Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử mấy nghìn năm. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc chính là sự thể hiện trách nhiệm của thế hệ hiện tại đối với quá khứ, đồng thời, tạo dựng hành trang vững chắc trên con đường hội nhập. Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động và đáng lo ngại, đó là nhiều thế hệ người Việt Nam hiện nay (đặc biệt là thế hệ trẻ) không say mê tìm hiểu văn hóa dân tộc, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về đất nước, khiến nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, biến tướng.
Với vị trí là những giáo viên (GV) bậc Trung học, chúng tôi nhận thấy, để tạo nên hứng thú cho học sinh (HS) tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống của dân tộc, rất cần có sự đổi mới về cách thức tiếp nhận. Nghiên cứu, khai thác các biểu tượng văn hóa nhằm thiết kế thành sản phẩm lưu niệm là một giải pháp có ý nghĩa lâu dài và khả thi. Một mặt bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; mặt khác, đây là con đường để HS tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, không miễn cưỡng. Ngoài ra, đây cũng là cách để tạo nên những sản phẩm lưu niệm đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch.
Giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống xét ở bình diện quốc gia – dân tộc, có thể được khái quát hóa và biểu hiện sinh động trên các bình diện như: Quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; Đời sống sản xuất vật chất đa dạng (trong đó đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước); Đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú. Sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Việt Nam phải tích hội và chuyển tải được những giá trị truyền thống này, góp phần giáo dục, bồi đắp niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước.
Một sản phẩm lưu niệm – Ảnh: Huy Toàn
Biểu tượng đặc trưng cho văn hóa Việt Nam rất đa dạng và có sự bồi đắp qua diễn trình lịch sử của dân tộc, vì vậy, khi lựa chọn các biểu tượng để thiết kế thành sản phẩm lưu niệm cần lưu ý đến các tiêu chí như: tính giá trị, tính đại diện và tính nổi trội cho văn hóa Việt Nam; thuận lợi cho thiết kế, sản xuất; biểu tượng được lựa chọn đảm bảo tính mới; biểu tượng phải phù hợp thị hiếu khách hàng. Theo đó, chúng tôi lựa chọn ba nhóm biểu tượng sau đây:
Thứ nhất, biểu tượng gắn với cội nguồn dân tộc. Có rất nhiều giả thuyết và cách lý giải khác nhau về nguồn gốc dân tộc nhưng bằng những chứng cứ khảo cổ học đã xác định thời kỳ Hùng Vương trong truyền thuyết là có thật với ý nghĩa có sự tồn tại của các cộng đồng cư dân người Việt cổ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu lựa chọn hình tượng Hùng Vương gắn với cội nguồn dân tộc. Ngoài ra, chúng tôi lựa chọn thêm hai nhân vật trong truyền thuyết gắn liền với công cuộc đắp đê, trị thủy của cư dân đồng bằng Bắc Bộ (Sơn Tinh) và cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc của nhân dân ta thời kỳ sơ khai (Thánh Gióng). Các hình tượng này đều quen thuộc với HS Trung học vì nằm trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và Thánh Gióng (Ngữ văn 6, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam). Từ đó, chúng tôi có ý tưởng thiết kế biểu tượng: Hùng Vương thách cưới; Sơn Tinh dời non lấp bể; Thánh Gióng cưỡi ngựa, nhổ tre đánh giặc.
Thứ hai, biểu tượng gắn với lịch sử giữ nước của dân tộc. Lịch sử Việt Nam là một quá trình liên tục, bền bỉ đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang, vì vậy, đồng hành với diễn trình ấy là sự xuất hiện của các anh hùng dân tộc. Có thể kể đến các hình tượng như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung – Nguyễn Huệ… Tất cả các nhân vật lịch sử này đều xuất hiện trong sách giáo khoa Lịch sử bậc Trung học. Chúng tôi xây dựng ý tưởng thiết kế biểu tượng: Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận; Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938; Lý Thường Kiệt và trận chiến trên sông Như Nguyệt năm 1077.
Thứ ba, biểu tượng gắn với sản xuất nông nghiệp trồng lúa. Trong số những truyền thuyết hoặc câu chuyện lịch sử còn lưu lại và nằm trong nội dung sách giáo khoa bậc Trung học, có rất nhiều hình tượng có thể khai thác để thiết kế biểu tượng. Ở đây, chúng tôi lựa chọn hình tượng trong truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy (Ngữ văn 6, tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam) để thiết kế vì biểu tượng này chứa đựng những “mã số văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định từ xa xưa người dân Lạc Việt đã biết chế biến sản phẩm lúa nước, biết tuyển chọn những hạt gạo thơm lành nhất để gói bánh chưng, bánh giầy, làm nên hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Ngoài ra, nhắc đến ẩm thực Việt Nam, tiêu biểu cho một đất nước nông nghiệp lâu đời, không thể không nhắc đến những món ăn đậm chất dân tộc mà vị khách quốc tế nào mỗi lần có dịp đặt chân đến đều tìm tòi, thưởng thức. Có thể kể đến các món ăn như: bún chả, nem rán, bánh cuốn, xôi, cốm… đặc biệt là phở. Đây đều là những sản phẩm có thể trở thành hình ảnh biểu tượng in trên các sản phẩm lưu niệm, để ít nhất gợi cho các vị khách hồi tưởng lại cảm giác khi thưởng thức. Từ đó, chúng tôi có ý tưởng thiết kế biểu tượng: Bánh chưng bánh giầy, Phở Việt Nam.
Thứ tư, biểu tượng gắn với đời sống tinh thần của người Việt. Ngay từ thời xa xưa, bên cạnh hoạt động sản xuất vật chất, người Việt đã sáng tạo nên một đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú cho cả cộng đồng. Những nhạc cụ, tranh dân gian, trang phục, điệu múa… từ đơn giản đến phức tạp đều chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. Ý tưởng thiết kế biểu tượng: Đàn Bầu, Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, Áo dài – một thoáng quê hương.
Sau khi lựa chọn được các mẫu biểu tượng, chúng tôi thực hiện thiết kế các sản phẩm lưu niệm đặc trưng văn hóa Việt Nam theo các bước: thiết kế các biểu tượng trên giấy, lựa chọn các mẫu mã chuyển thể các thiết kế thành sản phẩm, chuyển các thiết kế trên giấy sang thiết kế trên phần mềm máy tính và sản xuất.
Các sản phẩm lưu niệm được chúng tôi thiết kế, sản xuất thử nghiệm đều được tích hợp, lồng ghép những giá trị tiêu biểu của văn hóa Việt Nam truyền thống. Việc nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm này góp phần giáo dục cho HS các trường phổ thông những giá trị tiêu biểu như: hướng về cội nguồn; giáo dục truyền thống yêu nước; trân trọng truyền thống nông nghiệp và giá trị thẩm mỹ. Các sản phẩm lưu niệm đặc trưng giúp cho việc tiếp nhận văn hóa Việt Nam truyền thống trở nên dễ dàng hơn, đồng thời chính trong quá trình tìm hiểu, trải nghiệm thiết kế, HS sẽ được đồng sáng tạo và phát huy tối đa trí tưởng tượng phong phú.
Ngoài những ý nghĩa trên, việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm góp phần đặc trưng hóa sản phẩm lưu niệm phục vụ phát triển du lịch trong bối cảnh các mặt hàng lưu hành trên thị trường hiện nay khá tùy tiện, thiếu nét riêng, thiếu bản sắc. Như vậy, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm trong việc sáng tạo những sản phẩm đặc trưng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Tác giả: Bùi Huy Toàn – Nguyễn Minh Ngọc
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng