GÌN GIỮ, PHÁT HUY NGHỆ THUẬT SƠN MÀI

         Mỗi khi bàn về vấn đề bản sắc dân tộc, chúng ta thường nhận thấy tranh sơn mài Việt Nam là loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Đi từ nghề sơn truyền thống mỹ nghệ rồi phát triển thành nghệ thuật sơn mài, đó là nhờ vào sự phát huy, sáng tạo và gìn giữ của các thế hệ thày và trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trải qua những chặng đường phát triển hơn 80 năm, nghệ thuật sơn mài trở thành chất liệu tạo hình độc lập, cùng với các chất liệu khác như sơn dầu, thuốc nước, bột màu… Chất liệu sơn mài đã tạo ra sự đa dạng và phong phú cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam và thế giới. Trong tình hình hiện nay, trước sự ảnh hưởng, giao thoa của các nền văn hóa cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, tranh sơn mài Việt Nam đang cần có sự thay đổi về đề tài, nội dung cũng như hình thức thể hiện nhưng vẫn giữ được đặc trưng của chất liệu truyền thống.
Sơn mài là chất liệu khá bền chắc, tranh giữ được lâu. Sơn mài dùng những màu truyền thống như: son, then, vàng, bạc, quỳ… nên bản thân phát huy được thói quen thẩm mỹ thị giác của người Việt, dễ đi tới những yếu tố dân tộc, dù có làm theo phong cách hiện đại thì màu sắc trong tranh sơn mài vẫn gợi cái ấm cúng, khỏe khoắn, lành mạnh. Ngay từ những năm đầu thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925) đến sau Cách mạng tháng Tám (1945) các họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng… đã có những tác phẩm sơn mài được sáng tác theo kỹ thuật truyền thống, mang giá trị nghệ thuật cao và được trưng bày tại các triển lãm quốc tế: năm 1931 (Pháp), năm 1934 (Ý), năm 1935 (Bỉ), năm 1937 (Mỹ) và năm 1958 tại Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Hungary… Tranh sơn mài Việt Nam nhận được sự trân trọng của bạn bè quốc tế yêu nghệ thuật. Từ những sự kiện triển lãm đó đã đánh dấu sơn mài Việt Nam là chất liệu cổ truyền mang tính dân tộc, có khả năng diễn tả đời sống hiện tại của một xã hội đầy biến động với các thể loại phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt, các đề tài về chiến tranh cách mạng, đề tài công nghiệp, nông nghiệp. Ở từng thời kỳ chất liệu sơn mài đã có những nghiên cứu đổi thay về hình thức, bảng màu, bút pháp nhưng nó vẫn mang giá trị dân tộc rất lớn. Vì vậy tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè thế giới tôn vinh là quốc họa Việt Nam.
Tranh sơn mài Việt Nam hiện đại được ghi dấu bằng những cuộc triển lãm như: triển lãm mỹ thuật các nước ASEAN, triển lãm mỹ thuật toàn quốc định kỳ 5 năm một lần, triển lãm chuyên đề về tranh sơn mài do Bộ VHTTDL tổ chức.
Năm 2006, triển lãm chuyên đề tranh sơn mài được tổ chức nhằm chào mừng Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 96 tác phẩm của 81 tác giả gồm nhiều thế hệ họa sĩ từ khi mới thành lập Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925) đến nay. Qua triển lãm, người xem thấy được nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam gần một thế kỷ qua đã tiếp thu, sáng tạo không ngừng để sơn mài Việt Nam trở thành một chất liệu hội họa độc đáo. Triển lãm định kỳ mỹ thuật toàn quốc năm 1995 có 159 tác phẩm sơn mài / 806 tác phẩm hội họa và đồ họa được trưng bày. Tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2001-2005 có 168 tác phẩm sơn mài / 540 tác phẩm hội họa và đồ họa trưng bày. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2006-2010 có 169 tác phẩm sơn mài/ 836 tác phẩm của cả triển lãm được trưng bày. Như vậy tranhh sơn mài vẫn luôn phát triển không những về chấtlượng mà cả về kích thước. Hiện tại, các họa sĩ vẽ tranh sơn mài còn khiêm tốn hơn các chất liệu khác, nhưng các tác phẩm của họ bộc lộ nhiều tìm tòi về kỹ thuật và kỹ năng vẽ sơn mài làm phong phú thêm cho ngôn ngữ tạo hình. Các chuyên ngành đào tạo sáng tác tranh sơn mài vẫn tập trung ở một số trường như: Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ví dụ, tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có chương trình đào tạo theo hướng mở. Đó là trong quá trình học những năm đầu, sinh viên được tìm hiểu, nghiên cứu các chất liệu, tạo điều kiện, cơ hội cho họ theo đuổi sở thích và khả năng sáng tạo. Những năm cuối, họ được đăng ký thể hiện bài tốt nghiệp bằng chất liệu mình yêu thích: sơn mài, sơn dầu, lụa…
Tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có rất nhiều sinh viên từ các nước như: Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản… sang Việt Nam tìm hiểu, thực hành, sáng tạo chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam. Qua đó chúng ta có thể khẳng định tranh sơn mài Việt Nam được rất nhiều công chúng yêu mỹ thuật trên thế giới trân trọng đón nhận và ngưỡng mộ. Tuy vậy, việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật sơn mài là một thách thức đối với các họa sĩ vẽ sơn mài và các nhà chức trách. Để nghệ thuật sơn mài có thể phát triển ngày một tốt hơn cả về chấtlượng, Bộ VHTTDL nên kết hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam duy trì và tổ chức thêm những triển lãm thường niên và định kỳ về tranh sơn mài, không chỉ ở trong nước mà cả quy mô mang tầm quốc tế, giới thiệu, quảng bá, động viên, khích lệ các họa sĩ đam mê chất liệu được coi là kỹ tínhkhó chiều này. Việc gìn giữ, phát huy còn rất cần đến những mô hình nghiên cứu chương trình đào tạo và hình thành tư duy từ lứa tuổi sinh viên, họa sĩ trẻ vẽ tranh sơn mài. Điều này cũng cần được kết hợp tốt với việc xây dựng, khôi phục các làng nghề trồng sơn, dát quỳ… nhằm sớm tạo ra tính liên hoàn hơn nữa ở vùng sản xuất nguyên liệu, chất liệu truyền thống nghề sơn. Quan trọng hơn, cần sớm có kế hoạch đầu tư nghiên cứu, xây dựng đề án bảo tồn, phát triển nghệ thuật tranh sơn mài, tạo mô hình khép kín trong mối tương quan chặt chẽ giữa làng nghề sản xuất chất liệu sơn mài với các họa sĩ sáng tác và thị trường.
Như vậy nghệ thuật sơn mài đã và sẽ vẫn là nghệ thuật độc đáo và thế mạnh của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Thực ra, sơn mài chỉ là một trong những chất liệu sáng tác của các họa sĩ, chúng ta không sợ là người Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ lấn át chúng ta về sơn mài. Nghệ thuật chỉ thành công khi sự khác biệt mang dấu ấn cá nhân nghệ sĩ và hơi thở thời đại mà các tác phẩm đem lại (1).

____________
             1. Báo Đại biểu nhân dân, số 191 (3035) ngày 9-7-2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012

Tác giả : Chu Anh Phương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *