Theo Từ điển Hán Nôm, thuật ngữ cải lương mang ý nghĩa là: “cải cách và sửa đổi cho trở nên tốt hơn”. Cải cách, sửa đổi ở đây chính là hướng đến sự phát triển của nghệ thuật sân khấu ở Nam Bộ vừa mang đậm nét truyền thống, vừa theo kịp đà phát triển của văn minh. Điều này thể hiện qua hai câu đối: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Ta có thể mô hình hóa quá trình hình thành của nghệ thuật cải lương: nhạc lễ (nhạc cung đình Huế) → đờn ca tài tử → ca ra bộ → cải lương.
Giai đoạn trước giải phóng, từ năm 1955-1975, có thể coi là thời kỳ vàng son của nghệ thuật sân khấu cải lương. Quãng thời gian ấy, sân khấu cải lương có nhiều bước đột phá, phát triển mạnh, tạo dấu ấn đặc biệt với sự hoạt động của hàng trăm đoàn hát tên tuổi, đa phong cách.
Cải lương là một loại hình nghệ thuật truyền thống có nguồn gốc từ Nam Bộ. Năm 1997, nhạc sĩ Kiều Tấn, trong luận án bảo vệ tại Berlin, Đức với đề tài Cây đàn ghita phím lõm, cho rằng: “Đến năm 1918, nghệ thuật sân khấu Cải lương được chính thức ra đời tại Mỹ Tho bởi gánh hát thày Năm Tú của Châu Văn Tú với vở Kim Vân Kiều đầu tiên của Trương Duy Toản, tự Mạnh Tự” (1). Từ khi ra đời đến nay, nghệ thuật cải lương trải qua một diễn trình với nhiều biến động. Sau khi ra đời, nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận và nuôi dưỡng, chỉ trong vài năm, cải lương nhanh chóng phát triển ở cả ba miền. Từng có thời gian, cải lương giữ vị trí đỉnh cao, được đông đảo công chúng yêu thích, đón nhận. Ngày nay, sự phát triển của truyền thông và các loại hình giải trí hiện đại làm cho mối quan tâm của công chúng với cải lương không còn như trước. Thậm chí ở một góc nhìn nào đó, cải lương đang “mất đi” lượng lớn khán giả không chỉ ở phía Bắc mà trên phạm vi toàn quốc. Lớp khán giả mới, đặc biệt là khán giả trẻ, ít hoặc không quan tâm, một bộ phận còn có tâm lý quay lưng lại với nghệ thuật cải lương bởi cho rằng cải lương lạc hậu, không phù hợp với thời đại.
Nhìn chung, sân khấu cải lương hiện ít có sức thu hút đối với công chúng, đặc biệt là đối với giới trẻ, nên dần bị quên lãng. Trong bối cảnh hiện đại, sân khấu cải lương sẽ đi đâu, về đâu hẳn là câu hỏi đặt ra với những nhà quản lý văn hóa và giáo dục nước nhà.
Thực trạng sân khấu cải lương
Hiện nay, các loại hình nghệ thuật hiện đại đang chiếm lĩnh nhiều tầng lớp khán thính giả có những bước tiến vượt bậc do “bắt kịp” thị hiếu của công chúng. Nghệ thuật sân khấu nói chung, cải lương nói riêng, dường như đang bị bỏ lại phía sau. Nguyên nhân thì nhiều, song có lẽ một phần vì trang thiết bị, cơ sở vật chất, rạp hát lạc hậu, nội dung và chất lượng vở diễn thiếu sức hút với công chúng, lực lượng sáng tạo thiếu trầm trọng, đặc biệt, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, đời sống nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức so với sức lao động nghệ thuật bỏ ra.
Các chương trình biểu diễn không có sức hấp dẫn khán giả một phần do thói quen bao cấp trong hưởng thụ nghệ thuật của người dân. Mua vé đến rạp xem biểu diễn rất ít nhưng hễ có vé cho, biếu, tặng thì lượng khán giả đến “thưởng thức” cũng không ít! Đây là một thực trạng đáng buồn không chỉ cho sân khấu cải lương nói riêng mà còn đối với các loại hình sân khấu truyền thống nói chung.
Người làm nghệ thuật cứ loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề về kinh tế cá nhân cho dù họ luôn nuôi dưỡng đam mê và những hoài bão với bộ môn nghệ thuật mà họ theo đuổi. Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công làm việc tại các nhà hát, đoàn cải lương đang hằng ngày oằn mình giữ nghề trước biến đổi của xã hội hiện đại. Do đó, nếu không sớm có những biện pháp hoặc chính sách nuôi dưỡng và phát triển phù hợp, chắc chắn nghệ thuật sân khấu cải lương có nguy cơ ngủ yên bởi điều kiện kinh tế khiến các nghệ sĩ, diễn viên phải tìm lối đi khác cho bản thân.
Ngày 7-12-2018, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Theo dòng lịch sử sân khấu Cải lương”, có học giả nhận định: “Thực sự cải lương là một tình yêu thầm lặng trong tim mỗi người, cho nên khi nó tròn 100 tuổi, người ta giật mình nhìn lại và hối hả đi tìm câu trả lời cho sự tồn vong của nó. 100 năm tuổi đủ nhiều để tự hào, nhưng cũng đủ lo trước những chữ già nua, lạc hậu…”.
Trong một hội thảo chuyên đề “Những tinh hoa sân khấu Cải lương thể hiện qua các vai diễn về đề tài lịch sử” do Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM tổ chức vào tháng 4-2018, NSƯT Đinh Minh Mẫn – Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp chia sẻ: “Dù cải lương vẫn đang tồn tại nhưng nó ngày càng mất vị thế trong lòng công chúng so với những loại hình giải trí khác. Có những suất diễn ở vùng sâu, vùng xa, khi kết thúc chương trình dưới sân khấu chỉ còn lại những khán giả là… trẻ con đang say ngủ”. Theo NSƯT Đinh Minh Mẫn, không phải vở không hấp dẫn, diễn viên diễn không hay mà do… bà con phải tranh thủ về nhà xem bộ phim dài tập nào đó trên truyền hình. Điều đó cho thấy cải lương cần phải có sự thay đổi để tìm lại ánh hào quang năm xưa của mình.
NSND Trần Ngọc Giàu nhận định: “Nhiều năm qua, TP.HCM không có chiến lược đầu tư lâu dài nào thiết thực cho sân khấu cải lương. Cần thiết nhất vẫn là hành động thực tiễn để thay đổi. Mặt khác, rất cần khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu Sân khấu Cải lương của TP.HCM để có những ứng dụng vào thực tế, góp phần thay đổi tình hình hoạt động, tổ chức, biểu diễn cải lương hiện nay…”. Đó chính là niềm trăn trở của những người nặng tình với bộ môn này.
NSND, đạo diễn Huỳnh Nga có cách nhìn riêng rằng: “Cải lương rơi vào tình cảnh như hiện nay cho thấy nghệ sĩ cải lương có lỗi rất lớn. Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ không còn tâm huyết với nghề như trước, lười biếng tập tuồng. Trước đây, nếu như nghệ sĩ diễn sai thì ngày hôm sau họ có thể diễn đúng bởi họ chịu khó tìm tòi, tập luyện. Không những thế, không ít người mải mê chạy show kiếm sống, ít học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thử hỏi, ca diễn như thế làm sao hay được”.
Chúng ta đang chứng kiến thực trạng về lực lượng sáng tạo còn thiếu hụt nhiều thành phần như: tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ, đặc biệt báo động về thiếu các thế hệ diễn viên trẻ, tài năng. Dàn nhạc cải lương vẫn được xem như linh hồn của các vở diễn hiện thiếu và yếu về chuyên môn, tương lai gần, nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương sẽ thiếu trầm trọng lực lượng nhạc công cải lương có chuyên môn đạt chuẩn. Lực lượng diễn viên biểu diễn hiện tại ngày một cao tuổi, dần không đáp ứng được đòi hỏi của công việc cũng như ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sức hút của các vở diễn đối với khán giả.
Các cơ chế, chính sách chưa theo kịp đời sống để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, thêm vào đó, nguồn thu hằng năm hạn chế đã không cho phép đơn vị nghệ thuật công lập thu hút lực lượng tài năng trẻ mới ra trường. Do lãnh đạo đơn vị không có nguồn kinh phí để trả lương hợp đồng cho các tài năng trẻ nên không thu hút được nhân tài kế nghiệp.
Bên cạnh đó, một thời gian dài, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật cải lương, quên mất việc hoạch định chiến lược đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn, đến diễn viên, nhạc công.
Hướng đi cho sân khấu cải lương
Từ tình hình hoạt động thực tiễn hiện nay ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật công lập cho thấy, các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống đang đứng trước những thách thức mang tính khủng hoảng lớn. Để vượt qua khủng hoảng đó, cần tìm kiếm cơ hội phát triển trong tương lai, nên chăng lúc này cần có hai nguồn lực: từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đặc biệt chú ý tới việc xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, kêu gọi các cộng đồng doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật như: hỗ trợ kinh phí xây dựng, thử nghiệm các tác phẩm nghệ thuật; hỗ trợ kinh phí để quảng bá, tổ chức biểu diễn phục vụ, nuôi dưỡng và xây dựng các tầng lớp khán giả mới.
Để việc tiếp cận nghệ thuật sân khấu cải lương trở nên hoàn thiện hơn, việc xây dựng nội dung liên quan trong giảng dạy học tập ở trường học nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng là cần thiết. Điều này sẽ đưa các em học sinh, sinh viên có cơ hội tiếp cận cải lương ngay trong nhà trường và hình thành sự yêu mến, hiểu biết về loại hình nghệ thuật này hơn. Đây chính là việc đặt nền móng cho quá trình phục hưng của nghệ thuật sân khấu cải lương. Đối với việc dạy học, đặc biệt là các môn xã hội như: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân…, giáo viên có thể lồng ghép việc giới thiệu cải lương đến với người học thông qua việc xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp: cho học sinh sưu tầm các kiến thức về cải lương, tham quan các nhà hát… hay lồng ghép cải lương vào việc trình bày, diễn sướng các tác phẩm văn học… nhằm tạo cho các em sự say mê, hứng thú trong việc tìm hiểu nghệ thuật cải lương và thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Đặc biệt trong việc dạy học dự án, việc đưa người học tìm tòi, học hỏi thế giới sân khấu nghệ thuật cải lương là một giải pháp cần thiết để học sinh tiếp cận cải lương không còn nhàm chán, xa lạ. Mặt khác, ở trường học nên đề xuất các cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương để các em có cơ hội thỏa sức thể hiện đam mê của mình. Việc làm này xóa bỏ ranh giới giữa cải lương và giới trẻ, tạo nên sự kết nối liền mạch trong quá trình nhận thức và thông tin đến công chúng.
Tóm lại, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, cải lương muốn tồn tại và phát triển, phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc, nhưng phải không ngừng đổi mới, đồng thời phải giữ được giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém đó là cần có cơ chế đãi ngộ đội ngũ làm nghề một cách tương xứng.
__________________
1. Kiều Tấn, Luận án Cây đàn ghita phím lõm, Berlin, 1997, tr.29.
Tác giả: Nguyễn Thanh Phong
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn