Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nước ta

Văn hóa chính trị (VHCT) với tư cách là một loại hình của văn hóa, là khái niệm nói về sự thẩm thấu của văn hóa vào chính trị, là chính trị có tính văn hóa. VHCT hướng đến những giá trị nhân văn cao cả của đời sống chính trị, đó là những giá trị dân chủ, hướng tới mục đích cao nhất là vì con người, giải phóng con người, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, toàn diện, hài hòa. VHCT bảo đảm cho con người và hành vi chính trị của con người cũng như thể chế chính trị nói chung được trong sạch, minh bạch, phòng chống những tệ nạn quan liêu và tham nhũng, có sức vượt qua những nguy cơ tha hóa, biến chất khi cầm quyền.

Cán bộ cơ sở là lực lượng rất quan trọng trong hệ thống chính trị, là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức cho nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, giải quyết mọi nhu cầu của nhân dân, bảo đảm sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, duy trì trật tự, an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn. VHCT của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở nước ta hiện nay là tổng hợp những giá trị vật chất, tinh thần được hình thành trong thực tiễn hoạt động chính trị. VHCT góp phần nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong xử lý các tình huống, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, đồng thời, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, xa rời quần chúng của đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền nhà nước ở cơ sở. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ, giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” (1).

Nhận thức và thấy rõ tầm quan trọng trong xây dựng VHCT của đội ngũ cán bộ cơ sở, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở ở các địa phương trên cả nước đã coi trọng việc bồi dưỡng, giáo dục VHCT cho đội ngũ cán bộ. Do đó, đội ngũ cán bộ cơ sở luôn có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện các nhiệm vụ; đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy; vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, năng lực quản lý điều hành của chính quyền được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn một số cán bộ cơ sở có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống; tình trạng tham ô, tham nhũng lãng phí, sách nhiễu nhân dân, xa rời quần chúng còn diễn ra ở một số địa phương làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy đang và chính quyền, gây mất ổn định chính trị ở địa phương. Vì thế, nâng cao chất lượng VHCT cho đội ngũ cán bộ cơ sở ở nước ta hiện nay là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung biện pháp chủ yếu sau đây:

Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức về tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ cơ sở

Để nâng cao VHCT cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trước hết cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Bởi lý luận đóng vai trò quan trọng, nó là hệ thống tư tưởng chủ đạo được hình thành trên cơ sở tổng hợp các tri thức và kinh nghiệm của loài người tích lũy được trong quá trình lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã lựa chọn đúng cán bộ cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ” (2). Lý luận được đem ra giáo dục cho cán bộ, đảng viên trước hết chính là lý luận chính trị tư tưởng, lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng. Đây là lý luận liên quan trực tiếp tới việc củng cố lập trường tư tưởng và nhân sinh quan của người cán bộ lãnh đạo.

Do đó, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở những nội dung lý luận về chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó là học tập tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác cách mạng, để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, đặc biệt là khả năng tập hợp, thuyết phục và cổ vũ quần chúng. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là học tập tư tưởng lý luận mà còn là học tập cả phương pháp, phong cách, đạo đức và lối sống của Người. Đối với người cán bộ lãnh đạo nước ta, việc không ngừng nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là một điều kiện cơ bản để nâng cao trình độ lý luận, khả năng công tác và đạo đức cách mạng, một điều kiện cơ bản để nâng cao văn hóa chính trị. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là trực tiếp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (3).

Cùng với việc nâng cao trình độ nhận thức chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, việc nắm vững cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng chính là cơ sở chủ yếu để nâng cao VHCT cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Cương lĩnh chính trị xác định mục tiêu, con đường và những phương pháp chủ yếu trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân, của Đảng và các lực lượng cách mạng ở một giai đoạn tương đối dài. Nó cũng chỉ ra những động lực, hình thức, phương tiện chủ yếu để đạt được mục tiêu chiến lược trong những giai đoạn chiến lược cách mạng.

Nắm vững cương lĩnh, đường lối của Đảng, giữ vững tính kiên định chính trị, đồng thời, có khả năng đề ra và thực hiện những chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực cụ thể nhằm quán triệt đúng đắn cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng mới có thể kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, có cơ sở để nâng cao những tố chất của người cán bộ lãnh đạo chính trị. Bất kỳ một sự dao động, nghiêng ngả hoặc tính toán sai trái nào trên những vấn đề thuộc về nguyên tắc của Đảng đều có thể dẫn đến sự suy thoái không chỉ VHCT của cá nhân người cán bộ lãnh đạo mà còn gây hại lớn cho Đảng và chế độ.

Cùng với đó, trong giai đoạn cách mạng hiện nay ở nước ta, cán bộ cấp cơ sở cần phải nắm vững một cách sâu sắc hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Chú trọng cập nhật những thông tin mới về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhân dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn trên cả nước.

Thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác, kỹ năng giải quyết các công việc cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở khi tiếp xúc với nhân dân

Cán bộ cơ sở là những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, được nhân dân hiểu nhất. Do đó, nâng cao VHCT cho đội ngũ cán bộ cơ sở phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tác phong công tác, kỹ năng giải quyết các công việc, họ phải thạo việc, miệng nói, tay làm, có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây luôn là yêu cầu cấp bách cả trước mắt và lâu dài.

Người cán bộ cơ sở phải là người tiêu biểu về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin của nhân dân. Để đạt được những phẩm chất đó, cán bộ cơ sở ở nước ta hiện nay cần phải đẩy mạnh việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng đạo đức mới. Rèn luyện đạo đức, lối sống phải gắn liền với nâng cao ý thức pháp luật. Hơn ai hết, người cán bộ lãnh đạo phải hiểu và hành động đúng theo kỷ cương, phép nước. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu phải thật sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ cấp trên làm gương cho cấp dưới, cấp trên có trong sáng về đạo đức mới có thể giáo dục, kiểm tra được đạo đức của cấp dưới. Mỗi một người cán bộ cấp cơ sở phải là tấm gương về sự tự phấn đấu, rèn luyện không ngừng mới có thể hoàn thành trọng trách được giao.

Là người tiêu biểu về tính tích cực chính trị đòi hỏi người cán bộ cơ sở phải là người không ngừng tự học tập, tự tu dưỡng. Luôn sáng tạo, năng động vận dụng những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong những điều kiện, thời gian và không gian phù hợp, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiệt tình, hăng hái, trung thực, khách quan, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, không độc đoán chuyên quyền; đổi mới phương pháp tác phong làm việc, luôn sâu sát, gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân; phải có phong cách dân chủ để tập hợp được ý kiến của quần chúng nhằm cải tiến công tác, họ phải “mắt trông, tai nghe, chân đi, óc nghĩ, miệng nói, tay làm”.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở

Trong điều kiện Đảng lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát đối với cán bộ cơ sở có ý nghĩa quan trọng để phát huy quyền làm chủ về chính trị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.

 Ở nước ta, quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được khẳng định trong cương lĩnh của Đảng, Đại hội XII của Đảng xác định: “Tiếp tục cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng… Quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân về những quyết định của mình” (4). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã nêu một hệ thống các giải pháp để xây dựng Đảng, trong đó chỉ ra: Tăng cường hơn giữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và giám sát của nhân dân. Hoạt động kiểm tra, giám sát quan trọng nhất của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở hiện nay là nhân dân thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng cán bộ và chất lượng lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền.

Như vậy, nâng cao VHCT cho cán bộ cơ sở ở nước ta hiện nay sẽ trực tiếp góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thực tiễn hiện nay cho thấy, cán bộ nếu không được thường xuyên kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời sẽ dẫn đến rất dễ mắc sai phạm, khuyết điểm. Ngược lại, cán bộ được thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì sẽ hạn chế được những khuyết điểm, ít sai phạm phải xử lý. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng đội ngũ này luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực và trí tuệ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và động viên nhân dân chủ động tham gia công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương; cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện để nhân dân thực hiện hiệu quả việc giám sát và đánh giá cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, tăng cường mối liên hệ giữa Hội đồng nhân dân với cử tri; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp xã đối với sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cơ sở

Thực hiện giải pháp này sẽ góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo của cán bộ cơ sở ở nước ta hiện nay. Đây là giải pháp có tính cơ bản, lâu dài, bởi nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở cơ bản vẫn phải lấy từ cơ sở, nguồn tại chỗ là chính. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt khâu quy hoạch cán bộ, bảo đảm thực hiện đúng các phương châm, nguyên tắc của công tác quy hoạch cán bộ, có nguồn cán bộ dồi dào, bảo đảm chất lượng và cơ cấu.

Phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ cơ sở. Cần xây dựng các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức cần có khi ứng cử, đề cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp cơ sở. Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ cán bộ chủ chốt nâng cao trình độ, có sự hỗ trợ hợp lý về vật chất và tinh thần.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cần chú ý cập nhật để bổ khuyết những bất cập về kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, công tác dân vận, quy trình xử lý tình huống gắn với chức danh cụ thể, tin học và ngoại ngữ… Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với tiêu chuẩn, chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ với phương châm “biết nhiều việc, chuyên sâu một việc”. Cần tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách cụ thể, ổn định cho cán bộ công tác ở cơ sở, trong đó cần xác định lại hướng ưu tiên dành cho cấp cơ sở. Chú ý đối tượng quy hoạch là cán bộ trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, bộ đội xuất ngũ. Thực trạng, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng là do hệ thống chính sách đối với cơ sở còn thiếu đồng bộ, bất cập, không tạo được động lực để giữ chân và thu hút cán bộ. Cần gắn xây dựng và thực hiện quy hoạch với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo từng chức danh với các hình thức phù hợp với từng đối tượng. Chú ý tăng cường bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính, pháp luật và các kỹ năng hoạt động, công tác ở cơ sở, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở.

VHCT nói chung, VHCT của cán bộ cơ sở nói riêng, là một vấn đề rộng lớn chịu sự tác động của rất nhiều nhân tố khác nhau. Việc nâng cao VHCT của người cán bộ cơ sở ở nước ta hiện nay phải được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với năng lực lãnh đạo của Đảng, với văn hóa Đảng, sự ổn định của hệ thống chính trị, sự hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sự dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và việc tạo lập môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội hiện thực bền vững và phát triển. Trên cơ sở đó xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách trước mắt, nhưng cũng là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, chủ quan duy ý chí. Phương hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở phải theo hướng toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, thực sự là những công bộc của dân, vì nhân dân phục vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và quản lý chính quyền đô thị, xây dựng nông thôn mới.

_______________

1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.269, 279.

3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.21, 171.

 

Tác giả: Nguyễn Đại Văn Phú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *