Con người tồn tại và phát triển
trong môi trường tự nhiên, vì thế môi
trường tự nhiên đóng vai trò quan
trọng trong việc hình thành nên văn
hóa của con người. Tây Nam Bộ là vùng
đất có những đặc trưng về thổ nhưỡng,
địa hình, khí hậu… gắn liền với sông
nước. Chính những đặc trưng đó đã chi
phối và tạo nên một đời sống văn hóa
mang đậm dấu ấn sông nước. Nghiên
cứu địa danh, trên cơ sở xem xét mối
quan hệ, tác động của yếu tố địa lý,
giúp phác họa văn hóa vùng miền một
cách hữu hiệu và có ý nghĩa nhất định.
1. Giá trị phản ánh sự gắn bó mật thiết, sâu sắc của con người với tự nhiên
Với môi trường sinh tồn của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng, trong quá trình tồn tại, người dân Tây Nam Bộ phải tìm hiểu về vùng đất với những đặc trưng riêng, trước hết là để tồn tại, sau nữa là để thích ứng nhằm đem lại lợi ích cho bản thân. Đó là lý do mà những kiến thức, sự hiểu biết về vùng đất là điều mỗi cư dân Tây Nam Bộ phải có. Để có được điều đó, sự gắn bó mật thiết, những kinh nghiệm của con người trong quá trình sinh cư là cơ sở giúp đem lại những bài học cụ thể và có giá trị nhất. Nhìn ở phương diện địa danh, nhất là địa danh phản ánh địa hình, thủy văn, chúng ta nhận ra người dân Tây Nam Bộ am hiểu về vùng đất của mình như thế nào, những am hiểu ấy bộc lộ ra bằng cách người dân mượn chính những đặc điểm đó để gọi. Việc mượn các đặc điểm đó vừa đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa là một cách cung cấp hiểu biết, trao truyền kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ sau. Ví dụ: khi nghe tên địa danh Vàm Xoáy, có thể nhận diện ngay ở đây có một ngã ba sông (vàm), có đặc điểm là nước xoáy. Hay như sông Ba Doi nhằm chỉ chỗ đất gie ra sông, biển (doi), ở sông này có 3 doi đất thòi ra uốn cong… Cụ thể hơn, những địa danh như Đầm Cùng, Kinh Cụt, Tràm Chẹt… đã phản ánh đặc trưng của cái đầm, cái kinh, cái tràm đó. Nói cách khác, mượn chính những đặc điểm của tự nhiên để tạo nên địa danh vừa là cách tạo nên một địa danh dễ hiểu, dễ nhớ, vừa mang giá trị phản ánh sự hiểu biết, gắn bó mật thiết của con người với chính vùng đất. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tư tưởng “đất đã hóa tâm hồn” từng được Chế Lan Viên nhắc đến.
2. Nét riêng trong tính cách văn hóa con người Tây Nam Bộ
Từ những địa danh phản ánh đặc trưng tự nhiên, có thể nhận thấy nét riêng trong tính cách văn hóa con người Tây Nam Bộ là sự mộc mạc, chất phác. Không phải ngẫu nhiên mà lại có rất nhiều địa danh gắn với những đặc điểm tự nhiên như địa hình, các loài động thực vật. Ví dụ như vùng đất có đặc điểm về cây trồng, vật nuôi thì hình thành nên địa danh phản ánh đặc trưng liên quan như: bàu Cá Bông, rạch Cái Chồn, xẻo Gừa, kinh Cỏ Lau, cầu Cỏ Ống. Cao hơn, từ sự liên tưởng một địa điểm, một ngọn núi, con sông… trông giống loài vật nào thì cũng lại là một cơ sở để hình thành nên một địa danh (vàm Cù Lao Tây, rạch Sọ Khỉ) chứ không nhất thiết phải phản ánh chính loài động vật ở đó. “Gọi vầy cho đơn giản, có gì nói nấy, gần cái gì thì nói luôn, đỡ mắc công tìm tên chi cho cực” (1). Vì thế, chỉ cần nghe tên sông Vườn Cò, cầu Bìm Bịp, mương Bồng Bồng, rạch Muống có thể hiểu ngay: những nơi này chắc chắn sẽ gắn với các loại động thực vật có ở vùng miền. Nhìn chung, có thể khẳng định, với những người dân thật thà, chất phác như Tây Nam Bộ, không gì dễ hiểu hơn là cứ thực tế hóa cuộc đời, không hoa mỹ, cầu kỳ. Dĩ nhiên, tâm lý này cũng tồn tại ở những vùng miền khác chứ không riêng Tây Nam Bộ bởi với người Việt, theo Nguyễn Kiên Trường: “Khi nghĩ ra tên, người ta cố gắng làm cho cấu trúc của đối tượng địa lý “vừa khít” với phạm trù tên gọi mà con người đã biết. Trực quan sinh động đóng vai trò chủ đạo trong xu hướng định danh” (2). Điểm đáng chú ý ở đây chính là số lượng khá lớn các địa danh phản ánh đặc trưng tự nhiên của vùng đất Tây Nam Bộ lại trở thành giá trị văn hóa đặc biệt, gắn với nét riêng về tính cách và tâm lý của những “lưu dân” như đã phân tích ở trên.
Ngoài ra, trong số các địa danh ở Tây Nam Bộ hiện nay, không thể không nhắc đến nhiều địa danh không thuần Việt. Bên cạnh một số lượng lớn các địa danh Hán Việt (như Mỹ Đức, Tân Hưng, An Thái, Vĩnh Lộc…), còn có những địa danh vốn xuất phát từ âm gốc tiếng Khmer hay ngôn ngữ của một dân tộc nào đó được Việt hóa nên (Bưng Trích – gốc Khmer là Bâng; Lung – ăn lôong; Vàm – piam; Cua Quẹo – nửa gốc Pháp (courbe); Trẹm vốn là tiếng Việt cổ). Điều đó cho thấy các lớp văn hóa chồng lấp lên nhau trong suốt tiến trình hình thành, phát triển của vùng đất. Hơn nữa, ta thấy sự giao lưu văn hóa, sự linh hoạt uyển chuyển, tính thoáng mở, hòa đồng trong quá trình tiếp nhận của chính cư dân Tây Nam Bộ.
3. Giá trị lịch sử văn hóa
Dù không ghi chép lại những sự việc cụ thể nhưng có rất nhiều địa danh phản ánh tự nhiên ở Tây Nam Bộ cũng như những dòng trong “cuốn sách cuộc đời”, giúp ghi dấu một số sự kiện đã diễn ra ngay tại vùng đất. Đặc biệt là những địa danh phản ánh góc nhìn không gian và thời gian như: Đông, Tây, Nam, Bắc, cũ, mới, trước, sau. Từ đó, giúp con người có hiểu biết và ứng xử phù hợp. Hay địa điểm Doi Lửa ở hữu ngạn sông Tiền (Tiền Giang), sở dĩ có tên là Doi Lửa vì địa điểm này nằm trên một doi đất, đêm đêm, lính canh đốt lửa trên pháo đài để quan sát canh phòng địch, từ đó có tên gọi này. Có người cho rằng gọi là Giao Lửa, tức là vùng đất có giao tranh, nên gọi Giao Lửa. Dù với giả thuyết nào thì cách gọi đặc trưng tự nhiên gắn với sự kiện nào đó đã mang giá trị lịch sử nhất định, vừa gợi nhắc, vừa ghi dấu ấn con người qua địa danh phản ánh tự nhiên. Như vậy, địa danh gắn với đặc trưng tự nhiên cũng đóng vai trò là “tấm bia” văn hóa, lịch sử của thời đại trên vùng đất Tây Nam Bộ.
Nhìn chung, đúng như khẳng định của Trần Ngọc Thêm: “Trong quá trình sáng tạo văn hóa, con người vẫn phải sử dụng các tài nguyên phong phú của tự nhiên và năng lực tự nhiên tiềm tàng của chính mình. Các giá trị văn hóa không thể tồn tại được nếu không có tự nhiên làm môi trường và chất liệu cho nó: mọi sản phẩm vật chất đều chế tạo từ các vật liệu tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ tự nhiên, và mọi sản phẩm tinh thần đều không thể tồn tại ngoài bộ não là cái vật chất tự nhiên sinh ra chúng” (3).
Có thể thấy, việc phản ánh môi trường tự nhiên trong địa danh không mang tính ngẫu nhiên, vô thức mà ngược lại, nó được chọn lọc dựa trên sự tri nhận và cảm thức thẩm mỹ của chủ thể văn hóa. Địa danh phản ánh đặc trưng tự nhiên vùng đất chứa đựng giá trị văn hóa là vì thế.
_______________
1. Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bé (67 tuổi) ở Tam Nông, Đồng Tháp, năm 2015. Khi phỏng vấn ở một số địa bàn khác như An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre… chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự.
2. Nguyễn Kiên Trường, Những đặc điểm chính địa danh Hải Phòng (Sơ bộ so sánh với địa danh một số vùng khác), Luận án PTS, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996, tr.128.
3. Những vấn đề Khoa học xã hội & nhân văn Chuyên đề Văn hoá học, Nxb Đại học Quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
2. Võ Nữ Hạnh Trang, Địa danh Tây Nam Bộ dưới góc nhìn Văn hóa học, Luận án Tiến sĩ ngành Văn hóa học, 2020.
3. Võ Nữ Hạnh Trang, Địa danh phản ánh địa hình, thủy văn ở Tây Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, 2019, tr.44-52.
Tác giả: Võ Nữ Hạnh Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng