Giáo dục trải nghiệm di sản-giải pháp bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương


Trong phương pháp giáo dục hiện đại, việc lấy người học làm trung tâm được coi như một định hướng chỉ đạo. Ở các bậc giáo dục từ mầm non tới trung học phổ thông hiện nay, việc nghiên cứu và đưa giáo dục trải nghiệm di sản (GDTNDS) vào nhà trường đã được triển khai thực hiện từ lâu ở nước ta, nhưng chưa trở thành hoạt động đại trà, chưa có được phương pháp dạy lâu dài, thường xuyên (1). Xuất phát từ mục tiêu vì người học, thời gian qua, nhiều địa phương đã đưa di sản vào trường học, song chủ yếu đối với các di sản diễn xướng dân ca. Chương trình GDTNDS cũng đã được đưa vào thử nghiệm tại một số bảo tàng, di tích thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhà trường phối hợp với nhà quản lý di sản lựa chọn nội dung dạy phù hợp với đối tượng học sinh để gợi mở các câu hỏi cho học sinh tự khám phá và trải nghiệm, nhằm đem lại cho học sinh những bài học sâu sắc từ hoạt động trải nghiệm thực tế (2). Theo quan điểm của nhiều người, giáo dục di sản là được giáo dục thông qua di sản, đó là một phương pháp tiếp cận giúp người học tự lĩnh hội kiến thức và phát triển toàn diện nhân cách.

Du khách đến tham quan lễ hội đền Hùng. Ảnh Phạm Lự

      1. Quan niệm và thuật ngữ

      Theo một số quan điểm, GDTNDS là phương thức giáo dục truyền thống từ thực tế địa phương với quan niệm mới là “di sản ở xung quanh chúng ta” (3). Theo đó, trọng tâm của hoạt động này là khuyến khích các hoạt động trải nghiệm của học sinh với quy trình khái quát là: giáo viên lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch, tổ chức, dẫn dắt học sinh khám phá từng bước về di sản để hiểu giá trị, ý nghĩa của di sản thông qua quan sát, thu thập, thảo luận, xử lí thông tin, tự trình bày sản phẩm nghiên cứu của mình bằng các hình thức như thuyết trình, triển lãm, tiểu phẩm… (4)

      Theo tác giả Lê Thị Minh Lý, có nhiều cách tiếp cận GDTNDS được áp dụng linh hoạt vào các chương trình hoạt động của nhà trường. Đó có thể là bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa ở thành phố hay các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (nghệ nhân, các di sản thiên nhiên) ở các vùng xa xôi, hẻo lánh…(5)

      Tuy nhiên, theo chúng tôi, GDTNDS nên được hiểu đầy đủ và rõ nghĩa là hoạt động thiết kế, tổ chức việc nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức thông qua những hoạt động gắn kết thực tế với di sản một cách đa dạng và đa chiều. Đó có thể là học tập về chính di sản một cách trực quan nhất thông qua trải nghiệm thực tế: quan sát, phân tích, cảm thụ bằng nhiều giác quan nhất. Từ đó người học sẽ trở thành một mắt xích trong hệ thống truyền bá, giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Đó cũng có thể là việc học tập thông qua một di sản cụ thể, từ đó, người học có được sự hứng thú trong lĩnh hội kiến thức tổng hợp, nâng cao ý thức trách nhiệm với di sản và cộng đồng, đặc biệt là phát triển toàn diện nhân cách, trí tuệ và tâm hồn. Giáo viên, giảng viên là người nghiên cứu, tìm tòi về các nội dung có thể giảng dạy tại di sản, thông qua di sản, từ đó thiết kế các hoạt động dạy học và trải nghiệm phù hợp. Đó có thể là các hoạt động trong trường (chính khóa và ngoại khóa), nhưng đặc biệt là chú trọng các hoạt động ngoại khóa ngoài trường, học tập dã ngoại, thực tế tại di sản và trong không gian di sản.

      2. Một số giá trị tiêu biểu của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có thể được khai thác cho hoạt động giáo dục trải nghiệm

      Cùng với hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một trong hai di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở tỉnh Phú Thọ. Di sản này mang một giá trị và phạm vi tác động sâu rộng trong chiều dài lịch sử và chiều rộng không gian văn hóa của người Việt. Bàn về giá trị của di sản này, đã có vài trăm công trình nghiên cứu bộ phận và nhiều công trình nghiên cứu tổng thể khẳng định đây là một di sản đặc biệt với rất nhiều giá trị to lớn.

      Có thể khái quát những giá trị tiêu biểu như sau:

      Giá trị lịch sử: phản ánh tư duy thế giới quan thời dựng nước – sơ sử của người Việt, chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, tạo dựng cơ sở cội nguồn dân tộc. Hoa văn trên trống đồng, những di vật khảo cổ đào được còn nói được vô vàn những điều, kể cả những điều thuộc lĩnh vực triết lý, tư tưởng mà tổ tiên muốn gửi lại cho con cháu (6). Từ các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến đỉnh cao là nền văn minh Đông Sơn đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh và đa dạng của lịch sử dân tộc thời kì dựng nước, trong đó, có những thành tựu văn hóa đáng tự hào trên vùng đất Tổ.

      Giá trị văn hóa tâm linh: với hạt nhân cốt lõi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mở rộng là sự tích hợp, đan quyện của nhiều tín ngưỡng dân gian như thờ thần núi, thờ thành hoàng, thờ anh hùng dân tộc, thờ danh nhân văn hóa, thờ mẫu, thờ lúa, thờ trời… để trở thành một tín ngưỡng có vị thế đặc biệt trong đời sống văn hóa dân tộc. Nói như GS. Hà Văn Tấn: “không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng, có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm” (7).

      Giá trị bản sắc văn hóa dân tộc: thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, phong tục, tập quán của cư dân văn hóa lúa nước (sản xuất, trị thủy, lễ tết, thờ cúng, cưới hỏi…).

      Giá trị cố kết cộng đồng: đây là một tín ngưỡng có sức kết nối cộng đồng dân tộc to lớn, vượt qua các giới hạn về mặt không gian lãnh thổ. Xuất phát từ việc thờ tổ tiên nói chung, tín ngưỡng đã có hành trình từ không gian “làng” lên “núi” và rồi trở thành một biểu tượng của cội nguồn dân tộc chung trong đại gia đình 54 dân tộc anh em khắp mọi miền đất nước, trở thành biểu tượng Quốc tổ của cộng đồng người Việt trên thế giới.

      Giá trị giáo dục: Xuyên suốt trong lịch sử, hình tượng các vua Hùng và những truyền thuyết đẹp đẽ về thời đại vua Hùng đã có một ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục tư tưởng, đạo lý cho các thế hệ người Việt. Chúng ta có “những truyền thuyết, trước sau thống nhất, về một nguồn gốc dân tộc đáng yêu, một lịch sử đáng quý, và còn có lòng tin sắt son trước sau như một của những người bình dân, sống xa thành thị, đối với tổ tông, nên đất nước còn tồn tại đến ngày hôm nay” (8). Bởi lẽ, “với người Việt, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hệ giá trị đạo đức để đoàn kết xã hội” (9), nên đây là một giá trị cốt lõi cần phải được khai thác trong sự nghiệp giáo dục và giáo dục truyền thống ở nước ta hiện nay.

      Giá trị tinh thần, tư tưởng: Đây là một giá trị đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, khác với các di sản khác. Hùng Vương là người đứng đầu nước Văn Lang theo truyền thuyết và Ngọc phả, là người chỉ huy quận sự, chủ trì các nghi lễ, các hoạt động tổ chức quản lí đất nước. “Nếu đó chưa phải là quyền lực nhà nước thật sự thì ít ra cũng là “những tiền đề của quyền lực nhà nước” (10).

      Xuất phát từ những yêu cầu của lịch sử, việc nhà nước phong kiến (triều Lê) đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương, cùng với việc đề cao các hoạt động thờ tự các vua Hùng, đã có ý nghĩa tạo dựng một cơ sở niềm tin có hệ thống về nguồn gốc, có ý nghĩa như một bản “lí lịch” của dân tộc. Để từ đó, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử suốt 7 thế kỉ qua, cả dân tộc đã nương dựa vào ý thức cội nguồn và niềm tự hào ấy để có được sức mạnh đoàn kết dân tộc, vững vàng vượt qua mọi biến cố lịch sử.

      Bên cạnh những giá trị to lớn đó, di sản tín ngưỡng Hùng Vương còn có những đặc điểm hết sức đặc biệt như: hợp phần đa dạng (từ hệ thống truyền thuyết, thần phả, thần tích cho đến hệ thống các di chỉ khảo cổ, các di tích thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, các phong tục, tập quán, lễ tết, lễ hội đa dạng ở nhiều cấp độ, phạm vi; không gian di sản rộng lớn (các di tích phân bố dày đặc (hơn 300 di tích trong tỉnh, hơn 1400 di tích trong cả nước và có cả ở nước ngoài)… Bởi vậy, việc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị cũng như các hợp phần của di sản là một nhiệm vụ quan trọng đối với công tác quản lí một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có nhiều giá trị khác biệt này.

      3. Thiết kế hoạt động GDTNDS tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

      Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt. Không chỉ bởi giá trị, ý nghĩa mà còn bởi loại hình, cấu trúc. Đây là di sản đầu tiên thuộc loại hình tín ngưỡng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là di sản có cấu trúc đa dạng, nhiều hợp phần, từ vật thể (hệ thống các di tích, cơ sở thờ tự, cơ sở thực hành tín ngưỡng có số lượng lớn) cho tới phi vật thể (truyền thuyết, thần tích, thần phả, diễn xướng…), có phạm vi phân bố rộng khắp cả nước và đặc biệt dày đặc ở vùng lõi (địa bàn tỉnh Phú Thọ – trung tâm nhà nước Văn Lang cổ).

      GDTNDS đối với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hoạt động có ý nghĩa không chỉ với tư cách là một đối tượng để thiết kế hoạt động giáo dục cho người học mà còn là nhiệm vụ giáo dục truyền thống, trao truyền nhận thức, ý thức trách nhiệm về việc bảo tồn, phát huy vốn di sản quý báu, độc đáo của tổ tiên, của dân tộc chúng ta.

      Vậy, giáo dục trải nghiệm đối với di sản này cần được thiết kế như thế nào để khai thác và phát huy tốt giá trị đặc biệt của di sản.

      Đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường

      Thứ nhất, cần thay đổi và điều chỉnh các nội dung giáo dục về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong các bài học của học sinh, sinh viên. Hiện nay, các nội dung liên quan tới di sản này mới chỉ được đưa vào qua một số các truyền thuyết, truyện kể thời Hùng Vương như: Con Rồng cháu Tiên, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Bánh chưng bánh dày, Trầu cau, Chử Đồng Tử, Quả dưa hấu… Theo chúng tôi, ngoài các câu chuyện này, cần bổ sung thêm các tư liệu khoa học về di sản như: lịch sử tín ngưỡng, hệ thống di tích thờ cúng Hùng Vương trong cả nước và ở Phú Thọ, hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các hợp phần của di sản; các bài viết và bình giảng về giá trị đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Chúng ta không chỉ đưa câu chuyện đơn thuần vào các sách giáo khoa mà còn phải nghiên cứu, xây dựng những bài học được phân tích sâu sắc các lớp nghĩa, được liên hệ, kết nối với hai di sản thế giới, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, trong không gian văn hóa vùng đất tổ của các vua Hùng. Bên cạnh đó, các chương trình GDTNDS có thể sử dụng những hình tượng trong truyền thuyết như hoàng tử Lang Liêu, công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa… làm chủ đề, ý tưởng sáng tạo trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, nhằm hướng đến việc cung cấp cho người học sự trải nghiệm thực tiễn sâu sắc, toàn diện hơn, giúp cho người học tự hoàn thiện nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với việc bảo tồn, phát huy di sản quý báu mà cha ông đã để lại.

      Thứ hai, cần thiết kế các hoạt động ngoại khóa trong trường như: thuyết trình, làm hướng dẫn viên giới thiệu di sản, thi tìm hiểu về di sản… qua các buổi ngoại khóa hoặc các giờ học ngoại khóa kết hợp giờ chào cờ đầu tuần; bổ sung tư liệu và hướng dẫn tự đọc sách, truyện về thời kỳ Hùng Vương cho học sinh phổ thông tại các thư viện thân thiện trong giờ giải lao…

      Đối với hoạt động trải nghiệm thực tế tại di sản

      Tuy là một di sản văn hóa phi vật thể, song di sản lại có cấu trúc hợp phần đa dạng, bao gồm cả phần vật thể và phi vật thể. Trải nghiệm thực tế tại di sản là một yêu cầu hết sức cần thiết trong chương trình giáo dục đối với di sản này, không chỉ ở các trường phổ thông mà cả trong các trường chuyên nghiệp, đặc biệt là các trường đào tạo về văn hóa, du lịch.

      Một mặt, cần nghiên cứu thiết kế các chương trình tham quan có định hướng, có chủ đề như: trải nghiệm thực hành di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các cơ sở thờ tự tại các địa phương (có chọn lọc), thưởng thức di sản hát xoan trong không gian cửa đình, đền (tại những ngôi đình, đền có kiến trúc đặc biệt, có lịch sử lâu đời và là một trong hơn 300 cơ sở thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (đình Đào Xá, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn).

      Mặt khác, có thể thiết kế nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, đa dạng, sinh động, thu hút người học như: tham quan và tham gia các sinh hoạt làng nghề truyền thống (làng Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), vẽ tranh và sáng tạo trên gốm theo các thiết kế từ hệ thống biểu tượng văn hóa Hùng Vương (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ).

      Một vài thử nghiệm đầu tiên

      Ở một số trường học trên địa bàn tỉnh, hai hướng giáo dục trải nghiệm này đã được thử nghiệm qua những hoạt động cụ thể như: thành lập và vận hành mô hình câu lạc bộ hướng dẫn viên trong trường phổ thông (Trường THCS Vũ Thê Lang, Việt Trì), trong đó, có thiết kế các dự án cho học sinh trải nghiệm về xây dựng và triển khai thuyết minh, giới thiệu về các điểm trong chương trình city tour Việt Trì với trọng tâm là các điểm thờ cúng và di tích liên quan đến di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Đền Hùng, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, đền Vũ Thê Lang…; truyện tranh Truyền thuyết Hùng Vương, Truyện cổ Hùng Vương cũng là những sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học của các giảng viên Đại học Hùng Vương đóng trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm này cũng đã được trao tặng cho nhiều trường tiểu học để bổ sung vào các thư viện thân thiện của các trường, để các thế hệ học sinh được tiếp cận nhiều hơn với những câu chuyện truyền tải về một thời kỳ dựng nước hào hùng, đẹp đẽ của dân tộc trên vùng đất Tổ.

      Ở bậc đại học, Đại học Hùng Vương cũng đã triển khai các chương trình ngoại khóa tham quan trải nghiệm có thu hoạch thực tế tại các điểm di tích thờ cúng Hùng Vương, thuyết minh hướng dẫn tại các di tích, làm video clip quảng bá về di sản, trải nghiệm gói bánh chưng tại làng Hùng Lô trong môn học Văn hóa ẩm thực…

      Các hoạt động này đã bước đầu tạo được những hiệu ứng tốt trong các nhà trường, đối với chính các em học sinh, sinh viên và các thày cô, từ đó có sự lan tỏa tới cộng đồng cư dân tại các điểm di tích. Theo chúng tôi, đây là một hướng đi hết sức khả quan đối với việc nâng cao vai trò cộng đồng xã hội và góp thêm một giải pháp hiệu quả đối với việc bảo vệ di sản nói chung và di sản đặc biệt Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ nói riêng.

      4. Kết luận

      Trong các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nhóm giải pháp về giáo dục đào tạo luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ đó, GDTNDS nên là một giải pháp được ưu tiên quan tâm và đầu tư. Để hoạt động GDTNDS thực sự phát huy được tính tích cực của nó trong nhà trường và trong hoạt động giáo dục, cần có sự nghiêm túc trong định hướng và triển khai của các nhà trường, các nhà giáo và đặc biệt là sự vào cuộc của toàn xã hội cho con em mình, cho sự nghiệp giáo dục gắn kết với mục tiêu phát triển của đất nước. Hoạt động trải nghiệm không chỉ nên được coi là việc đổi mới của một số trường nào đó, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống giáo dục trong việc thay đổi quan điểm nhìn nhận về phương pháp giáo dục và hiệu quả giáo dục, đào tạo, từ đó có những sự đổi mới mạnh dạn trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo.

      Riêng đối với di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ – một di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, theo chúng tôi, đây là giải pháp đặc biệt cần được xem xét, áp dụng vì những giá trị riêng có của di sản này trong đời sống văn hóa cũng như xã hội của đất nước và dân tộc hiện nay.

_______________

1, 2, 4, 5. Giáo dục qua trải nghiệm di sản, daibieunhandan.vn, 3-10-2013.

3. Lê Thị Minh Nguyệt, GDTNDS ở nhà trường phổ thông – hướng tiếp cận mới trong giáo dục truyền thống, Kỷ yếu Hội thảo khoa học các trường đại học, cao đẳng cụm Trung Bắc lần thứ IX, 2012.

6, 8. Cung Đình Thanh, Vua Hùng dựng nước, trong Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.381, tr.425.

7. Nguyễn Chí Bền, Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (35) – 2011.

9. Bùi Hoài Sơn, Quá khứ là bệ đỡ của hiện tại và tương lai – một cách ứng xử của người Việt với tổ tiên, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (35) – 2011.

10. Phan Huy Lê, Chử Văn Tần, Xã hội thời Hùng Vương, trong Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr. 282.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *