Giáo dục đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, công chức hiện nay


Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp đối với
cán bộ, công chức là bộ phận cấu thành hệ thống tư
tưởng của Người, có giá trị lý luận, thực tiễn để giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng nên đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng”, “vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Đối với Người, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu, lời nói cho hay, cho có mà đó là hệ thống những quan điểm, tư tưởng thể hiện sự băn khoăn, lo lắng, trăn trở của Người về cán bộ, công chức phải thực sự là “công bộc” của nhân dân. Những tư tưởng đó của Người đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp có năng lực, phẩm chất về đạo đức, lối sống, đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi hơn nữa.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức

Tư tưởng về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ giá trị nhân văn của dân tộc, tất cả đều vì dân, vì nước, vì sự nghiệp kháng chiến, giành độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Người khẳng định: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh công việc chung cho dân, chứ không phải là để đè đầu cưỡi cổ nhân dân trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” (1). Ngay từ những năm 50 của TK XX, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20-5-1950, về việc ban hành quy chế công chức do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành, đưa ra bốn tiêu chí trong câu nói ngắn gọn: “Công chức là đầy tớ, công bộc của dân”, có 4 phẩm chất “Cần – Kiệm – Liêm – Chính”. Theo đó, cán bộ, công chức phải lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng của người cách mạng “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn; cây phải có gốc, không có gốc thì cây khô héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo nhân dân được” (2). Người chỉ rõ: “Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, trăm sự thành bại đều do cán bộ tốt hay xấu” (3). Đây là những yếu tố rất căn cốt, cơ bản để tạo nên đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức.

Đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải bắt nguồn từ chính những suy nghĩ, hành động việc làm nhỏ ở trong công việc, cuộc sống. Đó là nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với công việc, coi nơi làm việc như ngôi nhà của mình, đồng chí, đồng đội, nhân dân như người thân ruột thịt trong gia đình. Có như vậy, mới làm cho đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức được phát huy, tỏa sáng, tạo nên sự gần gũi, thân mật trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết các mối quan hệ, thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới của Đảng, Nhà nước ta đạt được nhiều thắng lợi mới. Người cho rằng, việc đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ công tác, đặc biệt, Người nhấn mạnh đến chữ “đức” và “tài” của người cán bộ, công chức. Người nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đây là hai yếu tố song trùng có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau một cách rất chặt chẽ không tách rời nhau; ở những điều kiện, môi trường cụ thể có sự bổ sung, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho “đức” và “tài” phát triển.

Để hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, Người cho rằng phải có kiến thức về khoa học quản lý nhà nước, có năng lực điều hành và tổng kết thực tiễn; có khả năng thể chế hóa các chỉ thị và nghị quyết của Đảng, tinh thông về chính sách và pháp luật; nghiệp vụ hành chính; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đó còn là sự gương mẫu, thống nhất giữa lời nói và hành động của cán bộ, công chức; đức tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” trong công việc, cuộc sống của cán bộ, công chức phải được biểu hiện cụ thể thông qua những hành vi thực thi công vụ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; cán bộ, công chức phải gương mẫu về đạo đức, lối sống.

Trong thời gian qua, việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, công chức đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ được phân công, đảm nhiệm mà đó còn là sự cụ thể hóa, thể chế hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 33 chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đi học tập, nâng cao trình độ trong và ngoài nước; cải tiến về cách thức, nội dung thi tuyển, đảm bảo lựa chọn được nhân lực có phẩm chất tốt, trình độ lý luận chính trị, kiến thức, tư duy tốt, đáp ứng yêu cầu công việc (4). Ở Thanh Hóa, để giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, các cơ quan, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2013-2020, toàn tỉnh đã tiến hành 1.077 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ; đã phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với 22 trường hợp vi phạm (5).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được thì việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: Trong quá trình làm việc, một số cán bộ, công chức chưa nắm được chức trách, nhiệm vụ của mình, chưa thật sự gần dân, sát dân để lắng nghe giải quyết có hiệu quả những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân, còn có biểu hiện quan liêu, hách dịch, thái độ làm việc với nhân dân không chuẩn mực, thiếu trách nhiệm; thậm chí có cán bộ, công chức vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi vòi vĩnh doanh nghiệp, gây khó khăn cho một số cá nhân đến xin giấy phép kinh doanh, mở công ty… thiếu ý chí động cơ phấn đấu vươn lên.

Đảng ta khẳng định: “Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu. Chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành có mặt còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ; chính sách tiền lương, nhà ở và việc xem xét thi đua, khen thưởng chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc” (6).

2. Một số biện pháp nâng cao giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay

Một là, quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay

Theo đó, cần tập trung quán triệt một số nghị quyết, chỉ thị, quy định tiêu biểu của Đảng, Nhà nước như: Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Những điều đảng viên không được làm, Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3-1-2018, của Ban Bí thư về Công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW ngày 15-8-2019 của Ban Bí thư về việc Tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; Quyết định 1847/QĐ-TTg về việc Phê duyệt đề án công vụ ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ; phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở… Trên cơ sở đó, cụ thể hóa, thể chế hóa thành những quy định, yêu cầu riêng cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đặt ra những yêu cầu cao cho cán bộ, công chức trong quá trình làm việc, giải quyết mối quan hệ trong đời sống thường ngày với nhân dân; thường xuyên đối chiếu, so sánh những quy định, yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nơi làm việc với khả năng thực hiện của bản thân để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Hai là, đề cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trước hết phải là tấm gương tiêu biểu về năng lực, phẩm chất về đạo đức, lối sống để cho cán bộ, công chức cấp dưới noi gương học tập và làm theo; phải sâu sát, bám nắm được mọi hoạt động của cán bộ, công chức, đặc biệt là về năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, để sắp xếp, bố trí cho hợp lý. Muốn vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kiến thức rất toàn diện về các mặt công tác; có phương pháp quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thực tiễn cho cán bộ, công chức để tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; phải có con mắt tinh đời trong nhìn nhận, đánh giá cán bộ, công chức. Khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức phải thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, tuyệt nhiên không được đánh giá theo cảm tính, ý kiến chủ quan, hoặc vì yêu ghét người này, người kia mà đánh giá thấp, không ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, công chức. Để làm được những nội dung trên, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiên phong làm trước; phải thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công chức chấp hành nghiêm những quy định, yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp; tránh xa những cám dỗ lợi ích vật chất; có thái độ ứng xử đúng mực với nhân dân; giải quyết công việc một cách hài hòa hợp tình, hợp lý; không được cứng nhắc, nguyên tắc trong công việc, cuộc sống; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, ban, ngành, nhất là các tầng lớp nhân dân về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (7). Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là khâu yếu, mặt yếu, lĩnh vực nhạy cảm như đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép hoạt động; chế độ, chính sách cho các đối tượng yếm thế của xã hội… Đặc biệt, phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, công chức; nhân dân có quyền phản ánh, phản biện những nội dung, vấn đề mà mình chưa biết, hoặc chưa rõ; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đầy đủ, chi tiết, phân công, giao nhiệm vụ cho các bộ phận, lực lượng đề cao tinh thần, trách nhiệm của mình, không vì mục đích cá nhân riêng mà hạ thấp, hoặc lờ đi những sai phạm, thiếu sót của cán bộ, công chức; luôn đặt lợi ích của tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương lên trên hết; lấy mục tiêu giữ vững sự đoàn kết, ổn định, phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương làm điểm hướng đích trong quá trình kiểm tra, giám sát; tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở giữa lực lượng kiểm tra, giám sát với cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm.

Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức

 Theo đó, từng cán bộ, công chức dù ở chức trách, vị trí nào cũng phải tích cực, chủ động tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Mỗi cán bộ, công chức phải xác định rõ mình là người của Đảng, Nhà nước, cho nên bất luận trong điều kiện, tình huống nào cũng phải giữ cho được uy tín, danh dự, không vì một chút nóng giận, hoặc mềm lòng trước cám dỗ của mặt trái cơ chế thị trường để rồi mất hết cả sự nghiệp của mình. Những hành động, việc làm của cán bộ, công chức dù lớn hay nhỏ nhân dân đều biết. Do vậy, phải đặt ra những yêu cầu cao trong công việc, tiếp xúc với nhân dân; khép mình vào tổ chức, môi trường làm việc; thường xuyên tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi ngành, lĩnh vực đòi hỏi; không được bằng lòng, thỏa mãn với bản thân, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua chính mình, không để những mối quan hệ bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, công chức phải thật sự khiêm tốn, ham học hỏi, cầu tiến bộ, xác định rõ vi trí, chức trách, nhiệm vụ của mình ở môi trường công tác đó; đặc biệt giải quyết tốt các mối quan hệ không những ở nơi làm việc, mà còn ở nơi địa bàn cư trú của cán bộ, công chức; xây dựng thái độ, động cơ, ý chí phấn đấu vươn lên ở mọi lúc, mọi nơi; không được nản lòng, bi quan, dao động trước khó khăn, thất bại.

3. Kết luận

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức ở nước ở nước ta hiện nay đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Tính thời sự được quy định bởi ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp đối với việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, mở cửa, hội nhập quốc tế. Những tư tưởng của Người đã trở thành kim chỉ nam để Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chí về giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang tiến hành đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì việc quán triệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng địa phương mình để lựa chọn ra cán bộ “có đức”, “có tài” theo những chỉ dẫn của Người chỉ ra lại càng có nghĩa cấp bách hơn bao giờ hết. Đạo đức nghề nghiệp không phải tự thân nó có. Mỗi cán bộ, công chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức để trở thành những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” theo lời dạy của Người.

______________

1, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64-65, 487.

2, 7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.292, 287.

4. Nguyễn Thị Lê Ngọc, Bộ Tài chính: Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ công chức, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 22-9-2019.

5. Việt Linh, Nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, phòng chống tham nhũng, Baothanhhoa.vn, ngày 10-9-2020.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tác giả: Trần Thị Tuyết Nhung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020
Tác giả: Trần Thị Tuyết Nhung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *