Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nghệ thuật của Nhà hát Kịch Việt Nam

    Trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) tự hào là cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam.

    NHKVN đã có những thế hệ vàng của sân khấu kịch Việt Nam, từng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng như các NSND: Thế Lữ, Song Kim, Đào Mộng Long, Trúc Quỳnh, Nguyễn Đình Nghi…; thế hệ kế tiếp như các NSND: Trọng Khôi, Trần Tiến, Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng, Doãn Châu, Phạm Thị Thành, Lệ Ngọc, Lan Hương…; các NSƯT như: Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Phạm Bằng, Quang Thái, Tú Mai, Anh Dũng;…Thế hệ nghệ sĩ hôm nay còn đang sung sức trên sàn diễn như các NSƯT Tuấn Hải, Quốc Khánh, Quế Hằng. Mới đây, NHKVN có các nghệ sĩ được trao tặng các danh hiệu như NSND là Bùi Trung Anh, Nguyễn Việt Thắng, Lê Sơn; danh hiệu NSƯT: có Lại Phú Đôn, Tạ Tuấn Minh, Bùi Phương Nga, Kiều Minh Hiếu, Trịnh Mai Nguyên, Nông Dũng Nam… và nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng khác.

    Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh việc giao lưu tiếp nhận những cái mới, cái văn minh việc du nhập những sản phẩm không lành mạnh cũng là một điều khó tránh khỏi. Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất theo dòng chảy thị trường là văn hóa nghệ thuật. Ở đó, đã diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình nghệ thuật biểu diễn với các loại hình giải trí như điện ảnh, truyền hình, các khu vui chơi giải trí, thể thao… Nhiều tổ chức, đơn vị nghệ thuật, trong đó có NHKVN, đã và đang gặp phải không ít khó khăn, lúng túng, bất cập cả về phương diện sáng tạo tác phẩm, tổ chức biểu diễn đến trình độ đạo diễn, nghệ sĩ, thị hiếu thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, nhất là lớp công chúng trẻ. Tình trạng thiếu vắng khán giả của loại hình nghệ thuật biểu diễn xảy ra khá thường xuyên, hay nói một cách khác là khán giả đã và đang dần quay lưng lại với sân khấu nói chung. Tuy nhiên, kịch nói vẫn là một loại hình nghệ thuật còn thu hút khán giả, vì vậy, các đơn vị sân khấu cần phải có giải pháp, những chấn chỉnh để đưa nhiều hơn khán giả trở về với sân khấu.

    Việc cạnh tranh khốc liệt với các làn sóng nghệ thuật ngoại nhập, các phương tiện truyền thông hiện đại… trong khi sân khấu truyền thống lại cũ kỹ, lạc hậu, sẽ càng làm cho các hoạt động sáng tạo sân khấu khó khăn hơn vì không có khán giả. Chính vì thế, NHKVN cần có những giải phảp để nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật, chất lượng vở diễn để kéo giản giả trở về với mình.

    Giải pháp về xây dựng cơ sở vật chất

    Vấn đề cấp bách về cơ sở vật chất của NHKVN hiện nay là trụ sở làm việc tại số 1 phố Tràng Tiền (Hà Nội). Ban lãnh đạo NHKVN đã đề xuất với Bộ VHTTDL và UBND thành phố Hà Nội xin cấp đất xây dựng trụ sở mới, rạp biểu diễn cố định tại Hà Nội. Trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt và đồng ý của Bộ VHTTDL và của UBND thành phố Hà Nội, việc nâng cấp toàn diện trụ sở làm việc để có đủ nơi làm việc cho các phòng, ban và hai đoàn biểu diễn, nâng cấp hệ thống sân khấu hiện có và hệ thống âm thanh, ánh sáng cố định hiện đại hơn, rộng rãi hơn để phục vụ việc tập luyện và biểu diễn là việc làm cần thiết.

    Giải pháp về tổ chức, kiện toàn ban giám đốc

    Hiện tại, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý tại Nhà hát Kịch Việt Nam đang là vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Bởi vì cho đến nay, Ban Giám đốc NHKVN chỉ duy nhất có một Phó giám đốc là NSƯT Nguyễn Xuân Bắc. Đây thực sự là một khó khăn lớn đối với NHKVN trong lộ trình tiến tới tự chủ toàn phần.

    Đứng trước tình hình khó khăn này, NHKVN cần xác định các vị trí chủ chốt có thể làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của mình. Đồng thời, phát hiện các cá nhân có năng lực lãnh đạo, phẩm chất chính trị, nhạy bén trong công việc, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, nhằm đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của NHKVN, bổ sung nhân lực vào Ban lãnh đạo để thực hiện nhiệm vụ được giao.

    Giải pháp về định hướng sáng tạo tác phẩm

    Để phù hợp, thích nghi với công tác quản lý văn hóa, nghệ thuật trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, NHKVN cần có kế hoạch mở rộng cơ cấu xây dựng hệ thống kịch mục của mình. Về cơ bản, cần có đủ ba loại kịch phẩm: kịch chính luận, kịch giải trí, kịch dịch vụ sự kiện; có đủ các loại đề tài trên bốn phương diện: đề tài cách mạng, đề tài kháng chiến, đề tài lịch sử dân tộc, đề tài công cuộc đổi mới đất nước. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cần có cả những đề tài được thực hiện bằng phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa và hiện thực phê phán. Trong hệ thống kịch mục này, cũng cần xây dựng cả loại kịch dài và loại kịch ngắn, kịch tổng hợp “lai pha” để đa dạng kịch mục, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của khán giả đương đại.

     Giải pháp về quảng bá NHKVN

     Thứ nhất, hiện nay, thành phố Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Số đơn vị hành chính cấp xã là 584 (trong đó có 386 xã, 177 phường, 21 thị trấn). Để đảm bảo tổ chức được các buổi biểu diễn thường xuyên, liên tục, NHKVN cần đưa ra các chiến lược marketing nghệ thuật nhằm thu hút sự chú ý của khán giả, trước hết là của khán giả thủ đô Hà Nội (vì sẽ giảm thiểu chi phí thuê rạp và chi phí vận chuyển các thiết bị âm thanh, ánh sáng); tổ chức biểu diễn ở các quận, thị xã và các huyện ngoại thành Hà Nội. Có thể tổ chức biểu diễn ở sân khấu nhỏ của các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa quận, huyện, bảo đảm cho các đoàn biểu diễn của NHKVN đều có chương trình biểu diễn ở tất cả các đơn vị quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tùy từng địa điểm, các chương trình có bán vé với chế độ giá hợp lý, khác nhau. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch quy định biểu diễn miễn phí ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo và các chương trình biểu diễn mang tính giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật, quảng bá nghệ thuật kịch nói. Tuy nhiên, vẫn phải chú trọng tới vấn đề doanh thu, bởi đây là nguồn thu chính, duy trì đời sống của các nghệ sĩ.

     Thứ hai, NHKVN cần xây dựng kế hoạch tổ chức biểu diễn định kỳ theo các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn trong năm của quốc gia. Trong kế hoạch có thể chia chương trình thành 2 phần: phần diễn phục vụ ngày lễ, ngày hội và phần biểu diễn phục vụ công chúng có bán vé.

      Thứ ba, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghệ thuật. Liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, các tổ chức trong nước và nước ngoài để lên kế hoạch tổ chức lưu diễn. Phối hợp với các địa phương trong nước và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm quảng bá nghệ thuật kịch và giới thiệu các tác phẩm hay tới đông đảo người xem. Tăng cường kết hợp quảng bá các sản phẩm của Nhà hát tới các đối tượng quan tâm trong nước và ngoài nước.

      Từ năm 2012 đến nay, đứng trước tình hình chung trong cơ chế tự chủ và hoạt động theo quy luật thị trường, NHKVN cũng đã từng bước tiếp cận thị trường, nghiên cứu thị hiếu thẩm mỹ của các tầng lớp khán giả và dần dần hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ diễn viên, tác giả, biên kịch… đặc biệt là chất lượng kịch bản, nhằm thích nghi với xu thế phát triển mới của thời đại. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên NHKVN đang tạo động lực để từng bước hoàn thiện mình, xác định vị thế phát triển trong tương lai.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Văn hóa – Thông tin, Ứng dụng marketing trong quản lý văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 2004.

2. Nhà hát Kịch Việt Nam – 65 năm xây dựng và phát triển (1952 – 2017), Nxb Hà Nội, 2017.

3. Cục Nghệ thuật biểu diễn, Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

Tác giả: Lại Huy Hoàng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *