảnh có quá nhiều bất cập về điều kiện trưng bày mà BTC không thể chủ động.
Thêm một lần nữa, ý thức tổ chức trưng bày là một vết nhơ không thể có lời bào chữa. Vì đó là vấn đề đã tốn quá nhiều giấy mực cũng như bàn tán trong giới. Nhưng kết quả thì đâu vẫn hoàn đấy. Cứ cho rằng chúng ta không thể can thiệp vào cơ sở hạ tầng ở nhà triển lãm Vân Hồ dù là ở mức độ nhỏ nhất, vậy có lẽ những vị trong HĐNT có thể thấy được tác dụng thẩm mỹ của tất cả chậu hoa cây cảnh ngang nhiên xen lẫn vào nhiều vị trí đặt để của tác phẩm? Nó có hỗ trợ gì về hiệu quả thị giác của tác phẩm cùng không gian trưng bày cũng như tạo những thuận lợi cho góc nhìn thưởng thức tác phẩm? Có phải chúng ta vẫn thường nói đến sự chuyên nghiệp hóa, sự khắt khe trong nghệ thuật và rất nhiều những thứ đao to búa lớn… Những vấn đề tối thiểu này là danh dự nghề nghiệp của mỗi người trong HĐNT cũng như BTC.
Về chất lượng các tác phẩm tham gia festival, phổ biến là sự già nua, thụ động và hời hợt trong sáng tác, mặc dù các tác giả ở độ tuổi từ 18 – 35. Có quá ít tác giả, tác phẩm cho thấy những thể nghiệm tìm tòi mới mẻ, ngay cả với những hình thức có vẻ là mới mẻ trong bối cảnh Việt Nam là nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, và video art. Khi khảo sát các tác phẩm này, sẽ thấy đa số tác giả chỉ chăm chăm tìm cách nghĩ ra một hình thức liên kết một số vật thể hoặc dàn dựng chi tiết để làm minh họa cho một thông điệp xã hội nào đó. Đó là lối tư duy thụ động, nghèo nàn và dẫn đưa họ tìm đến những biểu tượng để minh họa dễ hiểu, nhàm chán và hời hợt. Có thể kể ra đây hàng loạt tác phẩm: Bơm (Nguyễn Hoàng Việt), Dòng sông chết (Nguyễn Tân), Áp lực (Phạm Văn Quý), Sự ép buộc của sữa (Lý Văn Vinh),… Những tác phẩm này cho thấy sự chạy theo hình thức một cách vô lối và phi thẩm mỹ. Nhưng chúng và nhiều cái tương tự khác vẫn có thể lọt qua mắt xanh của một HĐNT đồ sộ và chễm trệ nằm trong số 155 tác phẩm đại diện cho những tìm tòi sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ.
Hai tác phẩm trình diễn hôm khai mạc như những viên đá trang sức, chứng minh rõ rệt với công chúng và giới truyền thông rằng đây đích thị là festival mỹ thuật trẻ, điều khác biệt nhìn thấy rõ ràng nhất so với triển lãm toàn quốc năm 2010. Nhưng chất lượng của hai màn trình diễn trên cũng chỉ như những tiểu phẩm quá tệ. Lời dẫn giải cho tác phẩm trình diễn Cảm nhận (Nguyễn Văn Hè) có đoạn: “Tôi yêu phụ nữ mà chẳng ngôn ngữ, màu sắc nào tả hết, chỉ cảm nhận là đủ hạnh phúc với tôi rồi, tôi đang cố thể hiện tình cảm đó…”. Tác giả xuất hiện một cách đặc biệt với những bông hồng màu xanh được ngâm trong một hộp kính, trong khi những bộc bạch thì khá đơn giản và mơ hồ. Một số khán giả nữ được anh trao cho những bông hồng này để họ ngậm vào miệng… rồi anh từ từ chìm đắm hôn nhẹ lên những bông hoa đó, tựa như đang hôn gián tiếp những khán giả kia và cảm nhận… được một hồi, anh tiến lại gần hộp thủy tinh rồi từ từ đổ thứ nước xanh ngâm những bông hồng kia lên đầu mình một cách chậm rãi… đó là những chuỗi hành động cầu kỳ, hời hợt và có phần ủy mị không đáng. Còn với tác phẩm Dừng lại hay đi tiếp (Lê Nguyên Mạnh), với những tiếng cười sảng khoái và tò mò xen lẫn với tiếng vỗ tay, hú hét, phấn khích của đám đông ngay trong lúc nghệ sĩ đang tập trung trình diễn, chẳng khác nào trò hề mà chính tất cả đang tự tạo nên và tự thưởng thức.
Với một festival mỹ thuật quy mô toàn quốc mà nhìn đâu cũng thấy bất cập và phi lý như vậy thì trách nhiệm một lần nữa thuộc về BTC và HĐNT, ở cả phương diện lương tâm và chuyên môn nghề nghiệp. Những vấn đề này sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ trong khi cách đây đã 7 năm, tại hội thảo nhân triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005, đã nổ ra những tranh luận cấp thiết về cách thức và cơ cấu tổ chức một triển lãm theo quy mô này. Ông Phạm Trung (Viện Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cũng đã bày tỏ về việc, nếu cứ theo cách làm như vậy thì trong một tương lai gần, chúng ta sẽ mất uy tín và không còn thu hút được những tên tuổi và những tài năng tham gia nữa… Và triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 rồi festival mỹ thuật trẻ này đã là một lời đáp xác đáng.
Các cơ quan mỹ thuật chính thống vẫn bình chân như vại vì họ nghĩ rằng lãnh địa của họ vẫn được bảo đảm bởi hàng ngàn hội viên hội mỹ thuật, và những hoạt động và sự kiện chính thống vẫn là mơ ước của đông đảo các nghệ sĩ ở khắp các tỉnh thành. Thực tế điều đó vẫn đúng. Hơn nữa, đây không phải là vấn đề tranh giành thị phần như trong kinh doanh. Nhưng những vấn đề trên cũng như một lời cảnh tỉnh, một chất vấn, một đòi hỏi cụ thể và đơn giản nhất đối với mỗi ai quan tâm đến nhận thức và sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Và dù chính thống hay không chính thống, nó sẽ trở thành nghị sự trên những chiếc bàn tròn với nhiều ghế xung quanh hay nghị sự tại các quán nước nơi thường xuyên lui tới của các nghệ sĩ tự do.
Từ nhiều năm trước cho tới bây giờ, khi những sự kiện đã xảy ra với búa rìu dư luận, nhiều người vẫn ngây thơ kêu gọi phải có sự xuất hiện của một curator nào đó trong hệ thống tổ chức kia. Điều này là không có triển vọng, vì với một cấu trúc BTC cùng HĐNT thì có thêm curator cũng là thừa. Chúng ta cần curator để hoạt động có hiệu quả chứ không cần ai đó mang chức danh curator để cùng ngồi vào một hệ thống như thế. Vì vậy, việc có curator đồng nghĩa với việc toàn bộ cấu trúc nhân sự đồ sộ này phải được thay đổi toàn diện và đây phải chăng là một điều bất khả?
Những gì chúng ta đã chứng kiến ở festival mỹ thuật trẻ này cho thấy, nó là một thất bại toàn diện đã được báo trước và theo một kịch bản rất ổn định. Theo cách này, người ta hoàn toàn có thể hiểu rằng, festival này thực sự là một việc chỉ của vài người quyết định nó theo hướng diễn ra như thế nào. Tự lựa chọn, tự quyết và tự chịu trách nhiệm một cách công khai trước mọi cơ quan truyền thông cũng như những người yêu nghệ thuật, đó là điều mà BTC và HĐNT ít nhất có thể làm được cho đến lúc này. Nhưng, hình như cũng theo một kịch bản, thì dù thế nào, đây cũng sẽ lại là một festival diễn ra thành công tốt đẹp. Những người quan tâm đến nghệ thuật cũng như những đòi hỏi trong giới về một hội thảo, hay đơn giản là một tọa đàm, sau sự kiện diễn ra một cách công khai là hoàn toàn chính đáng và dân chủ.Và trước mắt chúng ta không có một hội thảo hay một buổi tọa đàm nào như thế.
_______________
1. Xem Đào Mai Trang, Biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM: Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 330, tháng 12-2011.
2. HĐNT gồm 11 thành viên: ông Nguyễn Phú Cường, Cục phó Cục MTNATL (Chủ tịch); ông Lương Xuân Đoàn, Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban TGTƯ (Phó chủ tịch); ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD, Bộ VHTTDL; bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục HTQT, Bộ VHTTDL; họa sĩ Thành Chương, Chủ tịch HĐNT ngành Đồ họa, Trưởng ban kiểm tra, Hội MTVN; họa sĩ Lê Văn Sửu, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHMTVN; họa sĩ Đặng Thị Khuê, Hội viên Hội MTVN; họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trường ĐHMTVN; nhà điêu khắc Hoa Bích Đào, Phó trưởng khoa Điêu khắc, Trường ĐHMTVN; họa sĩ Đào Quốc Huy, Giảng viên khoa Hội họa, Trường ĐHMTVN; nghệ sĩ Nguyễn Như Huy, Giám đốc Nghệ thuật, Không gian nghệ thuật Ga 0, TP.HCM.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012
Tác giả : Vũ Đức Toàn
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng