Điêu khắc trang trí và kiến trúc có mối quan hệ khăng khít với nhau trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nghệ thuật nhân loại. Với ngôn ngữ đặc thù riêng của từng loại hình, sự kết hợp hiệu quả của điêu khắc và kiến trúc đã tạo nên những công trình, hợp thể nghệ thuật đạt giá trị thẩm mỹ cao.
Điêu khắc là ngành nghệ thuật của hình khối trong không gian ba chiều. Hay nói cách khác, điêu khắc dùng ngôn ngữ của mình là hình khối, không gian, ánh sáng để thể hiện các giá trị tinh thần của con người cũng như các phương diện của đời sống. Điêu khắc hiện hữu trong không gian thật nên con người có thể cảm nhận, tương tác với các hình khối của tác phẩm. Một đặc tính cơ bản của hình khối là sự chiếm chỗ trong không gian cụ thể bằng khối lượng, thể tích nhất định.
Kiến trúc cũng thuộc nghệ thuật không gian, nó hướng đến tính công năng và gắn với các giá trị thực dụng. Hay nói cách khác, kiến trúc là nghệ thuật sáng tạo không gian sống, môi trường sinh tồn có tính thẩm mỹ cho con người. Do đều là nghệ thuật của không gian, điêu khắc trang trí và kiến trúc có một mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ, tôn vinh nhau vì một mục đích là cái đẹp và sự hữu dụng, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần của con người. Chính giá trị thẩm mỹ và giá trị thực dụng đã tạo nên sự gắn kết giữa nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc. Theo phân loại của Hegel (1), mỹ thuật ứng dụng, hội họa, đồ họa ứng dụng… kiến trúc đều là nghệ thuật lưỡng tính. Như vậy, điêu khắc trang trí là nghệ thuật lưỡng tính, khác với điêu khắc thuần túy chỉ hướng đến những giá trị tinh thần. Chính công năng sử dụng đã xác định điêu khắc trang trí ứng dụng đáp ứng những giá trị vật chất cụ thể, hay còn được gọi là thể loại nghệ thuật hai chức năng, theo cách gọi của M.Kagan (2).
Ở các công trình kiến trúc trong Hoàng thành Huế, như cung, điện, lâu, đài… dù quy mô lớn hay nhỏ đều có những ô cửa thông gió. Những ô cửa này đáp ứng nhu cầu về vật lý kiến trúc, đó là thông thoáng tự nhiên, điều hòa không khí, chiếu sáng cho không gian bên trong… Chúng không chỉ thỏa mãn những nguyên tắc thiết kế môi trường sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra diện mạo của kiến trúc, đem lại sự quyến rũ về mặt thị giác của công trình. Không những phải đáp ứng tiêu chí về kỹ thuật mà còn về thẩm mỹ, các ô cửa thông gió chính là những tác phẩm điêu khắc trang trí. Tư duy sáng tạo của các nghệ nhân triều Nguyễn được phản chiếu trung thực trong các đồ án trang trí cửa thông gió bởi sự giàu có trong phương thức biểu hiện. Với chức năng là những ô cửa thông gió, hệ đề tài trang trí nào cũng phải đáp ứng những tiêu chí về mặt kỹ thuật xây dựng là đảm bảo cấu trúc, thuận tiện trong thi công. Chính vì vậy, các đề tài ở đây thường nghiêng về họa tiết trang trí hình học để đảm bảo tính khả thi trong tạo tác và liên kết với kiến trúc. Phổ biến là các mẫu cát tường tự và hoa văn, minh văn hoặc các biểu tượng cát tường. Có khi đề tài mang tính tổng hợp là sự phối hợp hoa văn với các biểu tượng dạng kỷ hà. Đây là dạng đề tài đa biểu tượng trong một bố cục tổng thể, kết hợp nhiều loại họa tiết với nhau. Các mẫu cát tường tự như chữ thọ, phúc, lộc… có rất nhiều biến thể, tùy vào chủ đề, ý đồ bố cục từng không gian. Mỗi phường thợ, nghệ nhân có cách sáng tạo riêng, tạo ra vô số kiểu thức trang trí tuy cùng chung một đề tài. Cũng có những đề tài hoa văn mềm mại, kết hợp xen kẽ với những đường kỷ hà gãy góc, mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau, nhằm nhấn mạnh cho chủ đề bố cục. Hệ đề tài phổ biến của cửa thông gió thường gặp là các mẫu chữ cát tường, hoa văn mặt vọng (mặt võng), chữ á (chữ thập), kim tiền, chữ vạn, nút huyền bí… Chúng đều là những biểu tượng mỹ thuật được khái quát, cách điệu hóa trên cơ sở loại chữ triện. Chúng được giản lược hóa đến mức tối thiểu trong những đường gấp khúc, nhằm đảm bảo cấu trúc chắc chắn và thỏa mãn công năng của những ô thông gió.
Ngoài chức năng làm đẹp cho các bề mặt kiến trúc, đem lại sự quyến rũ về mặt thị giác, ô cửa thông gió tự thân còn là những tín hiệu, biểu tượng ẩn chứa những lời chúc tốt đẹp đến người thụ hưởng các kiến trúc đó. “Hoa văn trang trí truyền thống Việt là sự kết hợp tinh hoa từ bàn tay, khối óc của tổ tiên, chúng được hình thành bởi tư duy nông nghiệp, để phản ánh về một ý niệm truyền đời là cầu no đủ và mọi điều hạnh phúc, hoa văn là một chứng cứ cụ thể nói lên diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt” (3). Những hình tượng trong các đồ án trang trí không phải là sự bắt chước sống sượng từ thiên nhiên mà được khái quát, kiểu thức hóa, làm chúng trở thành điển hình hóa và biểu cảm hơn. Tính hình tượng có khả năng gợi mở, đánh thức trí tưởng tượng, liên tưởng… đem lại cho người thưởng ngoạn những cảm xúc thẩm mỹ.
Ngoài ra, cửa thông gió đóng vai trò như bùa thiêng, ngăn chặn các thế lực hắc ám, đón nguồn sáng ấm áp và các luồng khí trong lành cho gia chủ. Điêu khắc trang trí kiến trúc với các giá trị tinh thần ẩn chứa đó, đã góp phần làm thiêng hóa các không gian, môi trường mà chúng gắn kết. Các cung, điện, lâu, các… trở nên trang nghiêm, sang trọng hơn, tăng thêm sự súc tích các giá trị tinh thần của công trình. Nhà mỹ học Hegel cho rằng: “Nói chung, điêu khắc đạt được một điều kỳ diệu: tinh thần biểu hiện hình ảnh của mình thành chất liệu và cấp hình thức cho cái bên ngoài này khiến cho nó trở thành biểu hiện cho chính mình ở trong tinh thần và nhận thức được ở đấy cái diện mạo thích hợp của đời sống nội tâm mình” (4).
Bố cục của các cửa thông gió trong Hoàng thành Huế rất đa dạng và phong phú. Mỗi một nghệ nhân có cách cảm nhận và tư duy sáng tạo riêng, mang đến những sở trường, thế mạnh khác nhau trong phương thức biểu hiện. Như vậy, trong bố cục của một ô thông gió, dấu ấn cá nhân được khẳng định, nó thể hiện tư duy thẩm mỹ của từng nghệ nhân, nhóm thợ. Điều này minh chứng cho sự không thống nhất trong hình thức thể hiện tuy cùng chung một đề tài trang trí.
Ô cửa thông gió bố cục hình chữ nhật gồm các khối đơn giản hình kỷ hà và kết thúc bằng các móc vuông. Bên ngoài là một khung tranh vuốt tròn cạnh, được tô điểm bằng các kiểu thức bát bửu. Thủ pháp tăng thêm được sử dụng hiệu quả ở đây. Các hình vẽ bên ngoài làm rõ thêm ý nghĩa cho bố cục trung tâm, đồng thời cũng tạo sự trang trọng cho ô cửa. Tất cả các nét chữ ở đây có độ rộng đều nhau, nhưng ở móc xoáy lớn hơn nên tạo được ảo giác chuyển động và có nhịp điệu. Ở một mảng tường khác, một chữ thọ được bố cục trong một hình bát giác. Khung bao bên ngoài vuốt tròn nhưng để trống, được giật cấp, tạo không gian chiều sâu như các lớp phù điêu. Các khối ngang được bổ sung thêm mảng tròn nhằm liên kết khối, tạo sự vững chắc cho kết cấu. Giữa các khối kỷ hà gẫy góc, các khối tròn lại tạo sự tương phản về hình, mang lại cảm giác vui mắt. Điều thú vị là nghệ nhân đã tự bỏ đi một nét sổ phía dưới, làm cho chữ thọ ở đây khác hẳn với các ô khác. Như vậy, từ một chữ tượng hình mà hình thức thể hiện thay đổi, tùy theo từng bố cục cụ thể và ý đồ của từng nghệ nhân. Một ô cửa khác là một bố cục hình tròn nằm trong một hình vuông. Nét chữ bên trong được đơn giản hóa, những nét sổ uốn theo đường chu vi của hình tròn. Khung tròn được đắp nổi, bốn góc là chạm lộng bốn con dơi, các móc cánh dơi lồng vào trong hình tròn. Hình vuông được khoét lõm xuống, tạo sự tương phản âm dương. Các nghệ nhân đã khéo léo trong việc sử dụng thủ pháp đối sánh, tạo ra sự sinh động cho bố cục. Đó là sự đối sánh giữa khối lõm và khối lồi, hình tròn và hình vuông, khối cứng và khối mềm, chi tiết và đơn giản. Rõ ràng, phong cách ở đây có biến đổi nhưng trong sự nhất quán. Hình thức bố cục đối xứng qua trục ở đây tạo ra cảm giác cân đối, ổn định. Nhịp điệu được tạo ra do bốn con dơi cứ lặp đi lặp lại ở bốn góc, hướng về chữ thọ ở trung tâm, làm cho bố cục hài hòa nhưng không kém phần vui mắt. Phần chính là chữ thọ, mặc dù được đơn giản hóa nhưng nổi bật với tỉ lệ diện tích lớn hơn. Phần phụ là các con dơi được cách điệu theo dạng vân hóa, có nhiều móc xoáy tròn, hài hòa với họa tiết tròn bên trong, tạo sự nhất quán trong bố cục. Chữ triện trong ô cửa thông gió hình tròn còn được đúc bằng đồng ở hai bên Ngọ Môn, cho thấy dạng thức này rất phổ biến trong trang trí kiến trúc Nguyễn.
Bố cục chữ vạn trong một ô cửa hình vuông đem lại cảm giác sinh động. Tự thân chữ vạn đã là một họa tiết giàu tính trang trí bởi sự cân đối của các đường trực tuyến gãy góc. Với hướng phát triển liên hoàn, chữ vạn được lặp lại và đối xứng theo các trục dọc, ngang và đường chéo của hình vuông, tạo ra sự chuyển động liên tục, vui nhộn. Các nghệ nhân đã sử dụng thủ pháp trùng lặp các hình ảnh, bốn chữ vạn đối xứng nhau tạo ra hình ảnh mới, cải thiện hiệu quả thị giác, tăng thêm sự sinh động cho toàn bố cục. Hình vuông cho cảm giác tĩnh tại, nghiêm trang, nhưng họa tiết lại nằm trong các đường trục xéo về các góc, tạo ra sự đối sánh, tương phản, giảm đi tính đơn điệu.
Những biểu tượng mỹ thuật như cát tường tự ẩn chứa những lời cầu chúc tốt đẹp, cầu mong chủ nhân kiến trúc sống trường thọ (bố cục chữ thọ), hay năm điều phúc đến nhà (bốn con dơi kết hợp chữ thọ). Chữ vạn là biểu tượng xuất hiện từ thời cổ đại và được nhiều quốc gia sử dụng. Ở nước ta, hầu như đây là biểu tượng đặc trưng của Phật giáo, biểu hiện tướng quý của Đức Phật hay lửa tam muội. Nhưng với ý nghĩa tốt lành là công đức viên mãn, chúng cũng được sử dụng làm họa tiết trang trí. Biểu tượng của điêu khắc trang trí đóng vai trò như những ký hiệu và là công cụ của tư duy, gợi lên sự liên tưởng và tưởng tượng, giúp cho con người khám phá những ý nghĩa ẩn chứa của đồ án trang trí. Chúng như những tín hiệu mệnh lệnh thúc đẩy con người tuân theo một cách tự nguyện, tự giác. Nhiều biểu tượng còn có giá trị giáo dục, hướng đến những hành vi trong mọi ứng xử của con người với con người, hình thành nên những khuôn mẫu văn hóa, giúp điều chỉnh và định hướng trở lại với đời sống xã hội.
Hai hình thoi lồng nhau còn được gọi là nút huyền bí, có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo, cũng biến thành mẫu thức trang trí cửa thông gió, mang ý nghĩa trường thọ, bởi sự liên hoàn không có bắt đầu và không kết thúc. “Chúng ta mặc nhiên chấp nhận tính đa dân tộc trên cái nền phong phú của tinh hoa cô đọng từ nhiều tuyến văn hóa. Thẩm mỹ quan của người Việt cũng hình thành trên những đặc điểm của lịch sử văn hóa đất nước” (5). Sự tiếp biến văn hóa đã mang đến những nội dung trang trí mới, làm đa dạng các hình thức thể hiện khác nhau, thông qua sự sáng tạo của các nghệ nhân mà trở thành những mẫu thức quen thuộc, gần gũi với người dân Việt. Có nhiều khi ý nghĩa khởi nguyên bị mai một, người ta chỉ còn nhớ rằng đó là những biểu tượng mang lại sự may mắn, hạnh phúc.
Mỗi ô cửa thông gió là một biến thể khác nhau nhưng trong tổng thể của cả mảng tường, chúng như những nốt nhạc trong bản nhạc du dương đầy cảm xúc. Từng bố cục trang trí với những ý nghĩa biểu tượng khác nhau, tạo nên sự phong phú trong hình thức biểu hiện của ngôn ngữ điêu khắc trang trí. Chúng không chỉ thuần túy hướng đến những giá trị thẩm mỹ mà còn đóng một vai trò rõ ràng trong trang trí kiến trúc, làm súc tích thêm những giá trị tinh thần. Không những thế, điêu khắc trang trí còn làm thỏa mãn được tính thực dụng trong kiến trúc, góp phần che lấp những thô kệch, nặng nề của cấu kiện kiến trúc.
Rõ ràng nghệ thuật trang trí và kỹ thuật xây dựng không hề đối chọi nhau mà gắn kết với nhau trong mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ. Chính sự đa năng trong sáng tạo mà các nghệ nhân tài hoa của Nê ngõa tượng cục đã làm hòa quyện các giá trị nghệ thuật, kỹ thuật trong một hợp thể nghệ thuật tạo hình. Các ô cửa thông gió hài hòa với công trình kiến trúc đáp ứng các giá trị sử dụng, nhưng cũng mang lại những giá trị thẩm mỹ, tinh thần lớn lao. Chúng góp phần làm cho kinh thành Huế trở thành di sản văn hóa mỹ thuật của nhân loại.
___________
1, 4. Hêghen, Mỹ học, tập 1, 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.133.
2. M.Kagan, Hình thái học của nghệ thuật (Phan Ngọc dịch), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.
3. Trần Lâm Biền, Mỹ thuật cổ truyền Việt, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2007, tr.363.
5. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.197.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017
Tác giả : TRẦN THANH NAM
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày