Vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đổi mới phương thức định hướng chính tri, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong bối cảnh hiện nay liên quan đến nhiều phương diện cơ bản của thể chế chính trị. Giải pháp để tăng cường đổi mới định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản cũng là một nội dung trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước càng cần được quan tâm nghiên cứu.
1. Nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng về đổi mới phương thức định hướng chính trị, tư tưởng đối với hoạt động xuất bản
Đổi mới phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Đảng phải tăng cường tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của xuất bản. Đây là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn điện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập. Hoạt động xuất bản phải chăm lo bảo vệ, khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, lạc hậu. Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế – công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Cần xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để hoạt động xuất bản có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản
Vai trò của xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa ở Việt Nam hiện nay ngày càng được nhận thức sâu sắc. Nhiều học giả đã nghiên cứu chuyên sâu nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng, những vấn đề đặt ra đối với vai trò của xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trong thời gian tới. Các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản: bối cảnh trong nước, quốc tế tác động đến xuất bản, thực trạng, phương hướng, giải pháp nhằm phát huy vai trò của xuất bản trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản và công tác tư tưởng trong bối cảnh hiện nay…
Một trong những nhiệm vụ về công tác chính trị tư tưởng được đặc biệt đề cao là phải phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan xuất bản trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động; đấu tranh loại bỏ nhiều thông tin sai trái, xấu, độc, bịa đặt; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản phải gắn liền với giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội. Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ nhanh, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ tới các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, làm rạn nứt mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản. Những gì thúc đẩy con người hành động đều gắn liền với nhu cầu và lợi ích, điểm khác nhau là có hành vi chịu sự chi phối của lợi ích vật chất, có hành vi bị chi phối bởi lợi ích tinh thần, có hành vi chịu sự thúc đẩy của lợi ích cá nhân, có hành vi chịu sự thúc đẩy của lợi ích tập thể, xã hội. Trong hoạt động xuất bản, các lợi ích khác nhau đó có thể phù hợp với nhau, cũng có thể không phù hợp. Để những hoạt động của từng người, từng nhóm người có các lợi ích khác nhau không triệt tiêu nhau và làm rối loạn xã hội, xã hội cần đến những phương thức điều tiết hành vi của con người mang ý nghĩa phổ biến. Định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản là một trong những phương thức như vậy. Đây là phương thức đặc thù điều tiết hành vi của con người trong hoạt động xuất bản, coi đạo đức là một hình thái ý thức xã hội phản ánh lợi ích trực tiếp của các giai cấp, dân tộc, thời đại. Định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản khác với phương thức điều tiết bằng pháp luật có tính chất cưỡng chế, bởi Đảng định hướng bằng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, trách nhiệm, mà đạo đức thuộc lĩnh vực của sự tự nguyện vì người khác và vì xã hội. Đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức xã hội là đảm bảo định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Trong phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản, cần đặt mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong các mối quan hệ khác của quá trình đổi mới. Tuy các mối quan hệ đó có nội dung, bản chất khác nhau nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ biện chứng với nhau, cần kết hợp hài hòa việc giải quyết mối quan hệ giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế và các mối quan hệ khác. Giải quyết mối quan hệ này cũng phải gắn với điều kiện lịch sử cụ thể. Trong hơn 30 năm đổi mới, quan điểm về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị từng bước được Đảng điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Sự vận động của thực tiễn ở mỗi giai đoạn đã đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Trong giai đoạn hiện nay, giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa chức năng tư tưởng với chức năng kinh tế trong định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản cần được đặt trong bối cảnh mới gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
3. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, xây dựng tính chuyên nghiệp cho các nhà xuất bản
Đối với Nhà nước
Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản cũng là giải pháp để đổi mới phương thức định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đối với hoạt động xuất bản hiện nay. Thể chế nhà nước cần đảm bảo huy động và quản lý có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn đầu tư tài chính, nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động xuất bản. Cần hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển thực sự hiệu quả, khắc phục sự đầu tư dàn trải, đầu tư mà cơ sở xác định hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Nhà nước cần có lộ trình giải quyết thực sự chủ động, tích cực với các mục tiêu cụ thể. Về thể chế, Nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động xuất bản, đa dạng hóa các kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật để gắn với thực tiễn, nhận được sự đồng thuận cho quá trình hoạch định đến quá trình thực thi chính sách.
Đối với bộ, ngành
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản và phát hành xuất bản phẩm, cần tiếp tục tuyên truyền các văn bản của Đảng và Nhà nước trong hoạt động xuất bản để các đơn vị hiểu rõ các quy định về xuất bản, không xuất bản sách có nội dung vi phạm pháp luật, đặc biệt không vi phạm bản quyền sách; thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về xuất bản, phát hành; giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nghiêm túc, theo hướng đơn giản hóa, giải quyết nhanh gọn, thuận tiện, tuân thủ các quy định của Nhà nước; tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật Xuất bản 2012; tích cực phối hợp kiểm tra theo đề nghị của các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đối với việc rà soát, thu hồi các xuất bản phẩm vi phạm.
Ngành Xuất bản cần tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về công tác xuất bản tại các tỉnh, thành phố. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Xuất bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng chế độ, chính sách cho các doanh nghiệp xuất bản có nhiệm vụ kinh doanh đặc thù, những nhà xuất bản có ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Xây dựng quy chế, chính sách cho hoạt động của hệ thống nhà sách tư nhân và tập thể.
Đối với các nhà xuất bản
Các nhà xuất bản luôn phải nắm rõ vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển văn hóa đọc của đất nước, từ đó đề ra những kế hoạch hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính: truyền tải tri thức cho cộng đồng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Xuất bản và các văn bản liên quan, siết chặt quản lý quy trình xuất bản để khắc phục tối đa sai phạm, cần rà soát lại năng lực của từng biên tập viên và đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập. Đồng thời, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhà xuất bản.
Nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm: đảm bảo tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hóa và sự đa dạng, hấp dẫn của ấn phẩm xuất bản, đảm bảo đủ các loại sách và tải liệu đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người đọc khác nhau. Chú trọng mảng sách về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách khoa học – kỹ thuật và công nghệ; sách về truyền thống dân tộc và cách mạng, về bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; phấn đấu có nhiều sách, nhiều bài hay, sâu sắc về tổng kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm hay, tuyên truyền, động viên, biểu dương nhân tố mới, con người mới. Tiếp tục coi trọng sách, bài viết về đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động, chống tham nhũng, tiêu cực, tham ô, lãng phí, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống và các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, nhưng phải quan tâm đạt được hiệu quả không những làm cho mọi người căm ghét mà còn nâng cao thêm ý thức trách nhiệm, dũng khí và quyết tâm đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, hư hỏng. Các nhà xuất bản cần xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đảm bảo về quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, các tác giả, cộng tác viên trong cả ba khâu xuất bản, in và phát hành ngoài quốc doanh.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động xuất bản đúng định hướng chính tri, tư tưởng của Đảng
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm mặc dù đã được tăng cường, phân cấp theo chức năng nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương nhưng sự phối hợp chưa đồng bộ. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thanh, kiểm tra. Các quy định, chế tài xử phạt vi phạm hiện nay chưa đủ sức răn đe, chưa sát với thực tiễn phát sinh và chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm. Một số cơ quan chủ quản chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát hoạt động chuyên môn của nhà xuất bản; chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho nhà xuất bản; chưa phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, quản lý nội dung cũng như quá trình xử lý sai phạm của nhà xuất bản. Vì thế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động xuất bản đúng định hướng chính tri, tư tưởng của Đảng là giải pháp cần thiết.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lâm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 430, tháng 4-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%